Lục vị hoàn - Bài thuốc chính để chữa chứng thủy hỏa tiên thiên

(Từ bài Bát vị hoàn Ông Tiền Ất bỏ Quế Phụ để chữa bệnh trẻ em)


Thục địa: 8 lạng (thuốc của Thủ túc thiếu âm, Quyết âm)

Sơn thù: 4 lạng (Túc Quyết âm, Thiếu âm)

Sơn dược: 4 lạng (Túc Thái âm)

Mẫu đơn: 3 lạng (Thủ quyết âm, Túc thiếu âm)

Trạch tả: 3 lạng (Thủ túc Thái dương, Thiếu âm)

Bạch linh: 3 lạng (Thủ Thiếu âm, Túc Thái dương, Túc thiếu dương)



Cách dùng


Các vị tán nhỏ, trộn với Thục địa, cho mật ong vào viên bằng hạt ngô đồng (0,3g), mỗi lần uống 70 – 80 viên, với nước muối nhạt. Nên uống khi đói lòng, uống xong ăn thức ăn ngon để trận lên, làm cho thuốc không ở mãi trong dạ dày mà đi thẳng xuống dưới hạ tiêu để tả khí xung nghịch.


Phương này chữa các chứng:



- Can thận bất túc, chân âm suy tổn, tinh khô, huyết kém, lưng đau chân nhức, di tinh, ỉa ra máu, tiêu khát, đau lậu (lâm bế),


- Khí bị đờm dãi vít lấp, mắt mờ, mắt hoa, tai ù, tai điếc, khô cổ, đau họng, đau lưng, đau đùi với các chứng thận hư phát sốt, đổ mồ hôi, đổ mồ hôi trộm, mất máu, thủy tà dồn lên thành đờm (bệnh lâu ngày âm hỏa bốc lên, tân dịch sinh đờm mà không sinh huyết, nên làm mạnh chân thủy để chế bớt tướng hỏa thì đờm tự nhiên tiêu),


- Thủy hư, huyết hư phát sốt, ho hen, khát nước (thận hư thì đưa nhiệt lên phổi mà sinh ho hen, ấn mạnh đến xương thì nóng bỏng tay), hoặc thận âm hư tân dịch không giáng xuống được, hư hỏng mà thành đờm đến nỗi ho xóc,


- Hoặc đầu choáng váng (dâm dục quá độ, thận khí không thể trở về nguyên chỗ đó là khí hư, mà đầu choáng váng, thổ huyết, băng huyết, rong huyết, can không giữ được huyết, đến nỗi huyết chạy càn bậy, đó là chứng huyết hư mà đầu choáng váng).


- Lại nữa chứng tiểu tiện không nín được, thận hư sinh khát, mất tiếng, răng không chắc, răng đau vì hư hỏa, buồn phiền vật vã vì huyết hư, lưỡi khô, lưỡi đau, gót chân đau, các chứng lở ghẻ ở hạ bộ, các chứng hư thũng ở đầu mắt, phàm các bệnh sốt của trẻ em mà theo loại chứng dương đều chữa được rất tài, nên bảo rằng “làm mạnh chủ thủy để chế bớt dương quang” là thế.


Công năng



Ông Tiền Ất cho trẻ em là thuần dương không âm, cho nên dùng bài này để chữa được tất cả các chứng như tiên thiên bất túc như chậm mọc răng, chậm biết đi, hở mỏ ác, nghẽo cổ.

Vì là thuần dương nghĩa là khí dương còn non, thuần khí không phải nói dương có thừa thì không có phép bổ dương, cho nên bỏ Quế, Phụ để dùng, hễ uống vào là ứng nghiệm ngay, từ đó, tôi tôn là bài thuốc thánh để bổ âm, thực là mở mang được sự mù điếc, mà cứu được nạn chết non, thừa kế được công ơn của Trọng Cảnh mãi mãi.

Hễ thận thủy hư không chế được hỏa thì dùng phương này làm chủ. Trong thận không phải chỉ có một mình thủy mà có cả hỏa mệnh môn, thận không hư thì thủy đủ chế được hỏa, thận hư thì hỏa không có thủy chế ngự mà sinh ra chứng nhiệt cho nên gọi là âm hư hỏa động, nên Hà Gian bảo rằng: “thận hư thì sinh nhiệt” là thế.

