Hàn cực độ thì sinh ra nhiệt, nhiệt cực độ lại sinh ra hàn. Hàn khí sinh ra trọc khí, nhiệt khí sinh ra thanh khí. Thanh khí bị hãm ở dưới thì đi ỉa sống phân, trọc khí ngưng đọng ở trên thì sinh đầy trướng. Đó là vì âm dương chính thường hoặc trái thường mà bệnh cũng sinh ra chứng thuận hay chứng nghịch.
Vì không mặc áo cẩn thận hóng gió mà sinh ra nóng lạnh. (Vì ở trần cảm phải phong tà, phong khí bên ngoài lấn vào, dương khí bên trong chống lại, phong khí và dương khí kích bác nhau nên sinh ra nóng lạnh).
Bởi thế mùa xuân cảm phải phong, tà khí ngưng đọng liên miên sẽ sinh ra đi tháo dạ. (Phong khí thông với can khí, mùa xuân can mộc vượng, mộc thắng tỳ thổ, nên sinh ra đi tháo dạ).Mùa hạ cảm phải thử khí, mùa thu sẽ sinh ra sốt rét. (Mùa hạ đã nóng dữ, khí dương mùa thu lại tiếp đến, dương khí và nhiệt khí công nhau sẽ sinh ra chứng sốt rét).
Mùa thu cảm phải thấp khí, mùa đông sẽ sinh ho. (Thấp khí mùa thu đã thắng, hàn thủy mùa đông lại sinh, thủy đến lấn phế cho nên sinh bệnh ho rược lên).
Phát sinh ra bệnh Nuy-Quyết [55]. (Thấp khí công ở trong thì sinh ho rược lên, tán ra ngoài thì làm cho gân mạch mềm nhũn).
Mùa đông cảm phải khí hàn, mùa xuân sẽ sinh ra bệnh ôn. (Khí lạnh của mùa đông ngưng đọng, dương khí của mùa xuân phát sinh. Hàn khí không giải được, dương khí mắc mứu ở trong, hàn khí và dương khí chống nhau mà sinh ra bệnh ôn).
Khí của bốn mùa thay đổi làm tổn thương ngũ tạng. (Lạnh, nắng, ấm, mát thay đổi lẫn nhau, lúc hơn lúc kém mà khí của bốn mùa thay đổi lẫn nhau làm tổn thương đến sự điều hòa của ngũ tạng).
Khí mùa xuân gây nên bệnh ở đầu. (Vì ứng với can).
Khí mùa hè gây nên bệnh ở tạng. (Vì ứng với tâm).
Khí mùa thu gây nên bệnh ở vai, lưng. (Vì ứng với phế).
Khí mùa đông gây nên bệnh ở tay chân. (Tay chân khí kém, độc của hàn tà hay làm tổn thương, tùy theo chỗ hàn tà xâm lấn mà làm bệnh ở đó).
Tinh là gốc của nhân thể, cho nên tàng trữ được tinh thì sang xuân không sinh ra bệnh ôn. (Mùa đông dương khí phục tàng, dương khí không động và bốc lên, cho nên mùa xuân không sinh ra bệnh ôn)
Âm thắng thì dương bệnh, dương thắng thì âm bệnh. (Phần thắng thì không bệnh, phần không thắng thì sinh bệnh).
Dương thắng thì nhiệt, âm thắng thì hàn, hàn cực độ thì sinh nhiệt, nhiệt cực độ thì sinh hàn. (Vật cực tắc phản, cũng như hỏa mạnh quá thì chính khí suy, hỏa bình thường thì chính khí thịnh).
Hàn tổn thương hình, nhiệt tổn thương khí. (Hàn thì vệ khí không thông lợi cho nên tổn thương hình thể, nhiệt thì vinh khí tiêu hao ở trong cho nên tổn thương khí).
Khí bị tổn thương sinh đau nhức, hình bị tổn thương sinh phù nề. (Khí tổn thương thì nhiệt kết ở phần thịt cho nên đau nhức, hình tổn thương thì hàn khí thúc ngoài bì phu cho nên phù nề)
Vì vậy, trước đau nhức rồi sau phù nề là khí làm tổn thương hình, trước phù nề rồi sau đau nhức là hình làm tổn thương khí. (Trước phát ra chứng ở khí mà sau sinh ra chứng ở hình cho nên nói khí làm tổn thương hình; trước phát sinh ra chứng ở hình mà sau mới sinh ra bệnh ở khí cho nên nói hình tổn thương khí).
Phong thắng thì chuyển động. (Phong khí thắng thì mọi vật đều dao động cho nên nói chuyển động).
Nhiệt thắng thì sinh sưng thũng. (Nhiệt khí thắng thì dương khí uất ở trong, sưng thũng phát ra dữ dội, nặng quá thì vinh khí nghịch lên ở trong thịt, tụ lại mà thành ra nhọt mủ).
Táo thắng thì ráo. (Táo khí thắng thì tân dịch khô kiệt cho nên da dẻ khô ráo).
Hàn thắng thì sinh phù. (Hàn thắng thì âm khí mới bắt đầu bế lại ở trong lỗ chân lông, dương khí công ở trong cho nên sinh ra phù).
Thấp thắng thì sinh ra ỉa chảy. (Thấp khí thắng công phạt tỳ vị ở bên trong. Tỳ vị bị thấp thì cơm nước lẫn lộn, tống xuống đại trường sinh ra ỉa chảy).
Cho nên mừng quá giận quá làm tổn thương khí, rét quá nóng quá làm tổn thương hình (Mừng giận đều sản sinh từ khí cho nên nói là mừng giận tổn thương khí, rét nắng quá đều tổn thương hình thể cho nên nói rét nắng làm tổn thương hình).
Đột nhiên giận dữ tổn thương âm khí, đột nhiên mừng quá tổn thương dương khí. (Giận thì khí bốc lên, mừng thì khí giáng xuống. Cho nên đột nhiên giận dữ thì khí bốc lên mà tổn dương khí. Đột nhiên mừng quá thì khí giáng xuống làm tổn thương âm khí [56]).
Quyết khí đi ngược lên đầy kinh mạch thì thần khí lìa khỏi hình thể (Quyết là khí nghịch lên, khí nghịch lên đầy ở kinh lạc thì thần khí bốc ra, lìa khỏi hình thể).
Mừng giận quá độ, rét nắng quá độ thì sinh mệnh không vững bền. (Sách Linh Khu nói: “Người biết dưỡng sinh thì phải thuận theo bốn mùa mà thích ứng với khí hậu lạnh nắng, điều hòa sự mừng giận mà ăn ở yên tĩnh. Nếu mừng giận bất thường hoặc nóng rét quá độ thì chính khí làm sao mà bền vững được).
Cho nên cảm phải tà khí của thiên nhiên thì làm hại ngũ tạng của nhân thể. (Tám thứ gió vẫn thường có phát ra tà khí, tà khí của gió xúc phạm vào ngũ tạng mà làm ra bệnh, cho nên cảm phải tà khí của thiên nhiên thì hại ngũ tạng của nhân thể).
Cảm phải sự nóng lạnh của đồ ăn thì hại đến lục phủ (Nhiệt khí làm tổn thương vị và bàng quang, hàn khí làm tổn thương đại tiểu trường và đởm khí).
Cảm phải thấp khí ở dưới đất làm tổn thương da thịt gân mạch. (Thấp khí thắng thì mạch ở vinh vệ không vận hành được cho nên cảm phải thấp khí thì hại da thịt gân mạch).
Tinh thần không tăng tiến thì ý chí bất trị, cho nên bệnh không thể khỏi được. (Sự hoạt động trái thường làm hao tán chân khí cho nên như thế).
Tinh hoại, thần mất, vinh vệ không thể thu phục được vì sao? Vì ham muốn vô cùng mà lo nghĩ liên miên thì tinh khí rã rời, bại hoại, vinh huyết ngưng trệ, vệ khí tiêu tan, cho nên thần mất mà bệnh không khỏi được. (Tinh thần là nguồn gốc của sự sống, vinh vệ là chủ khí, chủ khí không giúp đỡ, thần không yên ở trong thì bệnh không thể khỏi được).
Tình hình khí của 12 kinh bị tuyệt là như thế nào? Khi khí của kinh mạch Thái dương bị tuyệt thì hai mắt nhìn ngược lên, lưng uốn ván, tay chân co giật, sắc mặt trắng bệch, tuyệt hãn chảy ra thì chết. (Đây là trước tiên nói về sự tuyệt khí của kinh Thái dương. Kinh mạch túc Thái dương bắt đầu ở mắt, lên trán, giao nhau ở đỉnh đầu, liên lạc vào não, quặt ra xuống sau gáy, men theo trong bắp vai, dọc theo cột sống, tới trong eo lưng. Một chi khác đi xuống chân đến mé ngoài đầu ngón chân út. Kinh mạch thủ Thái dương bắt đầu từ phía ngoài chót ngón tay út, men theo cánh tay lên vai, vào hõm vai; một chi khác từ hõm vai, men theo cổ lên đến đuôi mắt. Cho nên khí của kinh mạch Thái dương bị tuyệt thì hai mắt nhìn ngược lên không chuyển động, mình uốn ván, co quắp, bệnh gấp thì co lại, hoãn thì duỗi ra, sắc đen thì biến thành trắng, vì kinh mạch túc Thái dương thuộc thủy, chủ về sắc đen, kinh mạch thủ Thái dương thuộc hỏa, chủ về sắc đỏ, mà hai sắc đen đỏ không thấy chỉ thấy sắc trắng. Tuyệt hãn tức là mồ hôi tuôn ra như hạt châu mà không cầm lại được, có hiện tượng tuyệt hãn là chứng chết).
Khí của kinh mạch Thiếu dương bị tuyệt thì tai điếc, các đốt xương đều rã rời, hai mắt trực thị, tròng đen không chuyển động nữa, một ngày rưỡi sẽ chết, trước khi chết thì sắc mặt xanh trắng bệch. (Đây là nói về khi kinh khí của kinh mạch Thiếu dương bị tuyệt. Mạch kinh túc Thiếu dương bắt đầu ở đuôi mắt, lên góc đầu, xuống sau tai. Một chi khác men sau tai, vào trong tai, ra trước tai, cho nên khi khí tuyệt thì tai điếc. Kinh Thiếu dương chủ gân, cho nên khi khí tuyệt thì các đốt xương đều rã rời, mắt trực thị và tròng đen không chuyển động được và đến lúc tròng đen không chuyển động được thì chỉ còn một ngày rưỡi nữa là chết và khi chết mặt tất nhiên xanh trắng bệch vì sắc xanh thuộc mộc, sắc trắng thuộc kim, hai sắc ấy tương khắc với nhau).
Khí của kinh mạch Dương minh bị tuyệt thì miệng mắt méo xếch, máy giật, hay sợ hãi nói bậy, sắc vàng khắp trên dưới (kinh thủ, kinh túc), khí của kinh này mạnh quá sinh tê dại thì chết. (Đây là nói về khí của kinh mạch Dương minh bị tuyệt. Kinh mạch túc Dương minh bắt đầu từ chỗ trũng trên sống mũi, đi xuống dưới ngoài mũi, đi lên vào hàm răng trên, ra miệng vòng quanh môi, qua Giáp xa, lên trước tai, theo bờ da tóc lên góc trán. Một chi khác từ trước huyệt Nhân nghinh xuống nhân nghinh vòng qua họng, qua hõm vai, xuống chẻn dừng. Kinh mạch thủ Dương minh bắt đầu từ ngón tay trỏ, men theo cánh tay lên vai, rồi lên cùng các kinh khác hội nhau ở xương đòn, lại xuống hõm vai mà liên lạc với phế. Một chi khác từ hõm vai lên cổ, qua má, tới hàm răng dưới, ra mép miệng cùng giao nhau ở Nhân trung lên cạnh mũi; cho nên khí của kinh này tuyệt thì miệng mắt méo xếch, máy giật. Vị mắc bệnh thì sợ người và lửa, nghe tiếng gỗ khua thì giật mình sợ hãi, chửi mắng không kể người thân kẻ sơ, hay sợ mà nói càn, vàng là màu sắc của thổ. Bộ phận trên là kinh mạch thủ Dương minh, bộ phận dưới là kinh mạch túc Dương minh. Kinh khí của mạch này mạnh quá thì mặt, mắt, cổ, cằm, mu chân, cổ tay, ống chân đều rung động, tê dại cấu không biết đau, đó là dấu hiệu khí đã kiệt hết, cho nên nói khí của kinh mạch này tuyệt).
