Châu ngọc cách ngôn - Thiên thượng

Hỏa bạch khiếu, hỏa mệnh môn, cùng một tên chung tướng hỏa, lúc bệnh sinh thì phép chữa khác nhau.

Hoàn lục vị, hoàn bát vị cũng là thuốc của thận gia, khi vận dụng thì phương chia vương lối.



Huyệt mệnh môn, nằm ở giữa hai quả thận, gọi là Long hỏa. Đầu mối sinh ra bệnh phần nhiều do sắc dục quá độ. Dương hỏa hư sẽ thể hiện âm thủy của thận quá thịnh, long hỏa sợ lạnh mà bay lên, sinh ra các chứng “trên nhiệt dưới hàn”, cho nên phải uống Bát vị để sưởi ấm nơi sào huyệt để cho long hỏa trở về. Sách xưa nói: “dẫn hỏa về nguần” chính là ý nghĩa như vậy.

Ở thận bên phải tức là huyệt bạch khiếu, gọi là tướng hỏa. Nguần gốc sinh bệnh là từ hắc khiếu ở thận bên trái. Chân thủy suy yếu, hỏa không bị sức chế ngự của thủy, sẽ bốc lên đi tràn, gây ra các chứng trên nhiệt dưới táo, cho nên uống Lục vị để bổ thủy. Thủy đã thịnh vượng rồi tự nhiên sẽ chế ngự được hỏa. Sách xưa nói: “làm mạnh chân thủy để chặn dương quang” cũng là nghĩa đó.


Nhưng các sách đều gọi chung nó là tướng hỏa. Vậy thì cùng một thứ hỏa mà tại sao có lúc lại sợ lạnh mà bay bốc lên, có lúc lại khinh nhờn lạnh mà chống cự lại? Đó là không hiểu rõ trong thận có hai huyệt tả hữu, làm cho người đọc mơ hồ lẫn lộn, cứu thủ ở trong còn băng giá, bổ hỏa trong khi đang bốc cháy, cũng chưa biết phân biệt chứng nào uống Lục vị, chứng nào nên uống Bát vị một cách rõ ràng.

Hỏa đã hư, chỉ chăm lo tráng thủy, rồng không có chốn ẩn thân, hỏa chẳng về nguần, mà chân dương suy tuyệt.

Thủy đã thiếu, lại mải mê ích hỏa, dương chẳng được âm thu liễm, dương không có chỗ tựa, thì nguyên khí diệt vong.


Âm khí trong thận quá thịnh, rồng không có đất nương thân, sợ khí âm hàn mà bay bốc đi. Nếu không biết cách sưởi ấm hang ổ của nó để dẫn hỏa về nguần chỉ thấy chứng nhiệt ở trên thì cho uống Lục vị để bổ thủy, thủy càng thịnh thì hàn càng tăng, hỏa bay đi rồi thì chân dương sẽ mất.

Thủy ở trong thận đã suy yếu thì hỏa không còn bị chế ngự, mặc sức đi tràn. Nếu không biết bổ mạnh cho chân âm để tráng thủy, chỉ biết nhằm vào loại thuốc táo nhiệt, cho dùng Bát vị hoàn để bổ hỏa thì dương càng vượng mà âm càng tiêu hao, dương không có âm gìn giữ thì hỏa vô căn còn dựa vào đâu để có thể sang tỏ được bền lâu, cho nên sức sẽ kiệt mà khí cũng sẽ tuyệt. Đó là điểm tối kỵ trong hai phương thuốc kỳ diệu này. Nhưng vong dương thì nguy hại thấy rõ ngay, còn chứng vong âm thì tai họa chậm thấy. Bởi đem Quế Phụ xen lẫn vào đội ngũ âm dược, khác gì khi nước cạn đá mới trơ ra, cho nên gây hại một cách âm thầm mà không ai thấy được.

Cứu ngũ tạng tổn thương, rút cục chớ quên thận.

Chữa bệnh lâu hư yếu, suy ra cần phải tiếc đàm.


Thận là cội nguần của tạng phủ, là gốc rễ của mười hai kinh mạch, là cơ sở cho sinh mệnh, là bể chứa của tinh huyết, tinh của tâm khí của phế, sự quyết đoán của can đởm, sự thu nạp và vận hóa của tỳ vị, sự truyền tống của đại tiểu trường, sự hóa khí của bàng quang, sự thăng giáng của tam tiêu, tất thảy đều phải nhờ vào một điểm chân dương của thận làm chủ trì. Sách nói: “Ngũ tạng bị tổn thương cuối cùng sẽ liên lụy tới thận”. Lại nói: “ Tất cả các kinh mạch đều bắt rễ từ thận”. Lại nói: “gặp chứng hư yễu quá phải kịp thời giữ gìn Bắc phương để bồi đắp cho sinh mệnh” cũng chính là ý nghĩa câu: “rút cục chớ quên thận”. Vậy thì chân dương có thể bỏ quên được chăng?

Đàm là do tân dịch trong người ta hóa sinh ra, nó có sẵn từ lúc bẩm sinh mà cũng là chất cặn bã của khí, là một vật nuôi sống cho cơ thể. Sách nói: “Đàm vốn không thể sinh ra bệnh, chính vì bệnh sinh ra đàm”. Phương pháp chữa nên tùy theo nguyên nhân để điều hòa bằng cách nhẹ nhàng khéo léo, để cho nó trở thành vật hữu ích cho cơ thể. Không nên công trục bừa bãi làm tổn hại đến nguyên khí, hao kiệt tân dịch. Huống hồ đối với chứng bệnh hư yếu lâu ngày lại càng phải bảo vệ giữ gìn lấy nó mới phải.

Thụcđịa sao kỹ cho thơm, đem tính âm chuyển hóa theo dương, thành thuốc chữa tỳ kinh đắc lực.

Bạch Truật nấu cao cô đặc, hóa chất hỏa đưa vào trong cơ thủy là phương bổ tỳ huyết có tài.


