Phụ tử

Mọc một bên là Phụ tử, tròn to, bằng và ngay thẳng, nặng chừng một lạng trở len thì được dược lực đầy đủ, là tốt: Ô đầu, Trắc tử, Thiên hùng, Ô đầu nhuế đều cùng một nơi xuất xứ mà khác tên

KHÍ VỊ
  • Khí vị rất cay, rất nóng, có hơi ngọt và đắng, có độc nhiều, khí thì hậu, vị thì bạc, là thuốc âm trong dương dược, giáng xuống nhiều, thăng lên ít, trong cái nổi mà có chìm, chỗ nào cũng có thể chạy đến, chủ yếu vào kinh Thủ quyết âm mệnh môn, thủ thiếu dương tam tiêu, lại vào cả kinh Túc thái âm tỳ và Túc thiếu âm thận
  • Sợ Phòng Phong, Cam thảo, Nhân sâm, Hoàng kỳ, đồng tiền, Tê giác và Đậu đen

CHỦ DỤNG
  • Chuyên chữa chứng ngũ tạng lạnh ngấm, chân tay quyết nghịch, bụng dạ lạnh đau, tích tụ trưng hà, hàn thấp bại liệt ho hen phong hàn, 
  • Đột nhiên đi ỉa thoát dương, ỉa chảy kéo dài; nghẹn, nôn ọe, ung nhọt không thu miệng, sốt rét vì đàm, nhức đầu phong, trẻ con mạn tỳ kinh, nốt đậu còn sắc xám tro
Cây phụ tử


  • Dạ dày lạnh, giun quấy lên mửa ói, ăn vào mửa ra (phiến vị)
  • Có tác dụng cương dương ích khí, rắn xương khỏe gân
  • Bệnh thương hàn âm chứng, âm độc trùng hàn khí quyết (do khí nghịch lên mà âm dương mất điều hòa, nhẹ thời chân tay giá lạnh nặng thời bất tỉnh nhân sự), đàm quyết, buồn phiền vật vã, mê muội bất tỉnh, 
  • Bệnh thương phong bán thân bất toại, các chứng tê đau phong lạnh, sưng trướng hoặc loạn chuyển gân, xích bạch lỵ, đau đầu do thận, huyết chứng do dương hư, nguyên hỏa, tán hết hàn thấp, hàn độc của ba kinh âm nếu không có phụ tử thì không thể cứu vãn được, chứng quyết nghịch của 3 kinh dương nếu không có Phụ tử thì không làm gì nổi

HỢP DỤNG
Tính của Phụ tử rất mạnh dữ, nhất định phải trọng dùng Sâm Truật để điều khiển nó, không thì gây tác hại không phải ít:
  • không dùng chung với Can khương thì không nóng
  • làm vị thần cho Thục địa thì chỉ có công dẫn vào âm để ức chế hỏa, 
  • gặp Bạch truật thì chữa hàn thấp ở tỳ
  • gặp Can khương thì hồi dương, bổ trung khí
Làm đầu cho trăm thứ thuốc chạy suốt các kinh, dẫn đạo rất chóng, dẫn thuốc bổ khí để lấy lại nguyên dương đã tan hết, dẫn thuốc bổ huyết để giúp chân âm yếu kém, dẫn thuốc phát tán để khu trừ biểu tà, dẫn thuốc ôn lý để từ bỏ hàn thấp ở bên trong, đó là tùy sự hợp dụng với từng vị thuốc mà có công dụng khác nhau. 
  • Lại nói: "Chế chín thì bổ mạnh" cho nên Phụ tử chế chín phối với Ma hoàng là trong phát tán đã có bổ, để sống dùng thời phát tán. (cho nên Phụ tử phối với Can khương là trong thuốc bổ có phát tán, đấy là vị sống chín đều có công dụng khác nhau vậy)

KỴ DỤNG
  • Âm hư sinh nội nhiệt, trong thực nhiệt mà ngoài giả hàn thì khôngđược dùng lầm
  • Người có mang kiêng dùng vì uống vào ra thai rất chóng

