Thuốc phát tán phong hàn

Đặc điểm: vị cay, tính ấm, phần lớn qui kinh phế (điều này có quan hệ đến phế chủ bì mao)

Công năng chung: Phát tán phong hàn, phát hãn, giải biểu, chỉ thống do làm thông dương khí, thông kinh hoạt lạc.

Chủ trị: cảm mạo phong hàn, sốt ít, rét run, sợ lạnh, đau đầu, đau mình mẩy, ngạt mũi, chảy nước mũi, ho hen do lạnh.

Chú ý:
  • Bệnh cảm mạo phong hàn có 2 loại: biểu thực không ra mồ hôi, mạch phù khẩn dùng các loại thuốc như Ma hoàng, Tế tân; biểu hư có ra mồ hôi, mạch phù nhược dùng các loại thuốc như Quế chi, Gừng.

  • Một số vị thuốc có tính đặc hiệu cần phải nắm vững như : Ma hoàng gây ra mồ hôi mạnh và có tác dụng chữa hen phế quản. Quế chi trục thai chết lưu. Tế tân chữa đau răng. Bạch chỉ chữa đau đầu phần trán và trừ mủ...



Các vị thuốc


Quế chi


Là cành nhỏ của một số loài quế.


TÍNH VỊ
  • Vị cay, ngọt; tính ấm

QUY KINH
  • Quy kinh phế, tâm, bàng quang.

CÔNG NĂNG
  • Phát hãn giải cơ, ôn kinh, thông dương.

CHỦ TRỊ
  • Giải biểu tán hàn: Chữa các bệnh cảm mạo phong hàn, mà biểu thực không ra mồ hôi có thể dùng bài“ ma hoàng thang”: ma hòang, quế chi, hạnh nhân, cam thảo. Cảm mạo phong hàn mà có ra mồ hôi (biểu hư), có thể dùng bài “ quế chi thang”: quế chi, cam thảo, thược dược, sinh khương, đại táo.

  • Thông dương khí, khi dương khí bị ứ trệ, dẫn đến phần nước trong cơ thể bị ngưng đọng, gây phù nề; hoặc dùng trong chứng đàm ẩm, khí huyết lưu thông kém.

  • Ấm kinh thông mạch, dùng điều trị phong hàn, thấp trệ dẫn đến đau nhức khớp xương; có thể phối hợp với phòng phong, bạch chỉ.

  • Hành huyết giảm đau: dùng trong các trường hợp bế kinh, thống kinh của phụ nữ; chữa đau dạ dày, đau đại tràng co thắt do lạnh.

  • Ấm thận hành thuỷ: dùng khi chức năng thận dương suy yếu, tiểu tiện bí tức, hen suyễn.

LIỀU DÙNG
  • 4 - 20g/ngày

  • Cành quế làm ẩm, cắt ngắn, phơi âm can cho khô.

KIÊNG KỴ
  • Những người có chứng thấp nhiệt, âm hư hoả vượng, đau bụng, các chứng xuất huyết phụ nữ có thai không được dùng.





Ma hoàng


Ma hoàng dùng toàn cây, bỏ rễ và đốt của nhiều loại ma hoàng.


TÍNH VỊ
  • Vị cay, đắng; tính ấm.

QUY KINH
  • Quy kinh phế, bàng quang.

CÔNG NĂNG
  • Phát hãn, tán hàn, tuyên phế, bình suyễn, lợi thuỷ, tiêu thũng.

CHỦ TRỊ
  • Phát tán phong hàn, hạ nhiệt. Ma hoàng thường được dùng khi cảm hàn, có sốt, kèm theo rét run, đau đầu, ngạt mũi.

  • Làm thông khí phế, bình suyễn: dùng khi cảm mạo phong hàn có kèm theo ho, suyễn.

  • Lợi niệu tiêu phù thũng, dùng đối với trường hợp phù mới mắc do viêm thận cấp tính (phù do phong thuỷ) (phương Việt tỳ thang)

LIỀU DÙNG
  • 4 - 12g/ ngày.

KIÊNG KỴ
  • Những người biểu hư, nhiều mồ hôi, phế hư có sốt cao (ho lao), cao huyết áp không nên dùng.

CHÚ Ý
  • Rễ ma hoàng vị ngọt, tính bình không độc, có tác dụng chỉ hãn, ngừng ra mồ hôi, có thể phối hợp với các thuốc cố sáp, bổ tỳ để chữa bệnh vã mồ hôi, đặc biệt là phụ nữ sau sinh. Ngoài ra rễ ma hoàng còn có tác dụng hạ huyết áp.

