Mình không nóng mà thần thái hôn mê, mệt rũ, là hiện tượng nguy cơ, chớ mừng rằng bệnh đã mát mình mà say sưa ham ngủ.
Da như hơ mà mồ hôi trán ướt, mạch vi là tình hình dương thoát, đừng tưởng rằng chứng này hư nhiệt mà vội vã tư âm.
Những người mắc bệnh nặng, bệnh lâu ngày, trước và sau thời gian bị bệnh vẫn sốt cao, mà bỗng nhiên thấy mình mát hẳn mà ngủ sau li bì, gọi mãi mới tỉnh, khi tỉnh dậy thì tinh thần hôn mê, ngại nói, mệt rũ rượi. Người không từng trải thấy vậy thì vui mừng cho rằng nhiệt đã hết mình đã mát, nguyên dương hồi phục rồi cho nên ham ngủ, bệnh nguy hiểm đã sắp khỏi.
Điểm này cần phải hiểu rõ: Nhiệt tà nếu thực đã rút thì tinh thần phải nhẹ nhàng tỉnh táo làm gì có lại có thể mờ mịt mệt mỏi như vậy. Nguyên dương phục hồi thì ngủ có thành giấc, có đâu lại ngủ li bì gọi cũng không tỉnh. Hiện tượng này bởi vị nhiệt làm thương tổn chân âm, âm đã tổn thương thì không thể giữ được dương. Dương không có chỗ nương tựa mà sắp sửa thoát, cho nên thể hiện như vậy.
Nếu không rõ điều đó thì có thể thấy là nhiệt lầm cho uống thuốc hàn lương để phạt hỏa. Hoặc cho quá nhiều âm dược thì dương sẽ bị tiêu diệt, cho nên thấy biểu hiện ra cái tình thế hôn mê vong thoát.
Tôi đã từng gặp chứng đó vài lần, do người thầy thuốc trước sử dụng Hoàng liên quá bừa bãi nên tôi phải sử dụng Sâm Phụ để hồi dương, cho uống từng mấy thang lớn, mới dần dần hồi phục được nguyên dương, chân khí chân thần ổn định, nói năng lanh lợi và không mỏi mệt ngủ li bì nữa.
Làm nhiệm vụ bảo vệ tính mạng con người phải rất thận trọng, đề phòng từng dấu hiệu nhỏ, thấy trước bệnh cơ khi chưa bộc lộ, đón biết trước khi bệnh chưa hình thành, thì sẽ không sảy ra sự đáng tiếc và khỏi thẹn với sự nghiệp của bản thân.
Những chứng trạng thấy ngoài da nóng như rang, mặ đỏ như bôi son, hoặc muốn quạt luôn tay, khát nhiều, nói mê nhảm nhí, mồ hôi trán đọng giọt hoặc suyễn thở, nấc, nhưng thấy mạch trầm vi sắp tuyệt hoặc tế nhược mà sác. Đó là âm vong ở dưới dương thoát ở trên, cho nên loại hỏa vô căn chuyển hết thảy ra ngoài cơ biểu, đừng nên thấy dấu hiệu nhiệt mà cho lẫn vào một chút âm dược là không có lợi. Vì đây chỉ là ngọn đuốc đứng trước gió, lăm le muốn tắt. Phải lấy Sâm Phụ để làm tấm chắn còn chưa đủ để giữ gìn. Có lẽ đâu lại đem rỏ nước vào để hòng cứu lửa được chăng.
Thấy tình thế hai đường hư thoát, dương thoát thì bổ dương để tiếp âm, âm vòn thì cứu âm để giữ dương, xếp đặt khéo âm dương khỏi lệch.
Tuy bệnh cơ các chứng lộ hình, hư nhẹ thì ích khí và dưỡng huyết, yếu nặng thì tráng thủy và ích hỏa, lo toan cho căn bản làm đầu. Khi thấy có chứng từ cái thế ly thoát của hai mặt âm hay dương thì nên mau mau dùng thuốc “tiếp bổ” như dương hư cực độ thì dùng thuốc dương để bổ dương lại cần thêm thuốc âm ở trong dương để “tiếp âm”. Nếu âm hư cực độ thì dùng thuốc âm để bổ âm, còn chọn dùng thuốc dương ở trong âm để “tiếp dương” hoặc uống xen kẽ thuốc bổ vị.