Lý Thời Trân nói: “Địa” là nói lên ý nghĩa nó thu hút được cái khí chân chính của hành thổ, “Hoàng” là sắc chân chính của hành thổ. Chính là loại thuốc chủ yếu của tạng “Tỳ”. Đó là một câu phát minh rất mới. Nhưng xem trong các sách, thấy những thuốc chữa Tỳ chưa chú ý tới nó, cả đến bài “ Kim quỹ thận khí” cũng giảm bớt Thục địa hết một nửa. Như vậy thấy rõ vì người ta lo ngại Địa hoàng làm giảm mất sức vận hóa của Tỳ. Tôi cho rằng vị hỏa quá vượng, Tỳ âm hao tổn, cần phải dùng loại thuốc có tính chất thu nhuận như thục địa hoàng, đem sao kỹ cho khô dòn và thơm. Khô thì hết nê trệ và làm cho nó không quay hướng vào thận là nơi quen thuộc của nó, hương thơm làm cho khí được thư thái, để cho nó có thể lưu luyến ở cơ sở mới là Tỳ. Chuyển hóa từ chất nhu hòa biến thành tính cương nghị. Chính nó là loại thuốc bổ Tỳ rất cần thiết.

Bạch Truật tính rất cương táo, sách nói: “ Ở vùng rốn có khí xung động thì kiêng không nên dùng, e xảy ra hại người vì là chứng âm hư, cho nên tuyệt đối không được sử dụng”. Tôi thường gặp chứng tỳ âm và tỳ dương đều hư. Bên ngoài biểu hiện ra sốt hâm hấp, bên trong thì ỉa chảy từng khi. Muốn dùng phép bổ thổ chỉ tả thì nó không thể chịu nổi với những vị thuốc có tính chất tiêu thước(tiêu mòn bốc cháy). Muốn tư âm để thanh nhiệt thì e ngại gây ra chứng hoạt tiết tháo cống.

Vả lại Bạch truật là thuốc cần thiết của Tỳ. Muốn phục vụ trung tiêu mà không trông cậy ở Bạch truật thì biết lấy gì để điều trị tốt, cho nên phải đem nó nấu thành cao nước, mặc dù cái khí phương hương thơm bốc của nó vẫn còn, nhưng cái vị nhu nhuận của nó đã quá nửa phần quay về âm tính. Đó là cách chuyển từ dương về âm. Chính là cách nhuận cho tỳ huyết rất tốt.

Chất Nhân sâm vốn loài cam nhuận, nhuần tưới huyết nên công rất lớn, chớ hoài nghi đại số âm dương.

Tính Hoàng cầm bẩm khí thanh lương, bổ vị dịch, táo khí sẽ trừ, chẳng lo ngại chi điều hàn lạnh.


Không có dương thì âm không thể sinh được. Lại nói: Dương sinh, âm trưởng. Đó là quan hệ đại số của âm dương. Người chưa suy sét kỹ thì cho rằng thuốc bổ khí có công sinh huyết dùng Độc sâm thang, bổ khí để sinh huyết làm chứng minh. Mới nghe ra có vẻ rất sâu sắc không thể nào chối cãi được. Nhưng nếu suy cho kỹ thì thực là chưa đủ. Bởi vì trước kia đã nói rằng: Thuốc bổ khí có công sinh huyết. Vậy thì sao lại nói: “khi vùng rốn có khí xung động thì cấm không được sử dụng” vì e sẽ hại người. Như vậy thì thuốc bổ khí chẳng có công gì với âm phận cả. Vả lại đã nói rằng: khí huyết thoát thì phải nên kịp thời củng cố lấy cái khí còn thoi thóp, thế thì tại sao lại dùng Sâm mà không dùng Phụ, Phụ tử há chẳng phải có một lực lượng lớn để thu phục cái khí nguyên dương đã tan dã đó sao. Vậy thì đủ biết rằng cái công năng bổ huyết của Nhân sâm là xuất phát từ các chất nhuận tưới của nó, Bạch truật làm tổn âm là do tính cương táo của nó, không dám dùng Phụ tử là vì chân âm đã bại hoại thì dương khí cũng bị diệt vong theo, Phụ tử có tính mạnh dữ hay chạy bốc làm sao mà sử dụng nó để nuôi dưỡng cho cái chân âm đang tàn tạ sắp tắt được.

Lại nói như bài Bổ trung dùng vị Hoàng kỳ làm chủ dược, mới có khả năng bổ huyết. Tôi cho rằng khí của Hoàng kỳ không bổ được huyết, cái khả năng bổ huyết đó là nhờ ở chất nhuần nhuyễn của nó. Đa số những vị thuốc đậm về khí thì bổ dương, đậm về phần vị thì bổ âm. Khí nhiều vị ít là dương trong dương, vị đạm khí nhạt là âm trong âm, khí và vị đều đậm thì kiêm cả bổ âm dương. Người đọc sách phải thâu tóm được cái lý của sách. Không nên đảo lộn trái ngược lại đại số của âm dương mà cho rằng hết thảy thuốc bổ khí đều có công sinh huyết.

Hoàng cầm vốn tính hàn lương là loại thuốc khắc phạt. Tại sao lại là thuốc bổ? Bởi vì Vị căn bản hay sợ táo mà thích mát, cho nên những khi thấy chứng vị dương cang thịnh, gây ra chứng Vị khẩu ráo khô thì có thể lấy vị Hoàng cầm để bổ. Xem như bài Bổ trung ích khí, khi gia thêm các vị Hoàng cầm, Thương truật, Ích trí thì gọi là bài Sâm truật ích vị thang. Gia thêm 2 vị Hoàng cầm, Thần khúc thì gọi là Ích vị thăng dương thang, và khi cho Hoàng cầm cùng với Bạch truật đưa vào làm chủ dược lại có thể an thai. Như vậy thì đủ hiểu được cặn kẽ về ý nghĩa bổ vị của nó.

Xem hình thái vốn khỏe hay yếu, chia thực hư điều trị cho rành.

Xét mạch tượng có lực hay chăng, rõ bổ tả nhắc cân không lẫn.


Cái then chốt của nhà y không có cái gì cần thiết hơn là sự phân biệt thực hư. Nếu hư thực đã sang tỏ thì việc sử dụng phép bổ hay phép tả không sai lầm và bệnh sẽ dễ trừ khử. Đa số người bẩm sinh khỏe, tuổi trẻ, thể lực cường tráng, khí huyết đầy đủ, xương thịt cân đối, nếu khi có bệnh thì cứ nhằm vào chứng thực mà chữa. Ngược lại, những người bẩm thụ yếu,, tuổi cao, hình thể yếu đuối, hoặc những người ốm nặng, ốm lâu ngày, đàn bà mắc bệnh sau khi đẻ, cao tuổi rồi còn sinh con, khi mắc bệnh thì trước sau vẫn theo chứng hư mà chữa. Sách nói: trước hết phải xét vào nguyên khí là chính, rồi sau sẽ tìm vào biểu hiện của bệnh. Câu đó chính là ý tứ sâu sắc trong lâm sàng.