  • Nếu ma hoàng đem trích mật ong thì sức phát hãn giảm đi, dùng tốt với bệnh hen phế quản.
  • Tác dụng dược lý của ma hoàng được nghiên cứu nhiều, sau đây là một số nghiên cứu có liên quan đến sử dụng của y học cổ truyền:

  • Tinh dầu trong ma hoàng, chất a- terpineol tác dụng làm ra mồ hôi, hạ nhiệt. Chất Ephedrin có tác dụng làm ra mồ hôi ở cơ địa sốt cao ( giải thích tính phát hãn, giải cảm , hạ nhiệt của thuốc). Chất L- ephedrin ( alcaloid) chiếm tới 85% trong ma hoàng có tác dụng giãn cơ trơn khí quản với nồng độ rất thấp 1:5.10-6 (giải thích tác dụng chữa hen, bình suyễn của ma hoàng). Cũng cần chú ý rằng 1: 10 –4, nó gây co thắt khí quản. Các thành phần khác như ephedrin còn có tác dụng làm tim đập nhanh, tăng huyết áp, hưng phấn thần kinh trung ương hoặc tuỷ sống.

  • Tây y dùng Ephedrin dưới dạng muối clohydrat hay sulfat, dùng riêng hay phối hợp làm thuốc chữa ho hen, và nhỏ mũi chữa ngạt mũi. (Thuốc tác dụng lên hệ Adrenergic)





Sinh khương (gừng tươi)


Dùng thân rễ của cây gừng
  • Gừng tươi là sinh khương

  • Gừng khô là can khương

  • Gừng qua bào chế là bào khương

  • Gừng sao cháy là thán khương.

TÍNH VỊ
  • Vị cay, tính ấm.

QUY KINH
  • Vào kinh phế, tỳ, vị, thận.

CÔNG NĂNG
  • Tán hàn giải biểu, ôn trung cầm nôn, chỉ ho, giải độc.

CHỦ TRỊ
  • Phát tán phong hàn, dùng chữa cảm mạo do phong hàn gây ra. Có thể dùng riêng 4g sắc, uống nóng; hoặc phối hợp với bạch chỉ, kinh giới. . . Có thể dùng để phòng cảm lạnh khi gặp mưa gió lạnh, dùng miếng gừng nhấm dần hoặc uống một cốc nước gừng nóng với đường; hoặc dùng gừng tươi giã nát sát trên da khi bị cảm lạnh.

  • Làm ấm vị (ấm dạ dày), hết nôn lợm dùng khi bị lạnh, bụng đầy trướng, đau bụng không tiêu, dùng gừng nướng một củ. Đặc biệt tốt cho phụ nữ sau khi đẻ bị cảm lạnh, khí huyết bị ngưng trệ, đầy bụng, mặt nặng, chân tay lạnh.

  • Hoá đờm chỉ ho (hết đờm, ngừng ho), chữa ho do lạnh dùng độc vị hoặc phối hợp với các vị thuốc khác như tô tử, hạnh nhân. . .

  • Lợi tiểu tiêu phù thũng, dùng vỏ gừng (bài Ngũ bì ẩm: khương bì, tang bạch bì, trần bì, phục linh bì, đại phúc bì).

  • Giải độc và làm giảm độc tính của các vị thuốc bán hạ, nam tinh, phụ tử . Giải độc, giải dị ứng khi ăn cua cá bị dị ứng.

  • Gừng còn dùng để cứu gián tiếp trên các huyệt; dùng làm thang trong một số phương thuốc; làm mất mùi tanh hôi của gạc hươu nai, xương động vật khi nấu cao.

LIỀU DÙNG
  • 4 - 12g/ ngày.

KIÊNG KỴ
  • Những người ho do phế nhiệt, nôn do vị nhiệt thì không nên dùng.

CHÚ Ý
  • Tác dụng dược lý : nước gừng có tác dụng gây co mạnh , hưng phấn thần kinh trung ương và thần kinh giao cảm, tăng tuần hoàn, tăng huyết áp, ức chế trung tâm nôn, sung huyết ở dạ dày, cầm máu nhẹ. Những tác dụng đó giải thích phần nào những ứng dụng của gừng trong y học cổ truyền.

  • Tác dụng kháng khuẩn: gừng có tác dụng ức chế một số vi khuẩn Bacillus mycoides, Staphylo. aureus. Diệt Trichomonas.





Kinhgiới


Dùng lá tươi hoặc khô, ngọn có hoa (kinh giới tụê) của cây kinh giới.