(Xem thêm: Bổ âm tiếp dương và Bổ dương tiếp âm)
Tóm lại dương chủ sinh âm chủ sát. Trong khi sắp xếp cho uống thuốc xen kẽ phải nên làm cho khí phận tăng sức lên 10 phần rồi mới bổ tiếp cho phần âm độ 6-7 phần. Chớ nên nóng vội, mà phải nhận xét kỹ càng. Tiếp tục điều bổ cho đều đặn, cốt làm sao cho âm bình hòa, dương kín đáo mới thôi.
Phàm những chứng hư thực biểu hiện ra rất nhiều chứng trạng, đừng nên gặp đâu chữa đấy và không cần chú ý vào những chứng vụn vặt, chỉ cần nhằm vào căn bản của bệnh, gốc dễ được vun sới thì cành lá sẽ xanh tươi, chứng căn bản đã vững vàng thì các chứng vụn vặt sẽ hết. Sách nói: “Điều trị vào một gốc bệnh chính thì các bệnh đều triệt tiêu, điều trị vào chứng biểu hiện lẻ tẻ thì sẽ bị rối loạn, mất đâu mối bệnh”.
Cho nên chứng hư nhẹ, thì nhằm điều trị cho khí huyết hữu hình của hậu thiên, chứng hư yếu nặng thì nhằm điều trị vào thủy hỏa vô hình của tiên thiên. Sách nói: “ bệnh nhẹ là do sự thiên lệch của khí huyết, bệnh nặng thì phải tìm vào sự tổn thất của thủy hỏa”. Điều trị bệnh nhẹ mà lại bỏ mặt khí huyết, chữa chứng nặng mà lại bỏ mặt thủy hỏa có khác gì “leo cây tìm cá” thì tìm ra sao được!
Đem thuốc khí huyết chữa bệnh thủy hỏa yếu, công không thành mà hậu họa lại dây dưa.
Lấy phương thủy hỏa, chữa bệnh khí huyết hư, công dù chậm nhưng bổ ích càng sâu sắc.
Bài Tứ quân là loại thuốc bổ khí, bài Tứ vật là loại thuốc bổ huyết. Thủy suy thì hỏa bốc, gây ra táo bón, khát nhiều uống nhiều, hiện tượng khô ráo đã thể hiện rõ.
Hỏa hư thì thủy thịnh, gây ra chứng hàn trung tiết tả, tân dịch bị khô cần có nước them, trên nhiệt dưới hàn các chứng đều xuất hiện. Đó là hiện trạng của thủy hỏa vô hình, không thể lấy loại thuốc của khí huyết hữu hình có thể bù đắp nổi. Sách nói: “Chân âm là thận thủy mà không phải huyết ở tâm can. Chân dương là mệnh hỏa mà không phải khí của tỳ phế”. Bởi vậy tư nhuận cho thận thủy thì dùng Thục địa mà không dùng Khung, Quy, bồi bổ mệnh hỏa thì trọng dụng Nhục quế mà không dùng Kỳ Truật. Huống hồ trong lúc thủy khô hỏa bốc, nếu nhỡ nhầm dùng Linh Truật có tính thấm lợi khô ráo, Nhân sâm có thể động hỏa thì khác gì ôm củi vào chữa cháy, công khó thành mà họa hại đã nảy sinh. Điều đó phải nên thận trọng.
