Bệnh đới hạ (Đạo lưu dư vận)

Bệnh nguyên - bệnh chứng - bệnh danh và những ý chỉ của phép chữa bệnh đới hạ

Xét về môn Đới hạ, Phương thư có nói tới Xích đới và Bạch đới. Lại nói đến Xích trọc, Bạch trọc, Bạch dâm mà thông thường cùng chép vào môn Đới hạ; còn bệnh tình thì lẫn lộn không có phân biệt, khiến cho người học hoang mang nhiều ngả, khi chữa bệnh không có hiệu quả. Lấy các bài thuốc chữa Bạch đới mà chữa bừa các chứng Bạch trọc; đem cái nguồn di tinh mà gọi chung là bệnh Đới hạ, thì cũng như người đi săn thỏ mà không biết con thỏ như thế nào?

Trong Nội kinh có nói: “Mạch Đới là một trong tám mạch Kỳ kinh, đi quanh mình một vòng như cái dây nịch, ràng buộc mọi mạch không cho chạy càn, tóm giữ loại thủy vô hình trong cả cơ thể. Nếu khí của Thận ở hạ tiêu bị hư tổn, thì mạch Đới rỉ xuống mà thành bệnh cho nên gọi là bệnh Đới hạ”. Người không biết thấy từ niệu đạo chảy ra thì gọi là Đới hạ. Chứng gốc của bệnh này không phải là do mạch Đới có bệnh, mà là do bệnh của mạch Nhâm.


Nội kinh nói: “Mạch Nhâm bắt đầu từ phía dưới huyệt Trung cực, lên chỗ mao tế (chòm lông dưới bờ xương mu), đi vào trong bụng, lên huyệt Quan nguyên đến họng, lên hàm, qua mặt”. Mạch Nhâm lại còn từ Bào cung lên qua mạch Đới, rỉ rỉ chảy xuống cho nên gọi là bệnh Đới, có chất trắng đục đặc dính gọi là Đới hạ, thuộc về Thủ quyết âm tâm bào và Thiếu dương; từ Bào cung chảy ra chất dư của tinh khí (cho nên rỉ ra đặc dính), cũng vì Tỳ Thận hư hoại mà sinh ra.

Tôi đã khảo nhiều sách của các nhà:


Lưu Hà Gian nói: “Thấp nhiệt ở trung tiêu tiết ra chất khí không trong gọi là Bạch đới”.

Đan Khê nói: “ Đỏ là thuộc huyết, trắng là thuộc khí”.

Trọng Cảnh nói: “Trắng là khí hư, đỏ là có hỏa, nhưng trắng thì nhiều, đỏ thì ít”.

Đông Viên nói: “Băng huyết lâu ngày thì dương khí mất cho nên chảy ra chất trắng nhờn, chứ chưa chắc đã hoàn toàn do ở mạch Đới”.

Cẩm Nang nói: “Phụ nữ (từ âm đạo) có chất đỏ trắng đặc dính chảy ra gọi là Bạch dâm, cùng với chứng Bạch trọc của đàn ông đều thuộc về tướng hỏa, như sấm chớp xáo lộn thì mất sự trong trẻo, thuộc về Túc Thái âm và Thái dương, cách chữa nên dùng phép thăng bổ làm chủ”.

Lại nói: “Vì nghĩ ngợi viễn vông, ước mong không được mãn nguyện, ý tưởng đam mê sắc dục, cùng với phòng lao quá độ, phát ra Bạch dâm, thời rỉ ra chất trắng nhơm nhớp như tinh khí, đàn ông nhân khi tiểu tiện chảy ra; đàn bà từ trong âm đạo liên miên rỉ ra”.

Cảnh Nhạc nói: “Bạch dâm, Bạch trọc là thủy trọc từ Bàng quang chảy ra, chất chảy ra đó không đặc dính lắm, phần nhiều do thấp nhiệt ở Bàng quang”. 

Sách Y học chính truyền nói: “Chất trắng tiết ra như tinh khí không nên nhận lầm là Bạch đới”.

Bảo Nguyên nói: “Phụ nữ rỉ ra một chất không dính đặc lắm là Bạch dâm, cùng với chứng Bạch trọc của đàn ông giống nhau”.