TÍNH VỊ
  • Vị cay, tính ấm.

QUY KINH
  • Vào kinh phế và can

CÔNG NĂNG
  • Phát tán phong hàn, tán ứ chỉ huýêt.

CHỦ TRỊ
  • Giải cảm làm ra mồ hôi: Chữa ngoại cảm phong hàn có thể phối hợp với tía tô, bạch chỉ; chữa ngoại cảm phong nhiệt có thể phối hợp với ngưu bàng tử, bạc hà, liên kiều, cúc hoa.

  • Giải độc, làm cho sởi đậu mọc, phối hợp với cát căn, ngưu bàng, thuyền thoái. Trị dị ứng mẩn ngứa, dùng kinh giới sao vàng sắc uống; hoặc sao lá kinh giới với cám rồi sát nhẹ trên vùng da bị ngứa.

  • Khứ ứ chỉ huyết: Kinh giới phải sao cháy, cầm máu tử cung, đại tiểu tiện ra máu, chảy máu cam. . . Phụ nữ có kinh nguyệt mà bị cảm mạo dùng kinh giới sao uống rất tốt, có thể phối hợp với các vị cầm máu khác để tăng hiệu quả điều trị.

  • Khứ phong chỉ kinh: dùng trong trúng phong cấm khẩu. Khi bị trúng phong toàn thân tê dại, bất tỉnh, chân tay nặng nề, mặt, mắt, miệng méo xệch, dùng hoa kinh giới 10g (khô), tán bột, rượu trắng 20ml mỗi lần uống 5g với rượu tắng và nước . Hoặc dùng kinh giới tươi 100g, bạc hà tươi 100g, lấy nước cốt của hai vị trên trộn đều, mỗi lần cho uống 2 thìa cà phê, uống dần hết trong ngày. Phương pháp này còn dùng để chữa trúng thử.

  • Lợi đại tiểu tiện: Dùng khi đại tiểu tiện bí táo; phối hợp với đại hoàng lượng bằng nhau 12g. Nếu tiểu tiện bí thì giảm đại hoàng đi 1/2; nếu bí đại tiện thì giảm kinh giới đi 1/2, uống với nước ấm.

LIỀU DÙNG
  • 4 - 16g. Tươi có thể dùng đến 100g.

KIÊNG KỴ
  • Những bệnh động kinh, sởi, đậu đã mọc, mụn nhọt đã vỡ thì không nên dùng.

CHÚ Ý
  • Tác dụng dược lý: Kinh giới có tác dụng kích thích tuyến mồ hôi, tăng tuần hoàn máu và da. Điều đó giải thích tính phát hãn, giải biểu của vị thuốc.

  • Tác dụng kháng khuẩn: Kinh giới có tác dụng ức chế sự sinh trưởng của trực khuẩn lao. Tuy nhiên về mặt lâm sàng còn rất ít dùng để điều trị lao. Theo Nguyễn Đức Minh , tinh dầu kinh giới có tác dụng diệt lỵ amíp.





Tía tô


Gồm các vị: lá tía tô (tô diệp), cành tía tô (tô ngạch), hạt tía tô (tô tử) thu hái từ cây tía tô


TÍNH VỊ
  • Vị cay, tính ấm.

QUY KINH
  • Vào kinh phế, tỳ.

CÔNG NĂNG
  • Phát tán phong hàn, lý khí.

CHỦ TRỊ
  • Chữa cảm mạo phong hàn, dùng lá tía tô có tác dụng làm ra mồ hôi. Có thể phối hợp với các vị thuốc khác như tía tô, hương phụ, trần bì, cam thảo . Hoặc dùng riêng tía tô cho vào cháo nóng mà ăn.

  • Kiện vị, chỉ nôn: dùng khi tỳ vị bị ứ trệ, đầy trướng, ăn không tiêu, buồn nôn, có thể phợp với khương bào.

  • Khứ đờm chỉ ho: dùng khi ngoại cảm phong hàn mà ho có nhiều đờm, có thể dùng tía tô, sinh khương, hạnh nhân, bán hạ. Trong trường hợp viêm khí quản mãn tính có ho nhiều đờm có thể dùng phương tam tử thang: tô tử, lai phục tử, đình lịch tử.

  • Hành khí an thai, dùng khi can khí bị uất kết dẫn đến động thai; có thể phối hợp với chư ma căn, ngải diệp và tô ngạch

  • Giải độc cua cá, gây đau bụng, nôn mửa, dị ứng.

