Hư thực

115. Cốt yếu của Hư Thực, không tránh khỏi xem mạch ở tay. Nếu mạch đúng là có lực, đúng là có thần, mới đúng là Thực chứng. Nếu mạch giống như có lực, giống như có thần đó là giả Thực chứng. 

Minh - Trương Cảnh Nhạc 
"Cảnh Nhạc toàn thư - Truyền trung lục - Hư thực thiên" 

Danh ngôn này có ý nghĩa phân biệt hai chứng Hư Thực trong mạch chẩn rất chí lý. Tật bệnh là sự đấu tranh tiêu trưởng giữa tà khí và chính khí, sản sinh ra biến hoá bệnh lý hư và thực, mà mạch tượng có lực hay không có lực, có thần hay không có thần, chính là phản ảnh chân thực hai loại chứng hậu Hư - Thực. Nói chung mấu chốt của phân biệt chân giả Hư Thực, cổ nhân phần nhiều lấy mạch tượng làm chuẩn, đặc biệt là khi xử lý những chỗ nghi ngờ của Hư Thực lại càng phải dựa vào mạch tượng như thế.


116. Bệnh thuộc Thực, lưỡi tất rắn chắc kiêm già giặn. Bệnh thuộc Hư, lưỡi tất non bệu kiêm yếu mềm.

Thanh - Dương Vân Phong 
"Lâm chứng nghiệm thiệt pháp" 

Danh ngôn này nêu đặc điểm biểu hiện trên lưỡi của hai loại bệnh chứng Hư Thực có tác dụng trong chẩn đoán phân biệt. Họ Dương nói: "Cái lý của sự vật, thuộc thực thì hình trạng rắn chắc, mầu sắc già giặn; hư thì hình trạng non bệu, màu sắc non nớt. Bệnh tật thể hiện lên lưỡi, hình và sắc cũng như thế". Xét nghiệm trên lâm sàng đúng như vậy.

Phàm chất lưỡi có nếp lằn thô xốp, hình sắc rắn chắc già giặn, bất luận màu sắc rêu lưỡi như thế nào, đều thuộc Thực chứng. Phàm chất lưỡi có nếp lằn nhỏ nhớt, hình sắc non bệu yếu ớt đều thuộc Hư chứng. Du Căn Sơ viết "Thông tục Thương hàn luận” cũng nói:" Phàm chất lưỡi rắn chắc mà kiêm già giặn, bất luận mầu sắc rêu lưõi trắng vàng đen tro, bệnh phần nhiều thuộc Thực. Chất lưỡi béo mập mà kiêm non bệu, mầu sắc rêu lưỡi bất luận là tro đen vàng trắng, bệnh phần nhiều thuộc Hư. Đây là những nét chủ yếu để phân biệt chất lưỡi già, non để đoán bệnh Hư, Thực. So với những danh ngôn nói trên cũng chỉ là một.


117. Bệnh đột ngột không do Hư. Bệnh lâu ngày không do Thực.

Thanh - Du Căn Sơ 
"Thông tục thương hàn luận - Thương hàn chứng pháp" 

Danh ngôn này căn cứ vào thời gian mới hay cũ để phán đoán tình hình hư thực của bệnh, phù hợp với qui luật chung. Bệnh đột ngột và bệnh mới mắc, phần nhiều do cảm nhiễm ngoại tà gây nên. Vì chính khí chưa hư, cho nên đa số là Thực chứng. Bệnh đã lâu phần nhiều do chính khí bất túc phát sinh, cho nên đa số là Hư chứng. Đây là chỉ những tình huống nói chung, đương nhiên bệnh mới mắc, bệnh đột ngột cũng có khi thuộc Hư. Bệnh đã lâu cũng có khi thuộc Thực, lâm sàng nên căn cứ vào cụ thể mà phân tích, không nên câu nệ.


118. Bệnh rất Thực mà có chứng trạng gầy yếu ớt, nhầm dùng bổ thì bệnh càng tăng. Bệnh rất hư mà có chứng hậu mạnh mẽ, dùng thuốc tả nhầm thì ngậm oan.
Minh - Lý Trung Tử 
“Y tôn tất độc – Nghi tự chi chứng tu biện luận” 

Gầy yếu, Trung văn là "Nuy", ý của danh ngôn này là: Vốn là chứng bệnh tà khí thịnh có khả năng biểu hiện một số chứng trạng hư giả yếu ớt, nếu nhận nhầm là thuộc Hư cho dùng phép Bổ thì trái lại giúp tà khí làm bệnh tình nặng thêm. Trái lại người bệnh hư yếu đến cực điểm cũng có khả năng biểu hiện hư giả là Thực chứng (mạnh mẽ). Nếu nhận nhầm là Hư mà dùng phép công, thì lại làm tổn thương chính khí mà bệnh càng nặng dẫn đến tử vong.