Khí của kinh mạch Thái âm tuyệt thì bụng đầy trướng, bế tắc không thở được, hay ợ, hay mửa, mửa thì khí nghịch lên, khí nghịch lên thì mặt đỏ, nếu khí không nghịch lên thì trên dưới không thông, không thông thì mặt đen, lông da khô rộp mà mạch tuyệt. (Đây là nói về khí của kinh Thái âm tuyệt. Kinh mạch túc Thái âm từ trong đùi đến trước đùi, vào bụng, thuộc tỳ, liên lạc với vị, lên chẻn dừng. Kinh mạch thủ Thái âm bắt đầu từ trung tiêu, liên lạc xuống đại trường, quanh lên vị khẩu, lên chẻn dừng, vào phổi, vì đường lạc của nó từ tỳ vào vị, cho nên đầy trướng bế tắc không thở được, sinh ra ợ mửa. Vả lại mửa thì khí nghịch lên, cho nên sắc mặt đỏ. Không mửa thì không nghịch, không nghịch thì ở trên không thông, dưới lại bế tắc mà trên dưới không thông. Tâm khí thiêu đốt bên ngoài cho nên da khô rộp mà mạch tuyệt. Vì mạch túc Thái âm này có một chi từ dạ dày ngang ra, lên chẻn dừng dồn vào tâm).
Khí của kinh mạch Thiếu âm bị tuyệt thì mặt đen, răng trơ ra mà đầy cáu bẩn, bụng trướng, trên dưới bế tắc không thông mà khí tuyệt. (Đây là nói về khí của kinh Thiếu âm tuyệt. Khí của kinh này tuyệt thì huyết hết lưu thông, huyết không lưu thông thì lông da khô sém, cho nên sắc mặt đen như sơn mà không đỏ. Khí của kinh mạch này tuyệt thì xương không mềm, xương không mềm thì nhô lên trên, cho nên răng trơ ra mà đầy cáu bẩn. Kinh mạch thủ Thiếu âm bắt đầu từ trong tâm xuống chẻn dừng, liên lạc với tiểu trường. Kinh mạch túc Thiếu âm từ thận suốt lên chẻn dừng, vào phổi cho nên khí của kinh mạch này tuyệt thì đầy trướng, trên dưới bế tắc không thông).
Khí của kinh mạch Quyết âm tuyệt thì trong ngực phát nóng, họng khô hay đi đái, lòng buồn bực khó chịu, nặng quá thì thụt lưỡi, thụt dái mà chết. Đó là chứng bại hoại của 12 kinh mạch. (Đây là nói khí của kinh Quyết âm tuyệt; Đường lạc của kinh túc Quyết âm từ ống chân lên hòn dái kết ở ngọc hành. Đường kinh chính của nó vào lông mu, qua bộ phận sinh dục, lên đến bụng dưới, qua dạ dày, lên sau cuống họng, đến hàm và má. Mạch thủ Quyết âm bắt đầu ở ngực đi ra, thuộc tâm bào lạc cho nên mạch này tuyệt thì trong ngực nóng, họng khô, hay mót đi đái, lòng buồn bực khó chịu. Sách Linh khu nói: “Can là nơi hội họp của gân, gân tụ hội ở bộ phận sinh dục, chằng lên cuống lưỡi cho nên nặng thì thụt lưỡi thụt dái mà chết”, như vậy thì 12 kinh mạch đều bại hoại, chết là đúng).
Cơ sở sức khỏe trong con người là nhờ ngũ tạng (Ngũ tạng yên định thì thần vững, thần vững thì thân thể khỏe mạnh, cho nên nói thân thể khỏe mạnh là nhờ ngũ tạng).
Đầu là phủ tinh minh, nếu thấy đầu nghẽo không cất dậy mà mắt sâu không tinh quang, đấy là tinh thần sắp suy bại; lưng là phủ của ngực, nếu thấy lưng còng vai so đấy là khí trong ngực sắp bại hoại; eo lưng là phủ của thận, nếu thấy eo lưng cứng đờ khó xoay trở, đấy là thận sắp suy bại; gối là phủ của gân, nếu thấy gối không co duỗi được, mỗi hành động đều phải cúi lom khom là gân sắp bại hoại; xương là phủ của tủy, nếu thấy không thể đứng lâu được là xương sắp bại hoại. (Đều lấy chỗ xuất xứ mà gọi là phủ).
Khi có các bệnh tình kể trên, giả như ngũ tạng có thể khôi phục sức khỏe mạnh thời tuy bệnh cũng có thể sống; ngũ tạng không thể khôi phục sức khỏe, bệnh tình không thể cứu vãn thì người cũng chết. (Khỏe mạnh là trung khí cố thủ, đấy là nói cơ sở sức khỏe trong người là nhờ ngũ tạng, mà mất sức khỏe thì chết).
Âm khí thịnh thì nằm mộng thấy lội sông cái mà sợ hãi. (m là thủy, cho nên nằm mộng thấy lội sông cái mà sợ hãi).
Dương khí thịnh thì nằm mộng thấy lửa cháy to. (Dương là hỏa, cho nên nằm mộng thấy lửa cháy to).
Âm dương đều thịnh thì nằm mộng thấy đánh giết nhau, bị thương. (Cũng giống như ý nghĩa âm dương giao tranh).
Bộ phận trên thịnh thì nằm mộng thấy bay, bộ phận dưới thịnh thì nằm mộng thấy té ngã. (Khí đi lên thì nằm mộng thấy bay lên, khí giáng xuống thì nằm mộng thấy té ngã).
Khi no quá thì nằm mộng thấy đem của cho người (Vì bên trong có thừa), khi đói quá thì nằm mộng thấy người khác đem cho của. (Vì bên trong thiếu).
Can khí thịnh thì nằm mộng thấy giận giữ. (Vì tình chí của can là giận dữ).
Phế khí thịnh thì nằm mộng thấy khóc. (Vì thanh âm của phế là thương cho nên nằm mộng thấy khóc).
Trong bụng có nhiều giun ngắn thì nằm mộng thấy nhiều người hội họp. (Trong bụng có nhiều giun ngắn thì nằm mộng thấy giun).
Trong bụng có nhiều giun dài thì nằm mộng thấy đánh nhau và tổn thương. (Có giun dài nhiều thì trong bụng không yên, nằm mộng thấy rối loạn cho nên thấy thế).
Năm chứng thực thì chết, năm chứng hư cũng chết. (Năm chứng thực là ngũ tạng thực, năm chứng hư là ngũ tạng hư).
Mạch thịnh, da nóng, bụng trướng, đại tiểu tiện không thông, buồn bực lóa mắt đó là năm chứng thực. (Thực là tà khí thịnh và thực, mạch thịnh là bệnh tâm, da nóng là bệnh phế, bụng trướng là bệnh của tỳ, đại tiểu tiện không thông lợi là bệnh của thận, buồn bực lóa mắt là bệnh của can).
Mạch tế, da lạnh, khí kém, đại tiểu tiện tiết lợi, ăn uống không vào đó là năm chứng hư. (Hư là chân khí không đủ, mạch tế là bệnh ở tâm, da lạnh là bệnh ở phế, khí hư là bệnh ở can, đại tiểu tiện tiết lợi là bệnh ở thận, ăn uống không vào là bệnh ở tỳ).
Năm chứng thực, năm chứng hư cũng có khi không chết là tại sao? Như chứng hư mà ăn cháo được, ỉa chảy khỏi được thì sống. Như chứng thực mà mình đổ mồ hôi, đại tiểu tiện thông lợi thì cũng có thể sống, ấy là nói chứng trạng hư thực mà có thể khỏi được. (Ăn cháo được, vị khí điều hòa thì ỉa chảy khỏi dần, vì vị khí mạnh thì khí hư cũng sống. Chứng thực mà ra được mồ hôi, đại tiểu tiện thông lợi thì tự nhiên khỏi).
Cho nên đi đêm mà suyễn thở là do thận. (Thận chủ sự biến đổi, thận khí hợp với lúc mờ tối, cho nên đi đêm bị suyễn thở là do trong thận ra).
Khí tràn lên làm cho phế bị bệnh. (Đi đêm lao thận do đó mà phát suyễn thở, dâm khí tràn lên làm cho phế bị bệnh).
Vì té ngã sợ hãi mà suyễn thở là do ở can. (Sợ do can, té ngã thì tổn thương gân máu vì thế mà suyễn thở, cho nên nói do ở can).
Can khí tràn lên làm hại tỳ. (Can khí bị khuấy động thì làm hại tỳ thổ).
Vì kinh sợ mà suyễn thở là bệnh ở phế. (Kinh sợ thì tâm không có chỗ dựa, thần không yên định, khí bị rối loạn ở trong ngực, cho nên suyễn sinh ra ở phế).
Dâm khí tràn lên làm cho tâm bị bệnh. (Kinh sợ thì thần tản đi, cho nên dâm khí động thì làm tổn thương đến tâm).
Qua sông bị đắm thuyền hoặc trượt té mà suyễn thở là bệnh do ở thận và xương. (Thấp khí thông với thận, thận chủ về xương, cho nên qua sông bị đắm thuyền mà suyễn thở là do ở thận và xương).
Đang lúc ấy người khỏe thì khí lưu thông mà bệnh khỏi, người yếu thì khí ngưng trệ mà sinh bệnh. (Khí có khỏe hay yếu, thần có dũng hay khiếp, cho nên có tình trạng khác nhau).
Cho nên phép chẩn bệnh phải xét người dũng hay khiếp, tình hình xương thịt da dẻ như thế nào. (Biết rõ được tâm tính, nắm vững được tình hình mới nhận thức được sâu sắc và chẩn đoán được chính xác).
Khi ăn uống quá no mồ hôi ra là do ở vị. (Ăn uống quá no mà ra mồ hôi là do ở vị).
Khi kinh sợ bị tản tinh mà mồ hôi ra là do ở tâm. (Kinh sợ tản mất tâm tinh, thần khí bốc lên, dương khí nhân đó mà bức bách, cho nên mồ hôi ra là do ở tâm).
Mang nặng đi xa mồ hôi ra là do ở thận. (Xương bị nhọc, khí bốc lên, thận lại bị mệt mỏi quá, cho nên mang nặng đi xa mà mồ hôi ra là do ở thận).
Khi chạy nhanh, khi sợ hãi mồ hôi ra là do ở can. (Làm việc nặng nhọc động đến gân thì hại đến can khí, cho nên chạy nhanh, sợ hãi mà mồ hôi ra là do ở can).
Vận động nhọc mệt mà đổ mồ hôi là do ở tỳ. (Vận động nhọc mệt là động tác ra sức nhiều quá, không phải chạy nhanh hay đi xa, động tác dùng sức thì tinh ba của thủy cốc phân bố khắp nơi, tỳ có chức năng tiêu hóa thủy cốc, cho nên nói mồ hôi ra là do ở tỳ).
Khi tà khí xâm lấn vào được đến nhân thể là do nó mạnh hơn mà lấn vào. (Tà khí là nói thứ khí bất chính như phong, hàn, thử, thấp, đói, no, nhọc, mệt…). Gặp ngày giờ bản tạng sở sinh thì bệnh khỏi, gặp ngày giờ bản tạng bị khắc thì bệnh nặng thêm, gặp ngày giờ sinh ra bản tạng thì bệnh dừng, gặp ngày giờ của tạng đó thì bệnh phát.
Bệnh ở can thì đau hai bên mạn sườn, đau ran đến bụng dưới, làm cho người ta hay giận. (Can thuộc kinh mạch Quyết âm, từ chân lên quanh bộ phận sinh dục, đến bụng dưới, lại đi lên suốt đến não bộ, xuống chẻn dừng, tỏa ra sườn, cho nên đau hai bên hạ sườn và đau ran đến bụng dưới, vì can khí thực cho nên hay giận).
Can hư thì lóa mắt nhìn không thấy rõ, tai nghe không được gì, hay sợ, hình như có người sắp đến bắt mình. (Can thuộc kinh mạch Quyết âm, từ sườn lên cuống họng, vào trán, liên lạc tới mắt. Chi mạch của kinh mạch Thiếu dương đởm từ sau tai vào trong tai, chạy ra phía trước tai đến sau đuôi mắt, cho nên sinh ra bệnh như nói trên).
Bệnh ở tâm thì trong ngực đau, sườn đầy tức, hạ sườn đau, đau ngực lưng và bả vai, đau mé trong hai cánh tay. (Chi mạch của kinh mạch thủ Thiếu âm tâm từ ngực ra sườn, chi mạch của kinh mạch thủ Quyết âm tâm bào lạc cũng đi từ ngực ra hạ sườn, cách hố nách ba thốn, đi lên dưới hố nách, xuống qua mé trong bắp tay, đi vào khoảng giữa hai kinh mạch Thái âm và Thiếu âm, vào trong khuỷu tay, xuống qua cẳng tay đi vào khoảng hai lằn gân. Kinh mạch thủ Thiếu âm tâm (đường thẳng) từ tâm hệ lên phổi, đi ra dưới nách, xuống qua phía sau mé trong bắp tay, đi vào sau chỗ kinh mạch Thái âm, Quyết âm xuống khuỷu tay, đi theo phía sau mé trong cẳng tay đến lồi xương trụ (cao cốt) ở sau bàn tay. Kinh mạch thủ Thái dương tiểu trường từ bắp tay đi quanh trong vai, giao nhau ở trên vai, cho nên sinh bệnh như nói trên).
Tâm hư thì ngực bụng to, hạ sườn và eo lưng cùng đau ran. (Kinh mạch thủ Quyết âm tâm bào lạc từ trong ngực ra liên thuộc với tâm bào, xuống chẻn dừng, liên lạc với tam tiêu, một chi mạch rẽ từ ngực ra sườn. Kinh mạch thủ Thiếu âm tâm từ tâm hệ xuống chẻn dừng, liên lạc với tiểu trường, cho nên lúc biến động sinh bệnh như nói trên).