Triệu Dưỡng Quỳ chuyên dùng phương này, thường bốc thang lớn để chữa bệnh và nói: “Đem ngay chứng thương hàn khát lâu ra mà bàn, nhiệt tà vào vị phủ thiêu đốt tân dịch cho nên sinh khát, sợ tân dịch trong trường vị khô đi nên phải hạ ngay để giữ lấy tân dịch”. Lần sau lại nói: “chỉ uống nước không thể không cho, chứ không có phép chữa nào khác”. Do có chữa nữa cũng chỉ dùng Cầm, Liên, Tri, Bá, Mạch, Vị thiên hoa. Nặng lắm thì gia Thạch cao, Tri mẫu. Ấy đều là lấy thủy hữu hình để tưới vào hỏa vô hình, làm sao tư dưỡng được cho chân âm ở trong thận, nếu đem bài Lục vị cho uống thì khỏi khát ngay, đâu đến nỗi nhiệt truyền vào Thái âm mà sinh ra táo thực đại tiện rắn nữa.

Bài Lục vị chuyên bổ thận thủy, bài Bát vị đã bổ thận thủy lại bổ cả tướng hỏa, tuổi trẻ nên dùng bài Lục vị, người già thủy hỏa đều suy kém thì nên dùng bài Bát vị. Huống chi tuổi già chân thủy ở thận đã hư, tà hỏa nhân đó lấn vào mà làm hư nhiệt, đến nỗi thành các chứng đau lưng, chân bại, nhổ ra đờm, tiêu khát, tiển tiện không nín được, đau lậu, không có Quế Phụ để ôn tán liệu có được không?

Người ta sợ nóng nhưng không biết thứ hỏa bổ ấy là nguyên khí chân dương. Nguyên khí của chân dương khi đã hồi phục được thì thứ hỏa tà âm ế phải tiêu ngầm đi, thật là thuốc thánh để chữa chứng thủy tràn lên thành đờm, phương thần để chữa chứng huyết hư phát sốt, chỉ tư dưỡng phần âm mà hỏa tự nhiên xuống chứ không cần phải giáng hỏa.

Kìa như vị Thục địa tính ấm, Đan bì tính mát, Sơn dược tính chát, Bạch linh tính thấm thấu, Sơn thù tính thu, Trạch tả tính tả, bổ thận kiêm cả bổ tỳ, Phương thư nói: “Bổ ích tỳ vị để bồi bổ cho mẹ của vạn vật”. Thu tinh khí bị hư hao lại, nuôi khí tư dưỡng thận, chế hỏa lợi thủy, khiến cho bộ máy thông lợi mà tỳ thổ khỏe chắc, thật là có bổ có tả để thành công, rõ là phương thuốc hay xưa nay không thay đổi được.


Ý nghĩa



Đó là phương thuốc thuần âm, vị trọng mà nhuận hạ, thuần âm là khí của thận, vị trọng là chất của thận, nhuận hạ là tính của thận, không dùng bài này thì không thể khiến cho thủy về nguyên chỗ của nó, trong đó chỉ có Thục địa là đầu vị của tạng này còn 5 vị kia là tá như:

Sơn dược là âm kim, quẻ cấn biến trong quẻ khảm, cứng đọng mà sinh kim cho nên vào Thủ thái âm làm vinh nhuận da dẻ, thủy phát từ nguồn cao cho nên khơi thủy phải khơi từ núi, vị Sơn dược làm rắn, là Thái âm thổ, nguồn của chân thủy, thủy thổ thành một khí thuận thẳng xuống dưới rốn, như vị Sơn thù là âm mộc, can thận đều ở dưới, mượn chất chua chát để thu liễm sự lan tràn, thủy hỏa lên xuống tất phải do kim mộc làm đường lối, cho nên cùng với Sơn dược làm chủ đi xuống bên tả bên hữu để giữ, khơi tràn ra, hai vị ấy không tách rời nhau, họ Lý họ Chu thường dùng hai vị này ở phương thuốc khác thì biết.