Bài Lục vị là thuốc của chân thủy, bài Bát vị là thuốc của chân hỏa. Các chứng bệnh của huyết đều bắt nguần từ âm hư. Các chứng bệnh của khí đều khởi đầu do hỏa yếu. Chân thủy là cội gốc của huyết. Chân hỏa là tổ sản ra khí. Sách nói: “Cái hóa sinh ra khí huyết là thủy hỏa”. Cho nên muốn đem phương thuốc thủy hỏa chữa cho loại bệnh nhẹ về khí huyết là ý muốn thực an toàn, tuy chưa có công hiệu nhanh trong sớm tối, nhưng cội rễ được bền vững thì cành lá sum suê, ngày càng xanh tốt và sẽ không có trạng thái úa vàng và không lo gì sự nghiêng đổ.
Thầy thuốc Bá đạo, khi gặp bệnh đại nguy ly thoát, chỉ mải mê chữa bệnh, mà bỏ quên tính mệnh hững hờ.
Thầy thuốc Vương đạo, dù chữa bệnh gẻ chốc tầm thường cũng chăm chú bồi căn, để giữ lấy tuổi trời trọn vẹn.
Ôi! Y đạo vốn là một đạo lớn, mà trong đó Vương đạo, Bá đạo khác nhau. Học theo Vương đạo thì mới gọi là y đạo (đạo làm thuốc). Học theo Bá đạo thì chỉ gọi là y thuật (nghề làm thuốc).
“Đạo” và “Thuật” cách nhau một trời một vực. Bởi vì cái cách sử dụng của y thuật chỉ biết thấy bệnh chữa bệnh. Tuy âm dương đã sắp tới cơ suy thoát, thấy dương thoát hiện ra bạo nhiệt, vẫn còn toan sử dụng Cầm, Liên. Tân dịch đã cạn khô, đờm đã sôi trào vẫn yên tâm trong việc sử dụng Nam tinh, Bán hạ. Và khi hỏa vô căn đã tuyệt, sinh ra nấc mà vẫn coi Đinh hương, Thị đế là thuốc nhiệm màu, thậm chí khi thảng thốt bốc bừa, vốc hàng nắm, lượng đã nhiều mà vẫn còn cho là ít. Khí sắp thoát bốc lên suyễn thở, mà Quất hồng, Tô tử được coi như thuốc quý vô song, có khi lấy làm đắc sách, dốc vào hàng lạng, vẫn chưa lấy làm nhiều. Đó đều là những bọn vung kiếm giết người. Tình thế bệnh đã đến như vậy mà không biết chú trọng vào sinh mệnh, lựa chọn những loại thuốc âm dương tiếp tục cứu vãn, vẫn còn dùng thuốc hành khí tán khí, sao mà họ cả gan đến thế.
Người thầy thuốc theo Vương đạo thì không xử lý như vậy. Tuy chữa bệnh ghẻ chốc tầm thường cũng phải nghĩ tới da nóng là trách cứ vào âm hư, sợ gió thì xét là khí kém, biếng ăn biết là vị hư, phát ngứa là khí hư, đau nhức là huyết hư. Tuy có nguyên nhân vì phong mà sinh bệnh, nhưng căn bản vẫn là do huyết hư mà sinh ra. Nếu có xen kẽ dùng một vài vị nhẹ bốc để giải biểu, thì cũng kèm vào thuốc khí huyết để giúp sức. Cương quyết không chỉ nhằm vào bệnh nhỏ nhặt ở ngoài da, mà để hại tới nguần khí huyết trong cơ thể, tới khi thành công thì chẳng những thịt da bóng nhuận, mà tinh thần khí lực lại có phần mạnh mẽ hơn xưa. Sách nói: “Chữa một bệnh mà các bệnh thảy tiêu trừ”. Chính là như vậy.
Khí hư nhiều, huyết hư ít, thuốc cam ôn đứng được lâu dài, yên lòng chớ ngại, nên kèm theo với thuốc bổ huyết, vẫn thường mang vị dược để thu công.
Âm quá hư, dương không tổn, phương nhuận trệ uống nên hạn chế, trúng bệnh tạm ngừng, bởi dù là loại thuốc cứu âm, song khó tránh thương dương không lợi.
