Minh - Trương Cảnh Nhạc
"Cảnh Nhạc toàn thư-Truyền trung lục - Luận trị thiên"
"Dùng phép công, trước hết phải xem xét sự chân giả của tà khí mà châm chước dùng thuốc, dứt khoát không được dùng quá tay thuốc mãnh liệt đề phòng tổn thương chính khí. Dùng phép bổ phải phân biệt rõ mức độ hư đến đâu mà điều lý toàn diện, không được xem nhẹ giản đơn. Người đời sau nói gọn hai câu này là "Công không quá tay" và "Bổ khó mà đơn giản". Họ Trương dùng cách ví dụ sinh động giải thích hai câu này, nguyên văn là: "Phàm chữa chứng Thực, ví như gieo mạ trong mạ lẫn cỏ, cỏ là kẻ thù của mạ, có một thì nhổ bỏ một, có hai phải nhổ bỏ hai, đấy là cái giỏi của người làm cỏ lúa; nếu cỏ một lại đi nhổ hai là làm hại đến mạ, cỏ hai lại đi nhổ bốn, là hai lần làm hại mạ. Nếu lại không biết rõ mạ, đều cho là cỏ cả mà đi nhổ sạch thì không còn mạ nữa. Đấy là cách dùng phép Công, quý ở chỗ xét cho đích thực, không được quá tay.
Phàm chữa chứng Hư, ví như cấp lương, một người một thăng, mười người một đấu, đó là lương đủ ăn một ngày. Nếu trăm người chỉ cấp một đấu, ngàn người cấp một hộc ở chốn đông đảo ba quân lẽ nào cái lương một gánh mà sống được sao? Một gánh không tiếp tế lại đem cả gánh trước bỏ đi, khác nào tự giảm bớt từ bên trong? Đó là cách dùng phép Bổ, quý ở chỗ cân nhắc nặng nhẹ, khó mà giải quyết đơn giản".
304. Phép dùng Bổ, quý ở trước nhẹ sau nặng, cốt ở thành công. Phép dùng Công, tất phải trước từ từ sau mạnh tay, đúng bệnh thì thôi.
Minh - Trương Cảnh Nhạc
"Cảnh Nhạc toàn thư - Truyền trung lục - Luận trị thiên"
305. Phép Công không thể thu công từ từ. Phép bổ không thể mong hiệu quả nhanh.
Minh - Trương Cảnh Nhạc
"Cảnh Nhạc toàn thư - Truyền trung lục - Luận trị thiên"
306. Hư chứng như nhà nghèo tài sản rỗng không, chỉ có cóp nhặt từng tý sớm tối không quên, chứ không có phép nhanh hơn. Thực chứng như cướp trộm trong nhà, mở cửa tống ra nhanh, giặc rút thì ngừng, không có phép nấn ná từ từ
Minh - Lý Trung Tử
“Y tôn tất độc - Biện trị đại pháp luận"
Điều trị Hư chứng nên xử lý thung dung, thu công dần dà. Điều trị Thực chứng phải dồn sức đối phó, đánh nhanh quyết định nhanh. Câu này dùng lối tỉ dụ nói lên đạo lý ấy, ý nghĩa giống với câu của Trương Cảnh Nhạc ở trên, nên tham khảo.
307. Thuốc bổ, khuyên đừng tiếp thụ nhanh mà úng trệ nhanh. Thuốc phạt, khuyên đừng tranh đoạt vội mà dẫn đến lợi mạnh.
Thanh - Đường Đại Liệt
"Ngộ y vựng giảng - Nhiếp sinh tạp thọai"
Danh ngôn này khuyên răn phải chú ý khi dùng hai phép công và bổ thành lời so sánh đối lập với câu 306 ở trên, lối rẽ khác nhưng công hiệu chỉ là một có thể tham khảo chung. Hư chứng thì bệnh đến từ từ mà bệnh lui cũng chậm, điều trị nên xử lý thung dung, lập công dần dần. Nếu muốn mau chóng mà dùng thuốc bổ mạnh mà nhanh trái lại sẽ úng tắc Vị khí, dục tốc thì bất đạt. Thực chứng theo lý nên khu tà, chỉ cần lượng bệnh mà dùng thuốc, nếu công phạt quá mạnh, trái lại cướp đoạt tổn hại chính khí, phải nên thận trọng.
308. Bệnh vốn thực mà có chứng hư nhất thời, thì tạm thời sử lý cái hư. Bệnh với hư mà có chứng thực nhất thơi, thì nên nhẹ nhàng giải cái thực
Thanh - Hòai Bão Kỳ
“Y triệt - ứng cơ"
Người bệnh vốn có Thực chứng, nếu gặp hư yếu nhất thời thì nên chữa cái hư trước. Nếu vẫn tiếp tục đuổi tà sợ bất lợi cho hư chứng, rõ ràng là không nên. Người bệnh vốn có Hư chứng, nếu gặp Thực chứng nhất thời thì nên dùng thang thuốc nhẹ nhàng mà đuổi tà từ từ, chỉ một từ "nhẹ nhàng" là đủ thấm thìa. Nếu vẫn tiếp tục bổ Hư, sợ lưu luyến tà mà bệnh tăng thêm, cũng là điều không nên.
