Kiêm chứng dụng dược theo hư thực

PHẾ KINH:


Ở đức, là nghĩa (義); ứng với quẻ Càn, cho nên vẽ ba vạch ngang liền, thuộc phía Tây Bắc, cung Thân Dậu.

Phế kinh có bệnh thì thấy các chứng: Suyễn thở gấp, khí đưa ngược lên, thường hay ho, ho có đờm, ho ra máu, hơi thở ngắn, chân mềm yếu, cảm cúm chảy nước mũi, nặng tiếng.

Phế chủ về tiếng nói, khai khiếu ở mũi, ngoài thuộc về lông da, khi phong tà phạm vào ngoài biểu, thì phế khí phải chịu đựng trước cho nên thấy các chứng hay nhảy mũi, chảy nước mũi thối, chảy nước mũi mãi không cầm, mũi mọc thịt thừa (tức nhục), bí tiểu tiện (vì khí không thông), hoặc đái vặt, hoặc đái són (vì khí nhiệt), miệng khô khát nước (vì khí hư thủy kiệt), da nhăn tóc rụng, da thịt đau ngứa, hoặc tê dại (vì khí hư); tiểu tiện lạnh buốt sởn gai ốc (nhiệt làm hại khí cho nên mùa hè nóng nực hay có chứng này).

Dụng dược:


Bổ khí dùng Sâm, Kỳ.

Ích khí dùng Tử uyển.

Thu hồi khí hao tán của Phế kim, thâu nạp khí đem chứa vào nguồn, bổ mà liễm thì dùng Ngũ vị.

Tính mát mà lại bổ, nhuận táo và thanh hỏa thì dùng Mạch môn.

Bổ trung ích khí và có thể tả được hư hỏa thì dùng Sa sâm.

Tả hư hỏa thì dùng Hủ cầm.

Tiết khí thì dùng Trần bì.

Giữ Phế khí, yên nhiệt suyễn thì dùng Thiên môn.

Tả hỏa sinh ra ho suyễn và hỏa bốc lên Phế phát sinh ho thì dùng Tang bì.

Khơi thông đường nước khiến cho khí giáng xuống thì dùng Trạch tả, Xích linh, Xa tiền.

Làm tan khí lạnh thì dùng Sinh khương.

Làm cho ấm khí khỏi ho thì dùng Khoản đông hoa.

Làm giáng khí thì dùng Tô tử, Hạnh nhân.

Phá trệ thì dùng Chỉ xác.

Trị đờm thì dùng Bối mẫu, La bặc tử.

Đưa các vị thuốc vào Phế kinh thì dùng Cát cánh.

TÂM KINH:


Tính của nó là Lễ (禮), ứng với quẻ Ly, cho nên vẽ trống ở giữa, thuộc phía chính Nam, cung Ngọ.

Nội kinh nói: Tà không thể phạm vào Tâm được, vì đã có Tâm bào cáng đáng, nếu phạm vào Tâm thì chết ngay.

Tâm kinh có bệnh thì thấy các chứng: mình nóng, mồ hôi ra đượm máu (hãn huyết), hoặc chợt nóng chợt khỏi (không nóng lâu do Tâm hư), hay cười, nói sảng, phát cuồng, hay quên, hoảng hốt, sợ hãi, lưỡi cứng; lưỡi có rêu, sắc mặt khô sạm, phát bệnh điên giản (động kinh), mồ hôi ra nhiều quá, phát kính (co giật).

Các bệnh này phát ra sau khi ở khoảng ngực mồ hôi ra nhiều, với sau khi sợ hãi quá. Những người trước sang sau hèn, trước giàu sau nghèo cũng hay mắc phải.

Dụng dược:


Bổ Tâm khí dùng Táo nhân.

Bổ Tâm huyết dùng Đương quy.

Vừa thanh vừa bổ thì dùng Liên tử.

An thần, khỏi sợ, đỡ quên thì dùng Viễn chí.