Đơn bì thuốc của Thủ túc Quyết âm, thiếu âm đưa được tâm hỏa xuống bàng quang, thủy hỏa sánh đôi, tả tâm bổ thận mà lại có vị Phục linh thấm thấp để đưa dương xuống.

Trạch tả mặn tiết để đưa âm xuống, nào khơi nào tháo, làm cho nước không chỗ nào không chảy xuống vào bể. Ấy là ý nghĩa mầu nhiệm về chế phương này. Một thuyết nói: “Trạch tả để tả thủy tà ở Bàng quang mà tai mắt được sáng suốt, sáu kinh đều chữa cả mà chuyên chú dụng công về can thận, hàn táo không thiên lệch mà bổ được âm, thêm được huyết”.

Nếu uống được luôn thì công hiệu khó mà kể cho hết, làm tỏ tai sáng mắt là bảo thấm lợi được thấp nhiệt ở hạ tiêu, thấp nhiệt đã hết thì khí trong trẻo đưa lên cho nên nuôi được 5 tạng, mạnh được âm khí, bổ được hư tổn, khỏi choáng váng đầu, có công năng làm cho tỏ tai sáng mắt ấy là cổ phương thường dùng, người đời nay phần nhiều hay ngờ là làm cho lòa mắt vì uống nhiều quá, thận thủy lợi quá mà mắt phải lòa, vì cổ phương phối hợp nhiều ít rất đúng không thể thêm bớt được.



Gia giảm


(nên xem cả cách gia giảm bài Bát vị).


Thận khí hoàn là thuốc bổ thủy vì Thục địa là thuốc đại bổ tinh huyết, không biết một khi tinh huyết đủ thì chân dương tự nhiên sinh ra, huống chi những vị Sơn thù, Sơn dược đều làm cố sáp được tinh giữ được khí, khí là hỏa, hỏa ở trong thủy là chân dương, thuốc này không hàn không táo, rất bình, rất đạm, rất hay, rất lạ; phỏng có gia giảm chẳng qua vài ba bốn vị.

Nay người ta phần nhiều chọn những vị thuốc bổ trong bản thảo, tự ý gia vào, cô bổ không tả, khách nhiều gấp hai chủ, không chuyên trách được mà công năng của bài Lục vị lại bị thụt lùi. Người đời dùng phương này thường phạm bốn điều lỗi: - Thục địa không phải sản xuất từ đất Hoài khánh thì dược lực yếu - Bào chế không cửu chưng cửu sái thì không chín - Hoặc ngờ Thục địa nê trệ mà giảm bớt đi thì đầu vị lại yếu - Hoặc ngờ Trạch tả hay tả mà giảm đi thì chức năng làm sứ lại kém thì làm sao mà bàn việc thuốc với họ được!

Hình thể gày đen khô khốc thì bội Thục địa, khử Trạch tả, nếu tiểu tiện không lợi thì gia Mạch môn, Ngũ vị, nhất thiết cấm dùng Trạch tả. Đấy không phải là thủy không lợi mà thực là tinh hao kiệt.

Có chứng sốt âm (sốt về chiều hoặc về đêm, hoặc cả ngày lẫn đêm đều nóng hầm hập luôn), thì bội Đơn bì; can hỏa thịnh quá gia Bạch thược (dùng sống), nếu thế hỏa cháy mạnh làm mạch khó nhảy nổi thì gia Tri Bá dùng nước tiểu trẻ em tẩm sao khô; Nếu can khí thịnh, can huyết hư, tính nóng vội hay cáu gắt thì giảm Sơn thù, bội Đơn bì, gia Bạch thược, Sài hồ.

Tỳ hư kém ăn thì bội Bạch linh, Sơn dược khử Đơn bì.

Huyết hư âm suy bội Thục địa, Sơn thù gia Lộc nhung.

Thận hư đau lưng mỏi gối thì gia Đỗ trọng, Ngưu tất.

