7 loại phương thuốc

Một là Đại phương:

Như bệnh có kiêm thêm chứng khác, không thể dùng một vài vị mà chữa được, tất phải dùng Đại phương mà có 1 vị làm quân, 3 vị làm thần, 9 vị làm tá.

Như khi hai kinh can, thận và hạ bộ mắc bệnh, là đường bệnh xa như thế tất phải dùng Đại phương, phân lượng nhiều mà uống ngay cho hết.


Hai là tiểu phương:

Như hai kinh tâm, phế và thượng bộ mắc bệnh là đường bệnh gần, tất phải dùng tiểu phương phân lượng ít mà uống ngay cho hết.



Ba là hoãn phương:

Khi bổ cho phần trên, chữa bệnh ở trên và chữa chủ bệnh thì nên dùng cách hoãn, trong đó có bệnh phải dùng vị ngọt để làm chậm lại một chút.

Như bệnh ở ngực, bụng dùng thuốc hoàn để làm thuốc chậm tan, sức thuốc lưu lại ở đó.

Có khi dùng hoãn phương bằng nhiều vị thuốc ngang sức, để cho thuốc tự giằng co nhau làm cho chậm lại.

Có khi dùng hoãn phương bằng các vị thuốc không độc, vì thuốc không độc sức nhẹ mà chậm.

Có khi dùng hoãn phương bằng vị thuốc mà khí vị nhẹ (bạc), chú ý dùng khí vị nhẹ (bạc) để chữa phần trên được tốt, đến lúc xuống dưới thì sức kém đi cho nên bậc thánh nhân chữa ở trên không phạm đến dưới, chữa ở dưới thì không phạm đến trên.


Chữa ở giữa thì không phạm đến trên và dưới thì dùng thức ăn cho lướt qua đi, như chữa thận thì làm ngại cho tâm, thuốc uống nên cho đi qua mau, khiến cho thuốc vào thận không lưu lại ở tâm được. Lại như dùng Hoàng cầm chữa phế tất hại tỳ, dùng Thung dung chữa thận tất hại tâm. Uống Can khương chữa trung tiêu tất có thể lấn lên trên. Uống Phụ tử bổ thận ắt có thể hao chân thủy, suy ra trường hợp này thì nên dùng hoãn phương.



Bốn là cấp phương:

Khi bổ ở dưới, chữa ở dưới và trị khách tà, nên dùng phép cấp.

Có khi dùng cấp phương chữa bệnh nặng để công trị gấp như bệnh trúng phong, bệnh quan cách.

Có cấp phương uống bằng thuốc sắc để tẩy sạch, lấy ý nghĩa là thuốc dễ xuống họng mà đi nhanh.

Có cấp phương dùng bằng thuốc có chất độc làm cho trên thì mửa ra, dưới thì tả ra để dẹp thế mạnh của bệnh đi.

Có cấp phương mà khí vị của nó hùng hậu, lấy ý nghĩa là sức thuốc mạnh đi thẳng xuống dưới mà sức thuốc cũng không bị giảm đi.




Năm là cơ phương:

Cơ phương chỉ có một vị, bệnh ở phần trên mà gần thì nên dùng. Có cơ phương mà số lượng các vị thuốc thành số lẻ (như 1,3,5,7,9). Bệnh ở lý mà gần thì nên dùng như bài Tiểu thừa khí thang là một tiểu cơ phương, bài Đại thừa khí thang là một đại cơ phương. Dùng những bài này để công lý vì chỉ có thể cho hạ được, không thể cho phát hãn được, cho nên bảo rằng phát hãn không dùng cơ phương là thế.



Sáu là ngẫu phương:

Có ngẫu phương do hai vị phối hợp với nhau, có ngẫu phương do hai phương phối hợp lại với nhau. Bệnh ở phần dưới mà xa thì nên dùng.

Có ngẫu phương hợp các vị thuốc đếm thành con số chẵn (như 2,4,6,8,10). Bệnh ở biểu mà xa thì nên dùng.

Ngẫu phương mà nhỏ như Quế chi, Ma hoàng. Ngẫu phương mà to như Cát căn, Thanh long. Vì phát tán mà dùng, chỉ có thể cho ra mồ hôi mà không thể hạ. Cho nên bảo rằng khí hư không dùng ngẫu phương là thế.



Bảy là phức phương:

Phức phương là ghép. Dùng cơ phương không khỏi quay lại dùng ngẫu phương, dùng ngẫu phương không khỏi quay lại dùng cơ phương. Thế gọi là dùng dồn dập xen lẫn, như dùng 10 phương bổ, 1 phương tiết. Nhiều phương tiết 1 phương bổ.

Có phức phương do vài phương hợp lại như những bài Quế chi việt tỳ thang, Ngũ tích tán. Có khi ngoài phương này lại gia thêm thuốc khác, như bài Điều vị thừa khí gia thêm Liên kiều, Bạc hà, Hoàng cầm, Chi tử thành bài Lương cách tán. Có phức phương cân lạng bằng nhau, như bài Vị khí thang có các vị thuốc mà trọng lượng bằng nhau.


Bảy phương thuốc trên đây, nên xét bệnh mà dùng mới được hiệu quả mau.