Phép dùng thuốc có 10 tễ.
Một là tễ thuốc tuyên tán:
Những bệnh hàn uất phải dùng thuốc tuyên thông phát tán, như loại Sinh khương, Quất bì.- Khí uất mà thực dùng Hương phụ, Xuyên khung để khai thông.
- Khí uất mà hư dùng thuốc bổ trung ích khí để vận chuyển đi.
- Hỏa uất nhẹ thì dùng Sơn chi, Thanh đại để tán đi.
- Hỏa uất nặng thì dùng thuốc thăng dương giải cơ cho phát ra.
- Thấp uất nhẹ thì dùng Thương truật để làm ráo đi.
- Thấp uất nặng thì dùng phong dược để thắng thấp.
- Đờm uất nhẹ thì dùng Nam tinh, Quất bì để hóa đờm.
- Huyết uất nhẹ thì dùng vị Đào nhân, Hồng hoa để hành huyết.
- Huyết uất nặng thì hoặc uống thuốc bổ hoặc uống thuốc lợi để trục huyết.
- Thực uất nhẹ thì dùng Sơn tra, Thần khúc để tiêu đi.
- Thực uất nặng ở trên thì dùng thuốc gây nôn, ở dưới thì dùng thuốc tả hạ để trừ khỏi.
- Những bệnh trên đây đều nên dùng tễ thuốc tuyên tán.
Hai là tễ thuốc thông lợi:
Dùng những vị thuốc thông lợi để chữa những bệnh đọng trệ không thông như loại Mộc thông.
- Nếu thấp nhiệt đọng ở khí phận mà sinh chứng tê đau, đi tiểu khó và bế tắc tất phải dùng những loại thuốc vị nhạt như Mộc thông để trên giúp Phế khí, dưới thông tiểu tiện.
- Nếu thấp nhiệt vào huyết phận sinh ra chứng tê đau, sưng nề chạy khắp nơi, đại tiểu tiện không thông nên dùng thuốc đắng lạnh, đi xuống để thông đại tiểu tiện như loại Phòng phong. Đó là tễ thuốc thông lợi.
Ba là tễ thuốc bổ:
Về những chứng dương hư, âm hư, khí hư, huyết hư. Nếu con hư thì bổ mẹ.- Vị Khương cay bổ can.
- Muối rang mặn thì bổ thận.
- Cam thảo ngọt thì bổ tỳ.
- Ngũ vị chua bổ phế.
- Hoàng bá đắng bổ thận.
- Phục linh bổ tâm khí.
- Sinh địa bổ tâm huyết.
- Nhân sâm bổ tỳ khí.
- Thục địa bổ thận huyết.
- Xuyên khung bổ can khí.
- Đương quy bổ can huyết.
Bốn là tễ thuốc tiết:
Bài tiết có thể trừ được thực. Thực thì tả con.- Can thực thì tả bằng Trạch tả.
- Lại dùng Đình lịch tiết được phế khí, lợi được tiểu tiện.
- Đại hoàng tiết được huyết bế làm cho thuận lợi.
Năm là tễ thuốc nhẹ (khinh):
Những vị thuốc chất nhẹ có thể trừ khỏi được bế tắc, như Ma hoàng, Cát căn. Tà xâm vào bì phu, phần biểu bị bế tắc nên dùng tễ thuốc nhẹ cho ra mồ hôi (phát hãn).- Phần lý bế tắc hỏa nhiệt uất lại phát ra ghẻ lở, nên giải tà ra ngoài da (giải cơ).
- Khí thượng tiêu bị bế tắc như chứng ngoài hàn trong nhiệt, phát ra đau họng nên dùng thuốc cay nóng để đưa lên và tản đi.
- Nếu khi ăn uống những đồ ăn mát lạnh, tà làm uất dương khí phát ra trướng đầy nên dùng thuốc nâng khí trong mà nén khí đục xuống.
- Hạ tiêu bị bế tắc như chứng dương khí hãm xuống sinh chứng đau quặn mót rặn, tất phải dùng thuốc nâng khí dương lên thì đại tiện dễ đi.
- Thế gọi là cách chữa chứng hãm xuống thì phải nâng lên. Vì nóng ráo hại đến phế, hàn tà vít ở trên mà bàng quang bị bế tắc ở dưới, như thế nên dùng loại thuốc thăng phát móc cổ cho mửa, khiếu trên thông thì tiểu tiện cũng đi được. Thế gọi là bệnh ở dưới mà chữa ở trên.