Tinh hoạt, nhức đầu, chóng mặt, tối mắt thì bội Thục địa, Sơn thù, tinh hoạt quá thì gia Phá cố chỉ.
Tiểu tiện hoặc nhiều hoặc ít, hoặc đỏ hoặc trắng thì bội Phục linh, nếu tiểu tiện nhỏ giọt thì bội Phục linh, Trạch tả, kèm thấp nhiệt thì gia Chi tử, Mộc thông, tiểu tiện đi luôn thì khử Trạch tả, gia Ích trí (sao muối 3 lạng, cay nóng để giữ vững khí).

Tâm hỏa thịnh và có ứ nhiệt bội Đơn bì gia Mộc thông.

Tỳ vị hư yếu, da dẻ khô nhám bội Sơn dược.

Đàn bà huyết khô, kinh bế gia Quy, Thược, Nhục quế, tiểu tiện nhiều ít, hoặc đỏ hoặc trắng thì bội Phục linh.

Các chứng huyết thuộc đại hư của đàn bà cũng nên dùng bài này: - Có hư nhiệt thì bội Đơn bì, khô kiệt thì khử Trạch tả bội Thục địa - Ăn ít thì khử Mẫu đơn bì - Hàn trệ thì gia Quan quế - Đau nhói thì gia Thanh bì, Nhục quế - Sữa không thông thì bội Thục địa gia Mộc thông khử Trạch tả (Trạch tả đã thấm lợi lại tổn thương phần âm mà sữa tức là huyết).

Các chứng sốt của trẻ em, bệnh mới mắc hay hư đã lâu, không bệnh nào là không dùng được, thực là thánh dược đối với nhi khoa, nếu hoặc nóng quá thì bội Đơn bì, nóng cực độ thì gia Tri Bá, nóng và khát thì gia Mạch môn, Ngũ vị bội Thục địa.

Bụng hư trướng thì Thục địa sao khô, bội Linh Trạch, gia Ngũ vị.

Nóng mà mửa thì gia Ngũ vị, Ngưu tất.

Tỳ hư đi tả và kiết lỵ kéo dài thì gia Thỏ ty, Phá cố chỉ.

Ỉa mửa do nhiệt gia Ngũ vị.

Nóng rét gia Sài hồ, Bạch thược.

Động kinh phát sốt gia Long đởm thảo, Tần giao, Sài hồ, Bạch thược, Mộc hương.

Cam nhiệt bội Đơn Thục.

Đau bụng đi lỏng bội Linh Trạch, lâu lắm gia Phá cố chỉ.

Cam mắt gia Sài hồ, Bạch thược, Tật lê, Cúc hoa.

Cam nhiệt, bụng to, bắp thịt teo róc thì Thục địa sao khô, bội Phục linh Trạch tả gia Xa tiền, Ngưu tất.

Nóng biến chứng gia Thăng ma.

Các chứng như tiên thiên bất túc, như chậm biết đi, chậm mọc răng, chậm mọc tóc, chậm biết nói, hở mỏ ác, nghẽo cổ, gù lưng, dô ngực đều nên gia Lộc nhung, Lộc giác giao, nặng lắm gia Hà xa.


Mượn các loại huyết nhục hữu tình để giúp công năng cho loài thảo mộc thì không chứng nào là không công hiệu. (Đó đều là những kinh nghiệm tâm đắc của tôi xin kể sơ lược ra đây. Nhưng trong các phương Lục vị, Bát vị thực là công dụng kỳ diệu về phép vệ sinh.

Bể trong thì còn thấy đáy chứ đọc ở đây thì không cùng được nguồn, người xưa nói: “Y giã ý giã” (nghề y là ý tứ), ý tôi hiểu rõ mà miệng không nói hết được, chính là thế đó.


Cách dùng thang tống

(Nên tham khảo với cách dùng thang uống bài Bát vị)



Sự cấm kỵ


Phàm hỏa hư, tỳ vị yếu dễ đi ỉa chảy thì không nên dùng nhiều.

Người chân âm thịnh, béo trắng, thấy có chứng sốt nóng, đấy là thổ hư không thể tàng được dương thì cấm dùng.

Chứng vong dương tuy thấy nóng dữ, ấy là hỏa bốc ra ngoài, nguyên khí đã thất thoát thì cấm dùng.

Đờm ở tỳ phế bít lấp, hoặc đến nỗi phát suyễn nghịch thì cấm dùng.

