Nước
Việt có nàng Tây Thi nổi tiếng đẹp một thời. Nàng có chứng đau bụng, mà khi nào đau ôm bụng
nhăn mặt, thì lại càng đẹp lắm. Có người
đàn bà ở cùng làng thấy mặt nhăn mà đẹp, muốn bắt chước, về nhà cũng ôm bụng mà
nhăn mặt. Người làng trông thấy, tưởng
là ma quỷ; nhà giàu thì đóng cửa chặt không dám ra, nhà nghèo thì bồng bế vợ
con mà chạy trốn.
(Trang
Tử)
Lời Bàn:
Chỉ biết
nhăn mặt là đẹp. Không biết nét mặt phải
thế nào thì nhăn mới đẹp. Thực là đáng
tiếc! Kẻ quên phận mình, chỉ muốn bắt chước người thì có khác gì người xấu muốn
bắt chước nàng Tây Thi nói trong truyện này không? Ôi! bắt chước là một cái
hay, nhưng nếu không chịu suy nghĩ cứ nhắm mắt bắt chước liều như con lừa thổi
sáo, con nhái muốn to bằng con bò, thì chỉ làm trò cười cho thiên hạ, chẳng
những không được lợi gì mà lại thiệt đến bản thân.
Giải
Nghĩa:
Tây Thi
hoặc còn gọi là Tây Tử:
Người
con gái nước Việt ở thôn Trữ La, làm nghề dệt vải, cha thì bán củi. Nàng nổi tiếng đẹp, sau vua nước Việt là Câu
Tiễn vì thua nước Ngô đem nàng hiến cho vua Ngô là Phù Sai.
Trang
Tử: Sách của Trang Chu soạn đến đời Đường gọi là Nam Hoa Chân kinh. Trang Tử, học đạo Lão tử, sau người ta vẫn
xưng Lão tử với Trang tử là tổ của Đạo gia.