Chứng trạng hỏa hư, thủy suy

Về chứng trạng hỏa hư, thủy suy thấy hơi giống nhau, phép chữa dùng lục vị bát vị cần phải phân biệt.

Xét hình thể, biện chứng trạng, phân chia phán đoán không sai.

Nội kinh nói: âm dương cùng chứa ở một nơi, Thủy hỏa cùng sử dụng lẫn nhau. Cho nên trong thủy bổ hỏa thì sáng mãi không tắt. Trong hỏa bổ thủy thì nguồn chảy mãi không hết.

Trọng Cảnh là bậc hiền triết đã nhìn xa thấy rộng mà lập ra bài Bát vị là phương thuốc thông thường trong thủy bổ hỏa, trong hỏa bổ thủy. Phải thấy mạch hai bộ Xích đều Nhược, thủy hỏa đều suy, và thấy chứng tinh thần khí huyết đều có bệnh thì mới đối chứng dùng phương thuốc này.


Nếu hỏa hư thủy chưa suy, hoặc thủy suy hỏa thịnh thì trong bài Bát vị, vị thuốc có thêm bớt, cách chữa có phân biệt, lại có thể dùng lẫn lộn được sao?

Phàm chứng hỏa hư thủy thịnh, hoặc chứng thủy hư hỏa bốc cũng đều thấy các chứng: hai gò má hồng, mắt đỏ, họng khô, hay đau, lưỡi có rêu, môi nứt nẻ, suyễn thở xốc lên và ho, phiền khát bốc nóng. Người không xét kỹ: hoặc cho uống Bát vị, hoặc cho uống Lục vị, giả tỉ có hiệu nghiệm cũng không biết rằng đã trúng vào mặt thủy hay mặt hỏa; hoặc không thấy hiệu quả cũng lại hoang mang, không biết đã thất sách về thủy hay về hỏa. Vì trong phương bổ hỏa có thể tạm bổ thủy mà trong phương bổ thủy thì tạm có thể bổ được hỏa.

Phương thư nói: Ngày thường không biết tiết chế tình dục, đến nỗi Mệnh môn hỏa suy, trong Thận chân âm thiên thịnh, Long hỏa không có chỗ nương thân mà vượt lên thượng tiêu, dùng bài Bát vị để bổ hỏa và ôn thận thì Long hỏa tự khắc trở về.

Lại nói: vì lao thương mà tân dịch suy kiệt, đến nỗi chân âm hao tổn, hỏa không có thủy ức chế, tướng hỏa bốc lên mà đốt nóng da thịt, dùng bài Lục vị bổ thủy để đủ sức phối hợp với hỏa thì hỏa tự nhiên giáng xuống.

Một bài lấy ích hỏa làm căn bản; một bài lấy tráng thủy làm chủ yếu. Như thế là có hai đường lối.

Phàm hư hỏa mà bốc nóng là do Long hỏa của Mệnh môn sợ khí âm hàn ở Thận mà bốc lên, cho nên dùng Quế, Phụ theo tính của nó mà làm ấm cái huyệt của nó, khiến cho Long hỏa trở về chỗ cũ.

Phàm thủy suy mà hỏa bốc lên, tức là cái huyệt của Tướng hỏa, tượng trưng bằng cái khuyên trắng ở thận bên phải, với huyệt của Chân thủy, tượng trưng bằng cái khuyên đen ở thận bên trái lúc nào cũng phải như cái cân thăng bằng.

Nếu bên nặng bên nhẹ như do thủy bất túc thì thấy ngay hỏa hữu dư, cho nên dùng một đội âm dược loại Thục địa, Sơn thù bổ riêng cho thủy để có đủ sức phối hợp với hỏa, thì thủy hỏa thăng bằng nhau mà nhiệt tự nhiên hết. Trái lại, thủy hư mà còn bổ hỏa, tức là giúp thêm sức nóng cho hỏa để làm hại thủy thêm nữa. Hoặc là hỏa hư mà còn bổ thủy thì khí âm càng mạnh thêm.

Tôi có một bí pháp tâm đắc: Hễ xét thấy mạch Xích bên phải yếu hơn mạch Xích bên trái là Chân dương hư, Mệnh môn hỏa suy. Còn mạch Xích bên trái không bằng mạch Xích bên phải là Chân thủy suy, tướng hỏa bốc lên. Nhưng mạch là làn sóng của khí huyết, sợ có khi sai lầm, nên cần phải quan sát hình thể nữa.

Tuy chứng có nhiều manh mối, như hỏa hư thì tất nhiên hình thể gầy gò, mắt mặt bạc nhược, hoặc béo bệu trắng bủng. Còn thủy suy thì tất nhiên hình thể đen gầy, hoặc hai gò má và mép đỏ hồng.

Sau nữa lại lấy chứng trạng làm bằng:

Tuy cùng là chứng bốc nóng nhưng chỉ thấy khát mà không hay uống nước là chứng vô hỏa. Khát mà hay uống nước là chứng vô thủy.

Trên nóng dưới lạnh là chứng vô hỏa.

Ngoài nóng trong buồn bực vật vã là chứng vô thủy.

Đại tiện thường lỏng là trong vô hỏa.

Đại tiện thường táo là trong vô thủy.

Bệnh vô thủy vô hỏa khác nhau, thì Thục, Thù với Quế, Phụ dùng chữa cũng khác nhau như nước với lửa.

Đó là những điều hiểu biết ở trong lòng tôi, xin đem công bố để làm sáng tỏ thêm cái đức tính tốt của Trọng Cảnh để lại cho muôn đời.