An thần dùng Phục thần.

Khai khiếu tỉnh Tâm dùng Xương bồ.

Tả hỏa dùng Hoàng liên.

Lương huyết dùng Tê giác, Sinh địa.

Ấm huyết dùng Nhục quế.

Trấn tâm khỏi kinh sợ dùng Thần sa.

Thanh tâm dùng Ngưu hoàng.

CAN KINH:


Tính của nó là Nhân, ứng với quẻ Chấn, cho nên vẽ như cái chậu để ngửa, thuộc phía chính Đông, cung Mão.

Can kinh có bệnh thì thấy các chứng: mắt đỏ, sườn đau, đau chằng xuống bụng dưới, hay giận giữ, khí đưa ngược lên, giật gân cơ quắp, gân liệt, chân tay run rẩy, móng chân móng tay khô mà màu xanh, uất nhiệt (trong nóng ngoài lạnh), mắt hay trông ngược, đầu choáng váng mắt hoa, hay ngáp vặt, cổ cứng, nôn mửa ra nước chua, đau sán khí, bìu dái co lại, đái sẻn đái rắt.

Dụng dược:


Bổ Can huyết dùng Đương quy, Sinh địa không dùng Thục địa.

Bổ âm liễm khí dùng Sơn thù.

Bổ khí dùng Toan táo nhân để sống.

Làm mạnh gân dùng Ngưu tất, Đỗ trọng, Mộc qua.

Liễm huyết tả khí dùng Bạch thược.

Hành khí dùng Xuyên khung.

Tán khí dùng Trần bì, Chỉ xác.

Thanh Lôi hỏa dùng Đan bì.

Tả hỏa dùng Tê giác.

Phạt khí dùng Thanh bì.

Hạ khí dùng Ngô thù.

Bình khí tả hỏa dùng Sài hồ.

Bình Can uất dùng Quế chi (vì mộc gặp quế làm cho khô).

Ấm Can dùng Mộc hương, Nhục quế.

Mát Can dùng Cúc hoa

Hoãn Can khí dùng Cam thảo.

TỲ KINH:


Tính của nó là Tín (信), ứng với quẻ Khôn, cho nên vẽ sáu vạch ngang ngắn, thuộc phía Tây Nam, cung Thìn, Tuất, Sửu, Mùi.

Tỳ kinh có bệnh thì thấy các chứng: trướng đầy, thủy thũng, hoàng đản, tiêu trung (ăn uống được mà không sinh da thịt), hay đói, hay khát, môi se miệng lở, đầy bụng ỉa chảy, ăn không được, hoặc ăn vào không tiêu, sôi bụng, có báng tích, ăn xong chân tay mỏi mệt rã rời, hoặc ăn ít hay đói, chân tay mất sức, nhiệt uất ngủ mê man, hay lo buồn, mất ngủ. Tỳ có đờm thịnh thì đờm đặc vàng, tinh thần váng vất như người say rượu, khí yếu hay nằm, thịt đau mặt vàng, chân thũng mình nóng, miệng ngọt; cùng các chứng dương khí hãm xuống, trẻ em Mạn kinh.

Dụng dược:


Bổ khí dùng Sâm Kỳ.

Bổ nguyên dương của hậu thiên để giúp sức mạnh cho quẻ Càn (thuộc Phế) thì dùng Bạch truật.

Ôn trung hòa trung dùng Chích thảo thấm thấp ở thổ.

Phạt tà ở Mộc thì dùng Phục linh.

Bổ ích trung khí thì dùng Hoài sơn, Liên nhục, Ý dĩ, Ích trí.

Điều hòa Tỳ thì dùng Long nhãn, Đại táo.

Ôn trung thì dùng Ổi khương, Bào khương, Quan quế, Đinh hương, Sa nhân.

Trừ khử hàn ở trung tiêu thì dùng Can khương, Phụ tử, Hồ tiêu.