Mạch là làn sóng phản ánh của khí huyết. Mỗi một hơi thở đều có mang sự huyền bí của âm dương. Nếu không lĩnh hội một cách sâu sắc thì không thể phân biệt nhận xét nổi. Dụ Gia Ngôn có dẫn giải về mạch yếu của Vương Thúc Hòa: “không kể là bộ vị nào, phù hay trầm, đại hay tiểu, hễ ấn sâu tới xương mà vẫn thấy có lực, có thần là thực, không có thần, không có lực là hư”. Mới xem qua tựa hồ rất nông cạn. Nhưng tôi đã thí nghiệm nhiều lần, cho những trường hợp còn nghi vấn thực hư chưa rõ, thì nó không hề sai. Lời nói của bậc tiên triết rất đáng tin cậy.

Nhận định ở tiện đường( đi ngoài phân sệt, lỏng) tiện táo, để dõi xem thủy hỏa đôi đường.

Căn cứ vào miệng khát miệng khô, thì rõ chứng âm dương hai ngả.



Chứng trạng biểu hiện của bài Bát vị và Lục vị muốn phân biệt được rõ ràng nhất là ở bốn chứng: đại tiện táo và đại tiện lỏng, miệng khát nước và miệng khô háo. Đại tiện đi lỏng là do tiêu không có đủ hỏa để gạn lọc. Đại tiện táo là thủy hỏa của thận bị thiếu, không đủ để làm trơn nhuận. Sách nói: “chứng khát có chia ra âm chứng, dương chứng, miệng khát và miệng khô khác nhau rất xa”. Khát là do có hỏa táo nhiều, khô là do tân dịch thiếu. Cho nên hễ thấy người bệnh uống rất nhiều không biết chán là dấu hiệu khát. Uống từng ít mà không muốn nuốt là dấu hiệu khô. Khát là do nước ở trong bị thiếu, đòi hỏi nước ở ngoài vào để tự cứu. Khô là do tân dịch cạn, họng bị khô se miệng háo. Cần phải dùng thuốc tư nhuận làm chủ yếu.

Chứng hư nhẹ, chỉ nhằm vào khí huyết để bồi bổ có thể thu công


Bệnh hư nhiều, cần tìm nguồn thủy hỏa để điều hòa mới mong kiến hiệu.


Những trường hợp điều trị các loại bệnh mới, loại bệnh nhẹ, loại hư yếu ít thì nên nhằm vào việc chỉnh lý khí huyết hữu hình của hậu thiên,dựa các bài thuốc hay như Tứ quân, Tứ vật, Bổ trung, Dưỡng vinh cũng đủ khả năng phục hồi được tốt.Chữa bệnh đã lâu ngày, bệnh nặng, bệnh hư yếu nặng, nên phải tìm sâu vào thủy hỏa vô hình của tiên thiên như những bài Lục vị, Bát vị là thứ thuốc dưỡng sinh kỳ diệu, thì mới có thể thu được hiệu quả.

Sách nói: “Bệnh nhẹ là do khí huyết tổn thương, bệnh nặng là do thủy hỏa làm hại. Cho nên chữa bệnh nhẹ nên nhằm vào khâu khí huyết. Chữa bệnh nặng thì không thể vượt ra ngoài khâu thủy hỏa.

Xét chứng bạch dâm, bạch trọc, cần chia ra nam giới, nữ giới, và dựa vào chất đục chất trong.

Nhìn hình sắc trắng sắc đen, biết rõ sớm thủy hư hỏa hư, để lựa chiều bổ khí bổ huyết.


Những loại bệnh gọi là bạch dâm, bạc trọc, ở các sách đều gọi chung là đới hạ. Khi gặp chứng thì lẫn lộn khó phân biệt, khiến cho thầy thuốc không thể nào nắm được. Đại thể bệnh của đàn bà gọi là đới hạ, là bạch dâm, hoặc gọi là xích đới, bạch đới, cũng chỉ là một chứng, những chất tiết ra là những chất đặc dính. Bệnh đàn ông gọi là di tinh, là bạc trọc, còn gọi là xích trọc, cũng đều là một loại như nhau, chất tiết ra đó không đặc dính lắm.

Người thủy hư thì hình sắc sẽ đen xạm mà gầy. Thủy là mẹ của huyết, huyết là thứ làm cho thịt đẫy đà, màu sắc tốt tươi. Khí huyết đã bị hư tổn thì còn gì mà hình sắc không bị đen sạm gầy róc?

Người hỏa hư thì hình sắc trắng bệnh mà bủng bệu. Hỏa là cội rễ của khí, khí sinh ra thần, ở đây thần không biểu hiện được ra ngoài, sắc không có thần cho nên trắng bệch, tuy béo trắng cũng chỉ là hiện tượng thủy thắng mà kiêm có khí trệ.

Đau điếng là bệnh trong xương tủy.

Nuốt chua vì nước miếng ứ trào.


Xem trong sách có nói đến chứng đau điếng. Trong khi có đau nhức căn cứ vào hiện trạng gì để biết là đau điếng? tôi đọc sách đã hơn 10 năm có hơn mà chưa hiểu nổi ý nghĩa của nó. Sau khi vì chạy vội, ống chân vấp phải cây gỗ chắn ngang rồi ngã lăn ra, đau thấm vào xương tủy, cái đau tê tái dở khóc dở cười, rất là đau đớn khó chịu. Lúc bấy giờ mới nghĩ ra cái trạng thái đau điếng chính là cái hiện tượng đó. Cho nên trong sách thường diễn tả cái hiện tượng đau thấu vào xương tủy gọi là đau điếng. Những người không chịu suy xét, đem chữ “toan” có khung “bệnh” ngoài để thay thế cho chữ “toan” tức là đau điếng là không đúng. Ôi! Cái may mắn nằm trong cái không may. Chắc rằng thần minh đã thương ta dốc lòng vì sự nghiệp, mỗi khi gặp những nghĩa nghi vấn thì hết sức tìm tòi, cho nên mượn cây gỗ chắn ngang để dạy cho ta biết điều đó. Nếu không thì không thể suốt đời phát hiện được nghĩa đó.

