Thuốc hoạt huyết


Thuốc hoạt huyết có tác dụng hành huyết ở mức độ yếu; được dùng khi huyết mạch lưu thông kém gây sưng đau.
Vị thuốc:
Đan sâm
Radix Salviae multiorrhizae
    Dùng rễ phơi hoặc sấy khô của cây đan sâm - Salvia multiorrhiza Bunge. họ Hoa môi - Lamiaceae.
      Tính vị : vị đắng; tính hơi lạnh.
      Quy kinh: vào kinh tâm, can.
      Công năng: Hoạt huyết, khứ ứ, điều kinh, thanh nhiệt
      Chủ trị:
      - Hoạt huyết, trục huyết ứ: chữa kinh nguyệt không đều, bế kinh, thống kinh, sau khi sinh huyết ứ đọng gây đau đớn.
      - Chữa các triệu chứng sưng, đau do mụn nhọt, do sang chấn.
      - Dưỡng tâm an thần: chữa hồi hộp, mất ngủ, suy nhược thần kinh; còn dùng trong bệnh co thắt động mạch vành tim.
      - Thanh nhiệt lương huyết: dùng khi nhiệt vào dinh phận gây sốt cao, vật vã, trằn trọc. . .
      - Giải độc chữa mụn nhọt, sang lở.
      - Bổ huyết: chữa thiếu máu (dùng đan sâm sống không qua chế biến)
       Liều dùng: 8 - 20g/ ngày.
       Kiêng kỵ: Không dùng chung với lệ lô.
Xuyên khung (khung cùng)
Rhizoma Ligustici wallichii
    Dùng thân rễ phơi sấy khô của cây Xuyên khung - Ligusticum wallichii Franch. họ Hoa tán - Apiaceae.
      Tính vị : vị cay; tính ấm.
      Quy kinh: vào kinh can, đởm, tâm bào.
      Công năng: hành khí, hoạt huyết, trừ phong, giảm đau.
      Chủ trị:
    - Hoạt huyết thông kinh: chữa kinh nguyệt không đều, bế kinh, thống kinh.
    - Chữa ngoại cảm phong hàn dẫn đến đau đầu, hoa mắt, đau nhức mình mẩy.
    - Hành khí giải uất, giảm đau, dùng khi khí trệ gây đau tức ngực sườn, tình chí uất kết.
    - Chữa đau khớp, đau thần kinh, đau cơ do lạnh.
    - Tiêu viêm chữa mụn nhọt.
    - Bổ huyết.
       Liều dùng: 6 - 12g/ ngày.
       Kiêng kỵ: Những người âm hư hoả vượng, đàm nghịch, nôn không nên dùng.    
       Chú ý:
            Tác dụng dược lý: nước sắc xuyên khung kéo dài giấc ngủ của chuột khi dùng kèm với thuốc ngủ barbituric, đối kháng với cafein.
Ích mẫu
Herba Leonuri
      Dùng toàn thân trên mặt đất khi cây chớm ra hoa, phơi hay sấy khô của cây ích mẫu - Leonurus heterophyllus Sw. họ Hoa môi - Lamiaceae.
      Hạt cây ích mẫu (sung uý tử) cũng được dùng làm thuốc.
      Tính vị : vị cay, hơi đắng; tính mát.
      Quy kinh: vào kinh can, tâm bào.
      Công năng: hoạt huyết, điều kinh.
      Chủ trị:
      - Hành huyết thông kinh: chữa kinh nguyệt không đều, bế kinh, thống kinh, sau khi sinh ứ huyết gây đau bụng.
      - Chữa mụn nhọt, chữa viêm tuyến vú.
      - Giảm đau do chấn thương.
      - Thanh can nhiệt, ích tinh: chữa đau mắt đỏ, sưng, cao huyết áp.
      - Hạt ích mẫu vị cay, ngọt, chua, tính ấm; có tác dụng bổ thận, ích tinh, dưỡng can làm sáng mắt, hạ áp.
       Liều dùng: 8 - 16g/ ngày.
       Kiêng kỵ: Những người huyết hư, huyết không bị ứ đọng, phụ nữ có thai không nên dùng.
Ngưu tất
Radix Achyranthis bidentatae
      Dùng rễ đã được chế biến và phơi sấy khô của cây ngưu tất - Achyranthes bidentata Blume. họ Rau giền - Amaranthaceae.
      Tính vị : vị đắng, chua; tính bình.
      Quy kinh: vào kinh can, thận.
      Công năng: hoạt huyết điều kinh, bổ can thận, mạnh gân cốt.
      Chủ trị:
      - Hoạt huyết thông kinh hoạt lạc: chữa bế kinh, thống kinh, kinh nguyệt không đều
     - Thư cân, mạnh gân cốt: chữa đau khớp, đau thắt lưng, đầu gối đau mỏi (đặc biệt với khớp chân, nếu thiên về hư hàn thì phối hợp với quế chi, tục đoạn, cẩu tích; nếu thấp thiên về nhiệt thì phối hợp với hoàng bá).
     - Chữa chóng mặt do can dương nghịch lên (chứng huyết vựng)
     - Lợi niệu thông lâm: chữa tiểu tiện đau buốt, tiểu tiện ra sỏi, đục
     - Giải độc chống viêm: chữa loét miệng, họng sưng đau.
