Đời xưa có nói: “Ất với Quý cùng một nguồn” cùng chữa cả can thận là nói thế nào? Vì hỏa có quân hỏa, tướng hỏa, quân hỏa ở trên chủ yên tĩnh, tướng hỏa ở dưới chủ hoạt động, quân hỏa chỉ có một tức là tâm chủ. Tướng hỏa có hai tức là can với thận, thận ứng về Nhâm Quý thủy ở phương Bắc, về quẻ này là quẻ Khảm, về tượng là rồng, rồng lặn ở đáy bể (thận thủy) rồng bay lên mà sấm (lôi hỏa) theo.
Can ứng về Giáp Ất mộc ở phương Đông, về quẻ là Chấn, về tượng là sấm (lôi hỏa), sấm chứa trong hồ (Khảm), sấm dậy mà rồng (long hỏa) theo. Hồ và Bể đều là thủy, đều là ở dưới, cho nên Ất với Quý cùng một nguồn. Mộc ở phương Đông, không hư thì không nên bổ, bổ thận tức là bổ can, thủy ở phương Bắc, không thực thì không nên tả, tả can tức là tả thận. Đến mùa xuân khí đưa lên, rồng chưa hiện ra thì sấm không có tiếng, đến mùa thu khí đưa xuống, sấm chưa thu tiếng lại, thì rồng chưa náu mình, chỉ khiến cho rồng lặn xuống đáy bể thì sấm không còn tiếng phát dữ, sấm chứa lại trong hồ thì rồng không bay lên nữa, gọi là long lôi hỏa là vì thế, cho nên nói cùng chữa cả can thận.
Lại nói can không nên bổ, phương Đông thuộc mùa xuân của trời đất, nảy lộc đâm chồi, khí đầy tràn vũ trụ, ở nhân thể là giận, giận thì khí bốc lên mà khí thất tình thăng, ở không gian là phong (gió), phong thì khí rung động mà làm thành đầu mối trăm thứ bệnh [4], giận mà bổ thêm thì sẽ bốc nghịch lên mà có hại uất tắc, phong mà bổ thêm thì sẽ dồn lên mà có hại đầy buồn.
Lại nói: thận không nên tả. Phương Bắc thuộc mùa Đông của trời đất, cỏ vàng úa, cây rụng lá, vũ trụ tiêu điều, ở nhân thể là sợ, sợ thì khí trụt xuống mà khí thất tình giáng, ở không gian là rét, rét thì khí sầu thảm mà làm cho muôn vật suy, đã sợ mà còn tả nữa thì sẽ hỏa ra khiếp mà có cái hại té ngã, hàn mà lại tả thì sẽ trống rỗng mà có hại khô kiệt.
Lại như can cũng có phép bổ, mộc đã không hư mà lại nói bổ là vì can khí thì không nên phạm đến chứ can huyết thì nên tư dưỡng, mộc không đủ sức thì tưới nước vào tức là thận thuộc thủy, làm cho mạnh nguồn thủy thì mộc nhờ đó mới tốt.
Lại như thận cũng có phép tả, thủy đã không thực mà lại nói tả là vì thận âm (chân thủy, tinh huyết) thì không thể thiếu chứ thận khí thì lại không nên để lấn mạnh quá (khí tức là hỏa, thiếu hỏa biến thành tráng hỏa, cùng với can hỏa đi ngang ra tam tiêu phải nên bình can để tạm thời ức chế cái thế bốc lên can thịnh), khí có thừa thì phải làm cho thăng bằng tức là can mộc (cây), đốn bớt cành cây thì nước được yên lặng. Nói tóm lại một đằng bổ một đằng tả thì khí và huyết tách riêng, dù bổ dủ tả thì thủy và mộc cũng cùng một nguồn, cốt yếu là tướng hỏa dễ bốc lên thì trong mình đau khổ, tả mộc để giáng khí, bổ thủy để chế hỏa, khí tức là hỏa, hỏa tức là khí, cùng một loài mà khác tên, cho nên biết được khí (tức là hỏa) có thừa là càng hiểu rõ ý nghĩa Ất với Quý cùng một nguồn.
Lại nói can không nên bình, vì phương Đông hành mộc là muôn vật bắt đầu sinh từ đó (bốn mùa sinh hóa bắt đầu từ mộc), về thời tiết là mùa xuân (mùa xuân thuộc can mộc), xem đàn bà thụ thai một tháng thì kinh Túc quyết âm can nuôi, can là đầu khí xuân dương phát động, là nguồn hóa sinh của muôn vật, cho nên phải nén giận để dưỡng dương, khiến cho khí tiên thiên sinh ra mãi mãi không cùng, khí ấy không đầy đủ thì bốn tạng kia nhờ vào đâu? Như mùa xuân không sinh gì cả thì mùa hè lớn lên, mùa thu thu lại, mùa đông bế tàng sẽ ra cái gì? Lại như trong ngũ hành, chỉ có hành mộc (cây) là có hình tượng rậm rạp tốt tươi, ví phỏng trong trời đất mà không có cây thì trời đất sẽ ảm đạm không màu sắc gì cả. Vun trồng chăm sóc còn sợ không kịp huống hồ còn muốn đốn đi chặt đi nữa sao? Cho nên dưỡng huyết hòa can để cho hỏa không bốc lên thì tâm khí hòa bình mà toàn thân đều được yên ổn. Huống chi thận chủ bế tàng, can chủ sơ tiết, đó là một cái mở, một cái đóng. Người làm thuốc ngày nay thường hay cố chấp với câu: “can thường có thừa”, hễ bắt tay là nói chuyện bình can, Lại nói: can có tả không bằng bổ chứ không biết các bài Lục vị địa hoàng hoàn, Thất bảo mỹ nhiên đan đều là thuốc bổ can cả.
Home » Huyền tẫn phát vi » Bàn về cùng chữa Can Thận với phép bổ tả