Hoàng cầm

Thanh hỏa dưỡng âm

Có 4 thứ: Hủ trường cầm, Túc cầm, điều cầm và Tử cầm

KHÍ VỊ

Vị đắng tính bình, đại hàn, không độc, thuộc âm dược, thăng được, giáng được, vào các kinh Thủ thái âm, thủ thiếu âm, thủ thái dương, thủ dương minh, cũng vào cả kinh Túc thái dương.

Ghét củ hành, sợ Đơn sa, Đơn bì, Lê lô, Sa sâm, Đan sâm. Sơn dược. Long cốt làm tá sứ.

cây thuốc hoàng cầm
CHỦ DỤNG

Tả hỏa của phế kinh, tiêu đờm lợi khí.

Tả hỏa ở đại trường, dưỡng âm thoái dương.

Trừ thấp nhiệt không để lưu thông lại ở cơ biểu, tưới cho nguần sinh hóa, thường tràn đầy ở bàng quang.

Chữa chứng xích lỵ thường kèm có mắt đỏ sưng trướng.

Tóm lại chữa được tất cả mọi chứng nhiệt.


HỢP DỤNG

vị thuốc hoàng cầm
Dùng với Bạch truật,  Sa nhân thì an thai.

Đi với Hoàng liên, Hậu phác trị đau bụng.

Dùng với mật lợn thì trừ hỏa ở Can đởm.

Đi với Sài hồ thì trừ sốt rét với Bạch thược thì trừ kiết lỵ.

Với Tang bạch bì thì tả phế hỏa.

Với Ngũ vị tử, mật mông, Mẫu lệ thì làm cho người ta có con.

Được Hoàng kỳ, Bạch liên, Xích tiểu đậu thì chữa tràng nhạc.

Với Xuyên khung thì điều hòa tâm huyết.

KỴ DỤNG

Nếu ỉa chảy do tỳ thận hư, động thai do huyết hư, và nhất thiết các chứng hư nhiệt đều phải kiêng dùng

CÁCH CHẾ

Cho vào thuốc chữa chứng thực tà nhiệt thì dùng sống, cho vào thuốc chữa chứng ỉa chảy kiết lỵ thì sao với rượu, cho vào thuốc an thai thì dùng Điều cầm chắc, tẩm rượu sao vàng, hễ sao rượu thời đi lên, sao nước tiểu thời đi xuống.

Phụ: HỦ TRƯỜNG CẦM

Bên trong rỗng mà nát thì tả phế hỏa, chữa chứng khí nghịch ở trên cách mô, đờm nhiệt trong dạ dày và hoàng đản do thấp nhiệt.

TÚC CẦM

Bên trong khô mà rỗng, chữa chứng phế có đờm hỏa, thông lợi phần khí, chữa bệnh phong thấp lưu hành, nóng rét qua lại, các chứng sang đinh sưng ngứa nóng bỏng, dùng nó để nung mủ, và chữa tất cả các chứng nhiệt, đờm nhiệt, tính huyết ở bộ phận trên.

ĐIỀU CẦM

Bé, chắc, thẳng mà cứng, tả hỏa ở đại trường, trục thủy tiêu thức ăn, cầm chứng ỉa chảy do nhiệt, kiết lỵ chảy máu, đau bụng mót rặn, dưỡng âm thoái nhiệt.

TỬ CẦM

Bé chắc, tròn mà cứng, trừ nhiệt ở bàng quang, giúp nguần sinh hóa, lợi tiểu trường, chữa 5 chứng lâm, chứng tiểu trường đau xoắn, đàn bà kinh bế lại an thai.

NHẬN XÉT

Mọi thứ Hoàng cầm đều là thuốc thanh hỏa, vẫn có ý nghĩa thoái nhiệt dưỡng âm, chứ không phải là thuốc giáng hỏa phạt hỏa, nhưng thứ nhẹ xốp thì đi lên mà thanh hỏa ở trên, loại rắn chắc thì đi xuống mà thanh hỏa ở dưới, vì Hoàng cầm là chủ dược bổ dạ dày, cũng như Bạch truật là thuốc chính thức bổ tỳ, tôi đã bàn kỹ ở mục dùng thuốc cho tạng phủ.

Đào Ẩn Cư nói: "Hoàng cầm hay chữa bệnh từ bụng đến tiểu trường
Trọng Cảnh nói: Chứng thiếu dương đau bụng thì bỏ Hoàng cầm, gia Bạch thược, dưới tâm hồi hộp, tiểu tiện không lợi thì bỏ Hoàng cầm gia Bạch linh, dường như không nhất trí với thuyết của Ẩn cư, nhưng không biết chứng đau bụng cảm hàn, tim hồi hộp mà tiểu trường không lợi, mạch không sác, thì cấm dùng Hoàng cầm, nếu chứng nhiệt quyết đau bụng, phế nhiệt, tiểu tiện không lợi thì không sao dùng được? Người biết xem sách, trước phải tìm hiểu bệnh lý mà không câu nệ vào lời văn của sách.

Trực chỉ nói: "Sức thoái nhiệt của Sài hồ không bằng Hoàng cầm", vì không biết khả năng rút nóng của Sài hồ là do khí vị đắng, để phát tán, chữa phần ngọn của hỏa (chữa ngọn), còn Hoàng cầm sở dĩ thoái được nhiệt là do tính vị hàn, hàn thì thắng nhiệt, trừ được gốc của hỏa (chữa gốc)