Bệnh về tỳ thì người nặng nề, hay đói, thịt nhão, chân không nhấc đi được, hay co quắp, dưới chân đau nhức. (Co quắp nói ở đây là bệnh trẻ em, tỳ thuộc thổ mà chủ bắp thịt, cho nên người nặng nề mà bắp thịt nhão. Kinh mạch túc Thái âm tỳ khởi đầu từ ngón chân cái, đi qua mé trong ngón chân cái, lên bên trong mắt cá trong, lên bên trong bụng chân. Kinh mạch túc Thiếu âm thận bắt đầu từ dưới ngón chân út, đi chéo sang lòng bàn chân, lên bên trong bụng chân, lên mé bên trong nhượn (khoeo), cho nên khi mắc bệnh thì chân không nhấc lên được, hay co quắp và dưới chân đau).
Tỳ hư thì bụng đầy, sôi bụng, đi ỉa sống phân, ăn không tiêu. (Kinh túc Thái âm tỳ từ mé trước bên trong đùi, vào bụng thuộc tỳ, liên lạc với vị, cho nên sinh bệnh như vậy. Sách Linh khu nói: “Trung khí bất túc thì bụng hay đầy, ruột hay sôi”).
Bệnh ở phế thì ho suyễn, khí nghịch, vai lưng đau, đổ mồ hôi. Ở các chỗ xương cùng, ngọc hành, đùi, đầu gối, xương đùi, bụng chân, ống chân và chân đau nhức. (Phế tàng trữ khí, chủ suyễn thở, lúc biến động thì sinh ho, cho nên phế bệnh thì ho suyễn khí nghịch lên. Lưng là phủ của ngực, tiếp giáp với vai, cho nên vai lưng đều đau. Phế nuôi lông da, phong tà thịnh thì tân dịch tiết ra ngoài cho nên đổ mồ hôi. Kinh mạch túc Thiếu âm thận từ dưới chân đi lên, qua bên trong bụng chân, ra mé trong nhượn (khoeo), lên mé sau bên trong đùi, dọc theo xương sống, thuộc thận, liên lạc với bàng quang. Nay phế khí không vận hành thì kinh mạch thận bị tà, cho nên các chỗ xương cùng, ngọc hành, đùi, đầu gối, xương đùi, bụng chân, ống chân và chân đều đau nhức).
Phế hư thì khí kém, không thể thở đều được, tai điếc, họng khô. (Phế khí hư ở trên, cho nên không đủ hơi thở để điều hòa được. Lạc mạch của kinh thủ Thái âm phế hội ở trong tai cho nên điếc. Kinh mạch túc Thiếu âm thận từ thận đi lên ngực, qua chẻn dừng vào trong phổi, qua hầu họng lên cuống lưỡi. Nay phế hư thì thận khí không tỏa đủ lên trên cho nên họng khô).
Bệnh thận thì bụng to, chân sưng, ho suyễn, mình nặng, nằm ngủ thì ra mồ hôi trộm, sợ gió. (Kinh mạch túc Thiếu âm thận khởi đầu từ chân, lên bụng chân, theo xương mu đi lên hai bên rốn, vào trong bụng mà đi lên phế, cho nên bụng to chân sưng mà ho suyễn. Bệnh ở thận thì xương không có tác dụng cho nên mình nặng. Thận tà công lên phế, tâm khí suy ở trong, tân dịch sinh ra mồ hôi, cho nên nằm ngủ thì ra mồ hôi trộm, chân đã sưng, mồ hôi không hóa được âm, ngưng đọng ở lỗ chân lông, dương thiêu đốt lên thượng tiêu, trong nóng ngoài lạnh, cho nên sợ gió).
Thận hư thì trong ngực đau, bụng trên bụng dưới đau, mát lạnh, khí nghịch, trong lòng không vui. (Kinh mạch túc Thiếu âm thận từ phế đi ra liên lạc với tâm, dồn ở trong ngực. Thận khí đã hư, tâm không có sự ức chế, tâm khí bốc lên phế, cho nên đau dồn ở trong ngực. Kinh mạch túc Thái dương từ gáy đi xuống chân, thận hư thì khí của kinh Thái dương không đi mạnh được ở chân, cho nên chân lạnh mà khí nghịch lên. Vì mát lạnh cho nên bụng trên, bụng dưới đau, trí kém thì tinh thần rối loạn cho nên không vui).
KHÍ CỦA NGŨ TẠNG SINH BỆNH RIÊNG BIỆT GỌI LÀ “NGŨ BỆNH” NHƯ SAU:
- Bệnh ở tâm sinh ra hay “ợ”. (Tâm tượng trưng cho lửa bốc lên, khói theo ngọn lửa mà ra, tâm bệnh không thu nạp được uế khí cho nên phải ợ để tống ra).
- Bệnh ở phế sinh ra “hay ho”. (Phế tượng trưng cho kim loại, cứng rắn, gõ vào thì có tiếng, tà xâm phạm vào phế cho nên sinh ho).
- Bệnh ở can sinh ra “hay nói”. (Can tượng trưng cho loài cây có cành, có chi nhánh rẽ ra, lời nói là phát biểu sự uẩn khúc từ trong ra, cho nên bệnh can thì hay nói).
- Bệnh ở tỳ sinh ra “hay nuốt”. (Tỳ tượng trưng cho hành thổ, có tính chất dung nạp).
- Bệnh ở thận thì “hay ngáp” và “nhảy mũi”. (Thận tượng trưng cho hành thủy, tính chảy xuống, bốc lên thành mây mù, vì khí uất ở vị cho nên sinh ra hay ngáp vặt, khí Thái dương điều hòa thông lợi mà lại đầy lên tâm, phát ra đằng mũi cho nên sinh ra nhảy mũi).
- Bệnh ở vị thì khí nghịch thành ra “hay ọe”, “hay sợ”. (Vị là cái bể chứa thủy cốc, thận là cái cửa của vị, hễ cửa không thông lợi thì khí nghịch lên mà bao bọc lấy thủy cốc. Chỉ vì hay bị hàn, hàn khí và cốc khi va chạm nhau cho nên sinh ra nôn ọe. Nhiệt thịnh thì sinh ra sợ là tại sao? Vì vị nhiệt thì thận khí suy cho nên sinh ra sợ).
- Bệnh ở đại, tiểu trường là “ỉa chảy”, bệnh ở hạ tiêu là chứng “phù thũng” (Đại trường là nơi đùn đẩy, tiểu trường là nơi chứa đựng. Khí ở nơi chứa đựng đã hư, chức năng đùn đẩy mất bình thường cho nên sinh ra ỉa chảy. Hạ tiêu là nơi gạn lọc thủy dịch, khí bị bế tắc không tiết ra được cho nên tràn lên mà sinh phù thũng).
- Bàng quang không thông lợi thì sinh bệnh lậu, bàng quang không co lại thì sinh bệnh “són đái” hay “đái dầm” .(Bàng quang là phủ chứa tân dịch, nước do đó mà chảy ra, nhưng mạch kinh thủ Thiếu dương tam tiêu thực, làm cho hạ tiêu co lại không thông nên không đi đái được, hư thì hạ tiêu không co lại được cho nên sinh ra són đái).
- Bệnh ở đởm thì sinh ra “hay giận”. (Đởm là chức năng trung chính, quyết đoán, vô tư, không thiên vị, tính cương quyết cho nên hay giận).
TINH KHÍ CỦA NGŨ TẠNG CÙNG LẤN NHAU LÀM CHO PHÁT SINH BỆNH TẬT GỌI LÀ “NGŨ TÍNH” NHƯ:
Ở tâm lấn sang thì sinh vui mừng. (Tinh khí là tinh khí của người, phế hư mà tâm khí lấn sang thì sinh ra mừng. Sách Linh khu nói: “Vui mừng quá độ thì tổn thương phách” vì phách là thần minh của phế, nói tâm hỏa lấn phế kim).
Ở phế lấn sang thì sinh bi ai. (Can hư mà phế khí lấn thì sinh bi ai. Sách Linh khu nói: “Bi ai động ở trong thì tổn thương hồn” vì hồn là thần minh của can, bị phế kim lấn can mộc).
Ở can lấn sang thì sinh ra lo nghĩ (ưu). (Tỳ hư mà can khí lấn sang sinh ra lo nghĩ. Sách Linh khu nói: “Lo nghĩ không giải được thì tổn thương ý” vì ý là thần minh của tỳ, tỳ bị can mộc lấn).
Ở tỳ lấn sang thì sinh sợ sệt (úy). (Thận hư mà tỳ khí lấn sang thì sinh ra sợ sệt. Sách Linh khu nói: “Sợ sệt không giải được thì tổn thương tinh” vì tinh là thần minh của thận, bị tỳ thổ lấn sang thận thủy).
Ở thận lấn sang thì sinh ra kinh khủng. (Tâm hư mà thận khí lấn sang thì sinh ra kinh khủng. Sách Linh khu nói: “Kinh khủng thì tổn thương thần” vì thần là chủ của tâm, thận thủy lấn sang thì tâm hỏa bị hại. Đấy đều do chính khí không đủ mà thắng khí lấn sang).
TINH KHÍ CỦA NGŨ TẠNG THỪA HƯ LẤN NHAU MÀ SINH BỆNH
Năm cái ghét của ngũ tạng gọi “ngũ ố” là: Tâm ghét nhiệt (nhiệt thì mạch nổi lên bồng bột), Phế ghét hàn (hàn thì khí ngưng trệ), Can ghét phong (phong thì gân rung giật), Tỳ ghét thấp (thấp thì bắp thịt nhũn sưng), Thận ghét táo (táo thì tinh khô kiệt).
Năm cái cấm kỵ của ngũ vị gọi “ngũ cấm” là: Vị cay chạy vào khí, bệnh về khí thì không nên ăn nhiều đồ cay. Vị mặn chạy vào huyết, bệnh về huyết thì không nên ăn nhiều đồ mặn. (Vị mặn vào thận trước, ở đây nói chạy vào huyết là thận hợp với tam tiêu, huyết mạch tuy thuộc với tâm can, nhưng kỳ thực là nhờ đường lối của tam tiêu, cho nên vị mặn thì chạy vào huyết). Vị đắng chạy vào xương, bệnh ở xương thì không nên ăn nhiều đồ đắng. (Vị đắng chạy vào tâm, đây nói chạy vào xương là vì thủy hỏa giao nhau, khí trong xương thông với tâm). Vị ngọt chạy vào thịt, bệnh về bắp thịt thì không nên ăn nhiều đồ ngọt, vị chua chạy vào gân, bệnh về gân thì không nên ăn nhiều đồ chua.
Năm thứ phát sinh của bệnh gọi “ngũ phát” là: m bệnh phát ở xương, dương bệnh phát ở huyết, âm bệnh phát ở thịt. (Xương thịt thuộc âm, chủ tĩnh, cho nên dương khí theo đó. Huyết mạch thuộc dương, chủ động, cho nên âm khí thừa vào đó). Dương bệnh phát về mùa đông, âm bệnh phát về mùa hè. (Mùa hè dương khí thịnh cho nên âm bệnh phát về mùa hè. Mùa đông âm khí thịnh cho nên dương bệnh phát về mùa đông, đều là do khí của nó kém).
Năm thứ rối loạn do tà khí xâm vào gọi “ngũ loạn” là: Tà xâm vào dương phận thì phát cuồng, tà xâm phạm vào âm phận thì sinh tê. (Tà xâm vào dương mạch thì tay chân nóng dữ cho nên phát cuồng, tà xâm vào âm mạch thì kinh mạch bế tắc không thông cho nên sinh ra tê).
Tà kích động đến dương phận thì sinh bệnh ở đỉnh đầu; (Tà kích động đến dương phận ở trong thì mạch chạy nhanh, cho nên sinh bệnh ở đỉnh đầu), tà kích động đến âm phận thì sinh ra chứng câm; (Tà kích động đến âm phận ở trong thì huyết mạch không lưu thông cho nên sinh ra câm không nói được), tà từ dương phận vào âm phận thì tĩnh, tà từ âm phận ra dương phận thì sinh giận dữ. (Dương khí âm khí tùy từng lúc đi vào âm phận dương phận mà sinh bệnh).
Năm chứng vì nhọc mệt làm hại gọi “ngũ lao” là: Trông lâu quá hại huyết, (Vì lao thương đến tâm), nằm lâu quá hại khí, (Vì hại đến phế), ngồi lâu quá hại thịt, (Vì hại đến tỳ), đứng lâu quá hại xương (Vì hại đến thận), đi lâu quá hại gân (Vì hại đến can).
Muối vị mặn, có thể làm cho tân dịch chảy ra, (Mặn là do đắng mà sinh ra, thuộc thủy mà trong đó có nước thấm nhuần xuống dưới mà vị đắng tiết ra, cho nên có thể làm cho tân dịch thấm nhuần và tiết ra).
