Dùng khí dược và huyết dược

VỀ DÙNG THUỐC, KHÍ DƯỢC HUYẾT DƯỢC NƯƠNG NHAU MỚI CÓ THỂ THÀNH CÔNG


Phương Thư nói: Khí dược có công năng sinh huyết. Đó là theo lẽ âm dương mà nói; Vì dương có sinh ra thì âm mới lớn mạnh, chứ không phải bảo là dùng tất cả các loại khí dược đều có thể sinh ra huyết được đâu.

Như chứng huyết thoát, chủ trương dùng huyết dược mà lại dùng Độc sâm thang, hình như cho rằng khí dược có khả năng sinh ra huyết. Nhưng xét kỹ thì khi băng huyết mà thần sắc vẫn tươi tốt thì không dùng được Phụ tử, vì nó là loại thuốc cứu thoát hồi dương, mà chỉ dùng Độc Sâm thang vì Nhân sâm tuy là khí dược, nhưng cái chất nhuận trạch của nó rất đậm đà, nên mới có thể bổ dương kiêm cả bổ âm. Vả lại nhân vì huyết thoát mà vong âm, thì các vị Truật khô ráo, Phụ mãnh liệt không thể dùng được trong khi cần phải tĩnh dưỡng.

Cho nên dùng Nhân sâm mới được cả hai mặt. Như bài Bổ huyết thang có Hoàng kỳ 1 lạng, Đương quy 2 đồng cân, nếu cho rằng chuyên dùng khí dược mới có công năng sinh huyết, thì sao không mượn Nhân sâm để bổ dương ích âm, dùng Bạch truật để bổ vị sinh huyết, mà lại chỉ dùng một vị Hoàng kỳ là thuốc cần thiết để bổ Vệ khí, lúc nào nó cũng có chất mềm nhuyễn như bông, có thể sinh huyết và tả âm hỏa.

Vả lại, bài Bổ huyết là để chữa chứng lao thương, huyết hư phát sốt, vì Hoàng kỳ bổ vệ khí mà kiêm sinh huyết, cho nên có thể vào một đội với các vị huyết dược.

Một đường vì trung khí thoát ra mà dùng Sâm; một đường vì vệ khí hư mà dùng Kỳ, lấy chứng theo phương, dùng thuốc chữa khí nhưng vẫn chiếu cố đến huyết.
Cho nên bảo rằng bổ dương sinh âm cũng được mà bảo rằng bổ huyết ích khí cũng được. Cốt sao cho khí huyết nương nhau mới có thể thành công. Đó là cách lập phương của cổ nhân, thần diệu vô cùng, trong dương có âm trong âm có dương, đâu có thể một mực cho rằng khí dược là có công năng sinh huyết mà không tìm ra nguyên nhân, không biết nguyên chủ vào đâu mà dùng bừa bãi được hay sao?