Các bài ca về mạch

BÀI CA MẠCH HƯ THỰC CỦA BỐN MÙA

Xuân hiện mạch đông là hư

Chữa nên bổ thận để trừ bệnh căn

Mạch hạ bệnh thực ở tâm

Bằng khi muốn chữa phải bằng tả con.


Hạ, thu, đông mạch một môn,


Trước sau hư thực tính toan cho vừa.


(Xem mạch hạ, thu và đông cũng tùy theo từng mùa, như mạch xuân thì huyền, hạ thì hồng, thu mạch sắc, đông mạch thạch. Nếu thấy trái ngược lại thì xét xem sự sinh khắc như thế nào. Như tà ở phía trước tới là thực tà, tà ở phía sau tới là hư tà...)
Mạch tứ quý giữa mùa xuân

Mặc dầu có bệnh chẳng cần thuốc thang.

(Giữa mùa xuân là tháng 2, mạch tứ quý là mạch thuộc thổ, tháng 2 mà thấy mạch tứ quý là vợ tới lấn chồng, gọi là vi tà. Huống hồ tháng 2 là mộc ở chỗ để vượng, cho nên không chữa cũng khỏi).





BÀI CA XEM XÉT SẮC CỦA NGŨ TẠNG VÀ MẠCH CỦA TAY CHÂN.

TẠNG CAN 1:

Mặt sưng đen sạm, lưỡi co xanh

Chân tay mỏi rũ, mắt thông manh.

Chảy nước mắt luôn can đã tuyệt.

Tám ngày sau nữa bệnh khôn lành.

Xanh là sắc của can; Lưỡi co sắc xanh là bộ vị của con hiện sắc của mẹ. Chân tay mỏi rũ là hiện tượng gân suy không thể duy trì được. Can không còn huyết để vinh nhuận ra mắt cho nên mắt mờ thông manh không trông thấy gì. Tân dịch bị tiết ra ngoài cho nên chảy nước mắt không thôi. Những chứng đó đều do Can tạng bị tuyệt mà sinh ra. Vì kim khắc mộc, cho nên sẽ chết vào ngày kim vượng. Tám ngày là kể từ ngày Giáp đến ngày Tân. Nội kinh nói: “Khí Túc quyết âm bị tuyệt thì gân co, dái thụt, lưỡi rụt”. Quyết âm là đường kinh mạch của Can, can là chỗ để cho gân nương tựa. Gân thì tụ ở chỗ bộ phận tiền âm, liên lạc với cuống lưỡi, cho nên khi mạch không vinh nhuận thì gân co lại, gân co lại thì làm cho dái thụt, lưỡi rụt. Đó là gân bị chết, đến ngày Canh bệnh sẽ nặng, ngày Tân sẽ chết.

TẠNG CAN 2:

Mặt xanh, mắt nhắm bệnh can

Rốn bên trái động, giận hờn rút gân.

Mạch thì huyền cấp hoặc trường

Nếu phù, sắc, đoản trăm đường khó khăn.

TẠNG TÂM 1:

Mặt vàng sạm, thở so vai,

Bàn tay sưng húp, chỉ tay nhẵn lì

Nói càn, nói nhảm, nóng mê

Thì trong ngày ấy, hồn lìa thế gian.

Bàn tay sưng húp lấp cả chỉ tay là tâm khí tuyệt hết. Một ngày tức là số sinh của thủy; thủy khắc hỏa cho nên trong một ngày sẽ chết. Nội kinh nói: “Khí Thủ thiếu âm bị tuyệt thì mạch không thông; mạch đã không thông thì huyết không lưu hành được; huyết không lưu hành được thì, thì sắc trạch bị hết, cho nên sắc mặt vàng sạm đen”. Đó là huyết bị hỏng trước. Ngày Nhâm thì bệnh nặng, ngày Quý thì chết).

TẠNG TÂM 2:

Lưỡi cứng, mặt đỏ bệnh tâm,

Táo phiền, tay nóng, nói xàm miệng se.

Mạch hồng, khẩn, sác chưa chi,

Trên rốn động mạnh, trầm vi khó lòng.

TẠNG TỲ 1:

Chân, rốn sưng, mặt bủn vàng,

Ta đi chẳng biết chiếu giường tanh hôi.

Thịt da khô sít, vều môi.

Mười hai ngày ắt là rồi còn chi.

(Rốn là huyệt Thần khuyết, chân là mu bàn chân, bủn vàng là phù thũng và vàng da ra. Nội kinh nói: “Khí ở Túc thái âm hết thì mạch không vinh nhuận ra môi miệng. Môi miệng là chỗ căn bản của thịt. Mạch không vinh nhuận thì thịt không trơn nhuận, không trơn nhuận thì thịt bị đầy lên; Thịt bị đầy lên thì môi quăn vều, môi quăn vều ra là thịt đã bị chết. Ngày Giáp thì nặng, ngày Ất thì chết. Từ ngày Giáp đến ngày Ất tính quá đi một vòng là 12 ngày. Mộc tới khắc thổ cho nên chết).