Đàn đứt dây thì tiếng rè, (Tiếng rè, tức là khác với tiếng cũ), cây xanh tốt thì lá phát sinh (Cây cằn cối thì lá rụng). Khi bệnh nặng thì sẽ có tiếng ọe, (Ọe tức là tiếng đục và nặng). Người có ba chứng trạng ấy thì gọi là “hoại phủ” [57] (Ba chứng trạng đó là đàn đứt dây, lá rụng, tiếng ọe).
Thuốc uống không chữa được, châm cứu không dùng được, như thế là da thịt bại hoại, sắc máu biến thành đen. (Bệnh dồn lại ở trong cho nên thuốc uống không chữa được, châm cứu không dùng được, da thịt khí huyết đều tuyệt hết cho nên sắc máu biến thành đen. Ý nói muốn biết bệnh cần phải biết chứng trạng bệnh. Như muối ở trong cái lọ, tân dịch của nó tiết ra ngoài, thấy tân dịch mà biết muối có vị mặn. Nghe tiếng rè mà biết dây đàn sắp đứt, thấy lá rụng mà biết cây cằn cỗi sắp chết. Đem triệu chứng bại hoại của ba loại trên để ví với chứng trạng nghe tiếng ọe mà biết bệnh nặng cho nên dù châm cứu hay thuốc uống cũng không có tác dụng gì, vì da thịt và khí huyết đều bại hoại cả).
Hai kinh Thái âm và Dương minh là mạch Tỳ Vị, cùng tương quan biểu lý mà bệnh do hai kinh này sinh ra lại khác nhau, tại sao vậy? Kỳ Bá nói: Bộ vị hai kinh đó âm dương khác nhau, thay đổi nhau khi hư khi thực, khi nghịch khi thuận hoặc từ trong sinh ra hoặc từ ngoài xâm vào đều không giống nhau, cho nên tên bệnh khác nhau. (Tỳ là tạng thuộc âm, vị là phủ thuộc dương. Mạch dương đi xuống, mạch âm đi lên, mạch dương từ ngoài vào, mạch âm từ trong ra, cho nên nói là chỗ xuất phát không giống nhau mà tên bệnh khác nhau. Mùa xuân mùa hè thì dương minh thực, thái âm hư, mùa thu mùa đông thì dương minh nghịch, thái âm thuận, tức là thay đổi nhau khi thuận khi nghịch).
Dương thuộc thiên khí chủ bên ngoài, âm thuộc địa khí chủ bên trong, (Bộ vị âm dương khác nhau), cho nên dương khí thực, âm khí hư (thay đổi nhau về hư thực). Phạm phải tặc phong hư tà thì phần dương mắc bệnh, ăn uống sinh hoạt không điều độ thì phần âm mắc bệnh (Bệnh hoặc từ trong ra hoặc từ ngoài vào).
Phần dương mắc bệnh thì tà truyền vào ngũ tạng vào lục phủ thì người nóng không nằm được, khí nghịch lên thành suyễn thở, vào ngũ tạng thì đầy trướng, sinh ra ỉa sống phân, lâu ngày sinh ra kiết lỵ (Đó là chỗ xuất phát khác nhau thì tên bệnh khác nhau). Hầu chủ về thiên khí, họng chủ về địa khí, cho nên dương hay bị phong, âm hay bị thấp tà (Đồng khí tương cầu).
Cho nên khí âm từ chân đi lên đến đầu, lại đi xuống qua cánh tay đến đầu ngón tay, khí dương từ tay đi lên đến đầu lại đi xuống đến chân, (Sự thay đổi nhau về nghịch thuận sách Linh Khu nói: “Ba kinh âm tay từ nội tạng chạy ra tay, ba kinh dương tay từ tay chạy lên đầu. Ba kinh dương chân từ đầu chạy xuống chân, ba kinh âm chân từ chân chạy lên bụng, vì đường đi khác nhau cho nên thay đổi nhau khi nghịch khi thuận như vậy).
Cho nên bệnh ở dương kinh, đi lên đến tột độ rồi lại xuống. Bệnh ở âm kinh, đi xuống tột độ rồi lại lên. Cho nên cảm phải phong tà thì thượng bán thân bị bệnh trước, cảm phải thấp tà thì hạ bán thân bị bệnh trước; kinh mạch túc Dương minh bị bệnh thì sợ người và lửa, nghe tiếng gỗ khua thì giật mình kinh sợ. (Vì nhiệt uất ở trong vị cho nên sợ người và lửa, vị thuộc thổ cho nên nghe tiếng gỗ khua thì sợ).
Có khi bệnh dương minh nặng thì áo quần cũng không biết mặc, chạy càn nhảy càn, trèo cao ca hát, hoặc bỏ ăn mấy ngày mà lại có thể vượt tường cao, leo nóc nhà mà những chỗ leo trèo đó ngày thường không thể làm được mà khi có bệnh là có thể làm được là tại sao? Đáp: chân tay là gốc của các dương khí, hễ dương khí thịnh thì chân tay thực, chân tay thực cho nên có thể trèo cao (Phần dương thụ khí ở tay chân cho nên chân tay là gốc của các khí dương).
Hỏi: Nó không muốn mặc áo quần, chạy càn là vì sao? Đáp: Thượng bán thân vì nóng dữ quá làm hại cho nên không muốn mặc áo quần, chạy càn nhảy càn. Hỏi: Nó nói bậy, chửi mắng càn dở, không kể thân sơ, tự tiện ca hát là vì sao? Đáp: Dương tà lấn lên quá làm cho thần chí mất bình thường, cho nên nói bậy nói càn, chửi mắng người mà không kể thân sơ; và chẳng biết muốn ăn gì, chẳng muốn ăn gì cho nên chạy càn. (Đây là nói bệnh ở dương minh vị kinh, sở dĩ không biết mặc quần áo, chạy càn nhảy càn, trèo cao mà hát, nói càn chửi bậy đều là do tà khí quá thịnh, tà khí quá thịnh cho nên nhiệt thịnh, nhiệt thịnh cho nên dương thịnh, ba chứng nói trên là vì lẽ ấy).
Khi có ôn bệnh thì mồ hôi ra rồi lại nóng mà mạch di động gấp, không vì ra mồ hôi mà bớt nóng, nói cuồng và không ăn được gọi là bệnh gì? Kỳ Bá nói: Đấy là bệnh “m dương giao [58]”, bệnh m dương giao thì chết. (Giao nói đây là khí âm khí dương không phân biệt được).
Người ta sở dĩ có ra mồ hôi đều là do cốc khi, cốc khí sinh ra chất tinh vi. (Ở đây nói cốc khí hóa thành tinh khí, tinh khí thắng mới sinh ra mồ hôi).
Nay tà khí giao tranh với nhau ở khoảng xương thịt mà lại có ra mồ hôi là tà khí lui mà tinh thắng. (ý nói lúc mới ra mồ hôi). Tinh thắng thì đúng lẽ ăn được mà không phát nữa, lại phát sốt là hãy còn tà khí. Mồ hôi ra là tinh khí thắng, không ăn được thì tinh khí không có gì để làm cho ra mồ hôi. (Cốc khí không hóa thì tinh khí không sinh, tinh không biến hóa lưu thông cho nên không ra mồ hôi được).
Bệnh giằng dai không khỏi thì sinh mệnh có thể nguy, mồ hôi ra mà mạch còn động gấp quá thì chết. (Mồ hôi đã ra được rồi thì mạch nên trì, tĩnh. Trái lại mạch động gấp là chân khí kiệt mà tà khí thịnh cho nên biết nhất định là phải chết).
Nay mạch và mồ hôi không tương ứng với nhau đó là tinh khí không thắng được thì chết. (Mạch không tĩnh mà động gấp là không thích ứng với nhau).
Nói cuồng là mất thần chí, mất thần chí thì chết. (Chí do ở tinh, nay tinh khí không sai khiến được thì chí không yên định, chí không yên định tức là mất chí).
Nay thấy ba phần chết, không thấy một phần sống, bệnh tuy bớt nhưng cũng sẽ chết. (Mồ hôi ra mà mạch còn động gấp là dấu hiệu chết, tinh khí không thắng được bệnh cũng là dấu hiệu chết, nói sảng mất thần chí cũng là dấu hiệu chết).
Thế nào là hư thực? Đáp: Cái gọi là hư thực là so sánh tà khí và chính khí mà nói. Như tà khí đương thịnh đấy là thực chứng, bằng tinh khí không đủ đấy là hư chứng.
Không nằm ngửa được mà thở rộn lên là do khí của kinh mạch Dương minh nghịch lên. Khí của ba kinh dương chân từ đầu chạy xuống chân, nguyên lai là chạy xuống dưới, nay nghịch mà chạy lên cho nên thở rộn lên như có tiếng. Dương minh tức là kinh mạch của vị, vị là cái bể của lục phủ, vị khí cũng là đi xuống; nay khí của Dương minh mạch đi nghịch lên, vị khí sẽ không thể thuận theo đường lối của nó mà đi xuống cho nên không thể nằm ngửa được. Vị bất hòa thì nằm chẳng yên là ý nghĩa đó. Nếu ăn uống sinh hoạt bình thường mà thở rộn lên thì đấy là lạc mạch của phế không thuận; khí của lạc mạch không theo sự lên xuống như khí của kinh mạch. Khí ấy lưu lại ở kinh mạch mà không chạy ở lạc mạch nhưng bệnh ở lạc mạch tương đối nhẹ, cho nên tuy thở rộn lên như có tiếng mà ăn uống sinh hoạt như thường. Nếu không nằm được, nằm xuống thì suyễn thở là do thủy khí xâm phạm bên trong; thủy khí theo đường tân dịch mà lưu thông, thận là thủy tạng, chủ tân dịch, nay thủy khí tràn lên mà xâm phạm vào phế cho nên suyễn thở mà không nằm được. Cái thứ suyễn thở mà không nằm được này là thuộc về bệnh của thận.
Trăm bệnh sinh ra đều do ở khí. (Vì tác dụng của khí hư, thực, hoãn, cấp đều có thể sinh ra bệnh cho nên nói như vậy).
Giận thì khí nghịch lên, mừng thì khí thư hoãn, bi ai thì khí tiêu tan, sợ sệt thì khí tụt xuống, gặp lạnh thì khí thu liễm, gặp nóng thì khí tiết ra, kinh sợ thì khí rối loạn, nhọc mệt quá thì khí hao, lo nghĩ thì khí uất kết. Chín thứ khí khác nhau ấy sẽ sinh ra bệnh gì?
Giận thì khí nghịch lên, nặng lắm thì có thể trào máu miệng và ỉa sống phân, cho nên nói: “Giận thì khí nghịch lên”. (Giận thì dương khí nghịch lên, dương khí nghịch lên thì can khí lấn tỳ khí cho nên nặng thì trào máu miệng và ỉa sống phân).
Mừng thì khí điều hòa, ý chí thoải mái, vinh vệ thông lợi cho nên nói: “mừng thời khí hoãn”. (Khí mạch điều hòa cho nên ý chí thoải mái, vinh vệ thông lợi cho nên khí hoãn).
Bi ai thì tâm hệ [59] căng thẳng, lá phổi dương lên mà thượng tiêu bế tắc không thông, vinh vệ không tán ra được, nhiệt khí uất ở trong ngực cho nên nói: “Bi ai thì khí tiêu tan” (Bi ai thì tổn tâm, tâm hệ căng thẳng thì động đến phế, phế liên hệ với các kinh, nghịch thì phổi xòe ra, lá phổi dương lên).
Sợ sệt thì tinh khí tụt xuống, tinh khí tụt xuống thì thượng tiêu bế tắc, thượng tiêu bế tắc thì khí luẩn quẩn dưới hạ tiêu, khí luẩn quẩn dưới hạ tiêu thì hạ tiêu thành trướng, cho nên “sợ sệt thì khí không lưu hành được”. (Sợ thì dương tinh vọt lên mà dưới không lưu thông. Cho nên tụt xuống thì thượng tiêu bế tắc, thượng tiêu bế tắc thì khí không lưu hành xuống hạ tiêu, âm khí ở hạ tiêu cũng luẩn quẩn ở đó mà không phân bố ra được, tụ lại mà thành trướng. Nhưng thượng tiêu bế tắc, khí luẩn quẩn ở hạ tiêu, mỗi thứ đóng lại một chỗ là khí không lưu hành được).
Lạnh thì có thể làm cho lỗ chân lông bế lại, khí vinh vệ không lưu hành, cho nên nói: “Lạnh thì khí thu liễm” (Mình lạnh thì vệ khí trầm lại, cho nên da dẻ lỗ chân lông bị bế lại mà khí không lưu hành được, vệ khí thu liễm ở trong mà không phát tán ra được).
Nóng thì lỗ chân lông mở ra, vinh vệ khai thông mà mồ hôi ra nhiều, cho nên nói: “Nóng thì khí tiết ra”. (Nóng thì da dẻ, lỗ chân lông mở ra, vinh vệ lưu thông, mồ hôi tiết ra cũng nhiều).
Kinh sợ thì tâm như không có chỗ dựa, thần chí không có chỗ về, trong lòng nghĩ ngợi liên miên cho nên nói: “Kinh sợ thì khí rối loạn” (Khí vượt lên trên cho nên không điều hòa được).