Tóm lại, vốn có cố tật thì tạm gác lại, các bệnh mới mắc phải nên chữa ngay, tránh khỏi sự dằng dai dẫn đến bệnh tình phức tạp. Du Căn Sơ đời Thanh tác giả "Thông tục Thương hàn luận" từng nói qua: "Trong hư mà kiêm thực, tuy toàn Thận có hiện tượng hư, chỉ một vài chỗ thấy thực, thì thực chứng trái lại rất nguy hiểm. Trong thực mà kiêm hư, tuy toàn Thận có hiện tượng Thực, chỉ một vài chỗ thấy hư, thì hư chóng trái lại rất nguy hiểm. Cảnh Nhạc nói "Một chỗ chữa kẻ gian "là thế, có thể coi là lời ghi chú cho điều văn này. Đó là một nguyên tắc xử lý cho tình hình bệnh chứng nói ở trên, ở chỗ giáp gianh hư thực trên lâm sàng như vậy, có thể cân nhắc mức độ của hư thực mà linh hoạt ứng dụng công bổ cùng dùng không nên câu nệ.
309. Người thể thực khí mạnh, phải chữa bệnh mà giứ lấy người. Người thể suy khí hư, phải giữ lấy người rồi chữa bệnh.
Đương đại - Nhạc Mĩ Trung
"Nhạc Mĩ Trung y án tập. Niệu độc chứng trạng"
Câu này tổng kết nguyên tắc xử lý quan hệ bệnh tà với chính khí thể hiện tư tưởng coi trọng chính khí trong điều trị của Đông y.
Chữa bệnh công tà trước hết phải xem chính khí người bệnh như thế nào. Nếu thể chất khoẻ mạnh, chịu nổi tấn công mới có thể áp dụng tấn công tà đẩy lùi bệnh. Tà bị đẩy lùi thì chính khí yên, đó là nói "Phải chữa bệnh mà giữ lấy người?" Nếu thể trạng suy khí yếu, trước hết nên bồi bổ nguyên khí, đợi cho chính khí hồi phục rồi hãy khu tà, đó là nói "Phải giữ lấy người rồi mới chữa bệnh". Nếu chỉ nhìn vào bệnh mà không nhìn vào người, chăm chú công phạt, chính khí không chống nổi sợ là thúc đẩy cho cái chết mau hơn, cần phải rất thận trọng. "Giữ lấy người rồi hãy chữa bệnh" thể hiện tư tưởng chỉ đạo của Đông y "nhân nhân trị nghi".
310. Hoãn thì chữa bệnh. Cấp thì chiếu cố đến mệnh.
Thanh - Trình Hạnh Hiên
“Trình Hạnh Hiên y án - Vương thị phụ tý chứng án"
Câu này với câu 309 ở trên lối rẽ tuy khác nhưng chỗ khéo là cùng công dụng, đều mang tư tường chỉ đạo điều trị phải lấy chính khí làm gốc, có thể tham khảo.
Khi chính khí không bị hư, tuy mắc bệnh còn khả năng chống đỡ, chịu đựng sức đuổi tà, nói lên bệnh tình còn từ từ, có thể đuổi tà để chữa bệnh. Nếu khi chính khí không chống đỡ nổi, âm dương muốn thoát, tính mệnh đã không giữ gìn được, tuy có tà đã không chịu đựng được công phạt, nói lên bệnh tình nguy cấp, điều trị kíp phải đại bổ nguyên khí, trước hết hãy giữ lấy tính mệnh, đó cũng là cái ý "chiếu cố đến mệnh". Nếu không chiếu cố tình trạng chính khí hư thể trạng suy, tấn công mù quáng chỉ dẫn đến âm dương ly tuyệt chuốc lấy hậu quả nguyên khí thoát đột ngột... vì thế nên lấy "giữ người rồi chữa bệnh" là thượng sách.
311. Dưỡng sinh nên bàn lấy ăn làm bổ. Chữa bệnh nên bàn đến thuốc công
Kim - Trương Tử Hòa
"Nho môn sự Thận - Suy nguyên bổ pháp lợi hại phi khinh thuyết"
Danh ngôn này bao quát quan điểm học thuật dừng thuốc đuổi tà, lấy ăn để bổ dưỡng chính khí của Trương Tử Hòa. Họ Trương đại biểu cho phái công tà chủ trương dùng ba phép hãn - thổ - hạ để khu tà công bệnh, nẩy sinh ảnh hưởng lớn cho thầy thuốc đời sau. Nhưng ông chủ trương đồng thời với công tà, không bao giờ bài xích bổ dưỡng chính khí, nhất là coi trọng Vị khí của người bệnh, nên ra chỉ đạo lấy ăn để bổ. Ông nói: "Người giỏi đùng thuốc, phải làm cho người bệnh ăn được cơm gạo, đấy mới là bổ đích thực "sau khi đã trừ được bệnh, tiếp theo lấy ngũ cốc nuôi dưỡng, hoa quả hỗ trợ, thịt động vật bổ ích, ăn đầy đủ rau "thực là đạo lý" lấy ăn nuôi dưỡng trên hết" trong Nội kinh. Ông nói như vậy không phải là không dùng thuốc để bổ, mà chính là khuyên mọi người thận trọng dùng phép bổ, uốn nắn một số người cố chấp dùng thuốc bổ bừa bãi, rất có ý nghĩa chỉ đạo về nhiếp sinh kéo dài tuổi thọ.
312. Đúng là thực chứng thì nên tạm thời giản Tiêu bệnh. Có nhiều hư chứng chỉ nên tìm đến Bản bệnh.