Vì thủy thịnh mà phát thũng trướng, tuy có Linh Tả cũng cấm dùng.


Cách biến hóa


Phương này gia Nhục quế 1 lạng gọi là Thất vị địa hoàng hoàn:

Chữa chứng thận thủy không đủ, hư hỏa bốc lên, phát sốt, khát nước, miệng lưỡi sưng lở hoặc chân răng lở loét, hầu họng đau hoặc hình thể tiều tụy, lúc ngủ ra mồ hôi trộm, bài này có thể dẫn hỏa vô căn xuống mà về nguyên chỗ.

Một khi thận thủy không đủ, hư dương lấn lên tất phải dùng phương này để dẫn hỏa về nguyên chỗ. Hỏa của năm thứ tình chí có thể dùng chất ướt (thấp) để vùi dập mà tắt thẳng đi, còn hỏa long lôi thì chỉ nên theo tính của nó mà dẫn nó.

Vị Nhục quế tính nóng, cùng một tính với hỏa, xen lẫn vào các vị thuốc làm tráng thủy của hạ tiêu thì có thể dẫn hỏa vô căn xuống mà về kinh. Đó cũng là ý nghĩa mọi vật đều theo loại của nó mà tụ hợp. Và chất Nhục quế, ở nửa giữa trở xuống, cho nên tính của nó chuyên chạy về thận kinh, gốc ở đất có nghĩa là ưa xuống dưới, huống chi tướng hỏa ký ở khoảng Giáp Ất. Can Đởm mộc vượng thì tốn phong động mà hỏa cháy ngọn sáng.

Cổ nhân cho là thận không thể tả, tả can tức là để tả thận. Sách Bản thảo nói: “can gặp Quế thì khô đi”. Quế là thuốc chủ yếu để trị can. Nội kinh nói: “dùng thuốc nhiệt đem chữa bệnh nhiệt là phép tòng trị kỳ diệu, chính hợp với ý nghĩa noi theo tính của nó mà dẹp đi, hoặc giả sợ nóng mà không dùng thì sao hiểu được cái lẽ thăng giáng huyền vi của tạo hóa mà dùng nhầm thì thận bị tả mà càng hư thêm, càng hư thì hỏa càng bốc”. Theo thuyết Tố vấn nói: “khí tăng mà thắng, dùng thuốc hàn lương lâu ngày lại theo hỏa mà hóa, há không nghe ư?”

Phương này gia Hoàng bá, Tri mẫu đều một lạng gọi là Tri bá Bát vị hoàn

Chữa chứng âm hư hỏa động, xương yếu tủy khô. Mạch hữu xích vượng thì nên dùng. Sách Tập giải nói: “Quân hỏa là tâm hỏa, có thể dùng nước để tưới tắt, có thể dập thẳng đi được, như loại Hoàng liên có thể chế được, tướng hỏa là thiên hỏa, là long lôi hỏa, là âm hỏa không thể dùng nước mà tưới tắt được, cho nên phải theo loại của nó mà vùi lại, chỉ loại Hoàng bá mới có thể đưa xuống được”.

Xét bài Tri bá Bát vị cùng với bài Bát vị Quế phụ bên nóng bên lạnh trái nhau mà uống đều có công hiệu. Bởi vì người ta khí bẩm không giống nhau cho nên bổ âm bổ dương đều thích đáng. Thuốc đặt ra là để bổ chỗ thiên lệch, cứu chỗ tệ hại, bài Lục vị để bổ âm, bài Bát vị để bổ dương, bài Thập bổ để bổ âm dương đều hư, đấy đều là thuốc để tư dưỡng nguồn sinh hóa của tiên thiên, từ khi người đời cho là dùng Tri Bá để bổ âm trở lại hại tỳ vỵ là không đúng.

Tiết Lập Trai nói: “Hễ ham tửu sắc quá độ tổn thương phế thận, chân âm hư thì không nên uống quá nhiều Sâm Kỳ, uống nhiều thì chết vì sợ dương vượng mà âm tiêu hao đi”. Từ khi thuyết này lưu hành mà người đời chữa bệnh âm hư phát ho thì xem Sâm Kỳ tựa như Nhân ngôn, cho Tri Bá là thánh dược, khiến cho người đau về chứng ấy trăm người không sống được một, thật đáng thương hại!