Làm cho tỉnh Tỳ khí thì dùng Táo nhân.

Thanh đờm thì dùng Bán hạ.

Chỉ tả dùng Đậu khấu, Biển đậu.

Thông hành khí trệ thì dùng Trần bì, Chỉ xác.

Làm tiêu chứng đầy bụng thì dùng Trầm hương, Mộc hương.

San bằng gò đống (chứng Tỳ tích) thì dùng Thương truật, Hậu phác.

Làm tiêu cốc khí tích thì dùng Mạch nha, Thần khúc.

Làm tiêu chất thịt và hoa quả tích lại thì dùng Sơn tra.

Tả Tỳ khí thì dùng thuốc hàn vì mọi khí hàn đều hay làm hại Tỳ.

Chứng Tỳ âm: (âm được gặp âm thì mạnh lên).

Chứng huyết hư thì đêm nặng ngày nhẹ, đói mà không muốn ăn, buồn rầu, ảo não, nước dãi trào ra, đại tiện khô khó đi, hoặc vì buồn rầu lo nghĩ, mất ngủ mà sinh ra chứng hư đầy hơi, đã dùng nhiều thuốc cay thơm hành khí mà không có hiệu quả, thì nên bổ Tỳ âm (xem mục cổ trướng ở dưới), nên kíp dùng Quy Thục để bổ huyết, Bạch thược để liễm âm, Táo nhân để làm tỉnh Tỳ khí như các bài Thất vị hoàn, Tả quy hoàn, Quy tỳ thang đều nên chọn dùng. Trong thuốc bổ khí nên dùng kèm thuốc nhu nhuận.

Chứng Tỳ dương: (Dương được gặp dương thì mạnh lên)

Chứng khí hư thì đêm nhẹ ngày nặng, ăn uống không tiêu, đờm nhiều mỏi mệt, da nóng, lòng bàn tay, bàn chân và chấn thủy (mũi ức) đều nóng, nên bổ Tỳ khí tức là bổ trung khí; cốt để cho hồi dương nên dùng Bạch truật, Can khương, Phụ tử, Đinh hương, Sa nhân như các bài Tứ quân thang, Phục thố hoàn, Đại kiện tỳ hoàn, Dị công tán, Sâm linh bạch truật tán đều nên lựa chọn mà dùng, cùng với Thận cùng ở một chỗ, đó là tạng thứ 6. Lại có sách lấy Tâm bào lạc là tạng thứ 6 mà không nói đến Mệnh môn.

Ngày nay chữa bệnh, chỉ biết những vị ưa thấp ghét, là thuốc để kiện Tỳ, mà không hiểu rằng có Vỵ dương lại có Tỳ âm. Hành thổ phải có đủ đức nhu nhuận, nếu khô ráo thì không thể sinh ra mọi vật được. Bài Bổ trung thang riêng trọng dụng vị Đương quy là có ý nghĩa rất tinh diệu vậy.

THẬN KINH


(Mệnh môn với Thận cùng ở một cung, là tạng thứ sáu). Tính của nó là Trí (智), ứng về quẻ Khảm, cho nên vẽ kín ở giữa, thuộc phía chính Bắc, cung Tý.

Thận kinh có bệnh thì thấy các chứng: miệng khô ráo hoặc tiêu khát, họng đau (thủy suy), hư nhiệt, đau xương, nóng trong xương, liệt chân, mình nặng, tai ù, tai điếc, đau ngang lưng, lạnh lưng, ngoài sợ gió lạnh, trong sợ thức ăn sống lạnh, tiết tả, đi tả lâu ngày, đi tả sáng sớm, lỵ, thủy thũng, mặt đen, mặt xanh bủng, mắt mờ không trông được xa (vô hỏa), lòng đen mắt xanh, đồng tử khuếch tán, tiểu tiện đi luôn mà ít, đại tiện lợi hoặc hư bí hoặc khỏi rồi mà về đêm hay đi tiểu tiện, đại tiện táo bón (chân thủy suy). Đàn ông di tinh, bạch trọc, đàn bà đới hạ, bạch dâm. Bụng to, ngọc hành sưng đau, bìu dái co rút, ướt ngứa, liệt dương. Trong bụng thấp thỏm như đói, đói mà không ăn được hoặc ăn xong đói ngay; khí từ dưới rốn đưa ngược lên, ho suyễn, mặt đỏ hồng, má sưng, đầu và mặt sưng to thành chứng thũng độc, thượng nhiệt hạ hàn.