Minh - Trương Cảnh Nhạc
"Cảnh Nhạc toàn thư -Tân phương bát trận - Công trận"
Câu này khuyên người sử dụng công pháp cần chú ý đến chính khí mạnh hay yếu, không được công bừa. "Đúng là Thực chứng" tức là tà khí đang thịnh mà chính khí không hư, lúc này khu tà tức là yên chính, cho nên lấy công tà trị Tiêu bệnh làm chính. "Có nhiều hư" chỉ tuy có tà khí nhưng chính khí đã hư, lúc này chỉ có thể phù chính để chữa Bản, nếu không chiếu cố đến chính khí hư mà cứ nhắm mắt công bừa, sợ chính khí không chống đỡ nổi, xu thế thất bại khó mà cứu vãn được. Đây là câu nói rất phù hợp với thực tế lâm sàng.
313. Hư thì bổ mẹ. Thực thì tả con
Nạn kinh - Nạn thứ 69
Kinh văn này căn cứ lý luận sinh khắc để nêu ra nguyên tắc điều trị hư thực bổ tả, thể hiện lý luận đặc sắc trong trị liệu học của Đông y.
Nói bổ mẹ chủ yếu là dùng quan hệ mẹ con trong Hư chứng. Ví dụ Thận âm bất túc không thể tư dưỡng Can mộc dẫn đến Can âm bất túc, Can dương thượng cang, gọi là "Thủy không hàm mộc", về điều trị có thể không trực tiếp chữa Can mà là bổ cái Hư của Thận. Bởi vì Thận là mẹ Can, Thận có thể sinh Can mộc cho nên bổ Thận thuỷ để sinh Can mộc, đó tức là Hư thì bổ me, bổ me có thể khiến cho con thực. Lâm sàng không chỉ mẹ mắc bệnh liên luỵ đến con có thể dùng phương pháp bổ mẹ tức như khiến cho đơn thuần con Hư cũng có thể dùng phương pháp này. Ngoài phép tư thuỷ hàm mộc, còn có các phép ích Hỏa (Tâm hoặc Thận) sinh Thổ (Tỳ) bồi Thổ sinh Kim (Phế) Kim Thuỷ (Thận) tương sinh.
Nói là tả con chủ yếu sử dụng trong quan hệ mẹ con thuộc Thực chứng, như Can Hỏa quá thịnh, có thăng không giáng, xuất hiện hàng loạt thực chứng, có thể chọn dùng phép tả Tâm vì Tâm là con của Can, từ đó mà có tác dụng giúp cho tả Can hỏa, đó tức là "Thực thì tả con", tả con có thể làm yên mẹ. Phương pháp bệnh mẹ liên luỵ đến con có thể áp dụng tả con trên lâm sàng, đơn thuần mẹ mắc bệnh thuộc Thực chứng cũng có thể vận dụng phương pháp này. Đương nhiên cần chú ý chia rõ chủ thứ, có thể chủ yếu là bổ mẹ mà kiếm chiếu cố đến con, chủ yếu là tả con mà kiêm chiếu cố đến mẹ.
314. Bệnh thực đừng e dè phép công, nếu chỉ dùng qua thức ngọt trệ, sẽ làm cho bệnh dẳng dai. Bệnh hư chớ ngại ngần dùng bổ, nếu chỉ dùng qua thức tiêu hao, sẽ gây nên rắc rối.
Minh - Trương Cảnh Nhạc
"Cảnh Nhạc toàn thư - Tân phương bát lược - Công lược"
315. Chứng thực mà nhầm dùng thuốc bổ, chẳng qua làm tăng bệnh, bệnh tăng có thể tháo gỡ. Chứng hư mà nhầm dùng thuốc công, trước hết thoát nguyên dương, đã thoát nguyên dương thì hết chữa.
Minh - Trương Cảnh Nhạc
"Cảnh Nhạc toàn thư - Tân phương bát lược - Công lược"
Thanh - Dụ Gia Ngôn
"Y môn pháp luật - Tiên triết cách ngôn"
317. Bổ phải kiêm dùng thuôc ôn
Tả phải kiêm dùng thuốc lương
Minh - Trương Cảnh Nhạc
"Cảnh Nhạc toàn thư- Truyền trung lục - Luận trị thiên"
Danh ngôn này nêu việc dùng thuốc đặc sắc khi vận dụng hai phép công, bổ của họ Trương thể hiện quan điểm học thuật của ông nghiêng về ôn bổ. Họ Trương cho rằng: "Điều trị hư thực, đại để thực thì chịu được thuốc hàn, hư thì chịu được thuốc nhiệt, cho nên Bổ phải kiêm dùng thuốc Ôn, tả phải kiêm dùng thuốc Lương". Đây là kinh nghiệm của họ Trương, có thể tham khảo trên lâm sàng. Đương nhiên không làm mất đi sự phiến diện, vì Thực cũng có Hàn chứng, khi dùng phép tả bất tất phải kiêm dùng thuốc Lương. Hư cũng có âm khuy khi dùng phép bổ bất tất phải kiêm dùng thuốc Ôn. Tóm lại danh ngôn này chỉ bàn rộng đại thể nên ứng dụng linh hoạt không nên cố chấp.
318. Trên thực đừng dùng thuốc thăng. Dưới thực đừng dùng thuốc bí. Trên Hư tránh dùng thuốc giáng, dưới Hư tránh dùng thuốc tiết.