Những chứng bệnh ợ nuốt chua, ở trong sách không ghi chứng rõ ràng. Chứng này chính bởi hư hỏa xông lên, khí xung nghịch đó bị hỏa đưa lên rồi gây ra chứng ợ. Nước trong dạ dày cũng theo khí mà trào lên, tràn ra cuống họng, mửa không ra, bất đắc dĩ phải nuốt vào mới thấy vị chua. Nếu không vì có nước trong dạ dày trào lên thì vật đó từ đâu tới rồi nuốt vào mà thấy được vị chua của nó.

Chứng huyết thoát sắc trông trắng bệnh, da nhợt nhạt màu không tươi nhuận, có phải đâu chỉ tại dương hư.

Chứng khí thoát thần hiện hôn mê, mình run run có vẻ lạnh lùng, chớ vội nhận cho là nhiệt thịnh.


Huyết thoát thì sắc cũng trắng bệch, nhợt nhạt, không tươi nhuận. Không chỉ riêng chứng dương hư thì mới có sắc trắng bệch như vậy. Nhưng cần phải tìm hiểu kỹ ở ý nghĩa của những chữ “sắc nhợt nhạt không tươi nhuận” để phân biệt, cái sắc trắng của chứng huyết thoát thì có màu trắng như màu thiếc, màu tro. Huyết là thứ làm cho sắc tươi đẹp. Nếu đã không có huyết thì làm gì còn có sắc tươi nhuận. So với chứng khí hư có màu sắc trắng xanh thì khác nhau rất xa.

Sách nói: “tinh sinh khí, khí sinh thần” khí đã bị thoát ly thì thần sẽ bị hôn mê, không nên cho rằng thần hôn mê là chứng nhiệt thịnh mà cho dùng thuốc thanh nhiệt thì sẽ bị sai lầm về điều trị. Bởi vì khí đã bị thoát ly thì tất nhiên đưa tới tình trạng dương hư hỏa bại cho nên cơ thể không ấm mà run run, ớn ớn sợ lạnh, đó là những dấu hiệu rất rõ ràng.

Cơ vong thoát hiện ra đầy đủ, phải mau gấp hồi dương mà cứu nghịch, trong lúc này thận chẳng bằng tỳ

Bệnh đại hư trong thế dằng dai, nên nhằm vào thủy hỏa để vun bồi, trường hợp đó tỳ không bằng thận.


Những chứng biểu hiện ra âm vong dương thoát, tay chân giá lạnh, mồ hôi đọng từng giọt ở trên trán, tinh thần hôn mê, so vai thở dốc, khí thoát gây nấc, khi đó chỉ nên dùng Sâm Phụ để hồi dương cứu thoát. Vị khí sắp tuyệt thì gia Bạch truật để nâng khí trung tiêu. Nếu như tinh huyết không sinh ra được mà dương khí lại hư suy, càng phải nên chú trọng vào bồi bổ cho vị, vị đã khỏe thì thận sẽ đầy đủ sức mạnh.

Thận là cội nguần của ngũ tạng, là cơ sở của tính mệnh căn bản của sự sinh tồn, gọi nó là tiên thiên, là chủ chốt, ở vào cương vị tối cao, vai trò của nó không thể thiếu được. Nhưng đến khi âm dương bị thoát ly, tình thế tựa như nhà vỡ thuyền dò, không thể không trông cậy vào những tràng dũng sỹ là Sâm Phụ, đồng thời phải khéo léo động viên sử dụng nó để làm tròn sứ mạng. Trường hợp ấy thì tác dụng của thận không bằng tỳ.

(Xem thêm: Bổ Thận bổ Tỳ)

Những bệnh hư yếu nặng, đã uống nhiều loại thuốc bồi bổ khí huyết mà khí huyết vẫn không thấy tăng, thì phải nên nhằm vào căn bản là thủy hỏa, như bài Lục vị hoàn, Bát vị hoàn là loại thuốc bồi bổ mạnh cho chân âm, chân dương. Cội gốc một khi đã vững bền thì cành lá sẽ xanh tươi. Còn như khi tỳ vị yếu không đủ khả năng vận hóa, nên bồi bổ ngay vào mệnh môn hỏa, đó là phép “ tăng thêm củi dưới nồi” (phủ hạ gia tân). Đối với chứng tả lỵ lâu ngày, chữa vào tỳ mà không có chút công hiệu nào thì nên cứu thận để giữ chức năng bế tang. Tuy rằng thổ là mẹ đẻ của vạn vật, nhưng thận là nguần sinh hóa là khởi điểm của tiên thiên, tới lúc đó thì tỳ phải nhường bước cho thận.

Bài Tứ vật phải đâu phương bổ huyết, những phụ nữ kinh nhâm khô cạn, nếu chuyên dùng chẳng chút thành công.

Bài Tứ quân vốn thuốc thuần dương, nào trẻ thơ hinh vóc gầy đen, chớ sử dụng kẻo gây nên họa.


Căn bản âm không thể sinh ra được dương. Những thuốc chữa về phần âm chỉ nên lấy những loại có bẩm tính êm ái mềm nhuận, để cho âm được yên lặng mà sinh huyết. Đó là phương pháp dưỡng âm để cho huyết tự sinh. Vậy thì Tứ vật thang là thuốc dưỡng huyết thì mới phải, nếu gọi là thuốc sinh huyết thì không đúng. Song bẩm tính của cỏ cây chỉ có thể bù chỗ vô hình để sinh ra hữu hình, bù đắp những cái hao mòn mất mát thì không có gì bằng các loại cao nhung của hươu nai, rau thai, bột sữa, là những thứ hữu tình(1) đồng loại với nhu cầu của tinh huyết, mới là thỏa đáng. Kinh nói: “Tinh huyết suy kém không đủ thì nên bồi bổ bằng vị của thức ăn”. Vậy thì vị của thức ăn nuôi sống hằng ngày là rất quan trọng, cho nên những thứ thuốc có tính chất tư bổ, thông qua sự ăn uống vào vị đã thu được một nửa công lao, ý nghĩa của cổ nhân thực sự là sâu sắc. Đó cũng là điều tôi đã tâm đắc. Phàm ai muốn nghiên cứu về mặt điều bổ cho tinh huyết, cần biết rằng không có ý nghĩa nào sâu sắc hơn điều đó, không nên cho rằng Tứ vật thang là thuốc cần thiết để sinh huyết.