CÁCH CHẾ
  • Ngâm nước đậu đen 5 ngày, gọt bỏ vỏ và cuống rốn, lấy bã gừng bao quanh ngoài, dùng cám bọc lại nung vào tro có lửa than mà nướng chín, nếu ngoài vàng trong trắng thì nhiệt tính vẫn còn, nên thái lát mỏng để sao lại cho trong ngoài đều vàng.
Phụ tử
  • Một cách chế khác dùng đồng tiền nấu lên mà tẩm để giúp cho nó đi xuống. 
  • Lại một cách chế khác là nấu với Phòng phong, Cam thảo cho chín, phơi khô, sao rồi dùng. 
  • Lại cách khác là nấu với một bát đồng tiền, một bát nước cam thảo, nấu đến cạn nước làm chuẩn, đặt lên hòn ngói mới sấy khô; nếu gặp chứng thực hàn trực trúng âm kinh thì để sống mà dùng. 
Theo ý tôi thì Phụ tử bẩm tính mạnh lắm, có khả năng chém tướng đoạt ải, thật là thánh dược để khởi tử hồi sinh. Sách học nói: "Uống lâu thì có hại" làm cho người không hiểu biết thấy nó thì sợ, cho nên khi dùng tới nó thì nào giầm nước sôi, nào ngâm, nào lùi, nào nướng, làm sao cho nó kém yếu khí vị rồi mới dám mạnh dạn mà dùng, như thế thì dược lực còn đâu để vãn hồi những bệnh sắp tuyệt.
Tôi tự chế để dùng, chỉ gọt vỏ và đầu nhọn, cắt làm 4 miếng, nấu chung với nước Phòng phong, Cam thảo, Đậu đen một lúc, nước cạn thì phụ tử chín, phơi khô để dùng, thế là đủ để khử độc mà công dụng của nó vẫn còn, nếu như chứng giả nhiệt thịnh thì tẩm với đồng tiện sao lên

NHẬN XÉT
  • Phụ tử là thuốc cốt yếu để bổ mạnh vào nguyên dương mà trừ 3 độc tà phong hàn và thấp. 
  • Đan Khê nói: "khí hư nhiệt lắm, gia thêm chút Phụ tử để cho thêm công hiệu của Sâm Kỳ, người béo mập có nhiều thấp cũng cứ dùng".
  • Sách Tập nghiệm nói "Chứng thũng vì tích sinh ra, tích hết mà thũng lại phát, nếu lại dùng thuốc lợi thì tiểu tiện lại càng bế, phần nhiều thầy thuốc đều bó tay, vì khí ở trung tiêu đã hư không thăng giáng được, bị hàn lãnh ngăn cách, chỉ dùng Phụ tử thì tiểu tiện mới thông được"
  • Ngô Thụ nói "Bệnh thương hàn truyền biến đến 3 kinh âm và bệnh trúng hàn có ghé âm tà thì mình tuy nóng dữ mà lại thích đi trầm, nên dùng Phụ tử; chứng đau bụng lạnh toát mạch trầm tế, môi xanh, dái thọt thì kịp dùng nó ngay vì nó có sức khởi tử hồi sinh" 
  • Người đương thời hay cho Phụ tử rất nóng, Đại hoàng rất lạnh, ngại mà không dám dùng, để đến nỗi dương cực âm kiệt rồi mới dùng một cách miễn cưỡng, rút cục chẳng làm gì được, nào có biết hễ gặp chứng cực hàn cực nhiệt thì toàn dùng thuốc gì có sức mạnh để vãn hồi sự thế sắp nguy! 
  • Người giỏi dùng binh thì trong thiên hạ không có người binh yếu, người giỏi dùng thuốc thì trong thiên hạ không có vị nào là thuốc độc. Sách nói: " Bệnh mạn tính mà dùng thuốc cấp cứu là làm rối đến trạng thái bình thường, bệnh cấp tính mà dùng thuốc hòa hoãn thì cứu không kịp"

phụ tử - dược tính ca quát tứ bách vị
Bài thơ vị Phụ tử trong "Dược tính ca quát tứ bách vị"


PHỤ


Ô đầu (tức củ mẹ của Phụ tử)

Chủ dụng
  • Tính Ô đầu thưa nhẹ công năng ôn tỳ để khu phong cho nên bệnh phong nên dùng Ô đầu, vả lại tính nóng nó dễ chạy khắp, nhờ mượn nó để thông đạt chứng trầm hàn cố bế, ôn trung tán hàn, thời có thể; nếu muốn ôn mà kiêm bổ, phải dùng Sâm Truật làm quân mới bổ được

Trắc tử (Củ bé mọc liền bên cạnh củ Phụ tử)

Chủ dụng
  • Phát tán tứ chi, thông suốt ra lông da, chữa mọi chứng chân tay tê đau vì phong thấp

Thiên hùng (Củ to mà dài, không có củ con)

Chủ dụng
  • Hàn thấp tê lạnh, khớp xương co quắp, khai quan lợi khiếu, không chỗ nào là không nhờ sức cay nóng, xông bốc của nó, công dụng ngang với vị Ô đầu. Lại có câu "Bổ chứng hư hàn nên dùng Phụ tử, giải trừ phong thấp nên dùng Thiên hùng"

Ô nhuế (chia ra 2 nhánh gọi là ô nhuế)

Chủ dụng
  • Làm cho thổ ra phong đàm, chữa chứng điên giản, là vì nó có khí mạnh đi thẳng vào chỗ đau

(Dược phẩm vậng yếu - Bộ hỏa - Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh)