Chợt có khách đến chơi nhà, thấy trên án thư có một cuốn sách tôi mới soạn, khách đọc qua mấy lượt rồi bỗng nhiên hỏi rằng: “Trời xanh cao rộng kia có thể đặt tên được chăng? Quy củ khéo léo ấy có thể bàn bạc được chăng?”.
Tôi hiểu ngay khách có ý cho tôi viết tập sách này là quá sức. Tôi đáp: Kinh thư nói: Khí trời vận hành là có then chốt của nó, mà mưa, tạnh, nắng, rét phải nhờ vào trình tự bốn mùa, cũng như người thợ khéo dùng gỗ tốt thì đường ngang đường dọc, hình vuông, hình tròn tất phải theo mực thước quy định. Hoàng đế, Kỳ Bá là bậc hiền thánh ngày xưa chẳng qua cũng chỉ thấy rõ mọi lẽ Âm Dương thịnh suy, tà chính, hư thực, thắng phụ, sinh khắc mà thôi. Ngoài ra không có bàn gì khác.
Trình tự của sự vật là từ thô sơ đến tinh xảo, văn minh theo thời mà tiến dần. Ví như thiếu hụt không đều là do sự kỳ diệu của trời, nhưng không có người cũng không thành trời và không đi đến kết quả trọn vẹn được. Vì vậy phải có người để bồi đắp cho chỗ thiếu sót của tạo hóa.
Cho nên từ Thương Hiệt đến các vị Lưu, Trương, Chu, Lý, Vương Thái Bộc, Tiết Lập Trai, Phùng Thị kế tiếp nhau ra đời, suy luận biên chép ra mới cho rằng bẩm khí con người xưa và nay không giống nhau, tính tình cũng nhau. Vì thế không thể lập ra phương thuốc mới để chữa cho con người đời nay.
Trong các sách đó khảo cứu sâu sắc, bình luận phán đoán rõ ràng, lý thuyết tinh diệu đó rất cốt yếu, rất huyền bí từ hình đến thể, có cương có mục, bao quát mà không thiếu sót gì, lấy một lẽ, suốt muôn lẽ, công bố cùng thiên hạ, làm cho mọi người cũng hưởng ngũ phúc mà được sống lâu. Cái linh thuật cứu người ấy thật là linh hoạt không còn giấu diếm gì.
Đã nói không có chỗ thiếu sót, thì còn dám đâu lập dị để còn đưa ra thuyết này thuyết nọ nữa? – Tôi chỉ nói rằng: cái hoạt pháp để chữa bệnh cho người chẳng qua lấy thủy hỏa làm căn bản, khí huyết làm công dụng, lấy thuốc cam ôn nhu nhuận để bổ chứng hư, lấy thuốc thanh lương hương táo để chữa chứng thực. Nhưng đó chỉ là cương lĩnh mà thôi, còn như bệnh tình phức tạp không thể một lời mà hình dung hết được. Huống chi khi lập thành chương, thành sách, sắp xếp lại những trật tự, há chẳng có đôi chỗ chưa hoàn chỉnh sao? Hoặc người đời sau nhận thức chưa đúng, hiểu sai nghĩa lý, đến lúc lâm sàng chữa bệnh gặp phải biến chứng thì hồ đồ bối rối ngay, rồi tự ý gia giảm, công bổ lẫn lộn, rút cục gánh lấy cái trách nhiệm làm chết người. Như thế thì những kẻ có hiểu biết có thể không bận lòng được chăng?
Tôi là người học Nho, quyết chí theo nghề Y, đọc sách phương thư thì ghi nghĩa lý lại trong lòng, tất cả cái gì là di sản quý báu của người xưa để lại, đều suy nghĩ kỹ càng, tìm tòi cho ra chân lý, cốt sao cho y lý sáng tỏ đến nơi đến chốn mới thôi.
Cho nên tôi không xấu hổ về sự kém kỏi của mình, đối với luận thuyết của các bậc tiền bối thấy chỗ nào chưa hiểu hết thì đọc, đọc đi đọc lại nhiều lần và ghi chép lại; đối với sự thêm bớt của các hậu hiền có chỗ nào chưa hợp lý cũng phân tích mà khảo chính, mong làm sáng tỏ thêm những chỗ văn chưa sáng nghĩa, làm đầy đủ thêm những chỗ lý luận trước chưa đầy đủ.
Cũng như Tăng Tử làm việc tập hợp tài liệu rồi sắp xếp cho có manh mối, Văn Công kế tục sự biên soạn sách Xuân Thu. Sách này của tôi chỉ là một hai phần trong trăm phần ngàn tự lấy đó mà sử dụng. Còn như thói đánh trống qua cửa nhà sấm, múa rìu qua mắt thợ thì nói làm gì. Ông lấy sự thành thực để công kích, thật ông rất yêu tôi, chính đó là sự ức chế lòng kiêu ngạo, để thành sự tốt lành cho tôi. Tôi cũng nói thêm rằng: “thà mắc tội với tiền bối chứ không phụ cái sơ học của mình”. Tôi nói đến đây, khách làm thinh không nói nữa, chỉ ầm ừ “đúng, đúng”.
Home » Đạo lưu dư vận » Tiểu dẫn (Đạo lưu dư vận)