( (1) Dược vật có phân ra loại “Hữu hình” là thứ lấy nguần gốc từ động vật và loại “ Vô hình” là thứ lấy từ nguần gốc thực vật, khoáng thạch)

Trẻ thơ thuần dương không có âm, ý muốn nói là trẻ thơ chưa đến tuổi dạy thì, những khi bị bệnh không nên chỉ nhằm cứu dương một cách đơn thuần. Huống hồ những đứa trẻ hình vóc gầy đen, da nóng hừng hực, mà căn bản của chân âm lại vì huyết dịch đã bị khô cạn, cho nên chân âm lại càng hư. Dương vượng thì âm tiêu hao, đó là cái lẽ tất nhiên. Bài Tứ quân là thuốc thuần dương, khí vị thơm ráo. Há có lợi gì cho thể chất của đứa trẻ vô âm. Phàm khi những đứa trẻ cần sử dụng Tứ quân, trừ chứng nôn mửa thuộc hàn, chứng tiết tả lâu ngày, các chứng da mình mát lạnh, thũng nề đầy trướng , mạn kinh mạn tỳ thì khi dùng phải thận trọng. Nếu đã thấy tiêu mòn gầy đen mà vẫn cứ sử dụng kéo dài thì tân dịch mỗi ngày một khô mà sẽ gây ra họa lớn. Người thầy thuốc nhi khoa cần phải hiểu rõ điều đó.

Quy tỳ thang uống kèm thuốc bổ, vị Mộc hương cần nên giảm bỏ, vì đề phòng hao tổn nguyên dương.

Bổ trung thang cốt để đề cương, vị Thăng Sài nên phải trọng dụng với mục đích ban hành xuân lệnh.


Những chứng mệnh môn hỏa suy lại kèm có hiện tượng khí huyết hậu thiên đều hư, cho nên đã sử dụng Bát vị để bổ hỏa, lại uống xen kẽ với Quy tỳ thang để kiêm bổ cả thủy hỏa và khí huyết. Nhưng chứng căn bản là hỏa hư, hỏa tức là khí, có một chút gì động khí cũng không nên dùng. Huống hồ vị Mộc hương là thuốc hành khí tán khí, thấu triệt cả trên dưới, cho nên phải giảm bỏ để bảo vệ cho khí được chu toàn.

Dương khí hư kém thì bị hãm xuống, ý nghĩa của bài Bổ trung là nâng đẩy khí từ dưới lên, tựa như tiết đông chí, khí nhất dương chớm nảy sinh để phân bố cái bệnh buông cởi tôt tươi (phát vi) của mùa xuân mầm mống nhú sinh ra, khí xuân đầy dẫy khắp không gian. Cho nên nói “thang thuốc Bổ trung trọng dụng ở hai vị Thăng ma và Sài hồ”. Vậy mà người không hiểu lý do lại đem Thăng Sài sao mật, bỗng dưng đem cái dương khí trong nhẹ hãm vào vòng ngọt ngào nê trệ, hoặc có thể bị mất hết tính năng của nó. Như vậy thì thực là một bọn đui mù không đáng để nói về ý nghĩa xử phương được nữa.

Giữa đôi thận là cội nguần sinh cho tạng phủ, bệnh quái kỳ lấy đó làm trọng tâm

Hoàn Lục vị là phương thuốc báu của hài nhi, trẻ suy nhược dưỡng âm là chủ yếu.


Mệnh môn nằm giữa hai bên thận, là cội rễ của mười hai kinh mạch, là nguần gốc của tạng phủ. Mọi bệnh tật của người ta không thể vượt ra ngoài vòng âm dương. Phàm những bệnh rất hư yếu mà các chứng biểu hiện ra rất nhiều, có những hình trạng kỳ quái không thể nào hình dung được hết, phần nhiều người ta không thể hiểu rõ được. Nhưng chỉ cần dựa vào chênh lệch của âm dương, đem những loại thuốc chủ yếu bồi bổ cho thủy hỏa. Khi căn bản đã được củng cố thì các hiện tượng giả tạo của ngọn ngành không cần điều trị cũng tự giải tán.

Tuổi trẻ thiên quý chưa thịnh vượng(chưa dậy thì), cho nên nói là thuần dương vô âm. Cái dương đơn độc đó tức là dương non trẻ, sao có thể gọi cái thuần đó là hữu dư được

Mỗi khi thấy dương chứng không có âm thu liễm, hư hỏa dễ bị kích động thì lại cho rằng bệnh trẻ thơ dễ bị phá nhiệt, rồi lấy làm chủ quan với ý nghĩa chữ thuần dương cho dùng thuốc hàn lương công kích bừa bãi, thật là đáng tiếc! Căn bản đã không có âm rồi, mà lại đem tiêu diệt chân dương, thì sẽ đưa tới sự suy bại cả hai đường

Hãy quan sát xem những bệnh nhi, thấy dễ sinh chứng sốt cao là do hỏa không có thủy chế ngự. Dễ sinh ra hiện tượng co giật là do Mộc không có Thủy nuôi dưỡng. Thậm chí đến khi hư suy quá mà sinh ra đau đớn là hiện tượng chân thủy thiếu thốn mà tân dịch khô kiệt. Cả đến các chứng dô ngực, gù lưng, hở thóp, lõm thóp mềm cổ và các chứng ngũ nhuyễn, ngũ ngạnh, ngũ trì (1) hết thảy đều do Mộc và Thủy suy yếu, mà biểu hiện ra chứng trạng của gân xương. 

Nguyên tắc trong khi trị bệnh trẻ em, cần tùy chứng để xử cho phương, nhưng luôn luôn đừng quên hai chữ “vô âm”. Cho nên thường phải lấy Lục vị hoàn để bổ mạnh cho chân âm vì chính nó là loại thuốc màu nhiệm của nhi khoa.

