- Tĩnh tâm, tập trung tư tưởng.
- Không lo nghĩ việc ngoài.
- Thở đều để định hơi.
- Đặt nhẹ ngón tay ở ngoài da để xem xét về mạch, gọi là phù.
- Ấn ngón tay hơi nặng ở khoảng da thịt để xem xét vị khí, gọi là trung.
- Đặt ngón tay vào sát gân cốt để tìm mạch tạng, gọi là trầm.
- Xem xét số mạch đập của bệnh nhân.
Cứ một lần thở ra và một lần hít vào, gọi là một tức (hơi thở). Mỗi một tức mạch đập 4 lần là mạch trung bình. Người thầy thuốc phải tự thở hơi cho đều để xem mạch cho đúng.
Mạch mùa Xuân thì huyền mà trường, mạch mùa Hạ thì phù đại mà tán, mạch mùa Thu thì hơi phù mà đoản, mạch mùa Đông thì trầm, nhu hoạt mà nhuyễn. Mạch trong 4 mùa thấy kiêm có sức hòa hoãn là có vị khí, như vậy là mạch không có bệnh (phàm phép xem mạch, nên xem vào buổi sáng sớm, khi đó khí âm chưa bị động, khí dương chưa bị tán loạn, chưa ăn uống gì, kinh mạch chưa đầy thịnh, lạc mạch còn điều hòa, khí huyết chưa bị rối loạn, cho nên có thể xem xét mạch có bệnh hay không).
Mạch của nam giới về bên trái thường lớn hơn bên phải là thuận. Mạch của nữ giới về bên phải thường lớn hơn bên trái là thuận. Nam giới mạch xích yếu, mạch thốn mạnh là thuận và bình thường. Nữ giới mạch xích mạnh, mạch thốn yếu là thuận và bình thường.
Nữ giới thấy hiện mạch như nam giới là mạch hữu dư. Nam giới mà hiện mạch như nữ là bất túc, Nam giới chủ về dương, hai mạch thốn thường mạnh hơn hai mạch xích. Nếu hai mạch thốn lại yếu, hai mạch xích mạnh là thận không đầy đủ. Nữ giới chủ về âm thì hai mạch xích thường mạnh hơn hai mạch thốn. Nếu xích yếu thốn mạnh là hiện tượng hữu dư, bất túc hay hữu dư đều là bệnh. Cho nên nói thái quá cũng như bất cập.
Cả 3 bộ thốn quan xích gọi chung là thốn khẩu, lấy ý nghĩa thốn là mỗi bộ phận đó phạm vi bằng 1 tấc, khẩu là chỗ giới hạn.