     - Giáng áp: dùng trong bệnh cao huyết áp, làm giảm cholesterol trong máu.
       Liều dùng: 6 - 12g/ ngày.
       Kiêng kỵ: phụ nữ có thai, băng huyết không nên dùng.
       Chú ý:
      Trong nhân dân còn dùng rễ cây cỏ xước - A. aspera L. (gọi là ngưu tất nam), chữa đau khớp, thông kinh, trị viêm amidan, đau họng.
      Ngưu tất khi sao rượu, trích nước muối rồi chưng thì có tác dụng bổ.
Đào nhân
Semen Pruni
     Dùng nhân hạt quả đào - Prunus persica Stokes. họ Hoa hồng - Rosaceae.
      Tính vị : vị đắng, ngọt; tính bình.
      Quy kinh: vào kinh tâm, can, đại tràng.
      Công năng: hoạt huyết, trừ đàm, nhuận tràng, thông đại tiện.
      Chủ trị:
      - Hoạt huyết khứ ứ: chữa kinh nguyệt không đều, bế kinh, thống kinh, ứ huyết sau sinh gây đau bụng.
      - Nhuận tràng thông đại tiện: chữa táo bón do tân dịch khô ráo.
      - Chữa ho đàm nhiều,
      - Giảm đau, chống viêm do sang chấn.
       Liều dùng: 6 - 12g/ ngày.
       Kiêng kỵ: phụ nữ có thai không nên dùng. Những người đại tiện lỏng không nên dùng.       

Xuyên sơn giáp (vảy tê tê)
Squama Manidis
        Dùng vảy phơi khô của con tê tê (con trút) - Manis pentadactyla L. họ Tê tê - Manidae.
      Tính vị : vị mặn; tính hàn.
      Quy kinh: vào kinh can, vị.
      Công năng: hoạt huyết, thông kinh, tan ung nhọt, lợi sữa.
      Chủ trị:
      - Chữa kinh nguyệt không đều, bế kinh.
      - Thông, lợi sữa: dùng cho phụ nữ sau sinh ít sữa, tắc tia sữa .
      - Giải độc chữa mụn nhọt.
      - Chữa phong thấp đau nhức.
       Liều dùng: 6 - 12g/ ngày.      
Hồng hoa
Flos Carthami
      Dùng hoa phơi sấy khô của cây hồng hoa - Carthamus tinctorius L. họ Cúc - Asteraceae.
      Tính vị : vị cay; tính ấm.
      Quy kinh: vào kinh tâm, can.
      Công năng: hoạt huyết, thông kinh, tán ứ, chỉ thống
      Chủ trị:
     - Chữa bế kinh, thống kinh, kinh nguyệt không đều, huyết ứ thành hòn cục; dùng cho trường hợp sau khi sinh máu bị ứ đọng, bụng trướng, đau.
     - Chữa các chấn thương sưng, đau, tụ máu.
     - Chữa mụn nhọt sưng đau.
       Liều dùng: 4 - 12g/ ngày.
       Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai không nên dùng.
       Chú ý:
      - Nếu dùng hồng hoa với liều nhỏ có tác dụng dưỡng huyết, hoạt huyết; liều lớn có tác dụng phá huyết, khứ huyết ứ.
     - Tác dụng dược lý: làm tăng co bóp tử cung của động vật thí nghiệm kể cả có thai hay không có thai.
     - Nước sắc hồng hoa có tác dụng hạ huyết áp.
Kê huyết đằng
Caulis Spatholobi
   Dùng thân leo phơi sấy khô của cây Kê huyết đằng - Spatholobus suberectus Dunn. họ Đậu - Fabaceae.
      Tính vị : vị đắng, hơi ngọt; tính ấm.
      Quy kinh: vào kinh can, thận.
      Công năng: bổ huyết, hoạt huyết, thông kinh lạc.
      Chủ trị:
      - Chữa kinh nguyệt không đều, có kinh đau bụng.
      - Dùng trong trường hợp huyết hư, da vàng.
      - Mạnh gân cốt: chữa đau lưng, đau nhức khớp xương, chân tay tê bại.
       Liều dùng: 10 - 20g/ ngày.  
Nhũ hương
Gummi resina Olibanum
             Dùng chất gôm nhựa lấy từ cây nhũ hương- Boswellia carterii  Birdw. họ Trám- Burseraceae.
            Tính vị : vị cay, đắng;  tính ấm.
            Quy kinh: vào kinh tâm, can, tỳ.
            Công năng: hoạt huyết,  hành khí, chỉ thống, trừ độc.
            Chủ trị:
          - Chữa đau bụng do khí huyết ngưng trệ, điều kinh, chữa đau bụng kinh nguyệt.
          - Chữa phong thấp, đau nhức khớp xương, đau các dây thần kinh, đau do chấn thương.
         - Dùng ngoài chữa mụn nhọt sưng đau, mụn đã vỡ
             Liều dùng: 4-12g/ ngày. Dạng thuốc sắc, dạng hoàn tán. Dùng ngoài tán bột mịn, bôi hoặc đắp.
             Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai không nên dùng.