TẠNG TỲ 2:

Bệnh tỳ vàng mặt, biếng ăn,

Nặng mình, đau mỏi tay chân, hay nằm

Mạch hoãn đại, rốn động ngầm,

Mạch huyền, trường, khẩn khó nhằm chữa thôi.

TẠNG PHẾ 1:

Hơi miệng mũi thở hắt ra,

Môi vều sưng nhẵn đen hóa tựa than,

Móng khô nẻ, da khô khan,

Trong ba ngày nữa có toàn được đâu.

(Hơi thở hắt ra không hít vào được, môi sưng không còn vết ngấn là thổ không sinh kim, đen như than là kim không sinh thủy, khí không lưu thông thì ngoài da khô nỏ, hồn phách không liên kết với nhau thì nóng bị khô nẻ. Từ ngày Giáp đến ngày Bính là 3 ngày. Bính thuộc hỏa, hỏa khắc kim cho nên chết vào ngày thứ 3. Nội kinh nói: “Khí Thủ thái âm tuyệt thì lông da khô sém”. Thái âm là phế, có trách nhiệm hành khí để làm cho ấm lông da. Khi khí không dinh dưỡng được thì lông da bị héo, héo là hết tân dịch, hết tân dịch thì lông da khô, là ngoài da bị chết. Bệnh đến ngày Bính sẽ nặng, ngày Đinh thì chết).


TẠNG PHẾ 2:

Bệnh phế mặt trắng lo sầu.

Thổ huyết nóng rét, miệng hầu sinh ho.

Trầm, tế, sắc, rốn động to (động khí ở bên phải rốn)

Đại mà mệt mỏi cơ hồ sắp nguy.

TẠNG THẬN 1:

Mặt đen răng buốt mắt mờ,

Lưng đau như gãy, mướt mồ hôi ra.

Tóc khô lại nhão thịt da

Bốn ngày sau nữa ắt là còn đâu.

(Mắt mờ, con ngươi bị đảo lộn; đổ mồ hôi dầm dề là thủy suy, riêng còn hỏa nung đốt. Lưng là phủ của thận. Thận bị tuyệt thì lưng đau như gãy, vì không vinh nhuận cho xương tủy được nữa, cho nên xương và thịt không còn bám víu với nhau, thịt không còn tân dịch để tưới nhuần cho nên tóc không mướt. Từ Giáp đến Mậu là 5 ngày. Mậu thuộc thổ, thổ khắc thủy nên sẽ chết. Nội kinh nói: “Khí của Túc thiếu âm bị hết thì xương khô”, Thiếu âm là mạch của mùa đông, nó đi ngầm ở trong làm ấm cho xương tủy, cho nên khi xương tủy không được ấm thì thịt không bám víu vào với xương, nên thịt nhão mà kết lại. Thịt nhão mà kết lại cho nên răng trơ ra mà khô, tóc không mướt. Đó là thận đã bị hỏng. Ngày Mậu bệnh sẽ nguy, ngày Kỷ thì chết).

TẠNG THẬN 2:

Bệnh thận móng xanh, mặt đen

Nặng tai, ỉa lỏng, bụng hàn lạnh đau.

Động dưới rốn, mạch trầm mau,

Hoãn mà kiêm đại ắt hầu chẳng yên.

BÀI CA HÌNH VÀ CHỨNG TRÁI NHAU

Người khỏe mạch bệnh gọi hành thi

Người bệnh mạch khỏe chẳng hơn chi.

Gày trường, béo đoản cũng như vậy

Xét kỹ suy cùng chẳng có nghi.


Người khỏe mạch bệnh. Ví như 5 lần động mạch thay (đại) một lần thì sau một năm sẽ chết. Người ta sinh trong vũ trụ khi còn sống thì là người, khi chết chỉ còn là cái thây ma. Gần đến thời kỳ chết mà vẫn đi lại làm lụng như thường gọi là hành thi (thây ma đi).

Người bệnh mạch khỏe. Ví như người bị bệnh ỉa chảy hay mất máu, hình thể gày yếu mà thấy mạch hồng đại và sác có vẻ mạnh mẽ, cũng gọi là hành thi. Người cao mạch đoản; người lùn mạch trường. Người béo mạch tiểu, người gày mạch đại đều là chứng chết.

Mạch phản quan.

Như người bệnh 6 bộ đều không có mạch; như vậy không phải là không có mạch. Nên lật sau cổ bàn tay để xem, thấy mạch động là mạch phản quan.

Mạch quỷ (quái mạch).

Khi mới mắc bệnh, đã nói nhảm phát điên, 6 bộ đều không có mạch, mà dưới ngón tay cái, ở trên thốn khẩu có động mạch, tức là mạh quỷ.