Sách Y yếu nói: “Chứng Dâm, Trọc với chứng Đới hạ khác nhau, chứng Đới thuộc về tinh, chứng Dâm, Trọc thuộc về thủy”

Sách Giản dị nói: “Bệnh Trọc thì trong ngọc hành đau như dao cắt, như lửa đốt mà tiểu tiện thì trong. Đó là đầu lỗ đái (niệu khiếu) có uế vật rỉ ra không ngớt, đại khái vì bại tinh thì nhiều, vì thấp nhiệt thì ít”.

Sách Tam thư của Sĩ Lâm nói: “Bệnh Trọc có chia ra Xích và Bạch là tại sao? – Tinh do huyết hóa ra, bệnh trọc ra nhiều quá, tinh không hóa kịp, sắc đỏ chưa hóa thành trắng, cho nên sinh ra Xích trọc, là một chứng hư nhiều lắm, tóm lại là do Tâm Thận bị thương tổn vì sắc dục”.

Bài Thuyết ước trong sách Y tôn nói: “Tiểu tiện ra như nước vo gạo, đó là chứng của Tam tiêu; như mủ mà hôi tanh quá là chứng thấp nhiệt”.

Tôi xét thấy các bậc tiên triết mở đầu bàn bạc có chỗ giống nhau, dạy người quá nhiều ngả.

Đại khái bệnh của nữ giới gọi là Đới hạ, Bạch dâm; hoặc Xích đới, Bạch đới. Tóm lại là một chứng có hiện tượng rỉ ra một chất đặc dính là đúng. Còn bệnh của nam giới thì gọi là Di tinh, Bạch trọc; hoặc là Xích trọc cũng rỉ ra chất không dính đặc lắm là đúng.

Cách chữa, nếu vì căn bệnh do tư tưởng viễn vông, uất mãi không giải được, cùng với phòng lao quá độ mà sinh ra.


Tóm lại là vì mệnh môn không bền chặt: Thận là cửa ngõ của vị, là bể của tinh huyết, là trụ sở của âm dương, phàm sinh bệnh ấy thì tinh khô huyết kiệt, âm bị đốt cạn, dương bị tiêu hao, bệnh căn sâu nặng, cho nên thuốc men chạy chữa không thể thắng được tính tình, vì thế bệnh Đới trọc thành ra khó chữa.

Vả lại, phụ nữ thường hay khó tính, hay lo nghĩ uất giận, làm Tâm Tỳ bị thương tổn; Can hỏa bốc lên, huyết không quy kinh, cho nên mắc bệnh Xích, Bạch đới hạ. Phép chữa phải làm cho mát ở trên, vững chắc ở dưới, để cho chất trong đục tự đi riêng ra, điều hòa Tỳ, bổ dưỡng huyết thì thấp nhiệt tự khắc giải được. Đồng thời bổ cho âm ở hạ nguyên, khiến cho thủy lên hỏa xuống mà chứng Đới hạ tự khỏi.

Người không biết cứ nệ theo lề thói thường mà chữa, dùng các loại Mẫu lệ, Long cốt, Địa du, A giao, Ngải cứu để cố sáp, lại hợp với bài Tứ vật, gia thêm các vị thăng đề. Nào có biết căn bản đã bị tổn thương, mới gây thành chất thối nát. Nếu cố sáp thì càng sinh trệ; nếu thăng đề thì càng thêm uất, duy chỉ có cách dùng đúng thuốc của thủy hỏa mà chữa.

Nếu mạch Xích bên trái nhược là chân âm, chân thủy kiệt, nên dùng bài Lục vị hoàn gia thêm các vị thuốc bổ cố sáp để cứu lấy tinh huyết của tiên thiên, cùng uống xen với bài Quy tỳ thang để bồi bổ Tâm Can của hậu thiên. Nếu bộ Xích bên phải nhược là chân dương, chân hỏa hư suy, nên dùng bài Bát vị hoàn gia thêm thuốc bổ sáp, để cứu lấy âm dương của tiên thiên, đồng thời uống xen với bài Bổ trung ích khí thang để tư bổ Tỳ Phế của hậu thiên. Hư quá nhiều thì dùng các thuốc bổ tinh huyết, cứ thế kiên tâm điều dưỡng không cần lấy kiến hiệu ngay.

Đừng có nay thay thầy này, mai thầy khác mà thêm nghi ngờ. Đó là tôn chỉ tôi đã chữa bệnh đạt nhiều hiệu quả. Phép dùng rất thích đáng mà công hiệu lại nhiều. Lại còn phải cầu cạnh những bài hay thuốc lạ nơi đâu mới có thể chữa được bệnh hay sao?