Thanh - Từ Linh Thai
“Tạp bệnh nguyên - Khí vị"
319. Công bệnh như đánh giặc, dùng thuốc như dùng binh, binh cần giỏi không cần nhiều, thuốc cần quý không ngại mạnh.
Thanh - Trình Chi Điền
"Y pháp tâm truyền – Cổ kim trị pháp vô dị đồng luận"
Câu này dùng phương thức so sánh việc dùng thuốc phải theo đạo lý sáng suốt. Lâm sàng chỉ cần nhận bệnh chứng cho chuẩn xác, có bệnh ấy thì phải dùng thuốc ấy, tránh dùng thuốc không đúng chỗ. Đối với vấn đề này, họ Trình giải thích rất hay: "Thuốc để công bệnh, có bệnh nào thì bệnh ấy hứng nhận". Nếu không có bệnh ấy thì không riêng gì loại thuốc mạnh làm hại chính khí mà dùng đến loại hòa bình có khi cũng là sát nhân. Có bệnh ấy lại không dùng thuốc ấy thì khác nào nuôi ong tay áo, chứng nhẹ chuyển nặng, chứng nặng thành nguy.
320. Các loại bệnh thực có nặng có nhẹ, khi dùng phép công cũng phải cân nhắc trọng khinh
Minh - Trương Cảnh Nhạc
"Cảnh Nhạc toàn thư- Tân phương bát lược - Công lược"
321. Thuốc độc để công tà phải lấy ngũ cốc nuôi dưỡng
“Tố vấn - Tạng khí pháp thời luận"
Câu này nêu tính trọng yếu việc chăm sóc ăn uống sau khi mắc bệnh. Chữa bệnh thì nên bàn dùng thuốc để tấn công, nhưng những thuốc công tà dược tính phần lớn đều thiên về một phía, độc tính có nhiều có ít, bất đắc dĩ mới phải dùng. Còn như điều lý sau khi mắc bệnh, Đông y đã có hàng loạt nghiên cứu về thực dưỡng, thực trị, nói "dưỡng sinh nên bàn đến bổ dưỡng bằng ăn uống" là ý tứ đó. Tóm lại, thực dưỡng sau khi mắc bệnh là nội dung trọng yếu trong điều trị học của Đông y, đã là thầy thuốc cần thể hội, nắm vững tinh thần đó.
322. Đại độc chữa bệnh, rút 6 phần 10 là được, thường độc chữa bệnh, rút 7 phần 10 là được, tiểu độc chữa bệnh rút 8 phần 10 là được, vô độc chữa bệnh rút 9 phần 10 là được. Gạo thịt rau quả, thực dưỡng dùng được hết. Đừng để thái quá làm hại chính khí.
"TốVấn - Ngũ thường chính đại luận”
Những câu này khuyên người ta dùng thuốc cần "trúng bệnh thì thôi" ngàn vạn lần không được quá tay, để tránh tổn hại chính khí, "thuốc ấy ba phần độc" đông dược cũng không ngoài lệ đó. Dùng vị thuốc có độc tính khá mạnh để chữa bệnh chỉ cần khiến cho bệnh lui đi sáu phần là nên ngừng sử dụng. Vị thuốc có độc tính nói chung chỉ cần khiến cho bệnh lui đi bẩy phần là nên ngừng sử dụng; Vị thuốc có ít độc tính chỉ cần khiến cho bệnh lui đi 8 phần là có thể được. Còn những vị thuốc không có độc, chỉ cần đạt hiệu quả 9 phần là có thể được, sau đó điều dưỡng bằng cơm gạo, rau thịt, hoa quả, lấy "thực dưỡng" điều lý, đợi cho cơ thể hồi phục dần dần, ngàn vạn lần không nên dùng thuốc quá tay làm hại chính khí con người. Câu nói này ứng dụng chọn phương dùng thuốc nhất là khi dùng thuốc mạnh để công tà có ý nghĩa sâu sắc.
323. Thể trạng có Hư tà phép công đừng quá tay. Tổn thương do thực tà, tấn công không nên chậm.
Thanh - Từ Linh Thai
"Y học nguyên luận - Dụng dược như dụng binh luận"
324. Tà khí mới, nên làm tan ngay. Tà ẩn náu lâu ngày, nên tấn công từ từ
Thanh - Diệp Thiên Sĩ
"Lâm chứng chỉ nam y án - Tý"
Ứng dụng công pháp để đối phó với tà khí mới, tà khí cũ có chỗ khác nhau. Tuy chỉ nói về chứng Tý, nhưng thực ra đối với mọi chứng bệnh nói chung đều có ý nghĩa chỉ đạo. Tà khí mới là mới cảm nhiễm ngoại tà, chính khí chưa bị hư, nên điều trị gấp, tốc chiến tốc quyết, tránh khỏi lo về sau. Tà khí ẩn náu là tà lưu trệ đã lâu, chính khí đã tổn thương, không chịu nổi tấn công mạnh mà nên tháo gỡ từ từ, tránh khỏi tổn hại chính khí. Họ Diệp thường nêu ý chỉ đạo tháo gỡ từ từ bằng thuốc hoàn, có thể xem xét tham khảo. Họ Diệp nhiều lần nhắc nhở "bệnh đã lâu, nên tấn công từ từ" trong “Lâm chứng chỉ nam y án” đều thấy áp dụng biện pháp này.
