Bổ hỏa lại trọng dụng Thục địa

Chữa chứng âm hư hỏa vượng dùng bài Lục vị bổ thủy để chế hỏa, đó là làm cho mạnh thủy lên để chấn áp dương quang (hỏa) là dĩ nhiên.

Tại sao chứng hỏa hư chạy càn, là do hỏa ở Mệnh môn suy, trong Thận nhiều khí âm hàn, hàn làm cho Long hỏa không có chỗ nương thân, sợ lạnh mà bốc lên. Vì thế dùng bài Bát vị bổ hỏa để đưa hỏa về nguồn, thì sào huyệt của nó được yên ổn.


Trong đó chủ yếu nhờ vào Quế, Phụ làm ấm Thận, làm cho Long thấy ấm áp mà trở về, đáng lẽ nên trọng dụng Quế, Phụ mới phải. Nay lại dùng Thục địa làm quân, Sơn thù, Sơn dược làm thần, mà Quế, Phụ lại bị hạ xuống làm sứ là tại sao? Nếu đã nói: Trong thận âm thịnh, lại còn nghiêng về bổ thủy e rằng sức nóng của Quế, Phụ không thể địch lại được; Thục địa, Sơn thù có tính âm nhu thì có tác ích gì cho tác dụng bổ hỏa?

Không phải thế. Cái lý của âm dương là dương bám víu vào âm, âm bám víu vào dương. Âm dương cùng dựa vào nhau mới nên tác dụng. Cho nên chân âm hư thì phải bổ thủy trong hỏa. Mệnh môn hỏa hư thì phải bổ hỏa trong thủy.

Phương thư nói: Bổ hỏa trong thủy thì sáng mãi không tắt, Bổ thủy trong hỏa thì nguồn không cạn. Huống chi Nhục quế có chất thơm hay bốc và hay cổ vũ, Phụ tử có tính thông kinh đạt lạc, nếu không có Thục địa không chế, Sơn thù kìm hãm, thì nó có tính hoành hành biểu lý rất nhanh chóng, có sức mạnh phá ải cướp cờ rất ngang tàng, đâu chịu an tâm đi xuống thận để ức chế âm hàn, làm ấm sào huyệt của Long. Tạo nên hiện tượng như khí hậu của tiết Đông chí, để cho khí nhất dương có thể sinh ra được.