Lao lực quá sức thì phát thở mà đổ mồ hôi, bên trong bên ngoài đều vượt mức bình thường, cho nên nói: “Lao lực quá thì hao khí”. (Làm việc nhọc mệt thì khí chạy nhanh cho nên phát thở. Khí chạy nhanh thì dương khí vượt ra ngoài cho nên đổ mồ hôi, thở mà đổ mồ hôi là trong ngoài đều vượt mức bình thường cho nên hao khí).
Lo nghĩ quá nhiều thì tâm tư thường để ý vào công việc, thần không chỗ về làm cho chính khí ngừng lại không vận hành, cho nên “khí kết”. (Tâm hệ không phân tán ra được cho nên khí đình trệ).
Bị bệnh tý có người chết hoặc có người đau nhức lâu ngày không khỏi, có người rất chóng khỏi, sao vậy? Kỳ Bá nói: “Bệnh tý mà truyền vào ngũ tạng thì chết, ngưng đọng dằng dai ở gân cốt thì đau nhức lâu ngày không khỏi, ngưng đọng ở bì phu thì chóng khỏi”. (Vào ngũ tạng thì chết là vì thần khí mất rồi, vào gân cốt thì đau nhức lâu ngày không khỏi là vì chỗ đau cố định, ở bì phu thì chóng khỏi là vì nó còn ở lớp ngoài, và có mức độ nông sâu khác nhau).
Vinh là tinh khí của thủy cốc hóa thành, thông thường là điều hòa với ngũ tạng, tưới nhuần cho lục phủ rồi mới đi vào trong mạch. (Thiên Chính Lý luận nói: “Đồ ăn vào dạ dày mà đường mạch lưu hành, đồ uống vào kinh mạch mà đường huyết mới vận hành).
Cho nên vinh khí theo đường mạch đi suốt trên dưới, khắp ngũ tạng, liên lạc với lục phủ. (Vinh đi trong mạch cho nên không chỗ nào mà nó không đến).
Vệ là thứ khí bốc mạnh của thủy cốc, khí ấy nhanh nhẹn trơn tru không thể đi vào trong mạch được. (Vì khí bốc mạnh cho nên nhanh nhẹn trơn tru, không thể đi vào trong mạch được).
Vệ khí đi vào khoảng giữa bì phu và thớ thịt, hun bốc lên cách mô (tức chẻn dừng) khuếch tán ra ngực bụng. (Khoảng giữa bì phu và thớ thịt là phần ngoài mạch, vì vệ khí bốc mạnh cho nên có thể khuếch tán ra khắp ở chỗ trống rỗng ở khoảng ngực bụng, hun bốc lên cách mô làm cho khí tuyên thông).
Nếu như vinh vệ mà trái nghịch với tình trạng bình thường thì sinh bệnh, vinh vệ thông lợi thì bệnh khỏi. Nói tóm lại vinh vệ không bị tà khí phong, hàn, thấp xâm nhập thì không bị tê thấp. (Trái với khí vinh vệ thì sinh bệnh mà thuận với khí vinh vệ thì khỏi bệnh, vinh vệ đều là khí nhưng không phải là vật hữu hình. Gân xương, bắp thịt, da mạch và ngũ tạng lục phủ, nó không bị ba thứ tà khí phong, hàn, thấp xâm nhập, cho nên vinh vệ ở trong người thì không sinh ra tê thấp).
Bệnh tý, hoặc đau hoặc không đau hoặc tê dại không cảm giác, hoặc hàn hoặc nhiệt hoặc táo hoặc thấp là tại sao? Đau là vì hàn khí thắng, có hàn khí thì đau; còn không đau tê dại không có cảm giác là bệnh đã lâu ngày, tình trạng đã ăn sâu. Sự vận hành của vinh vệ không thông lợi, kinh lạc có lúc sơ hở cho nên không đau; da dẻ mất sự dinh dưỡng cho nên tê dại không có cảm giác. (Tê dại không có cảm giác là tê mà cấu không biết đau).
Hàn thắng là dương khí ít, âm khí nhiều, âm khí cùng cấu kết với bệnh khí mà nặng thêm. Khí dương khi gặp âm khí nhưng âm khí không thắng nổi dương khí cho nên thành chứng nhiệt tê. (m khí không thắng nổi dương khí cho nên sinh ra nóng).
Có nhiều khi đổ mồ hôi ướt đẫm là vì cảm nhiều thấp khí quá, dương khí trong người không đủ mà âm khí có thừa. m khí cùng thấp khí cảm ứng nhau cho nên ra nhiều mồ hôi mà ướt. (Bệnh tê thấp sở dĩ đau là vì hàn khí thắng, có hàn khí thì đau, cho nên nói đau là do hàn khí, gọi là “Thống tý”).
Bệnh tê thấp sở dĩ không đau là vì bệnh lâu ngày tà khí càng ăn sâu vào, vinh vệ vướng mắc, kinh mạch có lúc sơ hở cho nên cũng không đau.
Bệnh tê thấp sở dĩ tê dại không cảm giác, là vì trong bì phu ít khí huyết dinh dưỡng để vận hành, cho nên da tê ngắt không hoạt động, sinh ra tê dại không cảm giác.
Bệnh tê thấp sở dĩ mình lạnh là vì vệ khí ít, vinh khí nhiều. Chỉ có vinh khí nhiều thì bệnh khí càng tăng cho nên hàn lạnh.
Bệnh tê thấp sở dĩ mình nóng là vì vệ khí nhiều vinh khí ít, cho nên tà khí thắng phong khí là dương. Dương và dinh khí gặp nhau mà âm khí không thắng nổi, cho nên sinh ra chứng nhiệt tê.
Bệnh tê thấp sở dĩ ướt là vì cảm phải nhiều thấp khí, vệ khí ít vinh khí nhiều. Thấp khí và dinh khí cùng cảm ứng nhau cho nên ra nhiều mồ hôi mà ướt.
Bệnh tê thấp sở dĩ táo tuy chưa nói đến nhưng theo chứng thấp mà xét mặt trái của nó vệ khí nhiều, dinh khí ít, gặp nhiệt nhiều quá, vệ khí cùng táo khí cùng cảm ứng nhau thì cũng có thể biết được là chứng táo.
Bệnh tê thấp có khi không đau là tại sao? Tê ở xương thì bệnh nặng nề, tê ở mạch thì huyết ngưng trệ mà không lưu thông, tê ở gân thì co lại mà không duỗi ra được, tê ở thịt thì tê dại không cảm giác, tê ở da thì hàn lạnh. Cho nên có đủ năm chứng trạng ấy thì không đau. Phàm bệnh tý hễ gặp hàn thì có cảm giác như kiến bò, gặp nhiệt thì mềm dãn ra.
Ngũ tạng đều có thể làm cho người bại, ý nghĩa là làm sao? (Bại tức là yếu liệt không có sức để vận động). Phế chủ bì mao, tâm chủ huyết mạch, can chủ màng gân (màng gân ở dưới da mà ở trên lớp thịt), tỳ chủ bắp thịt, thận chủ xương tủy (Mỗi tạng giữ một công việc khác nhau, bệnh bại phát sinh là có thể quy về chức năng sở chủ của nó).
Cho nên: Phế bị nhiệt thì tân dịch tiêu hao, lá phổi khô héo, bì mao cũng biểu hiện trạng thái mỏng yếu, nhiệt khí lưu lại lâu ngày thì sinh ra chứng bại xụi (nuy tịch). (Tức là chân bại xụi không đi được vì phế nhiệt thì thận bị nhiệt, khí xâm phạm cho nên sinh ra như vậy).
Tâm bị nhiệt thì có thể làm cho huyết nghịch lên trên, gây nên trên thịnh dưới hư, huyết hư thì sinh ra chứng “mạch nuy”, khớp xương như cứng không cử động được, chân bại xụi không bước đi được. (Tâm nhiệt quá thì hỏa bốc lên trên, mạch thận thường đi xuống nay hỏa thịnh bốc lên, cho nên mạch thận cũng theo hỏa mà bốc lên. Dương khí nghịch lên, hỏa lại đốt ở trong, âm bị cách dương ở trên, không giữ được bản vị của nó ở dưới, tâm khí thông với mạch cho nên sinh chứng “mạch nuy”. Thận khí chủ về chân cho nên khớp gối, khớp cổ chân như gãy, gân ống chân mềm yếu mà không bước đi được).
Can bị nhiệt thì mật tràn lên mà thấy miệng đắng, gân mất sự dinh dưỡng cho nên khô, làm cho gân căng thẳng mà sinh ra bệnh “cân nuy”. (Mật nằm trong lá gan mà nước của nó rất là đắng, gan bị nhiệt thì nước mật sẽ chảy tràn ra cho nên miệng đắng. Can chủ về màng gân, can nhiệt thì màng gân bị khô làm cho gân căng thẳng mà yếu liệt).
Tỳ bị nhiệt thì làm cho tân dịch trong vị khô mà khát, da thịt tê dại cấu không biết đau, sinh ra chứng “nhục nuy”. (Tỳ và vị dính líu với nhau là nhờ màng gân, tỳ khí nhiệt thì tân dịch trong vị bị khô ráo mà khát nước, tỳ chủ bắp thịt, nhiệt bức ở trong bắp thịt tê dại mà sinh chứng “nhục nuy”).
Thận bị nhiệt thì tinh dịch kiệt hết, xương khô, tủy giảm mà eo lưng xương sống không cử động được sinh chứng “cốt nuy”. (Eo lưng là phủ của thận, lại thêm kinh mạch của thận đi lên bên trong đùi, qua sống lưng thuộc thận. Thận khí nhiệt, eo lưng và xương sống cứng đơ không cử động được. Thận chủ xương tủy, thận nhiệt thì xương khô, tủy cạn mà sinh ra chứng “cốt nuy”).
Chứng quyết có hàn quyết, nhiệt quyết là tại sao? Dương khí suy kiệt ở dưới sinh ra hàn quyết, âm khí suy kiệt ở dưới sinh ra nhiệt quyết. (Dương là túc tam dương kinh, âm là túc tam âm kinh, ở dưới là dưới chân. Đây nói về chứng quyết mà phân ra hàn nhiệt là theo túc tam âm, túc tam dương kinh. Kinh khí của 6 kinh mạch này có lúc thiên thắng cho nên thể hiện như vậy).
Bệnh nhiệt mà phát nhiệt phải từ dưới chân lên là tại sao? (Dương chủ bên ngoài mà chứng quyết ở trong cho nên nói thế).
Dương khí bắt đầu phía ngoài năm ngón chân, âm khí tập trung ở dưới chân mà tụ hội ở lòng bàn chân, nhiệt quyết là âm khí suy kiệt ở dưới mà dương khí thiên thắng, cho nên dưới chân phát nóng. (Kinh mạch túc Thái dương đi ra ở mé ngoài đầu ngón chân út, Túc Thiếu dương đi ra ở đầu ngón chân thứ tư. Túc Dương minh đi ra ở đầu ngón chân giữa và ngón chân cái, đều theo kinh mạch túc Dương minh mà đi lên. Mạch can, thận, tỳ tập trung ở dưới chân, tụ hội ở lòng bàn chân, âm khí suy kiệt ở dưới cho nên dưới bàn chân nóng tức là cái nóng của chứng nhiệt quyết ở âm phận vì dương thắng âm).
Bệnh hàn quyết mà lạnh toát bị từ năm ngón chân đi lên đầu gối là tại sao? (m chủ bên trong mà quyết ở ngoài cho nên nói thế).
Âm khí bắt nguồn từ phía trong năm ngón chân, tập trung trên dưới mà tụ hội ở đầu gối. Bệnh hàn quyết là dương khí suy kiệt ở dưới (hạ bán thân) mà âm khí thiên thắng. Cho nên lạnh toát phải bắt đầu từ năm ngón chân chạy lên đầu gối, thứ lạnh toát này không phải do hàn khí từ ngoài xâm vào mà do dương hư từ bên trong gây ra. (Kinh mạch túc Thái âm bắt đầu từ giữa chòm lông chũm ở đầu ngón chân cái, mạch túc Thiếu âm bắt đầu từ dưới ngón chân út, xiên theo lòng bàn chân và theo mạch túc Thái âm kinh đi lên, men theo mé trong đùi vào bụng, cho nên nói tập trung dưới đầu gối mà tụ ở trên đầu gối. Đó là nói về chứng lạnh toát của hàn quyết lên đầu gối vì âm thắng dương).
Bệnh quyết hoặc làm cho người đầy bụng, hoặc làm cho người bỗng dưng bất tỉnh nhân sự, hoặc nửa ngày, thậm chí cả ngày mới tỉnh trở lại là vì sao? m khí thiên thịnh ở thượng bán thân thì hạ bán thân hư, hạ bán thân hư thì bụng đầy trướng. Dương khí thiên thịnh ở trên thì khí ở hạ bán thân lấn lên mà thành tà khí, tà khí nghịch lên thì dương khí rối loạn, dương khí rối loạn thì bỗng dưng bất tỉnh nhân sự. (m khí thiên thịnh ở trên thì bụng đầy trướng là hàn quyết, dương khí thiên thịnh ở trên thì bỗng dưng bất tỉnh nhân sự, đó là nhiệt quyết).