Xác định rằng khát mà hay uống là thủy suy. Răng rụng sớm, răng đau, sợ hãi sinh bệnh, khỏi bệnh rồi mất tiếng. Trẻ em xương sống lưng biến dạng, nghẹo cổ, năm chứng mềm, năm chứng chậm, và tất cả các bệnh nặng, các chứng bệnh quái lạ, các chứng hư tổn đều gốc ở thận, mà Mệnh môn là căn bản của sự lập mệnh.

Dụng dược:


Bổ chân âm chân thủy dùng Thục địa, Sơn thù, bổ chân dương chân hỏa dùng Nhục quế, Phụ tử.

Muốn bổ mạnh tinh huyết làm mạnh âm dương, bổ gân xương sinh con cái, đẹp nhan sắc thì chỉ có những loại thuốc huyết nhục hữu tình như Nhung hươu, Nhung nai, cao sừng Nai, gạc Nai, nhau con so.

Cố tinh thì dùng Lộc giác sương. Thêm tinh, tráng dương bổ hỏa thì dùng Câu kỷ, Nhục thung dung, Tỏa dương.

Bổ Thận dương, chỉ hoạt tinh, làm bền thận khí, làm khỏi các chứng mộng tinh, ỉa lỏng, ỉa chảy thì dùng Phá cố chỉ.

Chữa vong âm, tiểu tiện đi luôn không có chừng mực thì dùng Ích trí.

Mạnh gân, bổ xương, chữa đau lưng đau gối thì dùng Ngưu tất, Đỗ trọng. Tiếp xương nối gân thì dùng Tục đoạn.

Bổ thận âm, chữa hở mỏ ác thì dùng Quy giáp.

Làm ấm thận khí thì dùng Trầm hương, Sa nhân, Bá tử nhân, Khiếm thực.

Cố tinh, sáp tinh thì dùng Long cốt, Mẫu lệ.

Chữa chứng nóng trong xương, có mồ hôi thì dùng Địa cốt bì.

Thanh loại hư hỏa vô căn thì dùng Tri mẫu, Hoàng bá.

Thấm thủy thì dùng Trư linh, Trạch tả.

Thấm mà nhuận thì dùng Ý dĩ, Phục linh, Xa tiền.

Tôi xét thấy các vị thuốc bổ Thận cũng như các vị thuốc bổ Tỳ, hễ các vị cay thơm ráo thấp đều gọi là thuốc của Thận, kẻ ngu muội không biết phân tích rõ ràng tự ý dùng bừa. Mỗi khi muốn bổ Thận là họ tìm ngay trong Bản thảo, thấy những vị nào hơi có khả năng bổ ích cho tinh huyết chút ít thì gia thêm ngay vào. Vị làm thần sứ nhiều hơn những vị làm quân; các vị thuốc gia thêm lại nhiều hơn bài thuốc chính, xếp lộn thuốc âm dương, khí vị ngang trái, bài thuốc không thống nhất nên rất khó có hiệu quả.