((1) Ngũ nhuyễn: 5 chứng mềm ở trẻ con: đầu mềm, gáy mềm, chân tay mềm, da thịt nhão, miệng mềm. Ngũ ngành: 5 chứng cứng: ngẩng đầu, hơi thở cứng, long bàn tay chân cứng, miệng cứng, da thịt cứng. Ngũ trì: 5 chứng chậm: chậm mọc tóc, chậm mọc răng, chậm biết lẫy, chậm biết đi, chậm kín thóp.)

Đơn nhiệt sinh là hiện tượng vong âm

Nguyên thần lộ là nghuy cơ thất thủ


Phàm những chứng đơn nhiệt, sắc mặt sạm, sắc lưỡi đen, vóc tựa như củi khô, da nhăn nheo khô, miệng loét, họng đau uống nhiều sốt cao, đại tiện khô ráo, tiểu tiện hay đi luôn và sẻn ít, buồn bực nói nhảm, hoặc hôn mê không biết gì. Đó đều là biểu hiện vong âm. Sách nói: “Tân dịch kiệt hết thì chết”. 

Đang lúc một khối tà hỏa vun đắp ở trong, chảy vàng sém đá, chân âm chân thủy bị nung nấu, tân dịch bị cạn khô, nguần tinh huyết bị kiệt hết, chân âm đã bị mất ở dưới, dương không được sự thu liễm của âm thì dương cũng kế tiếp bị vong thoát ở trên, cái thế ly thoát như vậy thì phỏng có xa gì cái chết. 

Vậy thì tại sao người ta chỉ biết lo ngại cho hiện tượng quyết nghịch là đưa tới gần sự thoát dương mà không nghĩ đến chứng đơn nhiệt, là hiện tượng vong âm sẽ tới. Chứng thoát dương thì dùng Sâm Phụ để hồi dương, đó là kế vẹn toàn, mà chứng vong âm thì tại sao cổ nhân không lo tính tới nó. 

Tôi từng đã gặp những chứng đó, thường muốn đem hết sự cố gắng của bản thân để giành giật lấy cái sống, nhưng trong sách vở hoàn toàn không có phương hướng để bắt trước. Cho nên không thể không đem hết tâm tư để lo tính cho chu toàn, cho nên mới chế ra phương Bắc âm. Trong khi áp dụng cũng đã cứu chữa được khá nhiều, thực không dám nói là bổ cứu cho sự thiếu sót của người xưa,chỉ hy vọng bổ sung vào chỗ các bậc hiền triết chưa đẻ tâm lưu ý. “chứng thoát dương thì uống bài Sâm Phụ, chứng vong âm thì dùng phương bảo âm”

Những người ăn uống sinh hoạt bình thường, hình dung khỏe mạnh, bỗng thấy nói năng như hoảng hốt rối loạn, đi đứng mất vẻ thăng bằng. Đó là dấu hiêu cho biết nguyên thần đã bị tan rã, tình trí tư duy mơ hồ không trong sáng, cho nên có chứng bệnh bạo phát chết nhanh. 

Người có tinh thần trách nhiệm về nghiệp vụ trị bệnh đối với vấn đề đó vẫn còn rất hờ hững chưa chủ ý lắm, bởi vậy cũng không lấy gì làm lạ khi không thấy cổ nhân đề cập tới phương pháp điều trị. 

Con người có cái căn bản của sự sống. Huyết sinh ra tinh, tinh sinh ra khí, khí sinh ra thần. Tinh khí thần là vật báu nhất của con người, đem cân nhắc thì thần là thứ quan trọng bậc nhất.

Tôi từng thấy những trường hợp đó, đón biết trước dấu hiệu chớm nẩy sinh, muốn đề phòng trước khi gây tai biến đã tìm kiếm rộng rãi, song thực ra không có thuốc nào để đối phó. Xem hết các sách chỉ thấy các phương trấn tâm, an thần, ninh thần v.v….kiểm điểm các vị thuốc chẳng qua cũng chỉ có những vị thuốc tầm thường như Xương bồ, Viễn chí, Thần sa, Toan táo nhân, Bá tử nhân, Liên nhục v.v….còn như muốn dành lại sự sống trong bước đường cùng thì không thấy thứ thuốc nào đảm đương nổi trọng trách ấy. 

Chợt đọc thấy trong sách Cảnh nhạc có đoạn nói: “ Thủy hỏa không trao đổi với nhau thì thần sắc sẽ bị bại hoại”. Lúc đó tôi mới tỉnh ngộ. Bởi vì Tâm tuy là cơ sở tàng thần, nhưng thực chất là do chân âm dưỡng dục, để làm cho cương nhu(âm dương) cân đối, như quẻ “ký tế” ở trong kinh dịch. Cho nên muốn bổ thần thì không gì bằng dùng Bát vị hoàn để bồi bổ vào căn bản của âm dương để làm cơ sở vật chất cho thần minh nương tựa.

Không có dương thì âm không thể nào sinh, huyết được nhiều, khí được ít, mới đúng là khí dược có cống sinh huyết. Chớ nên chuyên dùng nhiều loài cay ráo, vì chỉ làm hao tổn chân âm.

Không có âm thì dương không thể nào hóa, khí dược nhiều huyết dược ít, nào ai bảo huyết dược không tài ích khí, nếu như quá chuộng nhiều thuốc nhuận mềm, luống những ngại tổn thương vị khí.


Người xưa nói: “ khí dược có công sinh huyết, huyết dược không có lẽ nào ích khí được”. Đó là do không có dương thì âm không thể sinh được, nhưng không có âm thì dương không thể nào hóa được. Bởi vì theo nguyên lý âm dương thì dương bắt rễ từ âm, âm bắt rễ từ dương, hai bên tác dụng lẫn nhau. 

Trong thủy không có hỏa thì gây ra băng giá quá mức, không thể nào tư nhuận cho vạn vật. Trong hỏa không có thủy thì gây cháy bốc tàn lụi không thể nào sưởi ấm được vạn vật. 

