Trong một năm thì mùa xuân, mùa hạ là dương, mùa thu, mùa đông là âm; trong một tháng thì từ ngày mùng 1 đến ngày rằm là dương, từ ngày 16 đến hết tháng thuộc âm. (Lấy ngày mùng 1 và ngày rằm để chia ra âm dương, là vì ngày mùng một là ngày tử phách, âm hết dương bắt đầu sinh, mùng 3 là “Đốt”, ngày 13 là “Cơ”, ngày rằm thì trăng tròn, dần tới ngày 20 về sau vành trăng khuyết dần, nước chảy về biển, khí huyết người ta cũng theo sự thay đổi đó, kinh nguyệt của phụ nữ đủ tháng chứa lại đầy rồi tràn ra mà thành kinh nguyệt, âm độ hết thì thiếu dương bắt đầu sinh, lúc đó mới có khả năng thụ thai, cho nên từ ngày rằm trở lên đầu tháng là thuộc dương.
Trong một ngày thì ban ngày là dương, ban đêm là âm; trong 12 giờ thì từ giờ tý đến giờ dần là dương trong âm, từ giờ mão đến giờ tỵ là dương trong dương. Từ giờ ngọ đến giờ thân là âm trong dương, từ giờ dậu đến giờ hợi là âm trong âm.
Bởi vì từ giờ tý trở đi là “Nhất dương sinh”, từ giờ ngọ trở đi là “Nhất âm sinh”, cũng như đến tiết đông chí là “Nhất dương sinh”, đến tiết hạ chí là “Nhất âm sinh”, nhà y dựa vào đó mà chia ngũ tạng ra âm dương để tìm nguồn bệnh mà điều trị.
Tiết đông chí thì nhất dương sinh, tiết hạ chí thì nhất âm sinh, hai tiết đó rất trọng yếu, “chí” có nghĩa là đến cùng tột, đến cùng tột rồi lại sinh ra, âm cùng tột rồi dương lại sinh ra, từ không mà hóa có, dương cùng tột rồi âm lại sinh ra, từ chỗ có mà hóa không, đó là vì lẽ biến hóa của âm dương khác nhau. Còn tiết xuân phân và thu phân chỉ là sự phân chia trung bình, nhưng tiết đông chí là trọng yếu hơn cả vì nhất dương sinh là bắt đầu sự sinh hóa trở lại.
Sách Nội kinh nói: “Tiếp sau tướng hỏa là thủy khí kế thừa, tiếp sau thủy khí là thổ khí kế thừa, tiếp sau thổ khí là phong khí kế thừa, tiếp sau phong khí là kim khí kế thừa, tiếp sau kim khí thì hỏa khí kế thừa, tiếp sau quân hỏa là âm tinh kế thừa, trong đó nếu khi có một khí nào lấn lên quá là có hại mà khí kế thừa nó sẽ chế ước lại nó”. (Ví như tiết đông chí âm thịnh cực độ thì dương sẽ kế tiếp sinh ra, đây là nói âm thịnh lấn lên quá thì có hại, dương khí nối tiếp theo đó sẽ chế ước lại; tiết hạ chí dương thịnh đến cực độ thì âm sẽ kế tiếp sinh ra, đấy là nói dương lấn lên quá thì có hại, âm khí nối tiếp theo đó sẽ chế ước lại. Song tiết đông chí nhất dương đã sinh rồi, tiết trời đáng lý phải ấm dần, tại sao tháng chạp lại rét nhiều và có băng tuyết. Tiết hạ chí nhất âm đã sinh rồi, tiết trời đáng lý phải mát dần, tại sao trong tiết tam phục lại nóng bức dữ dội? Đó là do các khí sắp đến dồn đuổi, thì cái khí đã hết nhiệm kỳ phải rút lui ngầm mà không thể dễ thấy rõ được. Bởi vì dương phục ở dưới thì dồn đuổi âm lên trên trong lúc đó nước đáy giếng có khí ấm mà mặt nước thì đóng băng. Âm thịnh ở dưới dồn đuổi dương khí lên trên, cho nên hơi nước trong giếng lạnh mà ngoài trời có sấm sét vang dậy.
