Kinh lạc là gì?
Kinh đi đường thẳng, lạc là từ trong đường kinh đi tách sang bên cạnh.
Hãy nói qua sự vận hành đêm ngày của kinh lạc như sau.
Kinh thủ thái âm Phế: hàng ngày giờ dần đi từ huyệt Trung phủ, quanh trên vú ở khoảng xương sườn thứ 3 theo cánh tay đi xuống huyệt Thiếu thương thì thôi (Tức là phía bên trong cạnh đầu ngón tay cái, ở hai tay).
Kinh thủ dương kinh Đại tràng: bắt đầu từ giờ mão, từ chỗ huyệt Thiếu thương (phế) chuyển sang với huyệt Thương dương (phía cạnh bên trong ngón tay trỏ) lần theo khuỷu tay đi lên cạnh mũi tới huyệt Nghinh hương thì ngừng (chỗ lõm cạnh mũi).
Kinh túc dương minh Vị: giờ thìn đi từ chỗ huyệt Nghinh hương chuyển vào giao với huyệt Thừa khấp (dưới mắt 7 phân, ngắm thẳng lên đồng tử), một đường lên đến huyệt Đầu duy (phía ngoài góc trán, trong mái tóc) qua huyệt Nhân nghinh (cạnh cổ họng 1 thốn rưỡi, ngoài lằn gân to) theo ngực bụng xuống ngón chân thứ hai, huyệt Lệ đoài thì ngừng (ở đầu ngón chân thứ hai về phía ngón chân cái).
Kinh túc thái âm Tỳ: giờ tỵ đi từ chỗ huyệt Xung dương (từ kẽ ngón chân thứ 2 và 3 đo lên 3 thốn, ở kẽ xương bàn chân 2 và 3) qua giao với huyệt Ẩn bạch (chỗ cạnh phía trong ngón chân cái) lần theo đùi, bụng đi lên phía dưới nách tới huyệt Đại bao thì ngừng (cạnh sườn phía dưới nách 3 thốn).
Kinh thủ thiếu âm Tâm: giờ ngọ từ chỗ huyệt Đại bao, giao với huyệt Cực tuyền ở dưới nách (là mạch ở chỗ gân dưới nách, đi vào ngực) lần theo cánh tay tới huyệt Thiếu xung thì ngừng (chỗ mé trong hai ngón tay út).
Kinh thủ thiếu dương Tiểu tràng: giờ mùi đi từ chỗ huyệt Thiếu xung giao với huyệt Thiếu trạch (ở bên cạnh phía ngoài đầu ngón tay út) theo cánh tay đi lên huyệt Thính cung (ở bên nhĩ châu trước tai).
Kinh túc thái dương Bàng quang: giờ thân từ chỗ huyệt Thính cung qua giao với huyệt Tinh minh (phía khóe mắt bên trong, ở giữa chỗ lõm nơi thịt đỏ) lần qua đầu cổ xuống lưng, ngang lưng, đùi, chân đến huyệt Chí âm thì ngừng (chỗ đầu ngón út bên mé ngoài).
Kinh túc thiếu âm Thận: giờ dậu đi từ chỗ huyệt Chí âm qua giao với huyệt Dũng tuyền (chỗ giữa gan bàn chân) theo đầu gối lên bụng đi lên huyệt Du phủ ở ngực (dưới xương đòn) thì ngừng.
Kinh thủ quyết âm Tâm bào lạc: giờ tuất đi từ chỗ huyệt Du phủ giao với huyệt Thiên trì (chỗ lõm bên cạnh dưới vú 2 tấc) theo cánh tay đi xuống tới huyệt Trung xung thì ngừng (trong chỗ lõm, đầu ngón tay giữa).
Kinh thủ thiếu dương Tam tiêu: giờ hợi đi từ chỗ huyệt Trung xung qua giao với huyệt Quan xung (chỗ đầu ngón tay thứ 4 phía cạnh ngoài) theo cánh tay đi lên mặt, đến huyệt Nhĩ môn thì ngừng (chỗ thịt lồi lên, nơi lõm ổ tai).
Kinh túc thiếu dương Đởm: giờ tý đi từ chỗ huyệt Nhĩ môn giao với huyệt Đồng tử liêu ở phía ngoài đuôi mắt (chỗ phía ngoài đuôi mắt 5 phân) đi lên phía cạnh đầu, mắt, xuống sườn đến huyệt Khiếu âm ở đầu ngón chân út thì dừng.
Kinh túc quyết âm Can: giờ sửu từ chỗ huyệt Khiếu âm giao với huyệt Đại đôn (ở đầu ngón chân cái) theo gối, đùi, lên bụng đi tới huyệt Kỳ môn thì ngừng. Đến giờ dần lại đi vào kinh Phế.
Đây là 12 kinh của tạng phủ, ứng với 12 mạch đi khắp một lượt rồi trở lại từ đầu.
Người làm thuốc phải xét rõ để biết nguyên nhân mắc bệnh. Do đó mới biết những kinh: Thủ thái âm Phế, thủ thiếu âm Tâm, thủ quyết âm Tâm bào lạc đều từ bụng đi ra tay, nên gọi là ba kinh âm ở tay. Những kinh: thủ thái dương Tiểu tràng, thủ dương minh Đại tràng, thủ thiếu dương Tam tiêu đều từ tay đi đến đầu nên gọi là ba kinh dương ở tay. Những kinh: túc thái âm Tỳ, túc thiếu âm Thận, túc quyết âm Can đều từ chân đi lên bụng nên gọi là ba kinh âm ở chân. Những kinh: túc thái dương Bàng quang, túc dương minh Vị, túc thiếu dương Đởm đều đi từ bụng xuống chân nên gọi là ba kinh dương ở chân. Trên đây là nói thứ tự đường đi của kinh lạc.
Home » Y nghiệp thần chương » Kinh lạc