1. Bệnh Kính
2. Bệnh Uất
3. Đại tiện táo
BỆNH KÍNH:
Người mới sanh thường muốn có dâm dấp chút mồ hôi cho thân thể khoan hòa. Nhưng chớ để mồ hôi ra quá nhiều. Vì mồ hôi ra nhiều thì nước máu cạn đi (mồ hôi là hơi của máu - Máu cạn thì thiếu máu dưỡng gân). Nước máu cạn thì chân khí phát nóng. Khí đã phát nóng thì chân lông, thớ thịt mở ra mà mồ hôi ra càng nhiều. Gió nhân cơ hội ấy lọt vào thì động hỏa sinh phong. Khi phong hành mà huyết thiếu không đủ dưỡng gân thì gân co giật gọi là bệnh kính (xem Nhị kính)
(Bệnh phát nóng nếu có nhức đầu, cứng gân cổ, nóng mình, trắng lưỡi là bệnh "thương hàn biểu chứng" nên phân biệt)
BỆNH UẤT:
Người mới sinh cần phải cho huyết nó hành để trục huyết cũ, sanh huyết mới trong 1, 2 tuần cho thân thể khỏa mạnh. Nhưng chớ để huyết ra nhiều quá. Vì huyết ra nhiều quá tức là mất máu. Mất máu thì khí bị lẻ loi sẽ phát nóng xuất mồ hôi. Thế là cả khí và huyết đều bị tiêu hao. Khí huyết tiêu hao thì sinh nội hàn. Nội hàn thì hư dương thượng việt làm ra bệnh uất, tối tăm mày mặt, bất tỉnh nhân sự
(Bệnh phát nóng nếu có tâm phiền, miệng khô, khát, lưỡi vàng là "thương hàn lý chứng" nên phân biệt)
ĐẠI TIỆN TÁO:
Người mới sinh dù muốn có dâm dấp mồ hôi, muốn có hành ứ huyết, nhưng chớ để mồ hôi và huyết ra nhiều quá. Vì mồ hôi và máu ra nhiều sẽ khô cạn tân dịch làm cho dạ dày và đại trường nóng ráo mà đại tiện khó khăn
Người mới sanh không được nuôi dưỡng đầy đủ và gìn giữ cẩn thận sẽ phát sinh ra nhiều thứ bệnh khác nữa chứ không phải chỉ 3 thứ bệnh này mà thôi. Đây chỉ nói 3 bệnh này đều bởi huyết để biết đại cương mà trị liệu
(Đông y số điển - Tập Tam - Định Ninh LÊ ĐỨC THIẾP)