325. Tất cả các bệnh nội ngoại thương, khi tà đã rút, dùng thuốc nên uống xen kẽ (gián phục)
Minh - Chu Thận Trai
“Thận Trai di thư - Nhị thập lục tự nguyên cơ - Hoãn"
Chữa bệnh cần biết hoãn cấp, vô luận ngoại cảm hay nội thương, khi tà khí đang thịnh, nên dùng thuốc tấn công mạnh, không để cho tà khí bám trụ. Khi tà khí đã rút, nên áp dụng tấn công từ từ để tránh tổn thương chính khí, nói chung không sử dụng thuốc theo cách thường qui mà nên cho uống xen kẽ cách ngày, vừa không giữ tà lại, vừa có thể đợi chính khí hồi phục, thật là kinh nghiệm đáng bàn. Danh ngôn này lưu ý mọi người cần chú ý khi vận dụng công pháp.
326. Tiên thánh dùng thuốc, trong thuốc tả tất kiêm thuốc bổ
Thanh - Đường Dung Xuyên
"Huyết chứng luận - Đình lịch đại táo tả Phế thang"
327. Người cao tuổi nên thận trọng dùng phép Tả. Người ít tuổi nên thận trọng dùng phép bổ.
Minh - Ngô Hựu Khả
"Ôn dịch luận - Lão thiếu dị trị luận"
(Xem thêm: Bàn về khí huyết)
328. Chứng đại thực dùng thuốc công chưa đạt, có thể tăng thêm thuốc. Chứng thực nhẹ dùng thuốc công thái quá, chỉ chuốc tai hại.
Minh - Trương Cảnh Nhạc
"Cảnh Nhạc toàn thư-Truyền trung lục - Trị luận thiên"
Câu này nêu một nguyên tắc vận dụng phép công, tức là “công không được thái quá". Thà rằng tăng thêm, còn hơn là quá đáng, vì quá đáng khó tránh khỏi tổn hại chính khí, phải nên thận trọng.
329. Bổ Thận không bằng bổ Tỳ
Tống - Trương Nhuệ
"Kê phong phổ tế phương, quyển 12"
330. Bổ Tỳ không bằng bổ Thận
Tống - Nghiêm Dụng Hòa
"Nghiêm thị Tế sinh phương - Ngũ tạng môn - Tỳ Vị hư thực luận trị"
(Xem thêm: Bổ thận bổ tỳ)
Hai lời bàn trên đây tuy đều bảo vệ một bên, nhưng đều là tổng kết qua kinh nghiệm thực tiễn của tiền nhân, chúng ta có thể tham khảo trên lâm sàng.
Quan hệ giữa Tỳ và Thận là quan hệ tiên thiên với hậu thiên. Thận ngụ ý tinh của tiên thiên, phải dựa vào tinh vi của thuỷ cốc cho Tỳ Vị hoá sinh để nuôi dưỡng bổ xung; mà công năng của Tỳ Vị lại phải nhờ vào sự sưởi ấm của Thận dương. Có thể thấy hai tạng Tỳ Thận đều trọng yếu, xúc tiến lẫn nhau, dứt khoát không đối lập nhau.
(Xem thêm: Những bài thuốc mà hậu thiên khí huyết cần dùng)
Về ứng dụng trên lâm sàng, trong "Y môn bát pháp" sách "Y học tâm ngộ" của Trình Chung Linh đời Thanh trình bày khá cặn kẽ có thể tham khảo: "Hai tạng Tỳ Thận đều là căn bản, không bỏ được bên nào, người xưa hoặc bảo là bổ Tỳ không bằng bổ Thận, là vì Hỏa của Mệnh môn có thể sinh Tỳ thổ. Hoặc bảo là bổ Thận không bằng bổ Tỳ, là vì tinh vi của đổ ăn uống tự nó có thể rót vào Thận, nên biết Tỳ yếu mà Thận không hư, lấy bổ Tỳ là việc trước tiên. Thận yếu mà Tỳ không hư, lấy bổ Thận là việc trước tiên. Nếu cả Tỳ Thận đều hư, thì kiêm bổ cả hai". Câu này khá công bằng, nên ứng dụng. Đương nhiên khi bổ cả Tỳ và Thận nên có sự thiên trọng nhất định. Tỳ là nguồn sinh hoá của khí huyết, nếu khí huyết bất túc, thì nên coi trọng vào bổ Tỳ. Thận là tạng Thuỷ Hỏa, nếu tiên thiên thuỷ Hỏa bất túc, thì nên coi trọng vào bổ Thận, điều cốt yếu là phải phân biệt rõ gốc ngọn trước sau của bệnh, mới là phương pháp chính xác.
(Xem thêm: Tiên thiên chân thủy)
331. Tổn hại ở Phế cần ích khí
Tổn hại ở Tâm nên điều hòa doanh vệ
Tổn hại ở Tỳ nên điều độ ăn uống thích hợp ấm lạnh
Tổn hại ở Can nên là dịu bên trong
Tổn hại ở Thận nên ích tinh. Đó là những phép chữa tổn hại.
"Nạn kinh - Thập tứ nạn"
Đoạn y văn này qui nạp những phép lớn chữa hư tổn của năm Tạng. Điều trị năm Tạng hư tổn có mối liên quan đến công năng sinh lý của các Tạng. Như Phế chủ khí. Phế hư thì nên "ích khí". Tâm chủ huyết mạch, doanh đi ở trong mạch, Vệ đi ở ngoài mạch, đều có liên quan đến huyết mạch của Tâm chủ, điều hòa doanh vệ thì chữa được chứng Tâm hư. Tỳ chủ vận hoá thuỷ cốc, biểu lý với Vị, Tỳ hư nên "điều hòa sự ăn uống". Lại vì Tỳ chủ về cơ nhục và tứ chi, cho nên lại phải "thích hợp sự ấm lạnh "đề phòng ngoại tà quấy rối. Can chứa huyết mà chủ về gân, Can huyết bất túc, gân không được nuôi dưỡng cho nên thấy co cứng, vì thế Can hư thì phải "làm dịu bên trong" Thận chủ chứa tinh, cho nên Thận hư nên "ích tinh".