Bây giờ có người bị bệnh mặt đỏ khát nước, buồn phiền vật vã, ho, như vậy ai chẳng bảo là hỏa quá thịnh, song họ có biết đâu là vì âm hàn trong thận dồn đuổi dương ra ngoài, thế mà đem cho uống thuốc hàn lương gây tác hại không biết bao nhiêu người. Bầu trời bọc bên ngoài, đất ở trong lòng bầu trời, trời đất là một vòng thái cực. Đem thân thể người ta mà nói thì nhất dương nằm trong nhị âm, trong âm có dương. Nam giới thì dương ở ngoài âm ở trong, nữ giới thì âm ở ngoài dương ở trong, đó là một thái cực trong con người. Nam giới thì đằng sau là dương mà đằng trước là âm. Nữ giới thì đằng sau là âm mà đằng trước là dương. Hai tay người ta bên phải bên trái cũng chia ra âm dương. Tay phải của nam giới thuộc hỏa, là khí, tay trái thuộc thủy là huyết, nữ giới thì ngược lại tay trái thuộc hỏa, là khí, tay phải thuộc thủy, là huyết.
Những chứng phong tê liệt nửa người, nam giới phần nhiều hay bị bên tả, nữ giới phần nhiều hay bị bên hữu. Như vậy chẳng phải là do thủy không vinh nhuận được hay sao? Trời khuyết về phía Tây bắc nên phía Tây Bắc là âm, mà tai mắt bên phải của người ta không sáng bằng tai mắt bên trái (ở trên hợp với tượng của trời). Đất khuyết về phía Đông nam nên phương Đông nam thuộc dương, mà tay chân bên trái của người ta không mạnh bằng tay chân bên phải (ở dưới hợp với tượng của đất).
Âm dương ở trong nhân thể thì lưng là dương, bụng là âm, trên là dương, dưới là âm, ngoài là dương, trong là âm, “âm ở trong để gìn giữ cho dương, dương ở ngoài để giúp đỡ cho âm” (vì âm tĩnh cho nên trấn giữ cho dương, dương động cho nên giúp đỡ cho âm). Nói nhiều là dương, im lặng ít nói là âm, thích ánh sáng là dương, ưa bóng tối là âm, đầu là chỗ hội tụ các kinh mạch dương, chân là nơi kết tụ của các kinh mạch âm. Khí là dương, huyết là âm, (vô hình thuộc dương, hữu hình thuộc âm). Biểu là dương, lý là âm, (ngoài da là biểu, trong ngực bụng là lý, phần cơ nhục là bán biểu bán lý). Vệ lưu hành ở ngoài mạch là dương, Vinh lưu hành ở trong mạch là âm (vệ thuộc vị khí, vinh thuộc can huyết). Lục tạng (tâm, can, tỳ, phế, thận và tâm bào) là âm; Lục phủ (tiểu trường, đởm, vị, đại trường, bàng quang, tam tiêu,) là dương.
Đem tinh đối với huyết mà nói thì tinh trong là dương, huyết đục là âm. Đem tinh huyết đối với thần khí mà nói thì thần khí vô hình là dương, tinh huyết hữu hình là âm (huyết sinh ra tinh, tinh sinh ra khí, khí sinh ra thần, cũng đều là một loại. Tinh, khí, thần là ba thứ rất quý báu trong nhân thể. m cực độ thì tựa như dương, đó là hàn tột độ sinh ra nhiệt (cũng như nghĩa thủy tột độ tựa như hỏa, âm thịnh làm đối kháng với dương). Dương tột độ tựa như âm, đó là nhiệt thịnh tột độ thì sinh ra hàn (cũng như nghĩa là hỏa tột độ tựa như thủy, dương thịnh làm đối kháng với âm). Các bậc hiền triết rất e ngại cho kẻ hậu học không hiểu cái lý sâu sắc của âm dương, nay tôi xin trình bày như sau:
Ban đêm sợ lạnh, ban ngày yên lặng là vì tâm huyết vượng ở phần âm.
Ban đêm yên lặng, ban ngày sợ lạnh là âm khí tràn lên phần dương.