Cảnh nhạc nói: “ khí dược phải giúp sức cho huyết dược mới có khả năng bổ huyết. Huyết dược có giúp sức khí dược thì mới tăng cường khả năng ích khí”. Câu này thật là sâu sắc.Theo ý tôi nhận xét, những chứng khí huyết đều hư thì mới sử dụng kết hợp. Nếu muốn dùng đơn thuần một mặt thì nên tìm vào loại khí dược (có chất nhu nhuận) là chất âm ở trong dương thì cũng có thể bổ huyết. Loại huyết dược (có khí thơm tho) là tính dương ở trong âm cũng có khả năng bổ khí, như vậy thì sẽ được công hiệu rất thỏa đáng. Nếu không suy tính trước điều đó thì khí dược sẽ trở nên hao âm, huyết dược sẽ trở nên tổn vị, không thể nào tránh được sai sót.

Dùng thuốc bổ khí, phải kết hợp với phương thuốc sơ thông, nghĩa đóng mở đã nên đầy đủ.

Lập phương tư âm, nên giúp sức cùng loài thảm tiết, cơ bổ tả mới thực chu toàn.


Cổ nhân khi xếp đặt phương thuốc, nếu là phương thuốc bổ khí thường kèm với thuốc có tính chất sơ thông để giúp sức. 

Lập phương thuốc tư âm thì kèm theo loại thuốc có tính chất thẩm thấp lợi niệu, nếu tư âm đơn thuần sẽ gây nê trệ. 

Tả ít bổ nhiều thì thuốc bổ có nhiều tác dụng và dễ thu hiệu quả. 

Đó là cách dùng thuốc có bổ tả kết hợp với nhau, thì mới đạt được cái lý huyền diệu đóng mở của âm dương. Như vị Phục linh ở trong bài Tứ quân, Trần bì trong bài Bổ trung, Mộc hương trong bài Quy tỳ, đó là tác dụng làm cho dương vận hành. Vị Xuyên khung trong bài Tố nguyên, đó là tác dụng hỗ trợ cho phép tư âm.

Điều bổ thận hư lao rất khó, nếu kiêm chứng biếng ăn và ỉa lỏng, đã khó càng nhiều nỗi khó thêm.

Trị liệu chứng nóng sốt lâu ngày, nên lựa chiều vị khí để tư âm, thanh nhiệt, chớ chờ khi nhiệt hết.


“Một gáo nước không thể cứu được một đám cháy cả xe củi”. Câu này nói lên chân âm chân thủy là thứ rất khó vãn hồi. Bởi vì bệnh lao âm hư không thể nào tránh khỏi dẫn đến tình trạng tinh huyết khô cạn. Phương pháp điều trị chung, không ngoài việc bồi bổ mạnh hơn cho hai mặt tinh huyết. 

Nếu thấy chứng biểu hiện ra nóng âm ỉ trong xương, khát nước uống nhiều, đại tiện táo, thì nên chuyên dùng loại thuốc thuần âm, và nên chọn những phương có tính chất tư dưỡng trơn nhuận để tập trung điều dưỡng cứu vãn lấy chân âm đang bị nguy ngập ở trong tình thế lửa cháy ngút ngàn. Ngoài ra không còn có cách gì hơn. 

Nhưng trong cái thế khó khăn ấy còn có cái khó gấp bội nữa, đó là chứng: bên ngoài thì da thịt nóng như hơ lửa, thịt bị sút mòn, gầy róc, tinh thần bị hôn mê, ở trong thì ăn uống rất kém, đại tiện thì đi ra chất phân lỏng dính. 

Trường hợp này muốn dùng loại thuốc thơm tho khô ráo để cấp cứu lấy con của nguyên dương, để phong ỉa chảy trông tràng (tháo cống, ỉa lỏng nhiều lần không cầm) thì ngại tỳ dương ở trong tình thế bị rạc khô không sao chịu nổi. Muốn dùng loại thuốc thuần dịu nhu nhuận, để vãn hồi lấy tinh huyết và dập tắt cái thế nóng đang bốc bừng bừng, thì lại làm nê trệ cho trung tiêu. Dù cho bậc tài chí cũng rất là lung túng. Vì rằng sợ chứng nhiệt nên không quả quyết, nghĩ tới hàn thì lại ngập ngừng. Thế là đành chịu bó tay chờ đợi. 

Tôi thường gặp phải tình huống đó, nên mới chế ra hai bài “bổ âm tiếp dương” và “bổ dương tiếp âm”. Tuy không thể kéo lại được cơ tạo hóa nhưng trong cố gắng tìm tòi chưa có phương pháp nào hơn phương đó.


Chứng phát nhiệt nguyên nhân là do hỏa gây ra. Hỏa tức là khí, khí tức là hỏa, nếu trừ bỏ hết hỏa tức là làm tuyệt khí. Cá không có nước thì trong khoảng khắc sẽ chết. Con người không có khí thì trong khoảng khắc sẽ diệt vong. Vậy thì khí có thể cho tuyệt diệt, hỏa có thể trừ bỏ được chăng?

Phàm những chứng phát nhiệt lâu ngày, chân âm đã cạn, thủy vô hình đã bị thiếu hụt, tân dịch suy kiệt, tinh huyết đã hao mòn, không nên đợi tới khi biểu hiện ra mặt sạm, lưỡi đen, vóc người gầy rạc, trong xương nóng âm ỉ, rồi mới nhận xét là chứng âm hư. 

Tôi đã gặp nhiều chứng này và đầu tư không biết bao nhiêu suy nghĩ, cố ngắng sưu tầm được một phương pháp rất linh hoạt. Thực là một bí quyết rất quý báu. Bởi vì âm huyết đã bị suy thì dương khí không thể nào khỏe mạnh một cách đơn độc, dương đã bị hư thì vị sẽ bị yếu. Cho nên trước hết phải lưu ý tới vị. 

Nếu như ăn uống chưa đến nỗi kém lắm, đại tiện còn điều hòa, thì nên tập trung vào mặt tư âm để rút nhiệt. Nhiệt không được thanh thì tân dịch ngũ tạng bị khô cạn. Âm bị bại thì dương bị diệt vong. 

Nếu bỏ ăn, ỉa lỏng mà nhiệt suy thế lại rất gay gắt, nên dùng các loại âm dược như Thục địa, Sinh địa, Mạch đông, Ban long, Đan sâm, bột sữa hoặc là toàn phần phương Lục vị để cứu vãn. 