332. Khí hư nên bổ phía trên. Tinh hư nên bổ phía dưới. Dương hư nên bổ mà kiêm ấm áp. Âm hư nên bổ mà kiêm thanh giải.
Minh - Trương Cảnh Nhạc
"Cành Nhạc toàn thư - Tân phương bát lược - Bổ lược"
333. Hình bất túc lấy khí làm cho ấm, Tinh bất túc lấy vị để mà bổ
“Tố vấn - Âm Dương ứng tượng đại luận"
Trương Cảnh Nhạc viết trong Loại kinh: "Hình bất túc là phần Dương suy", "Tinh bất túc là phần Âm suy"! Ý tứ của hai câu y văn này là nói vì dương khí bất túc mà dẫn đến hình thể suy kém, điều trị nên dùng các loại thuốc ôn bổ dưỡng khí. Vì âm tinh bất túc” mà dẫn đến Thận thể hư yếu, nên dùng các loại thuốc nồng hậu bao gồm các loại huyết nhục hữu tình để điền bổ âm tinh. Câu y văn này, thực tế giới thiệu điều bổ Âm Dương như thế nào "lấy khí làm cho ấm" và "lấy vị để bổ", chủ yếu là phân biệt dùng thuốc để chữa Dương hư hoặc Âm hư.
334. Lâm sàng chữa bệnh không cần phải bàn có hư chứng hay không có hư chứng. Chỉ căn cứ vào không có thực chứng mà bị bệnh là nên dùng thuốc kiêm bổ, để điều hòa cái khí danh vệ tinh huyết.
Cũng không cần phải bàn có Hỏa chứng hay không có Hỏa chứng, chỉ cần căn cứ vào không có nhiệt chứng mà bị bệnh thì nên dùng thuốc kiêm ôn để vun đắp cái khí của Mệnh môn Tỳ Vị
Minh - Trương Cảnh Nhạc
"Cảnh Nhạc toàn thư- Truyền trung lục - Luận trị thiên"
335. Cả trên và dưới đều tổn hại, nên chữa ở đoạn giữa.
Thanh - Diệp Thiên Sĩ
"Lâm chứng chỉ nam y án- Hư lao"
Trong bệnh chứng Hư lao, nếu thấy xuất hiện những biểu hiện Thượng tiêu Tâm Phế và Hạ tiêu Can Thận có sự hư tổn đôi bên, điều trị nên tập trung điều lý Trung tiêu Tỳ Vị. Câu này thể hiện quan điểm học thuật coi trọng Tỳ Vị trong điều trị chúng Hư lao của Diệp Thiên Sĩ. Họ Diệp là một đại gia về Ôn bệnh nhưng rất tôn sùng Tỳ Vị luận của Lý Cảo, nêu ra phương châm "về nội thương phải theo khuôn phép của Đông Viên, ông cho rằng "hư lâu ngày phải tổn hại Vị", nếu quả là tiên thiên, hậu thiên "hai khí cùng tổn hại thì phải lấy cứu hậu thiên rất gấp” đều nói lên quan điểm của họ Diệp mười phần coi trọng điều lý Tỳ Vị trong điều trị bệnh hư lao, có ý nghĩa chỉ đạo trọng yếu trong lâm sàng.
336. Các chứng Hư bất túc, trước hết phải làm mạnh bên trong.
Thanh - Uông Nhận Yêm
"Y phương tập giải - Lý khí chí tễ”
Thanh - Vương Húc Cao
"Vương Húc Cao y án - Hư lao"
Ý nghĩa hai y văn trên gần giống nhau, đều nói lên địa vị trọng yếu biện pháp điều lý hậu thiên Tỳ Vị trong điều trị các chứng Hư bất túc, có thể tham khảo với những y văn nói ở trên
338. Người giỏi dùng binh, trước tiên phải tích lương. Người giỏi chữa trị tà khí, trước tiên cần nuôi chính khí.
Thanh - Lưu Hoàn Thụy
"Kinh lịch tạp luận" đông thống biện"
Danh ngôn này lấy binh pháp để so sánh hình tượng để nói lên đạo lý muốn khu tà trước hãy tăng cường chính khí. Kinh nói: "Tà sở dĩ gây hấn được là do khí hẳn hư", coi làm căn cứ cho lý luận phù chính khu tà. Trên lâm sàng, trước phù chính sau khu tà, xét cho cùng kiêm thấy cả chính hư tà thực mà chính khí hư khá nặng coi làm chứng thích ứng. Nếu chính khí quá hư lại bàn đến công tà sẽ làm tổn hại chính khí, đó là lý lẽ rất rõ ràng.