Lý Trung Tử rất coi trọng và sở trường về phân biệt nhận thức những chứng nghi ngờ tương tự này. Danh ngôn này khuyên chúng ta, đối với chứng nghi ngờ giống nhau hư thực lẫn lộn, nên bỏ qua hiện tượng giả tạo bề ngoài mà phân biệt cho rõ bản chất đích thực, nếu không thì hư thực không phân biệt, làm hao cái bất túc làm tăng cái hữu dư, xúc phạm đến điều răn "hư hư thực thực" là điều tối kỵ của y gia.

Cố Tùng Viên đời Thanh trong sách "Cố thị y kính" trích đẫn danh ngôn này, đem câu "rất thực mà có tình trạng yếu ớt" đổi làm "đại thực có tình trạng yếu ớt" lưu truyền rất rộng, thực ra là bắt nguồn từ danh ngôn của họ Lý. 


119. Trong Hư kiêm Thực, dẫu toàn thân đều có hiện tượng Hư, chỉ một vài chỗ thấy Thực chứng, thì cái Thực chứng ấy lại là rất khẩn thiết (quan tâm). Trong Thực kiêm Hư, dẫu toàn thân đều có hiện tượng Thực, chỉ một vài chỗ thấy Hư chứng, thì cái Hư chứng ấy lại là rất khẩn thiết. Cảnh Nhạc nói "một chỗ chứa kẻ gian" là như thế.

Thanh - Du Cán Sơ 
“ Thông tục thương hàn luận – Khí huyết hư thực chương” 

Danh ngôn này nêu lên một nguyên tắc về phương diện nhận thức biện chứng và điều trị đối với chứng Hư Thực lẫn lộn. Tức là cái chứng "một chỗ chứa kẻ gian" lại càng "rất khẩn thiết" cần trị liệu trước. Ví dụ như chứng Can huyết lao ở phụ nữ, gầy còm tiều tụy, da dẻ tróc vảy, kém ăn, ngũ tâm phiền nhiệt, rõ ràng là một loạt hư chứng, nhưng chất lưỡi tía tối, kinh nguyệt đình lại lâu ngày không thấy, mạch sắc hữu lực, là có hiện tượng huyết ứ, đấy là "một vài chỗ thấy Thực chứng" theo phép phải trừ ứ sinh huyết mới. Lại như chứng Trưng Hà lâu ngày, bụng có tích khối, mó vào thì đau, lưỡi có hiện tượng ứ huyết, rõ ràng là một loạt hiện tượng Thực chứng, nhưng tinh thần lại bạc nhược yếu sức, kém ăn, đó là trong thực kèm hư, thì Hư chứng lại là điều khẩn thiết, điều trị trước hết phải bổ nguyên khí rồi mới tiến hành công phạt. Đương nhiên đã là chứng Hư Thực lẫn lộn, cũng có thể áp dụng phép vừa công vừa bổ.

120. Có khi Thực chứng mà mạch lại Vi Nhược giống như Hư, là vì khí úng át gây nên. Có khi Hư chứng mà mạch lại cường vượng giống như Thực, là vì nguyên khí đã bộc lộ.
Thanh - Chương Hư Cốc 
“Y môn bổng át – Vọng văn vấn thiết” 

Danh ngôn này nêu hai tình huống mạch giả mà chứng chân, qua đó thấy được tính trọng yếu phải tham khảo cả mạch và chứng trong khi biện chứng.

Thực chứng vốn nên thấy Thực mạch, nhưng vì tà khí úng át, chính khí bị ức chế, biểu hiện ra mạch tượng thì Vi Nhược như hiện tượng Hư, đó là giả mạch. Trái lại một số Hư chứng vì nguyên khí không chống đỡ nổi phải bộc lộ ra ngoài, hiện tượng mạch rõ ràng mạnh mẽ như hiện tượng Thực, như thế cũng giả mạch. Hai tình huống này đều nên bỏ mạch theo chúng, không bị cái mạch tượng Hư Giả nó mê hoặc. 


