Vả lại, người thể hư thì nguyên dương thường hay hãm xuống, dùng bài thuốc đó làm cho dương khí thăng lên, cũng có ý nghĩa thăng dương để giải biểu.
Lại còn chứng nhọc mệt thương tổn mà phát sốt cũng vì trung khí hư yếu, khí của cơm nước không vận hành, vị quản không thông mà sinh nội nhiệt (nóng bên trong). Dùng bài Bổ trung làm cho khí mạnh lên, sự chuyển vận được khỏe hơn thì chứng hư nhiệt tự khỏi. Đó cũng là một ý nghĩa bổ thổ tàng dương, thần diệu là làm ấm lại bếp lửa đã sắp tàn.
Cớ sao người nay dùng bài Bổ trung không phân biệt Âm hư hay Dương hư, nội thương hay ngoại cảm, chẳng hỏi đến hư thực, hễ gặp bệnh cần uống thuốc là nói ngay đến Bổ trung, rồi thầy thuốc với nhà bệnh tự cho là một phương pháp rất bình hòa, rất ổn thỏa. Sao không nghĩ tới những điều thích ứng cũng còn những điều phải cấm kỵ?
Lại còn có người không hiểu đến mức nhận lầm đó là một bài thuốc bổ hư, nên sau khi khỏi bệnh rồi dùng để điều bổ. Rồi người vô bệnh cũng hay dùng để làm cho mạnh tỳ, khỏe vỵ giúp sự ăn uống; nào có biết đâu càng làm thăng đề thì khí càng giáng xuống, càng giáng xuống thì khí càng hư; ngoài biểu không có khí hộ vệ, tạo môi trường cho phong tà nhiễm vào, ở trong lại bị khí âm lấn át thì dễ sinh bệnh ỉa sống phân.
Còn như cách gia giảm không biết từ nhà nào sáng lập ra: muốn cho hoàn toàn bổ thì bỏ Thăng ma, Sài hồ, sao không hiểu ý nghĩa của bài Bổ trung nhờ có Thăng, Sài để phát động sự tươi tốt của khí mùa Xuân, khiến cho cây cỏ nảy lộc đâm chồi, thì cái khí nhất dương sinh mới được thỏa mãn. Hoặc có người không dám bỏ thì lại tẩm mật sao lên làm cho cái tính khinh thanh của Thăng, Sài bị bùn ao quyện lại thì lấy gì giúp đỡ cho Sâm, Kỳ?
Lại có người dùng Bổ trung để chữa chứng âm hư hỏa vượng và các bệnh thực khí đưa ngược lên thành chứng nôn, nhưng vì sợ tính thuốc bốc lên nên lại gia thêm Ngưu tất và cho nó rút xuống, nào có hiểu rằng bài Bổ trung lấy thăng làm giáng, vì khí thanh dương bốc lên thì trọc âm tự phải giáng xuống. Nếu giằng co hai đầu, một lên một xuống thì đem Sâm, Kỳ đặt vào chỗ nào cho được.
Lại còn dùng chữa chứng âm hư nhiệt thịnh thì gia thêm Hoàng bá để tả âm hỏa, sao không hiểu Bổ trung vốn là phương thuốc để chữa dương hư, có can gì đến âm hỏa. Huống chi Hoàng bá tả Thận hỏa mà cũng tả cả Vị hỏa nữa. Vị gặp thuốc khổ hàn tất bị thương tổn, mà thổ hư thì không có chỗ dung thân.
Lại còn những người hễ thấy đau lưng thì gia bừa Đỗ trọng là thuốc bổ thận; thấy âm hư thì gia bừa Thục địa là thuốc bổ thủy; thấy gân co rút thì dùng bừa Mộc qua; Thấy chân đau thì gia bừa Ngưu tất. Như thế đều là trái với phương pháp, tự ý làm càn, khó mà kể ra cho hết được.