Có người bệnh nằm ngủ không được là tại sao? Kỳ Bá nói: Không ngủ được là do quan hệ với nguyên nhân thất tình lao quyện làm tổn thương ngũ tạng mà ra, cần làm cho chỗ tổn thương đó được khôi phục, tinh thần có chỗ ký thác mới nằm ngủ được yên; cho nên thường không ai đoán được họ bị bệnh gì. (Nói có nằm mà không yên vì khí của nội tạng bị thương tổn và tinh khí hao. Vì ngũ tạng thuộc âm, mỗi tạng đều có tàng tinh của nó, nội tạng bị thương tổn thì tinh khí hao nên nằm chẳng yên. Tinh cần phải có chỗ tàng trữ, tinh nào ở tạng ấy mà không bị tổn thất, tổn thất thì nằm ngủ chẳng yên, ví như can tàng hồn, phế tàng phách v.v… Phàm nằm ngủ không yên là huyết không quy về can, vệ khí không nhập vào âm phận cho nên người ta không ngủ được).
Người ta không nằm ngửa được là tại sao? Kỳ Bá nói: Vị trí của tạng phế ở rất cao, như cái ô dù che các tạng khác. Tà khí trong phế nhiều quá thì mạch đại, mạch đại thì không nằm ngửa được. (Tà khí thịnh đầy ở phế thì thở suyễn cho nên không nằm ngửa được).
Có chứng nổi giận phát cuồng là do đâu mà sinh ra? Kỳ Bá nói: Sinh ở phần dương (Giận mà bất kể tai vạ cho nên gọi là cuồng). Dương khí bị uất quá mà khó giải được cho nên hay giận gọi là chứng “Dương quyết” (Ý nói dương khí bị uất tắc không thông hoặc thường bị uất ức nhiều không được thoải mái đều là do dương nghịch táo quá mà sinh ra, cho nên gọi là dương quyết).
Bệnh Dương quyết chữa như thế nào? Kiêng ăn thì khỏi. Đồ ăn vào phần âm, nuôi khí ở phần dương, cho nên kiêng ăn thì khỏi. (Ăn ít thì khí suy, cho nên tiết chế ăn uống thì bệnh khỏi). Cho uống vẩy sắt vụn, vẩy sắt vụn hay hạ khí uất. (Ý nghĩa kim bình can).
Người có mang được chín tháng mà nói không ra tiếng là tại sao? (Có mang chín tháng là mạch túc Thiếu âm nuôi thai). Lạc mạch của bào thai bị tắc nghẽn không thông (Lạc mạch tắc nghẽn không thông nên nói không ra tiếng được, không phải là khí thiên chân bị ngưng tuyệt). Lạc mạch này liên hệ với thận, kinh mạch túc Thiếu âm thận đi vào thận, liên lạc với cuống lưỡi cho nên không nói được. (Kinh mạch Thiếu âm thận vì khí không dinh dưỡng cho nên không nói được). Không cần chữa, khi đủ mười tháng cũng khỏi (Mười tháng thì đẻ, lạc mạch của bào thai lại thông, kinh mạch của thận dinh dưỡng lên trên cho nên nói lại được như cũ). Đừng làm tổn cái bất túc, mà tăng cái hữu dư, làm cho tăng thêm bệnh (Cách chữa trái với phương pháp ấy thì thai chết không ra và thành ra bệnh lâu ngày mà khô ráo).
Có người bị bệnh nhức đầu đã vài năm không khỏi, bệnh ấy là do đâu, gọi là bệnh gì? (Bệnh nhức đầu không nên kéo dài quá một tháng, vài năm không khỏi cho nên lấy làm lạ mà hỏi).
Đương lúc bị rét dữ phạm vào trong xương tủy, xương tủy của người lấy não làm chủ, não bị hàn khí nghịch lên cho nên nhức đầu và răng cũng đau. (Não chủ về tủy, răng là chất thừa của xương, não bị hàn khí nghịch lên, phạm vào thì xương cũng bị lạnh, làm cho nhức đầu và răng cũng đau). Bệnh gọi là quyết nghịch. (Người ta trước tiên sinh não, có não mới có xương tủy, răng gốc ở xương).
Miệng ngọt gọi là bệnh gì? Tại sao mà mắc bệnh ấy? Đó là tinh khí của ngũ vị tràn lên gọi là “Tỳ đản”. (Đản là chứng nhiệt, tỳ nhiệt thì bốn tạng kia cũng bị nhiệt, ngũ tạng càng bốc nhiệt lên. Vì thế mà sinh ra tỳ nhiệt cho nên gọi là tỳ đản).
Tuy ngũ vị ăn vào miệng, tàng trữ ở vị, nhưng cần được tỳ vận hóa chuyển thâu những tinh ba của đồ ăn ấy; nay tỳ vị bị nhiệt quá mà mất công năng bình thường do đó tân dịch ứ đọng ở tỳ làm cho miệng cảm thấy vị ngọt. (Tỳ bị nhiệt thấm vào trong, tân dịch của tỳ vị sau khi tiêu hóa cơm nước, tinh khí liền tràn ra, tỳ khí thông lên miệng cho nên miệng ngọt, tân dịch ở tỳ tức là tỳ bị thấp).
Đó là chứng bệnh do ăn nhiều đồ ngon béo mà sinh ra, những người này tất thường ăn nhiều đồ ngon béo, béo thì làm cho sinh nóng ở trong, ngọt thì làm cho bụng đầy, cho nên khí bị tràn lên mà sinh ra chứng tiêu khát. (Ăn thứ béo thì thớ thịt kín, dương khí không tiết ra ngoài được cho nên chất béo thì làm cho người ta nóng trong, vị ngọt tính khí hòa hoãn mà phát tán, nghịch lên làm cho người ta bụng ngực bị đầy. Nhưng chứng nóng trong thì dương khí bốc lên; bốc lên thì ham uống mà họng cứ khô, bụng ngực đầy thì khí tích trữ lâu ngày nhiều quá, nhiều quá thì tỳ khí tràn lên cho nên nói khí tràn lên, chuyển thành bệnh tiêu khát).
Cách chữa thì dùng cỏ Lan để trừ cái khí lâu ngày. (Ý nói cỏ Lan trừ chất ngọt béo lâu ngày không hóa được, là lấy ý nghĩa vị cay có thể phát tán).
Có chứng trong miệng đắng, châm huyệt Dương lăng tuyền mà miệng vẫn đắng, gọi là bệnh gì? Vì đâu mà mắc phải? Bệnh ấy gọi là bệnh “Đởm đản”. (Cũng gọi là bệnh nhiệt, nước mật đắng cho nên miệng đắng).
Can là chức vụ tướng quân, nó chịu sự quyết đoán của đởm, hầu họng chịu sự chi phối của can. (Can là chức vụ tướng quân, mưu lự do đó mà ra. Đởm là cơ quan trung chính, quyết đoán từ đó mà ra. Can hợp với đởm, tinh khí cùng thông cho nên tất thảy mưu lự quyết đoán là do ở đởm, họng và đởm cùng ứng với nhau, cho nên họng là chức vụ sai khiến của đởm).
Người có bệnh đởm đản vì thường là mưu lự không quyết đoán, tâm tình buồn bã. Bởi vì đởm mất công năng bình thường, nước mật tràn lên do đó mà miệng đắng, cần phải châm hai huyệt mộ và du của đởm kinh để chữa. (Ở vùng ngực bụng gọi là mộ, ở vùng lưng gọi là du. Huyệt mộ của đởm kinh ở hai gân dưới vú, cách dưới huyệt Kỳ môn nửa tấc đồng thân. Huyệt du dưới đốt xương sống thứ 14, mỗi bên ngang ra một tấc rưỡi).
Có người bị bệnh tiểu tiện lỉ rỉ không thông, mỗi ngày đi đái vài mươi lần, đó là hiện tượng bất túc, mình nóng như than, vùng cổ và vùng ngực có cảm giác vướng mắc không thông, mạch Nhân nghinh nhảy dữ, suyễn thở, khí nghịch lên, đó là chứng hữu dư. (Dương khí ở ngoài thịnh quá, vì âm khí bất túc cho nên dương khí hữu dư).
Mạch kinh Thái âm vi tế như sợi tóc, đó là chứng bất túc, bệnh này do đâu? Gọi là gì? (Vùng cổ với vùng ngực như ngăn cách là cổ và ngực như bị vướng mắc, không tương ứng với nhau. Mạch Nhân nghinh nhảy dữ là nói động mạch hai bên cổ họng thịnh, đầy mau, gấp quá, tức là mạch vị rất táo cấp. Mạch Thái âm nhỏ bé (vi tế) như sợi tóc là chỗ động mạch ở lồi xương quay, sau ngón tay cái một tấc, tức là mạch Phế, đó là nơi lưu hành khí mạch của kinh mạch thủ Thái âm, có thể thăm dò được ngũ tạng).
Bệnh ở kinh Thái âm mà thịnh ở vị và cũng ở phế, gọi là bệnh “Quyết” thì chết không chữa được. (Bệnh tiểu tiện không thông mà đái rắt, mình nóng như than, cổ ngực như vướng mắc, thở rược lên, đều do mạch thủ Thái âm, đáng lẽ hồng đại mà sác, nay lại nhỏ bé như sợi tóc là bệnh với mạch trái nhau, do đâu mà gây nên thế? Vì phế nghịch lấn lên vị làm cho mạch Nhân nghinh nhảy dữ cho nên gọi là bệnh ở kinh Thái âm mà thịnh ở vị. Vì suyễn thở, khí nghịch, cho nên nói là cũng ở phế, bệnh gọi là khí nghịch, mà chứng không ứng với bệnh cho nên gọi tên bệnh là “Quyết” thì chết không chữa được).
Đó là chứng bệnh ngũ hữu dư và nhị bất túc. Gọi là ngũ hữu dư tức là năm thứ bệnh khí hữu dư, gọi là nhị bất túc tức là bệnh khí bất túc. Nay ngoài thì mắc năm chứng hữu dư, trong thì mắc hai chứng bất túc đó là bệnh không thể dựa ở biểu, không thể dựa ở lý, cũng rõ ràng là chứng chết. (Năm chứng hữu dư ở ngoài là: mình nóng như than, cổ ngực vướng mắc, mạch Nhân nghinh nhảy dữ, suyễn thở, khí nghịch. Hai chứng bất túc ở trong là: tiểu tiện không thông, ngày đi vài mươi lần, mạch Thái âm vi tế như sợi tóc. Bệnh ở biểu thì bên ngoài mắc chứng ngũ hữu dư. Biểu lý đã không có thể dựa vào đâu, dùng phép bổ tả đều rất khó, cho nên nói bệnh này không ở biểu không ở lý rõ ràng là chứng chết).
Người mới sinh ra mà có bệnh điên giản gọi là bệnh gì? Do đâu mà mắc phải? (Trăm bệnh đều do khí của phong, vũ, hàn, thử, âm, dương. Nhưng mới sinh ra chưa mắc phải tà khí mà đã có bệnh điên, há phải do tà khí làm tổn thương ư? Chữ “điên” có nghĩa là bệnh thuộc bộ phận đầu não).
Kỳ Bá nói: “Bệnh ấy gọi là thai bệnh” đó là do lúc thai nhi còn trong bụng mẹ, bà mẹ đã từng bị sợ hãi quá, khí nghịch lên không giáng xuống, tinh khí tụ lại không tan, ảnh hưởng đến thai nhi, cho nên con mới sinh ra mà đã phát điên. (Tinh khí nói đây là nói tinh khí của phần dương. Ý nói con người mới đẻ ra mà có bệnh ở đầu não là do thụ bệnh từ trong bụng mẹ có chứng kinh khủng nặng, khí nghịch lên không giáng xuống, tinh khí tụ ở trên làm cho người con phát ra bệnh ở đầu não).
Khí đầy đủ thì hình vóc bên ngoài cũng đầy đủ, hình thể suy yếu thì khí cũng không đầy đủ, đấy là hiện tượng bình thường, trái lại là trạng thái bệnh. (Hình thể tùy theo khí, cho nên hư thực ăn khớp với nhau, hình thể trái với khí cho nên sinh bệnh, khí là mạch, hình là thân thể).
Cốc khí vào nhiều thì hình vóc cũng thịnh, cốc khí vào ít thì hình vóc cũng yếu. Đây là hiện tượng bình thường, trái lại là trạng thái bệnh. (Đường dinh dưỡng cần thu nạp cốc khí làm căn bản, cơm nước vào dạ dày, khí của nó truyền sang phế, tinh ba của nó bốc lên theo đường kinh mạch ngầm, cho nên cốc khí đầy hay rỗng thì hư thực cũng giống nhau, một khi mất sự tương ứng ấy thì sinh bệnh).
Mạch nhảy to mà có lực thì huyết dịch cũng đầy dẫy, mạch nhảy nhỏ mà yếu thì huyết dịch cũng không đủ, đấy là hiện tượng bình thường, trái lại là trạng thái bệnh. (Mạch là biểu hiện của huyết khí, hư thực thì tương ứng với nhau, trái lại không tương ứng là có bệnh).
