Trong 12 kinh đều có động mạch, mà tại sao lại chỉ căn cứ vào thốn khẩu để quyết đoán sống chết lành dữ của ngũ tạng lục phủ. Bởi vì thốn khẩu là nơi các mạch tụ hội, là chỗ động mạch của kinh Thủ thái âm phế.
Mỗi bên mạch có 3 bộ là Thốn, Quan, Xích; mỗi bực có 3 bộ là phù, trung và trầm; 3 nhân với 3 thành 9 bậc. Phù là chủ về ngoài da để xem biểu và phủ. Trung là chủ về phần thịt và xét vị khí; Trầm là chủ về gân xương để xem phần lý và tạng.
Song các tạng không thể tự dồn đến được Thái âm nên phải nhờ có Vị khí làm trung gian mới đến được. Lại nói: Thốn, Quan tuy không có mạch, nhưng mạch Xích vẫn còn đi lại điều hòa thì không lo ngại gì. Lấy điểm đó mà suy xét, thì phế là chủ khí, mạch là thể chất của khí, mà vị là tác dụng của khí, thận là cơ bản của khí, có lẽ nào lại chỉ quý trọng riêng một tạng phế hay sao.
Phù thái quá là mạch đại, là trường, là thực, là khẩn, là huyền, là khâu, là hoạt.
Trung là Vị khí; những mạch không đại, không tế, không trường, không đoản, không trầm, không phù, không hoạt, không sác, sờ tay vào thấy trung bình điều hòa, cảm thấy rất là đều đều êm ái, như vậy là có vị khí.
Mạch trầm mà không đủ là mạch tế đoản, nhu, nhược, trầm, sắc, phục. Song phù với khâu, khâu với hồng, huyền với khâu, hoạt với sắc, cách với lao, lao với thực, trầm với phục, vi với sắc, nhuyễn với nhược giống nhau; nay đem tóm lại thì chỉ có 4 mạch phù, trầm, trì, sác là 4 mạch gốc (7 mạch biểu, 8 mạch lý đều bao gồm ở 4 mạch này).
Muốn biết được chủ mệnh của phong hàn, lạnh nhiệt thì mạch phù mà hữu lực là phong, vô lực là hư. Trầm mà hữu lực là tích, vô lực là khí. Trì mà hữu lực là đau, vô lực là lạnh. Sác mà hữu lực là nhiệt, vô lực là mụn nhọt.
Sau lại chia ra làm 3 bộ, để xem mạch thấy hiện ở bộ nào. Như thấy ở bộ thốn là chủ về bệnh ở thượng tiêu, trên lồng ngực và trên đầu mặt. Thấy ở bộ quan là chủ về bệnh ở trung tiêu, tỳ vị và quãng bụng. Thấy ở xích thì chủ về bệnh ở hạ tiêu, bụng dưới và lưng chân. Như vậy để biết trong khắp ngũ tạng, lục phủ, chỗ nào bị bệnh.
Mạch Phù là ấn nhẹ đã thấy: mạch nổi mà hoãn là mạch phù; phù mà ở giữa trống rỗng là mạch khâu. Phù mà hữu lực là mạch thực. Phù mà thấy cuồn cuộn như sóng cồn là mạch hồng, phù mà dài vằng vặc mà to là mạch trường.
Mạch Trầm ấn mạnh tay mới thấy: Mạch chìm sâu xuống hữu lực là mạch trầm; Trầm mà rất nhỏ bé là mạch vi, yếu hơn mạch vi là mạch nhược. Để tận xương mới thấy là mạch phục (vô lực nhưng to hơn mạch vi mạch nhược, mạch phục là hư).
Mạch Trì là ấn trung bình sẽ tìm thấy: Một hơi thở mạch đập 3 lần là mạch trì, tuy rằng vô lực nhưng vẫn còn chịu sức ấn tay. Nếu không chịu sức ấn tay là mạch nhu. Nhanh hơn mạch trì một chút là mạch hoãn. Mạch đi không lưu lợi là mạch sắc. Nếu đã là mạch hoãn lại thấy 3 lần động, hoặc 5,7,9 lần động rồi lại ngừng, lại có số nhất định gọi là mạch kết. Nếu ngừng lại không có số nhất định gọi là mạch đại.
Mạch sác là ấn cả 3 bậc (phù, trung, trầm) đều như nhau: Cứ một hơi thở đập 6,7 lần và tùy theo hữu lực hay vô lực mà định là hư hay thực; Mạch sác hữu lực mà cứng thẳng là mạch huyền. Tựa như giằng dây thừng từ hai bên vặn lại là mạch khẩn; Đi lại trơn tru là mạch hoạt. To là mạch đại.
Home » Y gia quan miện » 4 mạch gốc