121. Đau mà trướng bế phần nhiều là Thực, không trướng không bế phần nhiều là Hư. Đau mà cự án là Thực, xoa nắn được là Hư. Thích hàn phần nhiều là Thực. Thích nhiệt phần nhiều là Hư. No mà đau tăng phần nhiều là Thực. Đói mà đau tăng phần nhiều là Hư. Mạch Thực thở thô phần nhiều là Thực. Mạch Hư thở yếu phần nhiều là Hư. Bệnh mới nguời khoẻ nhiều phần là Thực. Bệnh càng công càng kịch phần nhiều là Hư. Đau ở Kinh thì phần nhiều Huyền Đại. Đau ở Tạng thì mạch phần nhiều Trầm Vi.

Thanh - Dụ Gia Ngôn 
"Y môn pháp luật - Tiên triết cách ngôn" 

Danh ngôn này khái quát yếu điểm chẩn đoán phân biệt sự đau đớn của hai loại Hư - Thực khá là thực dụng có thể dựa vào đó để phân biệt. Đau mà kèm theo khí trướng táo bón là biểu hiện tà thực; không trướng không bế là thuộc Hư. Đau do thực là do khí huyết ngưng trệ cho nên cự án. Đau do hư là do khí huyết bất túc cho nên ưa xoa nắn.

Đau mà ưa lạnh là bên trong phần nhiều Thực nhiệt, ưa nhiệt là bên trong phần nhiều hư hàn. Vị có tích trệ thì khi ăn no bị đau là thuộc Thực. Trong Vị hư yếu khi đói lại càng đau là thuộc Hư.

Mạch Thực thở thô vốn là hiện tượng Thực. Mạch Hư khí hư vốn là thuộc Hư chứng. Mới bị bệnh mà trẻ tuổi, phần nhiều là tà thực, chính khí còn thịnh nên thuộc loại đau do Thực. Đau do hư mà lại thì hành công phạt là phạm vào cái lỗi "hư hư" bệnh tự nhiên nặng thêm. Đau ở đường Kinh là chính khí còn chống được tà, cho nên mạch phần nhiều Huyền Đại. Đau ở Tạng phần nhiều là chính khí đã hư cho nên mạch thấy Trầm Vi...

Những điều trên là bàn đại khái, bệnh chứng cụ thể còn phải phân tích những biểu hiện khác. Trương Cảnh Nhạc đời Minh cũng bàn tương tự trong "Chất nghi lục" có thể tham khảo.


122. Đau thì không thông.

Kim - Lý Đông Viên 
"Y học phát minh - Bản thảo thập tễ" 

123. Đường Lạc bị hư thi đau.

Thanh - Diệp Thiên Sĩ 
"Lâm chứng chỉ nam yán- Ngược" 

Hai danh ngôn trên phân biệt cơ chế chứng đau của hai loại Hư, Thực. Nhìn chung đã khái quát được cơ chế bệnh hoàn chỉnh của chứng đau. Đau là chứng trạng thường gặp, cơ chế bệnh tất cả là do khí huyết thất thường gây nên.

Đau do thực là vì tà khí úng át, khí trệ huyết ứ, mạch lạc không thông gây nên, điều trị nên dùng phép hành khí hoạt huyết và tuyên thông. Đau do hư là vì khí huyết suy hư không khả năng sưởi ấm và nhu nhuận đến nỗi lạc mạch mất sự nuôi dưỡng gây nên, điều trị nên bổ ích khí huyết.

Người đời nay thường biểu đạt hai danh ngôn này là "không thông thì đau" và "không vinh nhuận thì đau", lời nói càng thiết thực, lưu truyền khá rộng.


124. Bụng đầy có lúc giảm rồi lại như cũ, đó là vì hàn, nên cho uống thuốc ấm.


125. Bụng đầy không giảm, giảm không đáng kể, nên dùng thuốc Hạ.

Đông Hán - Trương Trọng Cảnh 
"Kim quĩ yếu lược - Phúc mãn hàn sán túc thực bệnh mạch chứng trị” 

Danh ngôn này nêu yếu điểm phân biệt triệu chứng bụng đầy gây nên hai chứng Hư và Thực theo cách so sánh rành mạch. Câu trên là do Tỳ Vị hư hàn, chức năng vận hoá giảm sút gây nên. Kinh nói: "Tạng hàn sinh bệnh đầy" tức là nói tình huống này. Vì hàn khí hoặc tụ hoặc tan cho nên bụng đầy có lúc giảm, có lúc lại như cũ, nên điều trị bằng thuốc ấm như dùng phương Lý trung thang.