Sáu là tễ thuốc nặng (trọng):
Tễ thuốc nặng có thể trừ được chứng khiếp sợ vì khiếp sợ khí bốc lên phải nén xuống. Tễ này có bốn cách dùng như sau:- Có khi sợ mà khí rối loạn, có khi giận mà khí nghịch lên sinh ra bệnh cuồng mà hay giận nên dùng loại thuốc như Thiết phấn, Hùng hoàng để dẹp can khí.
- Có khi tinh thần không yên hay sợ, chóng quên nên dùng thuốc Chu sa, Thạch anh để trấn tĩnh thần chí.
- Lại như sợ thì khí đi xuống, có khi sợ như có người sắp bắt mình, nên dùng loại thuốc Từ thạch, Trầm hương để an thần.
- Có khi có những chứng phong làm cho choáng váng co giật, chóng mặt, động kinh, đờm suyễn mửa thốc ra không ngừng, phiên vị là do hỏa bốc và đờm dãi làm hại, như thế càng nên dùng tễ thuốc nặng để nén xuống.
Bảy là tễ thuốc thông hoạt:
Tễ thuốc thông hoạt để trừ khỏi quánh đặc, quánh đặc tức là thấp nhiệt hữu hình lưu đọng lại ở tạng phủ. Phải dùng loại thuốc thông hoạt để trừ đi, không phải như mấy vị Mộc thông, Trư linh thì trừ được loại tà vô hình mà thôi.- Nếu đại tiểu tiện khó đi dùng loại thuốc như Tam lăng, Khiên ngưu. Tiểu tiện khó đi dùng loại Xa tiền, Du bì. Tinh khiếu khô sít dùng loại thuốc Hoàng bá, Hòe hoa.
- Thai béo mà sít dùng loại thuốc Hoàng quỳ tử, Vương bất lưu hành. Những vị như Bán hạ, Phục linh có thể đưa được đờm dãi theo đường tiểu tiện mà ra.
- Vị Bán hạ, Nam tinh có tính cay mà trơn, tiết được khí thấp, thông được đại tiện, đó là chất cay làm nhuận táo, làm cho khí hành, hóa được tân dịch. Ai cho vị này là táo thì lầm, vì nó trừ được thấp thì thổ phải táo.
Tám là tễ thuốc cố sáp:
Cố sáp thì có thể giữ được khỏi thoát. Khí huyết thoát, thần thoát thì đều tản mát không thu lại được nên dùng những vị chua mà thu, ôn mà bình để thu lượm lại cho khỏi hao tán.Chín là tễ thuốc táo:
- Táo có thể trừ thấp, vì khí thấp ngăn ướt nề đầy. Tỳ bị thấp tất phải dùng tễ thuốc táo mới chữa khỏi được, như loại thuốc Tang bì, Tiểu đậu.
- Nhưng thấp có ngoại cảm, nội thương, ở trên, ở dưới, ở giữa, ở đường kinh, ở da, ở biểu, ở lý. Thấp ngoại cảm thì do dầm mưa mà mắc phải. Thấp nội thương thì do ăn uống mà mắc phải.
- Có khi thấp là do tỳ yếu thận khỏe. Cho nên thuốc phong có thể trừ được thấp, thuốc táo có thể trừ được thấp, vị thuốc đạm (nhạt) cũng có thể trừ được thấp, cho lợi tiểu tiện cũng có thể đưa thấp đi, lợi đại tiện cũng có thể trừ được thấp, làm thổ ra đờm dãi cũng có thể hết được thấp.
- Thấp có nhiệt thì phải dùng những loại thuốc đắng lạnh như Hoàng liên, Hoàng bá, Chi tử để làm ráo thấp.
- Thấp có hàn thì phải dùng loại thuốc cay nóng như Can khương, Phụ tử, Hồ tiêu để làm ráo thấp.
Mười là tễ thuốc nhuận:
Nhuận có thể làm cho khỏi khô. Tễ thuốc nhuận cũng như tễ thuốc ôn vậy. Phàm những khi có phong nhiều thì huyết dịch khô cạn mà thành ra bệnh táo.- Táo ở trên thì khát, táo ở dưới thì kết, gân táo thì cứng, da táo thì nhăn, thịt táo thì nẻ, xương táo thì khô, phổi táo thì sinh đờm, thận táo thì tiêu khát.
- Những loại thuốc nhu nhuận như Ma nhân, A giao đều là thuốc nhuận. Bổ huyết thì có loại Đương quy, Địa hoàng. Sinh tân dịch thì có loại Mạch Môn, Qua lâu căn. Thêm tinh khi thì có loại Nhục dung, Câu kỷ.
Mười tễ trên đây nên xét kỹ lưỡng mà dùng thuốc cho sát với bệnh tình.