(Mục mạch pháp trong Y học nhập môn)
Khác với sự thường là mỗi mạch chỉ chủ vệ một bệnh. Biết rằng: Mạch đi đi lại lại là bởi khí của âm dương. Âm dương điều hòa thì mạch cũng điều hòa, không động. Nếu âm dương bất hòa tức cái khí của âm dương đánh nhau thì mạch động. Động thì mạch đi khác thường.
Khi mạch đã bị động thì khí có bệnh trước, rồi huyết cũng theo mà có bệnh. Cho nên nói một bộ mạch đã bị động thì khí và huyết cả 2 cùng có bệnh, chứ không phải mạch tay tả động thì chỉ có huyết có bệnh mà mạch tay hữu động thì chỉ có khí bị bệnh đau (tả thuộc huyết, hữu thuộc khí)
Lại ví dụ: Một bộ mạch Hồng Đại mà phân ra: Hồng đại hữu lực mà thực nhiệt; Hồng đại vô lực mà hư là hàn, nhưng có giả nhiệt.
Một bộ mạch Vi Sáp đã vô lực mà lại Đoản thì cố nhiên là hư chứng rồi. Nhưng nếu người có bộ mạch ấy mà trong lại có nhiệt độc tiềm phục, có đàm khí ngưng trệ thì có thể bảo là hư chứng nữa được chăng?
Mạch hay biến hóa như thế đó. Người có mạch cũng phải biến hóa, có khi bằng vào mạch không bằng vào chứng, cũng có khi bằng vào chứng không bằng vào mạch, chứ không thể chấp nhất được.
"Trích Đông y số điển - Định Ninh LÊ ĐỨC THIẾP"