Câu sau là do khí trệ với táo khí kết tụ mà thành chứng Lý thực, bụng đầy không có lúc giảm nhẹ, "giảm không đáng kể" mà trưóc mắt là muốn nói "bụng đầy không giảm". Chứng Lý thực nên dùng thuốc hạ. bài thuốc như Đại Thừa khí thang


126. Vật phải nát trước rồi sau mới sinh ra. Người phải hư trước rồi sau bệnh mới theo đó sinh ra.

Thanh - Ngô Trừng 
"Bất cư tập - Bệnh hậu điều trị" 

Danh ngôn này lấy thủ pháp hình tượng so sánh để nói nguyên lý bệnh do chính khí hư. Cũng có thể coi là cước chú sinh động của câú Kinh văn: "Tà sở dĩ lấn chiếm được là do chính khí hư". 


127. Thổ hạ quá mức, Khí không vẹn toàn.

Thanh - Vưu Tại Kính 
"Kim quỹ yếu lược tâm điềm - Đàm ẩm thiên" 

Danh ngôn này nêu vấn đề sau khi nôn mửa và ỉa chảy quá độ, tất là phải tổn hại đến chính khí, đề ra một căn cứ biện chứng về Khí hư. Sự sinh thành tân dịch của người ta, phân bố và bài tiết đều phải nhờ vào công năng khí hoá của tạng phủ và khí cơ thăng giáng xuất nhập, mà sự tuần hành của khí cũng phải lấy tân dịch chuyển tải mới phân bố được trên dưới trong ngoài toàn thân. Nếu nôn mửa, ỉa chảy liên tục và lượng nhiều, có thể khiến cho chính khí sẽ theo tân dịch mà hao thương thoát mất. Vì vậy ở tình huống này, tất nhiên sẽ dẫn đến hiện tượng Khí hư.


128. Không do hư, không thể gây nên Huyễn.

Minh - Trương Cảnh Nhạc 
"Cảnh Nhạc toàn thư - Toàn chứng mô - Huyễn vậng" 

Danh ngôn này nêu bệnh cơ do Hư dẫn đến chứng Huyễn, phản ánh quan điểm học thuật của Trương Cảnh Nhạc. Cảnh Nhạc cho rằng: "Một chứng Huyễn vậng do hư chiếm tám, chín phần mười, mà kiêm hỏa kiêm đờm chẳng qua chỉ một, hai phần mười".

Thể nghiệm trên lâm sàng, Huyễn vậng đích thực chủ yếu là do nội thương mà do Hư chiếm phần nhiều, như âm hư Can phong nội động, huyết thiếu, não mất sự nuôi dưỡng tinh khuy bể tuỷ bất túc v.v.. đều có thể dẫn đến Huyễn vậng. Đương nhiên, đờm trọc úng tắc, tà hỏa che lấp ở trên cũng có thể dẫn đến chứng này, có điều chỉ là ít gặp mà thôi, học giả nên qua nguyên nhân mà xét chứng trạng, tìm hiểu mà điều trị.


129. Hư tà nó đến, hại tất về Âm. Năm tạng tổn thương, cuối cùng về Thận.

Minh - Trương Cảnh Nhạc 
"Cảnh Nhạc toàn thư -Tạp chứng mô - Hư tổn" 

Họ Trương nêu câu này nói lên nhận thức của ông đối với bệnh cơ phát triển của chứng Hư tổn, phản ánh được quan điểm học thuật của ông coi trọng chân âm và tác dụng của tạng Thận. Cảnh Nhạc nêu ra lý luận "Dương không có thừa, âm thường bất túc" cho rằng chân âm là vật chất cơ sở cho sinh mạng con người, hư tổn làm tổn thương tinh khí đều do chân âm sinh hoá ra, cho nên cái nguy hại nó đến đều qui kết vào cái hao tổn của chân âm, bảo là "bệnh khi đến cùng cực... tất cả là do chân âm suy bại" đồng thời "nơi chốn của chân âm, chỉ Thận là chủ yếu". Thận là "bể của tinh huyết, là gốc của ngũ tạng". Vì thế, các chứng năm tạng bị tổn thương, phát triển tới cuối cùng tất nhiên phải dẫn đến tạng Thận khuy tổn, nói lên công năng của tạng Thận đối với sự phán đoán phát sinh phát triển và tiên lượng của tật bệnh đều chiếm tác dụng mười phần trọng yếu.