339. Điều thiết yếu nhất trong bổ Hư là nâng Vị khí
Thanh - Ngụy Chi Tú
"Độc danh y loại án - Hư tổn"
dẫn lời nói của Bùi Triệu Kỳ
Danh ngôn này nói tác dụng trọng yếu trong điều trị theo phép nuôi dưỡng Vị khí trong bệnh hư tổn, có thể nói là hướng chỉ đạo của phép Bổ hư rất sâu sắc. Lời trình bày của Bùi Triệu Kỳ ở đây cụ thể là "... Người ta sau khi mắc bệnh nặng nhất thiết không được dùng thuốc bừa... Bởi vì nguyên khí người ta lấy Vị khí làm gốc. Vị khí lại lấy cốc khí làm gốc. Người mắc bệnh nặng, xa cốc khí lâu ngày, thì ưa thích thức ăn mà ghét thuốc uống, đó là lẽ thường tình.
Ở gianh giới này, chính là lúc cho ăn là tốt nhất, để nuôi dưỡng Vị khí, Vị khí vượng thì nguyên khí cũng vượng, trong cái không bổ lại có cái rất bổ vậy" Bây giờ người bổ không khéo, chỉ nhằm vào các vị Quy, Địa, Sâm, Truật, Cam thảo, Hoàng kỳ, lấy đó làm phép bổ Hư, không phải là như thế. Không biết những vị thuốc ấy đều là những thứ ngọt nhớt úng trệ, Vị khoẻ thì còn chịu đựng được, nếu Vị yếu mà uống vào thì không trướng cũng đi tả, hoặc không đi tả thì nôn mửa mà không ăn được, bệnh không đỡ lại tăng thêm, không phải là không có”. Lời bàn sắc sảo đó thật đáng tin phục.
340. Người khéo dùng thuốc phải làm cho bệnh nhân ăn tăng ngũ cốc, đấy mới là bổ đúng đắn.
Kim - Trương Tử Hòa
"Nho môn sự thân - Thất phương thập tễ thằng mặc kề”
341. Thức ăn tự thấy ngon, tức là Vị ưu thích, ấy là bổ.
Thanh - Diệp Thiên Sĩ
"Lâm chứng chỉ nam y án - Hư lao"
Ý và câu này là: chứng Hư lao đã cùng cực, dùng thuốc khó mà công hiệu ngay, cho ăn uống bệnh nhân cảm thấy ưa thích ngon lành, nói theo Tỳ Vị tức là đưa thức Bổ, nói lên đưa thực dưỡng thực bổ chữa chứng hư lao có tính trọng yếu. Họ Diệp đối với "hình sắc suy đoạt, khí sinh vượng đã mong manh" của chứng Hư lao, cho rằng "thuốc khó mà công hiệu ngay, tìm thầy cũng vô ích "chỉ có cách cho những thức ăn mà tự họ ưa thích, đấy mới là con đường bổ dưỡng. Dụ Gia Ngôn cũng từng nói: "Tất thẩy những đồ ăn vị bạc chất nhẹ là những thứ Vị ưa thích tiếp nhận" ý nói những thức thanh đạm là thứ Vị ưa thích, có thể tham khảo.
342. Người khéo điều lý, chẳng qua là dùng thuốc cho thích nghi, có thể giúp đỡ cho sinh khí người ta lâu bền.
Thanh - Lý Quan Tiên
“Tri y tất biện - Tạp luận"
Câu này nêu việc dùng thuốc bổ Hư nên cân nhắc nặng nhẹ thích hợp, chú ý thuận theo nhu cầu sinh lý của người bệnh có thể nói là câu chỉ dẫn bổ Hư rất sâu sắc rất nên học tập.
Lý Quan Tiên cho rằng dùng thuốc bổ Hư cũng như đạo lý tưới tắm cây cỏ, phải thuận theo nhu cầu của cơ thể, liều lượng dùng thuốc nặng nhẹ cho thích hợp, tuyệt đối không theo kiểu càng nhiều càng tốt. Đồng thời cần "trong Bổ phải có Khai", phản đối cách bổ ngu ngốc ngăn đường bịt lối, vít lấp sự phát huy sự sống, lời bàn khá là sâu sắc, trích lục như sau: "Người bệnh dùng thuốc điều bổ, giống như tưới tắm cỏ cây, có khi chỉ cần tưới nước trong, có khi cần tưới nước bón cây, vừa là nhu cầu thích hợp, vừa được tưới tắm đúng mức, không mang cái hại thái quá hay bất cập, tự nhiên thấy tươi tốt khác thường. Điều lý cho người bệnh cũng thế, có khi nên dùng thuốc thanh dưỡng, có khi nên dùng thuốc bổ mạnh, có khi nên dùng thuốc bổ khí, có khi nên dùng thuổc bổ âm, phải tìm được cái đích đáng mà thu hiệu quả cuối cùng chứ không được nhắm mắt dùng bừa. Tức như có người muốn hiệu quả nhanh, dùng Nhân sâm để bổ khí, đã uống Nhân sâm, khí nào còn bất túc nữa? Thục địa bổ âm, đã uống Thục địa, âm nào còn bất túc nữa? Không biết rằng dùng thuốc để bổ dưỡng, cũng như cái lẽ lấy nước tưới tắm hoa cỏ, tưới tắm thích hợp thì hoa cỏ nhờ đó mà lớn dần chứ chẳng phải tưới tắm đã là cỏ cây vậy. Tức như Thược dược rất hay điều hòa đại tiện nên phần nhiều thêm Thược dược để điều hòa đại tiện, đâu có phải là nó biến thành Thược dược đâu. Vì thế trường hợp khí hư nên dùng Sâm thì khí con người ta dễ sinh, mà Nhân sâm chứ chẳng phải là Khí. Âm hư thì nên dùng Địa hoàng, vì uống Địa hoàng thì phần âm con người ta dễ sinh, mà Thục địa chứ chẳng phải là Âm. Người khéo điều lý, chẳng qua dùng thuốc cho thích nghi, có thể giúp cho khí sinh sinh của con người, nếu lấy rễ cỏ vỏ cây để làm tác dụng khí và huyết, điều bổ ráo riết giống như cỏ cây tưới, mầu quá nhiều trái lại lấn át sự vươn lên. Có thể biết dùng thuốc, tất cả là ở chỗ nặng nhẹ cho thích hợp không được lẫn lộn. Huống chi người khéo dùng phép Bổ, trong Bổ có Khai, giống như viết văn cứ nói hết thực sự không hư cấu tý nào, liệu có thành bài văn được không?"