Tôi không nệ kiến thức hẹp hòi, phân loại ra để cho mọi người hiểu có chứng bệnh nào thì dùng loại thuốc ấy. Vì các loài cây cỏ vốn có dương khí, mỗi loại chỉ bẩm thụ thiên về một mặt. Các chất cay, ngọt, chua, đắng của cây cỏ vốn tự sẵn có thì các phép hàn nhiệt bổ tả, liệu ta có thể dùng lẫn lộn được chăng? Các bậc hiền triết ngày xưa dựa vào tinh thần đó mà làm sáng tỏ ra; hoặc mượn lấy khí, hoặc hợp với vị, trong âm có dương, trong dương có âm, nhân tả mà làm bổ, nhân bổ mà làm tả, khiến cho thuốc cùng trong một đội giúp đỡ lẫn nhau, vị thuốc tuy nhiều mà phép công hay bổ đều thống nhất. Cho nên hiệu quả nhanh chóng như tiếng dội.

Cớ sao người đời sau không chịu nghiên cứu cho kỹ, mà chỉ tự khoe khoang, lấy câu: Y giã ý dã, gia giảm do nhân (y tức là ý, sự thêm bớt tùy theo mình) rồi cứ làm bừa, thật là buồn cười.

ĐẠI TRƯỜNG:


Đại trường thông với Can, Đại trường có bệnh thì nên bình Can, Can có bệnh thì nên sơ thông Đại trường.

Đại trường có bệnh thì thấy các chứng: Sôi bụng, ỉa ra máu, đầy trướng, đại tiện táo bón (thực là nhiệt bế, hư là huyết khô), trĩ, mạch lươn, trường ung, xích lỵ, bạch lỵ, trung tiện rất thối (bên trong có phân táo).

Dụng dược:


Bổ khí dùng Bạch truật, Phục linh, Đậu khấu.

Bổ huyết dùng Đương quy, Thục địa, Thung dung.

Nhuận táo dùng Ma nhân, Ngưu tất.

Hành trệ dùng Mộc hương, Thông bạch.

Phá tích dùng Chỉ xác, Binh lang, Thảo quả, Khiên ngưu.

Tả hỏa dùng Hòe hoa, Tử cầm, Thạch cao, Hoạt thạch.

Đại tiện táo bón uất dùng Đại hoàng, Phác tiêu, Ba đậu.

Cố sáp dùng Kha tử, Long cốt, Mẫu lệ.

TIÊU KINH:


(tức là Đởm kinh).

Tiêu kinh chủ về trung chính,cùng thông với Tâm. Tiêu kinh có bệnh rét run, điên cuồng, nên bổ Tâm. Tâm có bệnh hồi hộp (chính xung) nên làm ấm Tiêu kinh.

Tiêu kinh có bệnh thì thấy các chứng: Khí tràn lên, miệng đắng, hay thở dài, chảy nước mắt, mất ngủ, hay sợ hãi.

Dụng dược:


Bổ thì dùng Táo nhân.

Làm cho mát thì dùng Hoàng liên, Long đởm, Trúc nhự.

Thấm thủy thì dùng Mộc hương.

Tả khí dùng Thanh bì, Sài hồ.

Ôn khí dùng Sinh khương.

VỊ KINH:


Chủ về kho tàng.

Vị kinh có bệnh thì thấy các chứng: Biết đói mà không ăn được (vì tiêu hóa không mạnh). Hay ăn mà gầy (vì có hỏa tà phục ở vị). Nằm không yên, thở to thành tiếng (vì vị khí không điều hòa). Bụng hay đầy, không ăn được, hay sinh trướng bụng. Mình gầy, bụng to, mắt vàng, nướu sưng mà đau (do vị nhiệt), lở môi, nhạt miệng (cũng là vị nhiệt). Chảy dãi đau vú (bầu vú thuộc Dương minh vị). Xót ruột, nôn mửa, phát cuồng, trèo cao ca hát. Hay rên, hay ngáp, hay trung tiện, liệt dương. Hàn thịnh thì sinh ọe khan, nhiệt thịnh thì sinh sợ sệt (do Thổ khắc Thủy).


Dụng dược:


Ôn bổ thì dùng Bạch truật, Liên nhục.