Vì bệnh phát lên là do phòng lao, chân âm đã hao kém, âm hư hỏa bốc lên mà ho hen, trước nên cho uống bài Lục vị để bổ chân âm, làm cho thủy thăng hỏa giáng, tiếp đó dùng Sâm Kỳ là thuốc cứu phế, bổ mẹ thận khiến cho kim thủy tương sinh thì bệnh dễ khỏi.

Cũng có kẻ dùng Sâm Kỳ mà không làm tráng thủy trước để chế dương quang mà vội cho uống ngay Sâm Kỳ để bổ dương trở lại khiến cho dương hỏa vượng mà kim càng bị thương tổn, đó là không biết ý nghĩa cái gì nên trước cái gì nên sau.

Lại có vị hỏa cũng là dương hỏa thực thì nên giáng như loại Đại hoàng, Thạch cao trong bài Lương cách ẩm cũng tạm dùng được. Hư hỏa thì có loại Sâm, Kỳ, Truật đấy là phép bổ thổ để tàng dương, nên dùng bài Bổ trung.

Phương này gia Quế Phụ, Xa tiền, Ngưu tất đều 1 lạng gọi là Kim quỹ thận khí hoàn

(lấy ý nghĩa thu nhiếp thận khí về nguồn gốc cho nên đặt tên là như vậy)

chữa tỳ, phế, thận đều hư, lưng gối chân nặng nề, tiểu tiện không lợi, bụng dạ trướng thũng, chân tay phù thũng, suyễn gấp đờm nhiều đã thành chứng cổ, hoặc khí hư thủy tràn lên thành đờm, dùng phương này vừa bổ vừa trục đi, lại chữa chứng cước khí bốc lên, bụng dưới tê dại, với chứng chuyển bào của đàn bà đái không thông, không phải bài này thì không thể cứu được.
Thổ là mẹ của vạn vật, thủy là nguồn của vạn vật, là phần rất trọng yếu trong thân người, tỳ hư thì thổ không chế được thủy, thận hư thì thủy không yên được vị trí, cho nên đi ngược lên mà tràn ra ngoài bì phu, nhân đó mà công trục nữa thì cái họa làm cho hư thêm hư, nguy không thể chữa được.

Bài Bát vị là thuốc chủ yếu của tỳ thận, dùng Xa tiền làm tá để tiết thủy ở Thái âm, Ngưu tất để khai khiếu ở Thiếu âm, cho nên uống nó vào thì tiểu tiện vọt ra như suối chảy mà chứng trướng khỏi, không hao tổn gì đến khí chân nguyên.

Tỳ phế bị hàn thì khí không hóa được thủy cho nên bài Kim quỹ dùng Quế để làm chuyển động bộ máy thì thủy tự nhiên chảy xuống, không phải như bài Tứ linh chuyên chú về lợi thủy. Bài Kim quỹ thận khí hoàn của Trọng Cảnh bổ mà không trệ, thông mà không tiết, thực là phương thuốc thần diệu để chữa chứng thũng.

Phương này gia Ngũ vị 2 lạng gọi là Đô khí hoàn

Chủ yếu là chữa chứng ho lao, bổ ích nguồn phế khí để sinh thận thủy, lại gia Quế để chữa chứng tiêu khát. Lại gia Ngũ vị 1 lạng, Nhục quế 1 lạng gọi là Bát vật thận khí hoàn, chủ bình bổ thận khí để cho chắc răng tươi sắc mặt.

Phương này gia Ngũ vị 2 lạng, Mạch môn 3 lạng gọi là Bát tiên trường thọ hoàn

lại gia một cái rau thai (hà xa), đều để chữa hư tổn tiêu khát, lao nhiệt. Rau thai vốn là khí huyết của người ta sinh ra, cho nên bổ được khí huyết mượn thêm dược lực, khiến cho từ chỗ vô tình biến thành hữu tình.