Phàm những chứng khí hư nhiều, huyết hư ít, thì các loại thuốc cam ôn như Sâm, Kỳ, Linh, Truật, Bào khương, Chích thảo, có thể tùy theo mức bệnh nông sâu để bổ mạnh, thuốc nặng liều, dùng dài ngày huyết dược, nhưng trong đó có dương dược nhiều sẽ làm cho vị khí mạnh, ăn uống tiến bộ thì hàng ngày sẽ tiếp nhận được chất tinh hoa của đồ ăn chuyển về thận, để bồi đắp cho nguần tinh huyết, có ngại gì một ít loại âm dược làm trở ngại.
Những chứng ở phần âm bị hư nhiều mà ở phần dương không hề bị hao tổn, tuy vậy những loại thuốc âm dược trệ như các vị Thục địa, Thược dược, Đương quy, Mạch môn, Ngưu tất cũng không nên dùng quá mức, bệnh giảm đỡ rồi thì nên tạm ngừng. Bởi vì cái khí âm hàn se sắt căn bản không thể sinh ra vật được.
Tôi đã từng chữa chứng âm cực hư và nóng dữ ở trong tình thế rất khẩn trương không thể sử dụng những phương âm dược rất lớn để bồi bổ gấp, hy vọng cứu vãn cho cái chân âm sắp kiệt. Đến khi chân âm đã hơi thịnh vượng thì dần dần thấy mình mát và tinh thần hôn mê khí thoát, cái biểu hiện bại dương sắp sửa nảy sinh. Trong khi đó vội vàng hết sức cứu vãn bằng Sâm Phụ không biết tốn bao nhiêu nữa rồi sau chân dương mới khôi phục và mình ấm trở lại. Bởi vậy cho nên các bậc thánh y quý trọng dương mà coi nhẹ âm. Điều này thấy rõ cái lòng hiếu sinh và ố sát của các bậc đó.
Tôi thấy có mấy lần bị mắc vào sai lầm đó. Tuy vậy không đợi lúc mình mát mà đã chuẩn bị trước những dương dược để cứu vị khí. Nhưng phải xông xáo hết sức mới phá vỡ được cái trận đầy sát khí tối tăm ấy. Song cũng hao quân tổn tướng và vận dụng biết bao nhiêu tâm tư, gắng hết sức mới phục hồi được một điểm chân dương. Vậy xin bày tỏ hết lời, để người sau thận trọng.
Cơ dương thoát lộ hình rõ rệt, chứng trạng hiện ra giá lạnh, mọi người thẩy cũng đều hay.
Điểm âm vong hiện tượng lờ mờ, thân mình vẫn thấy nóng ran thầy thuốc dễ thường bỏ sót.
Phàm những chứng thoát dương thì mạch trầm vi như muốn tuyệt, chân tay giá lạnh, mồ hôi trán đọng từng giọt, so vai và thở, hơi thở ra nhiều hút vào ít, khí thoát sinh nấc có luồng từ dưới rốn đưa lên, tinh thần hôn mê, lưỡi rụt, són đái không biết gì, hiện tượng nguy ngập đều thể hiện ra, điều đó mọi người biết rõ.
Còn đến chứng vong âm, mạch thì tế sác như sắp tắt, hoặc phù trống rỗng, bồng lên như nước trong nồi sôi, da thịt nóng như hơ, da đỏ và khô sáp, vóc gầy trơ xương như que củi, buồn phiền nóng khát, nói nhảm không ngủ, tiểu tiện đi nhiều lần, hoặc hay đi vặt luôn, đại tiện táo bón, khát nước uống nhiều. Đó là quân hỏa, tướng hỏa, tam tiêu hỏa và hỏa ngũ chí đều cùng bốc cháy, hun đốt chân âm, làm cho tinh huyết khô khan, tân dịch ráo kiệt. Vả lại chân âm đã bị mất ở phần dưới, chân dương cũng theo đó mà thoát ở phần trên. Tại sao người thầy thuốc để cho tới nguy cơ như vậy mà vẫn bỏ qua, thấy hiện tượng táo nhiệt cao, vật vã, tiếng nói to thô mà không cứu chữa, thấy chứng đại hư thể hiện ra chứng trạng thịnh vượng mà không biết mạnh dùng loại thuốc bổ âm, cứu vãn cho chân âm thủy để làm cái cách “thêm dầu cho ngọn đèn tắt”.