343. Người giỏi dùng phép Bổ, trong Bổ có Khai
Thanh - Lý Quan Tiên
“Tri y tất biện - Tạp luận"
344. Trong thuốc bổ huyết kiêm cả hoạt huyết. Đó là khéo vận dụng phép bổ.
Kim - Trương Nguyên Tố
“Tạng Phủ tiêu bản dược thức - Can uất"
Câu này vận dụng cụ thể tinh thần khi dùng thuốc bổ huyết, lý luận như đã nói ở trên, mang ngụ ý "trong bổ có khai".
345.Thường thêm thuốc hành huyết trong thang thuốc bổ, hiệu quả càng nhanh.
Thanh - Chu Học Hải
"Độc y tuỳ bút - Bệnh hậu điêu bổ tu kiêm tán khí phá huyết"
dẫn lời nói của Hoạt Bá Nhân
Câu này cũng thể hiện nguyên tắc" trong bổ có khai". Chu Học Hải cho rằng "sau khi bị bệnh đại hàn đại nhiệt, trong mạch lạc tất có ứ huyết không dồn quét sạch, nếu không loại trừ thì huyết mới không lưu thông được, cuối cùng nguyên khí không phục hồi, thậm chí có khi chuyển thành hao tổn". Câu nói thật hợp lý, có thể tham khảo.
346. Hư thì có thể củng cố, bệnh thực không được củng cố. Bệnh đã lâu có thể củng cố, bệnh đột ngột không được củng cố. Nên củng cố mà không củng cố thì nhiều như nước biển cũng có lúc cạn. Không nên củng cố mà cứ củng cố, chẳng khắc gì đóng của giữ giặc trong nhà.
Minh - Trương Cảnh Nhạc
"Cảnh Nhạc toàn thư - Tân phương bát lược – Cố lược”
Danh ngôn này khái quát những chứng cấm kỵ và những chứng thích ứng đối với phép củng cố. Đồng thời chỉ ra những hậu quả khi bỏ lỡ cơ hội và điều trị sai lầm.
Cố pháp là phương pháp dùng những vị thuốc cố sáp để điều trị những trường hợp khí huyết tân dịch hao tán hoạt thoát, vì vậy nó chỉ có thể dùng cho những loại hư chứng, bệnh đã lâu ngày; lúc này cần củng cố mà không củng cố thì khí huyết tân địch tiếp tục tiêu hao. Họ Trương nêu thí dụ: "Dẫu nhiều như nước biển cũng cạn" là nói thẳng việc chính khí tiêu vong. Thực chứng phát bệnh đột ngột đều thuộc tà khí ngang ngược, lúc này không nên củng cố mà cứ củng cố, đó mới thật là đóng cửa giữ giặc trong nhà, chuốc lấy tai vạ.
347.Vương đạo không cần hiệu quả nhanh, dùng nhiều sẽ có ích.
Thanh - Diệp Thiên Sĩ
"Lâm chứmg chỉ nam y án - Hư lao"
348. Tà chưa rút đừng vội nói bổ, nếu bổ sẽ là nối giáo cho giặc.
Kim - Trương Tử Hòa
"Nho môn sự thân - Suy nguyên bổ pháp lợi hại phi khinh thuyết"
349. Có 3 chứng Hư yếu không chịu được phép bổ : Một là thấp nhiệt đang lấn chiếm Trung tiêu. Hai là Can mộc thọc ngang vào vị trí của Thổ. Ba là thầy thuốc trước đã nhầm dùng các thuốc nhớt trệ là vít lấp Vị khí.
Thanh - Ngô Cúc Thông
"Y y bệnh thư - Tục truyền hư bất thụ bổ luận"
Danh ngôn này tổng kết 3 nguyên nhân chứng hư không chịu được thuốc bổ, thật là lời khuyên răn có giá trị khi ứng dụng phép Bổ.
Thuốc uống vào không có Vị khí thì không phát huy tác dụng, vô luận là thấp nhiệt còn tản mạn ở Trung tiêu hoặc là Can khí phạm Tỳ (Mộc thọc ngang vào vị trí của thổ) cho đến dùng các thuốc bổ nhớt trệ, tất cả đều khiến cho Tỳ Vị úng trệ, sự tiếp thụ vận hoá bị ngăn trở, thuốc bổ khó mà phát huy dược lực, tự nhiên hình thành cục diện "Hư không chịu được Bổ". Người khéo điều trị nên phân biệt trước hãy dùng các phép thanh lợi thấp nhiệt, sơ Can lý khí, phương hương khai Vị, đợi cho Vị khí hổi phục mới bàn đến cách bổ, người muốn dùng thuốc bổ không thể không biết điều này.