Ngày đêm đều sợ lạnh là trùng âm mà không có dương (nên tả phần âm và đạt bổ phần dương).
Ban đêm yên tĩnh, ban ngày phát nóng là dương khí vượng ở phần dương.
Ban đêm nóng bứt rứt, ban ngày yên tĩnh là dương khí hãm xuống phần âm.
Ngày và đêm đều bốc nóng, buồn phiền mà vật vã là trùng dương mà không có âm (nên tả phần dương đại bổ phần âm).
Ngày lạnh đêm nóng là âm dương giao biến, sẽ chết.
Ngày nặng đêm nhẹ là dương còn toàn vẹn, trong miệng lạt không có mùi vị là chứng dương hư, từ quá trưa phát nóng đến nửa đêm thì lên cơn là nửa phần âm, và toàn phần dương bị hư (ví như ban ngày thì dưới mắt có vết, ban đêm thì không có vết là vì ban ngày mạch đi ở ngoài, ban đêm mạch đi ở trong).
Dương là số 1 mà thực, âm là số 2 mà hư, bởi số 2 của âm là do số 1 của dương chia ra, cho nên mặt trời bao giờ cũng tròn mà mà mặt trăng thì có khi tròn khi khuyết.
Con người mới sinh ra thuần dương không có âm; (thuần dương là trĩ dương, tức dương còn non, không nên cho thuần dương mà dùng bừa bãi những thuốc hàn lương để công phạt), nhờ khí Quyết âm của mẹ (sữa mẹ thuộc âm kinh) cho bú mớm sinh ra âm, cho nên con trai đến 16 tuổi thì tinh mới thông, 64 tuổi thì tinh đã cạn. Con gái đến 14 tuổi thì bắt đầu hành kinh, 49 tuổi thì đã mãn kinh.
Tinh của người ta chỉ ứng dụng trong vòng 30 năm, như thế có thể thấy rằng dương thường có thừa, âm thường không đủ. Huống chi con người hay có nhiều tình dục mà không biết tiết dục, cho nên từ lúc còn trẻ tới tuổi già thường phải luôn luôn bổ âm. Chữ âm ở đây là chỉ vào âm tinh, không phải là nói chung cả âm huyết, nay thường đem bài Tứ vật gia Tri bá để bổ âm là nhầm.
Vương Tiết Trai nói: “Trong 10 bệnh thì đến 8,9 bệnh là do thủy hư gây nên mà do hỏa hư chỉ độ 2,3 bệnh”, là hiểu được ý ấy. Chử Thị Trung nói: “Nam giới chân âm đã bị hư hao vẫn tưởng nghĩ tới sắc dục để cho tinh xuất thì tinh đã không thể ra được mà bị hư hại ở trong, tiểu tiện gắt khó đi như bệnh lậu. Dương đã suy mà còn làm cho hao kiệt thêm thì lúc đi tiểu tiện, càng đi bao nhiêu lại càng đau bấy nhiêu”.
Song trong âm có thủy và hỏa, thủy bị hư nhiều là lẽ cố nhiên, nhưng hỏa bị hư cũng không phải là ít, chưa có khi nào tinh đã tiết, âm đã bị hư mà nguyên dương lại còn nguyên vẹn một mình được. Huống chi âm dương đều cùng bắt rễ lẫn nhau. Cho nên bổ âm nhưng vẫn phải chú trọng tới dương vì không có dương thì âm không thể sinh được.
Tiêu kinh nói: “Còn tồn tại được một chút dương khí thì không chết”. Bởi vì khí ấm trong nhân thể tức là dương khí, đến khi chết thì hình xác còn đó mà khí bị tiêu tan, sống cũng do dương mà chết cũng do dương, dương phục hồi thì sống, dương thoát thì chết, dương có tròn vẹn thì âm mới vững chắc, dương tiêu thì âm mất. Cho nên người ta sống còn là nhờ ở một chút chân dương để vận hành mãi mãi, không nên cho rằng dương thường có thừa, mà đem những thuốc khổ hàn để công phạt.
Home » Y gia quan miện » Âm dương (Y gia quan miện)