Nếu có điều trị thì biết đem thuốc hàn để trị nhiệt, tự cho rằng thủy có thể chế ngự hỏa. Có biết đâu là hỏa Long Lôi khi gặp ướt thì càng bốc, gặp nước thì lại càng cháy mạnh. Khi uống vào thấy nhiệt càng tăng thì lại tự cho rằng sức thuốc chưa tới mức, nên cho uống liều lượng lớn hơn. Bỗng nhiên hỏa hết mình mát mà khí cũng bị tuyệt diệt, lúc đó mới dùng Sâm Phụ để cứu vãn thì một đốm lửa đã tàn không sao nhen lên được nữa. Làm hại người đến như vậy thực là thê thảm.
Tôi đã có mục thảo luận về chứng đơn nhiệt vong âm hại người rất chóng, phân tách cái nguy cơ rất là rõ ràng rành mạch, nghĩ tới đó rất là đáng sợ. Mong rằng những đồng nghiệp có nhiệt tâm với sự nghiệp khi thấy chứng đơn nhiệt nên nghĩ tới ngay cơ vong âm. Bởi vì âm căn bản là hàn, dương căn bản là nhiệt. Dương hư thì âm lấn dương mà chỉ có hàn. Âm hư thì dương lấn âm mà chỉ có nhiệt.Cho nên chứng đơn nhiệt biết rõ là chứng âm hư. Người thầy thuốc thấy hiện tượng đó nên chia ra nhiệt nhiều hay ít, để cấp cứu ngay khi chưa bị nguy hại thì mới kịp. Nếu để tới lúc tân dịch đã khô cùng kiệt không thể gây lại được nhiệt thì lúc đó trở tay không kịp nữa.
Chứng thương hàn cần cứu âm là chính, vì hàn làm đọng huyết, huyết hư thì sinh nhiệt lâu dài.
Trị trúng phong nên tráng thủy làm đầu, bởi phong hợp vào can, can hư sẽ làm gân co rút
Câu nói: “Chữa thương hàn cần cứu âm là chính”, rất là thú vi. Bởi vì hàn thì làm tổn thương dinh và làm huyết ngưng đọng. Ta thường thấy những chứng không kịp thời phát tán hàn tà thì sẽ gây ra thương tổn huyết và chân âm mà thành ra chứng nhiệt lâu dài.
Cứ xem như cổ phương dùng bài Nhân sâm bại độc để chữa phong, chính vì phong làm tổn vệ khí, cho nên dùng Nhân sâm dẫn các vị thuốc trong bài tới phần vệ cho nhanh để trừ phong. Bài “Cửu vị khương hoạt tán” dùng để chữa cảm hàn vi hàn làm thương tổn dinh huyết, cho nên lấy Sinh địa để lái các vị thuốc khác đến nhanh phần dinh để đuổi hàn.
Người không hiểu cho rằng trong thuốc phát tán có kèm theo thuốc bổ, là có ý nghĩa giúp chính khí để trừ tà khí. Đó là không biết được cái ý nghĩa tinh vi về cách lập phương của cổ nhân.
Phàm chứng trúng phong có tới 89-90% là âm hư, mà phần nhiều do bên trong hư yếu mà sinh phong. Kinh nói: Phong trước hết vào can, can thì chủ về gân, can tàng chứa huyết, huyết khô làm cho gân co rút. Vả lại, huyết nhờ thủy là mẹ đẻ, ất mộc sinh ra ở quý thủy. Cho nên cách trị phong chủ yếu không gì bằng bài Lục vị để tuấn bổ cho chân âm, rồi gia thêm những loại thuốc tinh huyết. Nếu chứng ngọn(tiêu) nhiều thì trong khi dùng thuốc phong nên kiêm thêm một vài phần thuốc tư nhuận sẽ có thể thu công trọn vẹn.