Ích âm thận khí hoàn

Phương này dùng Thục địa 2 lạng, Dược, Thù, Đơn đều 5 đồng, Linh, Trạch đều 2 đồng rưỡi, gia Quy vĩ, Sài hồ, Ngũ vị đều 5 đồng viên với mật, Chu sa làm áo gọi là Ích âm thận khí hoàn, tức là bài Minh mục địa hoàng hoàn của Đông Viên chữa chứng hư mắt tối, gia Sài hồ là để đưa dương lên trên.
Phụ phương


6 cách biến hóa của họ Tiết



(Họ Triệu nhờ được y án của họ Tiết mà làm cho ý nghĩa tỏ thêm ra, suy rộng ra mà gặp bệnh nào cũng thông biến rộng rãi, ngoại tà tạp bệnh không bệnh nào là không thống nhiếp quán triệt, mới phát huy được hết tác dụng của bài Lục vị).

Tư thận sinh can ẩm

Dùng bài Lục vị giảm đi một nửa phân lạng mà gia thêm Sài hồ, Bạch truật, Đương quy, Ngũ vị, hợp với bài Tiêu giao bỏ Bạch thược gia Ngũ vị là ý hợp với bài Đô khí, vì để sinh can, cho nên bỏ Bạch thược mà để Bạch truật, Cam thảo để bổ tỳ, bổ tỳ là để sinh kim mà chế mộc, lấy cách chế làm cách sinh, ấy là lẽ tự nhiên của trời đất.

Tư âm thận khí hoàn

Bỏ một vị Sơn thù mà gia Sài hồ, Quy vỹ, Ngũ vị, nhưng hợp với Tiêu giao, Đô khí để chữa cả can lẫn thận, nhưng dùng Sinh địa, Quy vỹ là để thông hành ứ trệ, Sài hồ sơ thông mộc khí, bỏ Bạch thược là sợ hại đến sức sơ thông, gọi là Tư âm là để nuôi dưỡng quyết âm đều dùng Ngũ vị, tuy hợp với Đô khí nhưng thực ra để ngăn ngừa mộc phản khắc là ý nghĩa tả Đinh (hỏa) bỏ Sơn thù là không muốn làm mạnh mộc lên.

Nhân sâm bổ phế thang

Ý nghĩa càng biến hóa vô cùng, thực huyền diệu như rồng bơi đùa ngoài bể, bỏ Trạch tả mà gia Sâm, Quy, Kỳ, Truật, Trần bì, Cam thảo, Ngũ vị, Mạch môn; vị Bạch truật với bài Lục vị tính phản nhau, sao mà hợp lại được?

Trả lời rằng: theo từ chỗ hợp với bài Sinh mạch thì tự nhiên có nghĩa thông với nhau, mượn vị Phục linh để hợp cái điệu của bài Ngũ vị dị công, dùng vị Đươngquy, Hoàng kỳ để hợp cái hay dưỡng huyết, trong đó không dùng Trạch tả là vì nó làm cho phát sốt, khát nước, tiểu tiện không điều hòa, nên không có lẽ lại làm cho kiệt nữa, đã không nên làm cho kiệt thì phải làm cho sinh ra ngay, thế nên mới có bài Sinh mạch, tức là có thể cho bài Sinh mạch Dị công vào được, vả lại thủy sinh từ nguồn cao, có thể nảy ra khí hóa, phế khí sắp kiệt hết sinh ra khát nước, không điều hòa, cho nên phải bỏ ngay vị Trạch tả mà sinh được kim, nuôi được thủy, lại bổ được thổ để sinh kim, thế mới biết người chế ra bài này đã khổ tâm lắm.

Gia vị Địa hoàng hoàn

Lại gọi là Ức âm địa hoàng hoàn, gia Sinh địa, Sài hồ, Ngũ vị đều bằng nhau, càng biến càng thấy hay lạ, Sài hồ từ bài Tiêu giao đưa lại, Sinh địa từ bài cố bản đưa lại, Ngũ vị vẫn nguyên hợp với bài Đô khí, trong đó nói trong tai ngứa đau hoặc mắt mờ, đờm suyễn hoặc nóng khát, đái gắt mà tóm lại cho là can thận âm hư thì biết là chứng âm hư phân nửa, là do hỏa uất gây ra, dùng Sài hồ để sơ tán hỏa uất, không có Sinh địa thì không làm mát được, dùng Ngũ vị để tả hỏa mà bổ kim để sinh thủy, nói ức âm thì không sơ tán được, mà sơ tán là ức chế đó, Sinh địa mát huyết là có ý nghĩa tả đó rồi, tả đi là ức chế đó.