Hiện tượng trái thường là thế nào? Chính khí thịnh mà mình mẩy lạnh lẽo, chính khí hư mà mình mẩy nóng sốt, đấy là hiện tượng trái thường. (Khí hư là dương khí bất túc, dương khí bất túc thì đáng lý người phải lạnh mà trái lại mình mẩy nóng sốt, mạch khí đáng lý nghịch, mạch đã không thịnh mà mình mẩy nóng sốt là chứng không phù hợp với mạch, nên gọi là trái thường. Sách Giáp Ất kinh chép: “Khí thịnh mà mình mẩy lạnh lẽo, khí hư mà mình mẩy nóng sốt tức là trái thường”).
Ăn uống tuy nhiều mà chính khí không đủ đấy là hiện tượng trái thường. (Ăn uống vào dạ dày thì đường mạch mới thông, nay ăn uống vào nhiều mà chính khí kém sút tức là vị khí không tỏa ra được cho nên gọi là trái thường).
Ăn uống không vào mà chính khí lại thịnh cũng là hiện tượng trái thường. (Vị khí tán ra ngoài bị phế khí lấn sang).
Mạch đập nhiều mà huyết kém, cho đến mạch đập nhỏ mà huyết nhiều, đều là hiện tượng trái thường. (Kinh mạch vận hành khí, lạc mạch vận hành huyết, kinh khí vào lạc mạch, lạc mạch nhận kinh khí, một khi không hợp với nhau đó là trái thường).
Khí thịnh mà mình mẩy lạnh lẽo là bị cảm hàn, khí hư mà mình mẩy nóng sốt là bị cảm thử. (Hàn thì tổn hại đến hình thể, cho nên khí thịnh mà mình mẩy lạnh lẽo. Nhiệt thì tổn hại đến khí, cho nên khí hư mà mình mẩy nóng sốt).
Trăm bệnh phát ra trước tiên từ bì mao, tà trúng vào bì mao thì lỗ chân lông mở ra, lỗ chân lông mở ra thì tà lấn vào mạch, lưu lại đó mà không đi, sẽ truyền vào kinh mạch bên trong, lại lưu ở đó mà không đi bèn truyền vào phủ, tích tụ ở tràng vị. Khi tà bệnh bắt đầu xâm nhập bì mao, làm cho người ớn lạnh, sởn gai ốc, da thửa mở ra. Khi tà bệnh xâm nhập đến lạc mạch, làm cho lạc mạch đầy lên, mặt mày biến sắc; khi tà bệnh xâm nhập vào kinh mạch là do kinh khí rỗng trước mà tà bệnh hãm vào. (Kinh khí rỗng thì tà lấn vào, mạch hư khí kém thì tà hãm vào).
Nếu tà bệnh lưu lại mãi ở khoảng gân cốt, nếu lạnh nhiều thì gân co, xương nhức; nhiệt nhiều thì gân dãn xương mềm, bắp thịt teo róc, lông tóc khô queo. (Hàn thì gân co rút, nhiệt thì gân mềm dãn, hàn thắng sinh đau, nhiệt thắng khí tiêu. Bắp thịt là phần ngọn của thịt, cho nên thịt teo róc thì bắp thịt tổn hại, lông tóc khô queo).
Mạch Nhâm, khởi đầu từ dưới huyệt Trung cực, đi lên lông mu, men theo trong bụng, lên huyệt Quan nguyên, lên cổ họng, lên mép, lên mặt, vào mắt. (Đây là nói chỗ khởi đầu và chỗ cuối cùng của mạch Nhâm, mạch Nhâm là một trong 8 mạch Kỳ kinh. Huyệt Trung cực ở dưới rốn 4 thốn. Mạch Nhâm khởi đầu từ huyệt Trung cực, bắt đầu ở huyệt Hội âm (giữa tiền âm và hậu âm), từ huyệt Hội âm lên bụng. Mạch Đốc từ huyệt Hội âm đi lên lưng. Từ huyệt Hội âm đi lên khớp xương mu dưới huyệt Trung cực một thốn. Mạch động dưới tay, lại theo huyệt Trung cực vào trong bụng lên các huyệt Quan nguyên, Khí hải, Hạ quản, Trung quản, Thượng quản, Cự khuyết, Đản trung, đến phía trước huyệt Thừa tương, lên cổ họng. Mạch của nó đến mép trên, quanh mép vào mắt).
Mạch Xung, khởi đầu từ huyệt Khí nhai, hợp với kinh mạch Thiếu âm, đi sát dưới rốn, đến giữa ngực mà tán ra. (Đây nói về chỗ khởi đầu và chỗ cuối cùng của mạch Xung, mạch Xung cũng là một trong 8 mạch Kỳ kinh. Mạch Nhâm từ giữa rốn đi lên, mạch Xung thì đi sát hai bên rốn mà lên, khởi đầu từ huyệt Khí nhai, cùng với kinh mạch túc Thiếu âm thận đi sát trên rốn, lên giữa ngực mà tán ra. Khí nhai là tên huyệt ở trên lông mu, hai bên khớp háng một tấc đồng thân thốn. Nói về mạch Xung bắt đầu ở huyệt Khí nhai, cùng từ trong bụng dưới, cùng mạch Nhâm đi đến chân, rồi vào bụng; lại nói mạch Nhâm, mạch Xung đều bắt đầu từ trong dạ con đi lên theo trong sống lưng là bể của kinh lạc, phần mạch nổi ở bên ngoài thì đi theo bụng, mỗi mạch đều đi lên hội ở yết hầu, tách ra mà liên lạc với trong môi. Theo đó mà nói mạch Xung mạch Nhâm từ trong bụng dưới mà đi lên, đều do từ bên trong huyệt Khí nhai và huyệt Trung cực).
Mạch Nhâm biến động sinh bệnh, nam giới thì trong bụng kết thành 7 chứng sán, nữ giới thì sinh ra các chứng khí hư, trưng hà, tích tụ. (Đây là nói về mạch Nhâm sinh bệnh, trong bụng là đường đi lại của mạch Nhâm cho nên sinh ra bệnh của mạch Nhâm. Như thế thì ở nam giới sinh ra 7 chứng sán, ở nữ giới thì sinh ra chứng trưng hà, tích tụ. Xét các thiên trong Nội kinh, bảy chứng sán là Hồ sán, Phong sán, Phế sán, Tỳ phong sán, Tâm phong sán, Thận phong sán, Can phong sán. Có người đàn bà bị chứng đồi sán, có người đàn ông bị chứng đồi sán, nhưng người ta chỉ biết bệnh ở hạ bộ là chứng sán, không biết đến ngũ tạng đều có chứng sán, vì họ không được xem sách Nội kinh. Thiên đại Kỳ luận/ 48 có nói: Mạch Tâm với Tiểu trường, nhanh gấp là huyết dịch ngưng tụ là chứng bệnh “hà”…đời sau có chia ra 8 chứng hà, cũng là nhân có tên gọi 7 chứng sán mà đặt tên 8 chứng hà tức là: xà hà, tích hà, thanh hà, hoàng hà, táo hà, huyết hà, hồ hà, miết hà, sách Nội kinh không chép những trang này).
Mạch Xung khi biến động sinh bệnh thì trong bụng khí nghịch lên đau quặn. (Đây là nói về mạch Xung khi biến động sinh bệnh. Mạch Xung bắt đầu ở huyệt Khí nhai, cùng với kinh túc Thiếu âm đi cạnh rốn lên đến giữa ngực mà tản ra, thì trong bụng tức là đường lạc mạch đi qua, có bệnh thì khí nghịch lên mà không đi lên được, tại sao đến giữa ngực thì tản ra? Vì khí tụ ở trong bụng mà không tản ra được, tránh sao cho khỏi đau quặn ở trong).
Mạch Đốc khi biến động sinh bệnh thì cứng xương sống, uốn ván (Mạch Đốc cũng là một trong 8 mạch Kỳ kinh. Mạch Nhâm, mạch Xung, mạch Đốc cùng một gốc mà chia làm ba cành cho nên trong sách hoặc gọi mạch Xung là mạch Đốc, lấy gì để chứng minh? Nay các sách Giáp ất kinh, sách Mạch cổ đại và sách Lưu chú đồ kinh cho rằng mạch đi theo lưng gọi là mạch Đốc, từ bụng dưới đi thẳng lên gọi là mạch Nhâm, cũng gọi là mạch Đốc, tức là lấy bụng lưng chia ra âm dương mà phân biệt khác nhau. Mạch Nhâm từ trong dạ con qua mạch Đới xuyên qua rốn mà đi lên, cho nên nam giới khi có bệnh thì trong bụng kết thành 7 chứng sán, nữ giới có bệnh thì sinh chứng khí hư, trưng hà, tích tụ. Mạch Xung theo cạnh rốn mà đi lên cùng với kinh Thiếu âm đi lên giữa ngực, cho nên mạch Xung sinh bệnh thời khí nghịch lên, trong bụng đau quặn. Vì mạch Đốc đi lên trong xương sống cho nên mạch Đốc sinh bệnh thì cứng xương sống, uốn ván).
Mạch Đốc khởi đầu từ bụng dưới, xuống giữa chỗ xương mu. Ở nữ giới thì bên trong mạch Đốc liên hệ với chót ngoài niệu đạo. (Cũng như mạch Nhâm, Xung khởi đầu từ dạ con, thực ra nó khởi đầu ở dưới thận, đến bụng dưới rồi đi đến chỗ giữa vòng quanh eo lưng và xương mu).
Từ chỗ đó phân ra một chi biệt lạc, men theo âm hộ, hội họp ở vùng hội âm, lại đi quanh ra mặt sau hậu môn. (Mạch Đốc liên hệ từ chóp ngoài niệu đạo, chia ra hai nhánh, một nhánh đi xuống men theo bộ phận sinh dục là chỗ hợp với hội âm, gọi là vùng hội âm là khoảng giữa tiền âm và hậu âm. Từ hai chỗ đó về sau lại phân ra mà đi quanh đằng sau huyệt Hội âm).
Lại một chi biệt lạc nữa, đi vòng quanh mông đến kinh Thiếu âm, cùng hợp với đường lạc đi giữa của kinh túc Thái dương, kinh Thiếu âm đi lên theo mé sau bên trong đùi suốt qua cột sống, thuộc thận. (Biệt lạc chia ra mỗi chi đi một ngả, lạc mạch của kinh túc Thiếu âm từ trong đùi đi suốt qua cột sống, thuộc thận. Đường lạc của kinh túc Thái dương đi ra ngoài, theo khớp xương đùi, liên lạc với mé ngoài đùi mà đi xuống đường đi giữa của nó xuống qua nhượn (khoeo), hợp với đường lạc đi bên ngoài, cho nên nói là đến kinh Thiếu âm cùng tiếp hợp với đường lạc giữa của kinh Thái dương, kinh Thiếu âm đi lên mé sau bên trong đùi, qua cột sống thuộc thận).
Lại cùng với kinh túc Thái dương bắt đầu ở khóe trong mắt lên trán giao ở đỉnh đầu, đi lên vào liên lạc với não bộ, lại đi ra rẽ xuống gáy của bả vai, bên trong vào chỗ giáp sống lưng đến giữa eo lưng vào thăn thịt liên lạc với thận, (rồi đi quanh mông mà đi lên trên) ở nam giới thì theo dưới ngọc hành xuống đến hội âm, cũng giống như mạch của nữ giới đi từ bụng dưới thẳng lên, qua giữa rốn đi lên, qua tâm vào họng, lên mép, quanh môi, liên hệ với giữa phía dưới hai mắt. (Từ câu: “Cùng với kinh Thái dương bắt đầu ở khóe trong mắt” đến câu “Cũng giống như mạch của nữ giới” đều là biệt lạc của mạch Đốc. Đường mạch đi thẳng của nó từ xương cùng đi theo bên trong sống lưng mà đến Nhân trung, từ bụng dưới đi thẳng lên đến chỗ giữa dưới hai mắt, đều là mạch Nhâm đi qua mà lại nói liên hệ với mạch Đốc là vì mạch Nhâm, mạch Xung, mạch Đốc tên khác nhau mà cùng một hình thể).
Mạch này khi biến động sinh bệnh, từ bụng dưới xung lên tâm mà sinh đau, không thể đi đại tiểu tiện được, chứng này gọi là “Xung sán” [60]. (Nguyên nhân sinh bệnh này chính là ở mạch Nhâm. Nội kinh nói: “Chứng này là Xung sán chính là nói rõ về mạch Đốc, để phân biệt chủ bệnh mà đặt danh mục khác”).