Lương bổ thì dùng Hoàng cầm! Phàm thuốc hàn lương rất hay hại vị, mà tôi lại lấy Hoàng cầm làm thuốc lương bổ là tại làm sao? – Đó là kiến thức độc đáo của tôi. Vì tôi thấy trong cổ phương: bài Bổ trung thang gia thêm Hoàng cầm, Thương truật, Bán hạ, Ích trí gọi là bài Ích vị; gia thêm Hoàng cầm, Thần khúc gọi là bài Ích vị thăng dương; cũng như lấy Bạch truật làm quân để an thai. Ý nghĩa sâu xa khó nói hết (Ý tại ngôn ngoại), có suy nghĩ kỹ mới hiểu được.

Nội kinh nói: Tỳ ghét thấp mà ưa ráo. Vị ghét ráo mà ưa thấp. Phương Thư nói: Vị ưa uống mát mà ghét thứ nóng; tràng ưa thứ nóng mà ghét thứ lạnh. Vì vị dương không thể để cho nó lấn lên. Cho nên bài Bổ trung trọng dụng vị Đương quy để bổ chân âm của Tỳ. Vì thế chứng Quan cách là do vị khẩu khô khan, cho nên dùng Hoàng cầm làm thuốc lương bổ cần thiết cho Vỵ, cũng như Bạch truật là loại thuốc để ôn bổ cho Tỳ. Nhưng nếu Vỵ hàn sinh tiết tả mà chứng hỏa hư, thì lại cấm dùng Hoàng cầm.

Tiêu cơm thì dùng Mạch nha, Thần khúc.

Làm cho ấm Vỵ thì dùng Đinh hương, Quan quế, Nhục đậu khấu, Ích trí, Ổi khương, Bào khương, Chích thảo.

Phạt hỏa thì dùng Thạch cao.

Chữa đờm thì dùng Trần bì, Bán hạ.

Tả hỏa độc thì dùng Liên kiều.

Lương giải thì dùng Bạch thược, Thạch hộc.

Dẫn hỏa đi xuống thì dùng Sơn chi tử.

Thăng dương khí thì dùng Thăng ma.

Thăng thanh khí thì dùng Cát căn.

Tả thực thì dùng Ba đậu, Đại hoàng, Phác tiêu.

Hành khí thì dùng Mộc hương.

Phá trệ thì dùng Hậu phác, Chỉ xác.

Chỉ khí nghịch thì dùng Hoắc hương, Thanh bì.

BÀNG QUANG:


Chủ về Châu đô (nơi thủy dịch tụ hội), tương thông với Phế, Phế có bệnh nên lợi Bàng quang, Bàng quang có bệnh nên thanh Phế.

Bàng quang có bệnh thì thấy các chứng: Tiểu tiện bí (lung bế) hoặc tiểu tiện đi luôn, đái vặt. Chứng này không lấy hàn nhiệt mà phân hư thực. Đái vặt mà ít cũng có khi vì hạ tiêu nhiệt. Tiểu tiện bí cũng có khi vì Thận khí hàn. Đái vặt mà nhiều cũng có khi vì Thận khí không làm việc bế tàng mà sinh ra. Tiểu tiện bí cũng có khi do Phế khí không thể giáng xuống được mà sinh ra.


Dụng dược:


Bổ hỏa thì dùng Bát vị hoàn.

Bổ thủy thì dùng Lục vị hoàn. Chữa bệnh đái vặt (són đái, đái dầm) thì dùng Ích trí.

Cố sáp tiểu tiện thì dùng Long cốt, Mẫu lệ.

Tả thủy thì dùng Trư linh, Trạch tả, Mộc thông, Đăng tâm, Xa tiền, Cù mạch, Diêm tiêu.

Thanh hỏa thì dùng Tử cầm, Hoạt thạch, Hoàng bá, Sơn chi.

Diêm tiêu là thuốc thánh chữa chứng Thủy thũng, tiểu tiện thuộc thực bí rất hay.