Nếu thế nhiệt đã giảm nhẹ được 4 -5 phần thì phải chuyển sang dùng loại dương dược như các vị Nhân sâm, Bạch truật, Bào khương, Chích thảo để tiếp bổ cho vị khí. Khi thấy vị khí đã khỏe dần, ăn uống đã tiến triển dần mà nhiệt lại không giảm thì lại đổi sang âm dược để rút hỏa nhiệt. Uống một vài thang lại thấy hiện tượng vị hàn ăn kém thì lại đổi sang dùng dương dược. Nhưng phải chú ý cân đối cả hai mặt: nhiệt và mức ăn uống. Phân biệt loại thuốc âm dương để thay thế nhau điều trị cho thỏa đáng. 

Nguyên tắc là dương nên phải thắng âm vì âm không có khả năng sinh vật. Tuy chuyên chú về thanh nhiệt, nhưng không nên để cho hết nhiệt và mình mát lạnh, mà cần phải để lại vài phần nhiệt tồn tại. Bởi vì hỏa là thứ rất quý báu của sinh mệnh, nhiệt là thứ để sử dụng cho con người. Chân âm tổn thương thì có thể từ từ tìm cách vãn hồi nhưng chân dương đã bại hoại thì tình thế khẩn cấp như sợi dây đàn bị đứt rất nhanh chóng không sao cứu kịp

Người thầy thuốc chớ nên nóng vội thành công. Người nhà chớ nên ngại lâu mà chán nản. Đôi bên đều phải kiên trì mới có thể giữ được chọn vẹn.

Nhiệt bạo phát sẽ tổn thương dương, nên thanh hỏa để tưới nhuần phế khí.

Nhiệt lâu dài sẽ tổn thương âm, cần tráng thủy để bồi đắp thận dương.


Nhiệt thì tổn thương khí” cho nên các phương điều trị chứng cảm thử (nắng) chuyên nhằm vào thuốc bổ khí. 

Lại nói: “nhiệt thì tổn thương huyết” mà các phương thuốc thanh hỏa thường chú trọng nhiều vào thuốc bổ huyết. 

Vậy thì tại sao đã nói là nhiệt tổn thương khí còn nói nhiệt tổn thương huyết? Cũng là một thứ nhiệt mà khí huyết đều bị tổn thương như vậy? 

Nhưng nói về điều trị nhiệt thì biết nhằm vào khí hay nhằm vào huyết. Huyết hư mà nhằm vào bổ khí thì huyết lại càng khô. Khí hư mà nhằm vào bổ huyết thì khí lại càng uất? 

Ở đây cần phải hiểu rõ cái nhiệt làm tổn thương khí là thứ nhiệt bạo nhiệt từ bên ngoài dẫn tới bó kết lại, nhiệt ấy là do khí uất

Cái nhiệt mà làm tổn thương huyết là nhiệt lâu dài, nung nấu từ bên trong, là nhiệt ở âm phận

Như vậy nên bổ khí hay nên bổ huyết, nên dùng dương dược hay âm dược đã có đường lối cụ thể. Kinh nói: “Bệnh bạo phát không phải là âm chứng, bệnh mãn tính không phải là dương chứng” suy luận điều đó có thể liên hệ để nắm được ý nghĩa của đoạn này.

Kết hợp thuốc bổ khí huyết, nên tìm ở trong dương trong âm, mới thành đồng đội.

Phương pháp uống thuốc thang thuốc hoàn, phải chờ khi dở no, dở đói, sẽ chóng thu công.


Cách điều trị chứng khí huyết đều đã dùng dương dược để bổ khí hư, lại phải dùng âm dược để bổ huyết thiếu. Song thế của hai cái cương và nhu không hòa hợp với nhau, tính tình của hai mặt ôn lương khó hiệp lực với nhau. Cho nên phải tìm những loại thuốc trong dương có âm như các vị Nhân sâm, Hoàng kỳ hoặc cao Bạch truật, bổ khí mà kiêm có bổ huyết. Các loại thuốc trong âm có dương như các vị Đương quy,Xuyên khung, Thục địa sao thơm v.v…bổ huyết mà lại kiêm có tính chất bổ khí. Như vậy, mới có thể làm cho nó đồng đội và gần gũi được với nhau, không mâu thuẫn với nhau, thì sẽ thành công trong điều trị.

Về phương pháp uống thuốc, cổ nhân có chia ra bệnh ở trên hoặc bệnh ở dưới, uống trước bữa ăn hoặc sau bữa ăn. Nếu mới suy xét qua loa thì thấy rất sáng tỏ, nhưng khi suy nghĩ cho kỹ thì hầu như chưa thỏa đáng. 

Bởi vì thức ăn vào trong dạ dày rồi dẫn chất tinh hoa dinh dưỡng tới tỳ, tỳ khí lại dẫn chất vinh hoa đó về Phế, Phế là nơi tụ tập, các kinh mạch đều hướng về phế, rồi sau mới phân bổ từng chất thích hợp cho mỗi tạng khác nhau. 

Vậy thì đồ ăn uống khi vào trong người không thể nào không qua con đường tiêu hóa đó, rồi sau mới phân bố cho các tạng phủ bên trong và tứ chi huyết mạch bên ngoài. 

Nếu như uống thuốc sau bữa ăn để điều trị bệnh ở phần trên, cũng phải đợi cho thức ăn tiêu hóa trước rồi sau đó chất thuốc mới lưu hành được. Uống thuốc vào trước bữa ăn để trị bệnh ở phần dưới thì cũng phải đợi cho thức ăn phân hóa trước, rồi sau mới dẫn đưa sức thuốc đi được.

Có lẽ nào bệnh ở phần trên hay bệnh ở phần dưới, mà thuốc không phải vào dạ dày để từ đó truyền sang tỳ phế thì sao thông đạt sang các tạng khác được. Đó chính là muốn nhanh nhưng lại hóa chậm. 

Tôi có một phương pháp riêng là nếu khi uống thuốc thang hay thuốc hoàn đều nên uống vào lúc lưng lửng dạ (nửa no nửa đói). Bởi vì no quá thì thức ăn làm trở ngại, đói quá thì sức của tỳ vị yếu không thể đưa dẫn sức thuốc được. Chỉ có cách đó là ổn đáng hơn. Chính là phương pháp trung bình không nhanh không chậm.


(Xem thêm: Châu ngọc cách ngôn - Thiên hạ)