Hoàng liên

KHÍ VỊ

Vị đắng, tính hàn, không có độc, vào tâm kinh, vị hậu hơn khí là âm dược.
Ghét các vị Cúc hoa, Huyền sâm, Nguyên hoa, Bạch tô bì, Bạch cương tằm.
Sợ Khoản đông hoa, Ngưu tất, kỵ thịt lợn và Hoàng cầm.
Dùng Long cốt, Liên kiều làm sứ, có khả năng giải độc Ba đậu và Phụ tử.

CHỦ DỤNG
hoàng liên

Trấn can lương huyết, điều hòa trường vị, bổ đởm tả tâm, ráo chất thấp, khai uất, trừ phiền, giải khát, sát trùng trừ giun, lợi thủy sáng mắt,

Trừ chứng bĩ, tiêu cam tích, thanh uất nhiệt của tâm hỏa,

Trị chứng phát cuồng bởi dương độc, chứng kiết lỵ bởi thử nhiệt, chứng bĩ đầy bởi độc rượu,

Tri chứng trường phong hạ huyết, chứng hồi hộp, chữa khỏi đau bụng, cồn cào trong bụng,



Trẻ con viêm mũi (tỵ nặc) (dưới mũi có 2 lần đỏ, dùng nước vo gạo rửa, rồi rắc bột Hoàng liên vào), hết thảy chứng thấp nhiệt, mình gầy, hơi thở gấp, nhiệt độc lưu hành, các chứng sang lở ác sang.

HỢP DỤNG

Cùng dùng với Mộc hương chữa chứng kiết lỵ, cùng dùng với Chỉ xác chữa bệnh trĩ, cùng dùng với quan quế làm cho tâm thận giao nhau nhanh chóng

KỴ DỤNG

Trong trường vị có hàn, bệnh thương hàn mà cho hạ sớm quá, làm cho âm hư mà ỉa ra máu cũng như tổn hại tỳ mà huyết chẳng về nguần, cho đến chứng huyết ít, khí hư, phiền nóng, tiêu khát, tỳ vị hư yếu, đàn bà đã huyết hư phát sốt, đau bụng ỉa chảy, hết thảy chứng tương tự như lỵ mà không phải lỵ..... đều cấm dùng

CÁCH CHẾ

Để sống dùng thì chữa các chứng phát ban, điên cuồng, phiền khát
Sao với nước Ngô thù thì điều hòa trường vị
Sao với Hoàng thổ thì chữa tích thực, dẹp được cơn giun quấy, và chữa được bệnh cam, trẻ con ăn đất vách
Sao với muối thì chữa chứng hạ tiêu có phục hỏa, chứng sưng đau âm hộ của đàn bà
Sao với rượu thì chữa bệnh ở thượng tiêu
Sao với gừng chữa bệnh ở trung tiêu
Sao với Ngô thù chữa bệnh ở hạ tiêu
Tẩm rượu sao để dẫn lên đầu mắt, miệng, lưỡi
Sao với nước gừng thì vị cay có công năng tán nhiệt xông bốc lên, vì gừng chế bớt hàn, làm biến đổi chút ít tính chất của nó


NHẬN XÉT

Hàn thị nói: Cổ nhân dùng Hoàng liên với Mộc hương để chữa kiết lỵ, Thủy hỏa tán dùng Hoàng liên với Cam thảo khương. Tả kim hoàn dùng hoàng liên với Ngô thù, Khương hoàng tán dùng Hoàng liên với Sinh khương, chứng lở miệng dùng Hoàng liên với Tế tân,....đều là một vị hàn một vị nhiệt, hàn nhân nhiệt mà dùng, nhiệt nhân hàn mà dùng, về cách chế phương rất kỳ diệu, cho nên được thành công mà không lệch về bên nào.

Năm mùi vị ăn vào dạ dày đều chạy về chỗ nó ưa thích, lâu mà thêm khí, đấy là biến hóa thông thường của sự vật, tăng thêm khí mà lâu quá thì đó là lý do chết yểu vậy.

Vương Băng chú rằng: Tăng thêm mùi vị, bổ ích cho khí, nếu uống Hoàng liên lâu ngày thì trái lại nó hóa theo hỏa tính, vì Hoàng liên rất đắng rất hàn là ban hành lệnh khắc nhiệt của mùa đông, ví như cao Dao, một người chấp pháp rất chặt chẽ nghiêm minh, còn công việc của Tắc, Tiết quỳ, Long không phải là chức năng của mình.

Gần đây, người đời không rõ ý nghĩa đó, thấy cổ nhân dùng để chữa bệnh bĩ đầy và cam tích, nên mỗi khi thấy trong bụng khó chịu thì dùng ngay thuốc tiêu thực như Chỉ thực, Hoàng liên để làm khoan khoái trung châu mà không biết gì đến tỳ vị khí hư thì dùng Bạch truật, Trần bì để bổ, thực thời dùng Hoàng liên, Chỉ thực để tả, nếu không phân ra hư thực, mà cứ dùng chung chung thì nhất định sẽ giết người. Cho nên tỳ hư huyết kém gây ra kinh sợ, phiền muộn, đậu mùa, sang lở, tỳ khí hư gây đi tả, ỉa chảy sau khi làm mủ, thận hư gây ỉa chảy canh năm (thận tiết), âm hư sinh buồn phiền nóng nảy, khí hư nóng đốt, tỳ hư sinh đi tả,...đều cấm dùng.

PHỤ

HỒ HOÀNG LIÊN (ngoài vàng, trong đen, bẻ ra thấy cứng, gãy ra thì có màu như khói là đúng)

CHỦ DỤNG

Thương hàn phát nhiệt, ho lao, đại tiểu tiện đỏ như lửa, lại chữa bệnh lao, sốt âm ỉ trong xương, sốt nóng, rét nóng nhiều, đi lỵ lâu ngày thành cam, cam tích, lỵ mạn tính, bổ can đởm, trừ đau mắt, tất cả các bệnh do thấp nhiệt sinh ra, và đàn bà thai nghén động kinh, trẻ con đổ mồ hôi trộm, phát sốt,...đều chữa được cả