Cửu vị địa hoàng hoàn

Dùng Xích phục linh thay Bạch phục linh, bỏ Trạch tả gia Xuyên luyện tử, Đương quy, Sử quân tử, Xuyên khung, đó là chủ dược để tả quyết âm phong, vẫn là phép chữa cả can và thận, bởi vì có cam tất có trùng, đều là do phong mộc hóa sinh ra, can thì có lẽ công phạt được, nhưng công phạt con thì tổn thương đến mẹ, cho nên dùng bài Lục vị để bổ mẹ, bỏ Trạch tả là không nên sơ tiết thận lần nữa.

Ích âm thận khí hoàn

Lục vị gia Ngũ vị vẫn nguyên là bài Đô khí lại gia hai vị Sinh địa và Đương quy, thế là đưa bài Tứ vật tới, vì sao vậy? Vì có các chứng khác như: phát sốt, sốt cơn, sốt chiều là can huyết hư, thế thì còn dùng Sài hồ để sơ tán sao được nữa, huyền diệu nhất là ở câu nói vùng ngực buồn tức bởi vì chứng buồn tức ở đây là do táo hỏa ở can đởm gây ra, buồn tức náu ở trong vỵ, nếu không dùng cả Sinh địa và Đương quy thì thanh sao được vị hỏa mà sinh được vị âm, nếu dùng Sài hồ tức là bài Tiêu giao thì vào can đởm mà không thể vào vị âm được. Một đằng dùng Sài hồ, một đằng không dùng Sài hồ, thành ra một đằng chữa chỗ này một đằng chữa chỗ khác, ý nghĩa cách nhau như trời với vực, thực là mầu nhiệm.

Họ Triệu sở dĩ cho là phép gia giảm Lục vị phải nghiêm ngặt mà chuyên dùng Lục vị, tuy họ Tiết đã mở đường, nhưng các phép biến hóa ở trên đại khái chưa thấu triệt đến nơi đến chốn, cho nên bỏ hết mà không dùng.

Thấy rằng hợp với Sài Quy mà lại bỏ Bạch thược, trở lại cho Bạch thược sơ can ích thận, đó là điều sáng suốt của ông, còn bảo rằng Bạch truật với Lục vị là thủy thổ phản nhau, Nhân sâm là thuốc của tỳ không vào được thận, lời bàn đó cũng cao kiến, giản dị mà nghiêm ngặt, nhưng tham khảo kỹ phép của họ Tiết thì rút cục là họ Triệu câu nệ, các phép biến hóa của họ Tiết tựa hồ như rỗng tuếch, nhưng kỳ thực là rất nghiêm ngặt, người học thuốc phải hiểu rõ chỗ khéo léo ấy mà để ý cảm thông, đại ý là lấy can thận làm chủ mà cứu rộng đến tỳ phế thì yên ổn được tỳ phế, hai thứ hỏa bất tất phải chữa mà tự nhiên yên thuận.


Các vị thuốc nên phối cùng



Phương thuốc chữa thủy hỏa có thể dùng chung một đội ngũ để lập công thì thuốc của thận cùng với thuốc của can, thuốc của phế đều là thứ tự của nguồn sinh hóa.

Thuốc của thận như Câu kỷ, Thung dung, Cố chỉ, Thỏ ty, Ngưu tất, Đỗ trọng, Địa cốt, Tục đoạn, Tri mẫu, Hoàng bá, Huyền sâm. Thuốc của phế như Mạch môn, Ngũ vị.

Thuốc của can như Sài hồ, Bạch thược, Đương quy.

Thuốc chữa tinh huyết như Lộc nhung, Mê nhung, Lộc giao, Hà xa, Nhân nhũ, còn các vị khác đều có vị nên dùng có vị nên kiêng, nhất thiết không tăng gia bậy bạ, nếu vị này vị kia chống nhau thì phương thuốc hay sẽ thành dở.