LIỀU DÙNG
  • 4 - 12 g

KIÊNG KỴ
  • Những người biểu hư, mồ hôi nhiều, mồ hôi trộm không nên dùng.

CHÚ Ý
  • Tác dụng dược lý: dịch chiết từ tô diệp làm tăng nhu động ruột, dạ dày, giãn phế quản. Điều đó chứng minh cho công năng kiện vị, chỉ ho của tía tô.

  • Tác dụng kháng khuẩn: tía tô có tác dụng ức chế một số vi khuẩn đường ruột như vi khuẩn lỵ, trực khuẩn đại tràng. Tinh dầu tía tô có tác dụng diệt lỵ amip ( Nguyễn Đức Minh).

  • Tô tử, vị cay, tính ấm quy kinh phế, có công năng bình suyễn trừ đờm.

  • Phạm Xuân Sinh – Trần Thị Oanh thấy tô tử chứa 11,3% dầu béo, flavonoid, tinh dầu có tác dụng trừ đờm, bình suyễn.




Thông bạch


Dùng toàn thân cây hành.

TÍNH VỊ
  • Vị cay, tính ấm.

QUY KINH
  • Vào kinh phế và vị

CÔNG NĂNG
  • Phát tán phong hàn, lý khí

CHỦ TRỊ
  • Chữa cảm mạo phong hàn, làm ra mồ hôi. Có thể dùng riêng ăn với cháo nóng; hoặc phối hợp với đậu xị, mỗi thứ 12 g.
  • Kiện vị giảm đau: dùng khi đầy bụng, đau bụng, đại tiện lỏng, thường phối hợp với can khương.

  • Lợi tiểu tiện: trường hợp bí tiểu tiện, sao hành củ với cám nóng giã giập rồi đắp ở vùng bàng quang.

  • Chống viêm: hành giã nát trộn với mật ong đắp ngoài, chữa mụn nhọt khi mới bị viêm.

LIỀU DÙNG
  • 4 - 40 g

KIÊNG KỴ
  • Những người biểu hư, mồ hôi nhiều không nên dùng.

  • Không uống lẫn 2 vị hành và mật ong (tương kỵ)



Bạch chỉ


Dùng rễ của cây Bạch chỉ.


TÍNH VỊ
  • Vị cay, tính ấm.

QUY KINH
  • Vào kinh phế, vị, đại tràng.

CÔNG NĂNG
  • Phát tán phong hàn, chỉ thống, tiêu viêm.

CHỦ TRỊ
  • Chữa cảm mạo phong hàn, biểu hiện đau đầu, chủ yếu là đau vùng trán và đau nhức vùng xương lông mày, hốc mắt, chảy nước mắt. Có thể phối hợp bạch chỉ, địa liền, cát căn, xuyên khung; hoặc bạch chỉ, xuyên khung, hương phụ.

  • Trừ phong giảm đau: chữa phong thấp, đau răng, đau dây thần kinh ở mặt, đau dạ dày, viêm mũi mãn tính.

  • Giải độc tiêu viêm, chữa mụn nhọt, viêm tuyến vú, có thể phối hợp với kim ngân, bồ công anh.

  • Hành huyết điều kinh, phối hợp với các thuốc điều kinh khác.

LIỀU DÙNG
  • 4 - 12 g

KIÊNG KỴ
  • Âm hư hoả uất, nhiệt thịnh không nên dùng.





Tế tân


Dùng toàn cây cả rễ của cây Hán thành tế tân và cây Bắc tế tân.

TÍNH VỊ
  • Vị cay, tính ấm.

QUY KINH
  • Vào kinh thận, phế, tâm

CÔNG NĂNG
  • Phát tán phong hàn, thông kinh hoạt lạc, khứ ứ chỉ ho

CHỦ TRỊ
  • Chữa cảm mạo phong hàn, đau đầu, tắc mũi. Chữa viêm xoang có thể phối hợp với bạc hà, bạch chỉ, thương nhĩ tử.

  • Khứ phong giảm đau: chữa đau đầu, đau răng, đau nhức khớp xương, đau dây thần kinh do lạnh.

  • Chữa ho, đờm nhiều, suyễn tức khó thở.

  • Lở mồm, lở lưỡi có thể dùng tế tân, hoàng liên 2 vị bằng nhau, tán nhỏ bôi vào miệng, lưỡi, ngậm. Đau răng, hôi miệng, ngậm tế tân.

LIỀU DÙNG
  • 1 - 4 g

KIÊNG KỴ
  • Thể âm hư hoả vượng, ho khan mà không có đờm không nên dùng.