Tôi xét thiếu hỏa không phải là hỏa mà là dương khí chân nguyên, sinh hóa ở đan điền, khi thở ra hít vào, nhờ đó mà mới sống được, mới làm ngấu nhừ thức ăn uống, mới hóa sinh ra chất tinh ba, hễ nó thăng bằng thì yên vị trí, mọi biểu hiện đều tốt, gọi là thiếu hỏa sinh ra khí, mất thăng bằng thì tách rời vị trí gọi là tráng hỏa làm tiêu hao khí, ghé với tướng hỏa ở can làm thành Long lôi hỏa, ghé với tướng hỏa ở tam tiêu với các thứ hỏa ở bào lạc và 5 chí, năm tạng bốc nổi lên tam tiêu nung nấu tạng phủ, cháy đỏ ra cơ nhục mà gây thành bệnh hoặc lưỡi đen môi nứt, phiền khát, nói nhảm, má hồng, mắt đỏ, hoặc khí nghịch lên, nôn khan, hoặc đờm tràn ra như suyễn mà không phải suyễn, hoặc tâm phiền cổ đau, người khô như que củi, da thịt như lửa đốt, ai không bảo là chứng thực nhiệt
Tất nhiên là ghét nóng mà muốn tắt lửa thì có khác nào là diệt khí. Cốt yếu phải xem xét cho kỹ, hoặc khát mà không muốn uống, hoặc thích uống nước ấm, tuy nóng mà ấn lâu thì mát, hoặc mình nóng mà dưới gối lạnh, chỉ cốt dựa theo nguyên khí làm gốc.
Nếu người ấy vốn hư mà có chứng nhiệt đều là giả nhiệt. Thầy thuốc nếu còn ngờ vực thì nên dùng nước lạnh thử xem (Thực nhiệt thì thích uống nước lạnh, giả nhiệt thì cự tuyệt không chịu uống). Hoặc dùng thuốc nhiệt cho uống nguội, hoặc cho uống các bài Lục vị, Bát vị mà gia thêm chút Hoàng bá, Tri mẫu (sao đen) để tạm đè nén sự bốc dữ, khi thấy thể nhiệt hơi lui thì bỏ ngay đi, đại để là do nguyên nhân đó, mà điều hòa nó, làm yên nó, theo nó vỗ về nó, lấy thăng bằng làm chừng thì hỏa không mất mà bệnh tự lui, không tổn thương gì đến nguyên khí, còn như người hư nhược mà cảm sốt, mặc dù là tà từ ngoài tới, nhưng lúc mới cảm vào cũng đón mà ức chế đi, đừng để cho ngoại hỏa kích động đến nội hỏa tà mới gọi tà cũ ra, nếu lâu ngày thì cũng theo hư mà chữa.