TAM TIÊU:


Chủ về việc sứ thần, tương thông với Thận. Thận có bệnh nên điều hòa Tam tiêu. Tam tiêu có bệnh nên bổ Thận là chủ yếu. Thận tương thông với Mệnh môn, Tân dịch kém, vị hỏa suy nên đại bổ Thận dương.

Các chứng bệnh của Tam tiêu hiện ra chỉ lấy Thận dương làm căn bản. Hỏa mà yên vị thì sự truyền tống của Tam tiêu được thoải mái. Hỏa mất vị trí biến thành Tráng hỏa thì Tam tiêu có bệnh nhiệt. Mệnh môn suy, tướng hỏa bại thì Tam tiêu có bệnh hàn. Còn như các chứng hiện ra lại theo nguyên nhân của tạng mà chữa.

Phàm các chứng nghẽn tắc, cơm nước không vào được và đầy tức (bệnh khí) ở khoảng ngực thì trách cứ vào Tâm Phế. Nếu đầy trướng xót ruột, nôn mửa với ăn không tiêu thì trách cứ ở Tỳ Vỵ. Còn bệnh tiểu tiện bí gắt với bệnh đái buốt, cùng các bệnh xuất huyết thì trách cứ ở Can Thận, Bàng quang, Đại trường, Tiểu trường. Dùng thuốc nên theo chỗ có bệnh mà chữa.

Đó tuy là phân ra bệnh mà đặt tên, nhưng cách chữa lại quy thuộc vào các tạng. Như thượng tiêu có bệnh thì dùng thuốc của Tâm Phế. Trung tiêu có bệnh thì dùng thuốc của Tỳ Vỵ. Hạ tiêu có bệnh thì dùng thuốc của Can, Thận, Bàng quang, Đại trường, Tiểu trường mà chữa. Nhưng thực ra vẫn ở Mệnh môn mà thôi.

Nếu chân thủy chân hỏa đều yên vị của nó, thì muôn sự điều hòa, lo gì chức năng thần sứ không làm tròn trách nhiệm của mình.

Trên đây là tôi đem cách dùng thuốc theo cơ chế của bệnh tật khác nhau mà trình bày theo kiến thức hẹp hòi của mình. Còn như chứng thực chứng hư thì phép xưa tuy đã có phân tích rõ ràng, nhưng các hiện tượng giả tạo của bệnh mà tà khí thực thì còn dễ dò xét; nếu các chứng chính khí hư thì các chứng giả rất hay lẫn lộn với các chứng thực.

Nội kinh nói: “Biết được ngọn chỉ chữa gốc nghìn người không sai một”, chính là lẽ ấy. Phương Thư nói: “Phàm chẩn đoán bệnh tật nên xét nguyên khí trước tiên, rồi sau mới tìm nguyên nhân sinh bệnh”. Lại nói: “Lấy bản khí (nguyên khí) làm chủ yếu, chứ các chứng khác thì không đủ lấy làm bằng cứ”.

Theo kinh nghiệm của tôi, có ba phép cần thiết: một xem hình thể; hai là bằng vào mạch; ba là hợp với các chứng trạng. Người ít tuổi khỏe mạnh, máu thịt đầy đủ, là hình thể thực. Còn những người tuổi già, sức yếu, ốm mới khỏi,mới đẻ, trẻ em là hình thể hư. Xem mạch không cứ gì Phù, Trầm, Đại, Tiểu, hễ ấn tới xương thấy hữu lực là mạch thực, vô lực là mạch hư.

Chứng bệnh tuy giống như chứng thực, mà thấy mạch hư, hình hư, thì đó là chứng giả thực. Chứng bệnh tuy giống như chứng hư, mà thấy mạch thực, hình thực, thì đó là chứng giả hư.

Lấy ba điều đó làm bằng cứ thì bệnh tình không thể lẩn tránh được. Hư thực có rõ rệt thì cái khả năng chữa bệnh mới có thể đủ hết được.