Ở nữ giới thì không thể thụ thai, bí đái, són đái, trĩ, họng khô. (Vì mạch Xung, mạch Nhâm đều từ bụng dưới lên đến hầu họng. Lại vì mạch Đốc từ âm khí hợp với Hội âm quanh ra sau Hội âm, rẽ ra quanh mông, cho nên làm cho không thể thụ thai, bí đái, són đái, trĩ, họng khô. Gọi là mạch Nhâm là vì đàn bà nhờ đó để nuôi thai, cho nên Nội kinh nói: “Đàn bà bị các bệnh này thì không thể thụ thai”. Gọi là mạch Xung là vì khí của mạch ấy xông lên trên, cho nên Nội kinh nói: “Phát sinh ra bệnh này thì từ bụng dưới xung lên tâm mà đau”. Gọi là mạch Đốc là vì nó là cái bể để thống lĩnh các kinh mạch, do ba tác dụng ấy mà thường gọi chung với nhau, nhưng ba mạch Xung, Nhâm, Đốc đều cùng một gốc mà chia ra 3 ngả. Mạch Đốc từ huyệt Hội âm đi lên lưng, mạch Nhâm từ huyệt Hội âm đi lên bụng, mạch Xung từ huyệt Khí nhai xuống chân mà đi theo kinh mạch túc Thiếu âm, tên gọi và hình sắc không khác mà khí mạch không khác. Đường đi của mạch Đốc y như đường đi của mạch Nhâm, cho nên từ bụng dưới thẳng lên, qua giữa rốn lên qua tâm vào họng, lên má, quanh môi, liên lạc với chỗ giữa của hai mắt, mạch Đốc sinh bệnh cũng giống như bệnh ở mạch Nhâm. Từ bụng dưới xung lên tâm mà đau không thể đại tiểu tiện được gọi là “Xung sán”. Về bệnh của đàn bà phát sinh ra y như bệnh của mạch Nhâm, mạch Xung cho nên mạch của hai kinh này cùng giao nhau, bệnh cùng tên với nhau).
Kinh mạch Thiếu âm, tại sao chủ thận? Thận tại sao chủ thủy? Kỳ Bá nói: “Vị trí của thận là chỗ thấp nhất, là tạng âm ở chốn âm, cho nên gọi là “tạng chí âm”. Tạng chí âm thuộc thủy. Phế thuộc Thái âm, thận thuộc Thiếu âm, tạng thiếu âm vượng về mùa đông, mạch của nó suốt lên ngực vào trong phế. Do đó bệnh thủy thũng gốc ở thận mà ngọn ở phế. Hai tạng phế và thận không kiện toàn đều có thể tích thủy mà sinh bệnh. (m tức là hàn, mùa đông rất lạnh, thận khí tương ứng với mùa này cho nên nói thận là tạng âm. Thủy chủ về mùa đông cho nên nói tạng là nơi tích thủy. Mạch túc Thiếu âm từ thận đi lên, suốt qua can, chẻn dừng vào trong phế, cho nên nói gốc ở thận, ngọn ở phế. Thận khí nghịch lên, thủy khí lấn vào trong phế, cho nên nói hai tạng ấy đều tích thủy).
Vì sao thận hay tích tụ thủy dịch để sinh bệnh? Kỳ Bá đáp: “Thận là cửa ngõ của vị, hễ cửa ngõ bị bế tắc thì thủy dịch sẽ đình tụ lại mà sinh bệnh”. (Cửa ngõ để ra vào, thận chủ hạ tiêu, bàng quang là phủ, chủ việc làm cho nước tiểu chảy đi, khai khiếu ở tiền âm và hậu âm, cho nên hễ thận khí mạnh thì đại tiểu tiện thông, đại tiểu tiện bế thì vị bị trướng đầy, cho nên nói thận là cửa ngõ của vị, cửa đóng thì nước đình tụ. Nước tụ lại thì khí bị đình trệ, khí tụ lại thì nước bị tràn lên, nước và khí đồng loại với nhau, cho nên nói cửa đóng thì không thông lợi, nước do đó sẽ đình tụ mà sinh bệnh)
Thủy dịch trên dưới tràn đầy ra da dẻ cho nên sinh bệnh phù thũng, phù thũng là do nước tích tụ lại mà gây nên. (Trên là phế, dưới là thận, phế thận cùng đầy tràn, cho nên nước tích tụ ở trong bụng mà sinh ra bệnh phù thũng).
Hoàng Đế nói: Nói như vậy thì nhất thiết nguồn gốc của bệnh phù thũng đều xuất xứ từ thận chăng? Kỳ Bá đáp: Thận thuộc âm, phàm khi địa khí bốc lên đều thuộc thận, vì khí hóa mà sinh ra thủy dịch, cho nên gọi là chí âm. Nếu như người sức khỏe mà động tác quá sức thì mồ hôi ra là do ở thận, khi mồ hôi ấy ra mà gặp gió độc, lỗ chân lông bít lại, mồ hôi ra không thấu suốt, trở về nội tạng cũng không đến, bài tiết ra ngoài bì phu cũng không được. Vì đó lớp mồ hôi ấy đình trệ ở lỗ chân lông, lưu lại ở trong da, cuối cùng hình thành bệnh phù thũng. Nguồn gốc bệnh này là thuộc thận, nhưng vì cảm phải gió mà gây nên cho nên gọi là Phong thủy. (Ỷ sức khỏe mà động tác quá sức là nói người dâm dục quá độ, lao động quá mức. Đổ mồ hôi thì lỗ chân lông mở ra, gặp phải gió độc thì lỗ chân lông bít lại. Lỗ chân lông bít lại thì mồ hôi đọng lại tại da thửa mà hóa ra nước. Từ phong (gió) đến thủy (nước) cho nên gọi phong thủy gốc từ thận truyền về phế).
Hoàng Đế hỏi: Về du huyệt dùng chữa thủy thũng có 67 chỗ, cứu cánh là do tạng nào chủ quản? Kỳ Bá đáp: Thận du có 57 huyệt, đấy là nơi âm khí tích tụ, cũng là nơi thủy dịch ra vào, từ xương đì đổ lên có 5 hàng, mỗi hàng có 5 huyệt, 55 thành 25 huyệt, đây là những huyệt do thận tạng chủ quản. (Du huyệt vùng lưng có 5 hàng, ngang ở hàng giữa là nơi khí mạch Đốc phát ra, còn 4 hàng hai bên đều là mạch khí của kinh Thái dương).
Cho nên thủy thế lan tràn từ bán thân trở xuống thì thấy phù thũng và bụng căng to lên, từ bán thân đổlên thì thấy thở gấp. (Thủy thế bên dưới ở thận thì phù thũng từ chân đến bụng dưới, bên trên ở phế thì thở gấp, nghịch lên thì thở to).
Không thể nằm ngửa được, đấy là gốc và ngọn cùng phải bệnh cả. (Nói gốc ngọn thì phế là ngọn mà thận là gốc, phế thận cùng bị thủy dịch gây nên bệnh cả).
Thở gấp thuộc phế, thủy thũng thuộc thận. Phế bị thủy khí nghịch lên bức bách thì không thể nằm ngửa được. Phế thận cùng bị bệnh mà bệnh khí của phế và thận cùng thông đồng với nhau, đấy là quan hệ của thủy và khí ngưng đọng. (Phân vùng của thủy mà gọi tên, đó là bệnh khí cùng thông đồng với nhau, gốc của nó là bệnh và khí đều do thủy đọng cả).
Trên huyệt Phục thỏ, mỗi bên đều có hai hàng, mỗi hàng có 5 huyệt, bốn hàng thành 20 huyệt, đó là đường đi của thận khí. (Du huyệt chính của vùng bụng gồm có 5 hàng sát hai bên rốn. Là chỗ phát ra của mạch khí kinh túc Thiếu âm thận và mạch khí của mạch Xung rồi đến hai bên là chỗ phát ra của mạch khí kinh túc Dương minh, bốn hàng huyệt này ở trên huyệt Phục thỏ).
Cùng giao kết với hai kinh mạch can và tỳ ở trên chân, trên mắt cá trong của mỗi chân đều có một hàng, mỗi hàng có 6 huyệt, hai hàng thành 12 huyệt. Đấy là bộ phận dưới của kinh mạch gọi là huyệt Thái xung. 57 huyệt kể trên gọi là âm lạc của âm tạng, cũng là chỗ thủy dịch rót tới. (Nội kinh gọi 57 huyệt là từ xương đì đổ lên đếm có 5 hàng, mỗi hàng có 5 huyệt, đó là du huyệt của thận, hàng chính giữa chỉ liên hệ với một đường kinh mạch Đốc, 4 hàng hai bên thì liên hệ với kinh túc Thái dương bàng quang, vì thận và bàng quang có liên quan biểu lý với nhau. Trên huyệt Phục thỏ mỗi bên đều có hai hàng, mỗi hàng 5 huyệt, đó là đường của mạch thận thông ra tức là chỗ giáp với mạch Nhâm ở hàng giữa và mạch Xung ở hai bên. Vả lại chỗ giao nhau của túc Tam âm kinh tất phải giao ở chân chỗ trên mắt cá trong ba thốn. Đó là huyệt Tam âm giao, là chỗ giao nhau của ba kinh can, tỳ, thận. Trên mắt cá trong của mỗi bên chân có một hàng, mỗi hàng có 6 huyệt là đường của mạch thận đi qua gọi là huyệt Thái xung. Vì thận và mạch Xung đều đi xuống dưới chân hợp lại mà thịnh vượng cho nên gọi là Thái xung, huyệt của nó ở trên mắt cá trong. 57 huyệt này đều là âm lạc của âm tạng là chỗ thủy dịch rót tới cho nên chữa bệnh thủy thũng là phải dùng các huyệt này).
Xin cho biết cơ chế của bệnh như thế nào? Các chứng bệnh về phong đầu lắc, mắt hoa, đều thuộc về can. (Phong (gió) tính động, mộc khí theo phong).
Các chứng bệnh về hàn, co rút đều thuộc về thận.
Các chứng bệnh về khí như suyễn thở, tức ngực, thở không được, đều thuộc về phế. (Phế thuộc về mùa thu, khí mát, sương móc sa nhiều. Khí có mát thì nhiệt khí trở lại, quá lạnh thì nhiệt khí tiêu hết, nghiệm ở các hình tượng là có thể biết được. Tác dụng của khí uất, kim khí cũng giống thế).
Các chứng bệnh về thấp, phù thũng, trướng đầy đều thuộc về tỳ. (Đất mỏng thì nước cạn, đất dày thì nước sâu, đất bằng thì khô, đất thấp thì ẩm ướt, tác dụng của thấp khí và thổ khí cũng thế).
Các chứng bệnh về nhiệt như thần chí hôn mê, chi thể co quắp đều thuộc về hỏa. (Đó là tượng trưng của hỏa).
Các chứng đau ngứa lở đều thuộc về tâm. (Tâm yên thì bệnh nhẹ, tâm táo thì bệnh nặng, trăm mối gây bệnh đều từ tâm sinh ra, đau ngứa, chốc lở đều từ tâm mà sinh ra).
Các chứng quyết nghịch, đại tiểu tiện không thông, hoặc đi tháo dạ, đều thuộc về hạ tiêu. (Hạ tiêu là can khí, thận khí, giữ gìn ở hạ tiêu là thận khí, khóa kỹ cửa ngõ lại là can khí. Cho nên các chứng quyết nghịch, đại tiểu tiện không hoặc đi tháo dạ đều thuộc về hạ tiêu. Các chứng khí nghịch lên, đại tiểu tiện bế hoặc tháo, xuất nhập vô độ, lúc thấp lúc táo thất thường đều là do chức năng phòng thủ của hạ tiêu).
Các chứng bại (suy), suyễn nghịch ụa mửa, đều thuộc về thượng tiêu. (Thượng tiêu là tâm khí, phế khí. Nóng bốc lên hun đốt là khí của tâm, nhân nóng mà phân hóa ra là khí của phế. Nhiệt uất biến hóa cho nên bệnh thuộc về thượng tiêu, như thế đều là bệnh của ngũ tạng, cơ chế của bệnh là do sự biến động bên trong mà sinh ra).
Các chứng cấm khẩu không há miệng được, hàm run cầm cập, thần chí bất an đều thuộc hỏa. (Do nhiệt bốc bên trong)
Các chứng co cứng như cứng gáy đều thuộc về thấp. (Kinh Thái dương bị thương tổn vì thấp).
Các chứng khí xông lên đều thuộc về hỏa. (Tính chất và tác dụng của hỏa là bốc lên)
Các chứng trướng đầy bụng to đều thuộc về nhiệt. (Nhiệt uất ở trong sinh ra phế trướng).
Các chứng cuồng táo chực chạy đều thuộc về hỏa. (Nhiệt thịnh ở vị và chân tay).
Các chứng bỗng nhiên cứng đờ đều thuộc về phong. (Dương bị uất bên trong mà âm hành động bên ngoài).
Các chứng có tiếng, gõ vào kêu như tiếng trống đều thuộc về nhiệt.
Các chứng phù nề, nhức nhối, kinh hãi đều thuộc về hỏa.
Các chứng chuyển gân, vọp bẻ, đái ra toàn nước đục đều thuộc về nhiệt.
Các chứng đái ra nước trong mà lạnh đều thuộc về hàn.
Các chứng nôn ra nước chua, ỉa tháo dạ, đều thuộc về nhiệt (Đây là tà của 12 kinh lạc, cơ chế của bệnh là do ngoại tà xâm nhập).