Sách nói: “Trị phong trước phải trị huyết”. Đó là chỉ nói về chứng phong bình thường. Nếu thấy bệnh nặng như thiên khô, bại liệt, miệng mắt lệch thì nên phải tìm vào căn bản là chân âm, chân dương để xử lý mới có kết quả. Hoặc lựa chọn theo thế bệnh có thể dùng kèm thêm huyết dược không thể sử dụng đơn độc [thuốc trị phong] mà đưa tới thành công được.
Bệnh chứng có chia ra đại hư, tiểu hư, thiên hư và lưỡng hư, nặng nhẹ khác nhau.
Phương chữa cũng lập thành tuấn bổ, tư bổ, điều bổ và tiếp bổ, âm dương đủ vẻ.
Những người bẩm thụ yếu đuối bị mắc bệnh, cũng như những người bị mắc bệnh nặng, bệnh lâu ngày đều là chứng đại hư. Người cậy sức mạnh suồng sã mà mắc bệnh, đều là chứng tiểu hư. Khí hư huyết chưa bị hư, hay là huyết hư khí chưa bị hư. Thủy hư hỏa chưa bị hư, hay là hỏa hư thủy chưa bị hư, cũng như người bẩm tố dương hư, hay bẩn tố âm hư, như vậy gọi là thiên hư. Khí huyết đều bị thương, thủy hỏa đều bị suy, âm dương đều bị ly thoát. Như vậy gọi là lưỡng hư.
Cho nên phép chữa chứng đại hư thì phải chú ý vào những loại thuốc có tác dụng bù đắp cho thủy hỏa, cho nó tới thẳng cơ sở của âm dương để tuấn bổ cho nền tảng của sự sống, để làm căn bản cho sự sinh sản. Chứng tiểu hư chỉ cần đem loại thuốc bồi dưỡng cho khí huyết nhằm điều chỉnh cho mặt hữu hình của âm dương, để tư bổ cho nguần hóa nguyên của hậu thiên.
Chứng thiên hư thì dùng bài Tứ quân bổ khí, Tứ vật bổ huyết, Lục vị bổ thủy, Bát vị bổ hỏa, lấy lại mức thăng bằng, cứu chữa những cái đã bị hư hoại, để điều bổ cho tùy từng mặt bị hư yếu.
Chứng lưỡng hư, khí huyết đều hư thì dùng Bát trân, Thập toàn. Thủy hỏa đều hư thì dùng bài Lục vị, Bát vị, đó là những loại thuốc đối chứng. Chỉ có khi âm dương có dấu hiệu ly thoát, nếu dương vong thì phải bổ dương. Khi phần dương đã thịnh vượng, vẹn toàn đầy đủ thì mới được tiếp bổ cho phần âm độ 5-6 phần để lấy thứ bảo vệ cho dương. Chứng vong âm thì bổ âm. Khi phần âm đã vượng dần thì lại phải bổ gấp cho vị khí để cho dương sinh âm. Đó là chứng lưỡng hư đã phân tích rành rõ để làm phương châm cho việc trị liệu. Đây là những điều tâm đắc của tôi. Xin công bố ra đây để góp phần vào công cuộc bảo vệ sức khỏe.
Huyết khô rất kỵ Tứ quân, vì thứ đó vốn loài thơm ráo.
Dương vong nên kiêng Bát vị, bởi loại này có chất nhuận mềm.
Những chứng huyết hải xung nhâm bị khô cạn, tất nhiên có chứng nóng âm chưng bốc. Nên dùng loại thuốc rất êm tĩnh, để cho âm gặp yên tĩnh dễ sinh ra huyết, đừng nên có định kiến cho rằng khí dược có công sinh huyết, mà dùng ẩu thang Tứ quân, hoặc các loại thuốc có tính thơm ráo. Kinh dịch nói: “Động thì sinh ra dương, tĩnh thì sinh ra âm” nên phải suy nghĩ điều đó, chớ nên bỏ qua.
Những chứng thấy đã có dấu hiệu vong dương, chỉ nên dùng Sâm Phụ để cứu vãn, chớ nên cho xen lẫn một thứ âm dược nào. Mặc dầu bài Bát vị có Quế Phụ, nhưng nó chỉ là vai trò thần sứ không tạo nên được tác dụng, cần phải tránh xa. Lúc này dù có một vài tạp chứng biểu hiện ra [cũng chỉ nên tập trung vào mặt hồi dương], không nên chạy theo giải quyết các chứng lẻ tẻ đó.
Sâm, Kỳ, Truật, Thục có thể giúp Phụ tử, để làm tay chèo chống giỏi giang.
Hoạt, thoát, hội, băng(1), rất nên kỵ quế khâu, vì chính nó tính tình cay bốc.
((1)Hoạt: ỉa chảy, Thoát: thoát chứng như ỉa chảy mất nước sắp chết, Hội: ung nhọt đã vỡ mủ, Băng: băng huyết)
Phụ tử là loại thuốc quý trong bảo vệ sinh mệnh. Thực tế như khi thấy chân hỏa sắp tuyệt, dương ở trong cảnh đêm dài tăm tối, thì Phụ tử có thể kéo giữ lại được cái nguyên dương đã tan tác, nhen lên từ một đốm lửa, trở thành ngọn lửa cháy sang rực trời. Cái công phá ải cướp cờ ấy, thực là có sức địch muôn người, rất xứng đáng với cái danh hiệu “Hồ thiên đại tướng quân”, còn như về mặt xua đuổi hàn tà trực trúng, hoặc phá những tích khối âm hàn thì chỉ coi là chuyện nhỏ, nó không phải vận dụng mất nhiều công sức cũng đã thành công.
Vậy mà tại sao những kẻ mù quáng lại gán cho nó cái tiếng xấu là: “uống lâu dài sẽ gây hại”. Bởi vì họ không hiểu biết cái tốt đẹp của nó, làm cho những kẻ mờ tối khác sinh ra sợ hãi rụt rè, đợi tới khi nguyên dương đã sắp bước vào tình thế tuyệt diệt mới tính đến việc dùng nhỏ giọt đôi chút, nhưng ăn năn thì đã muộn. Nếu như có kẻ dám bạo tay sử dụng thì cũng đem chế kỹ tới mấy lần, mà chỉ còn lại các xác vô dụng.
Chỉ có một điều đáng nên chú ý là tính Phụ tử hay chạy bốc mạnh, không thể dùng đơn độc được, cho nên phải cậy tay văn võ kiêm toàn là các vị Sâm, Kỳ, Thục, Truật để giám sát chế ngự nó. Cả hai mặt trí dũng đều đầy đủ thì cái công đánh dẹp sẽ hoàn thành rất sớm.
Các chứng hoạt thoát thì phải nên dùng phép bế tắc, hiện tượng vong dương thì phải dùng phép bồi dương. Khi bị ra mồ hôi quá nhiều thì phải dùng phép liễm hãn. Khi bị băng huyết thì phải dùng phép chỉ huyết. những hiện tượng cần phải bế, hồi, liễm, chỉ(1) như vậy đều là đặt vào tình thế khẩn cấp, mà Nhục quế thì căn bản là loại thuốc cay bốc, chắc chắn nó không thích hợp cho những chứng cần phải cố thủ, không nên sử dụng.
Đừng mê hoặc là nó có khả năng ôn biểu mà sử dụng cho chứng vệ hư dương thoát. Đừng nên hy vọng vào khả năng bổ dương của nó mà sử dụng cho những chứng đã mất các chức năng thống tàng (tức là chức năng thu giữ của các tạng). Nếu như thấy chứng thoát chỉ nên dùng Phụ tử. mặc dù người ta thường có câu: “Bệnh nào thuốc ấy, nhưng cũng nên hiểu ý nghĩa của câu đó cho thật chính xác.
(Xem thêm: Châu ngọc cách ngôn - Thiên thượng)