Cách uống thuốc có thứ tự, chừng mực

Về phép uống thuốc, người xưa nói: Chữa bệnh Tâm Phế tất dùng thang nhỏ sắc đặc, sau bữa ăn, nuốt thuốc dần dần cho nó ngấm. Bởi vì, vị trí của Tâm Phế ở trên và gần, càng nên uống ít và uống luôn luôn.

Chữa bệnh của Thận, vì vị trí của nó ở dưới nên làm thuốc viên mà nuốt thẳng xuống hạ tiêu rồi mới tiêu hóa, gọi là phép Đu quan (lẻn qua cửa). Nếu là chứng cấp tính nên cho uống thuốc sắc thì phải uống trước khi ăn, uống nhiều, uống một hơi hết ngay mới có thể xuống tới hạ tiêu.


Tôi không thể không nghi ngờ. Nội kinh nói: “Ăn uống vào vị, tinh khí tràn đầy, chuyển vận qua tỳ, tỳ khí phân tán chất tinh ba, đem lên trên phế, phế chủ về việc điều tiết. Trăm mạch tụ hội cả ở phế mới có thể phân phối các chất dinh dưỡng cho ngũ tạng lục phủ được. Phế là cái chợ thịt, vì chữ Phế (肺) là do chữ Nhục (月) là thịt ghép với chữ Thị (巿) là chợ mà thành ra. Nội kinh nói: “Năm vị (của thức ăn) vào Vỵ rồi mỗi thứ được chuyển tới nơi cần thiết của nó, đều phải tụ hợp qua chợ đó cả rồi sau mới được chuyển đi.

Nếu nói rằng: Chữa bệnh ở trên thì sau bữa ăn chỉ uống dần và nuốt ít một thì mới có thể ngấm tới thượng tiêu ngay. Chữa bệnh ở dưới uống trước khi ăn, uống nhiều uống luôn một hơi, cùng với lẽ thuốc viên thì mới có thể thẳng tới hạ tiêu. Như vậy thì thuốc chữa thượng tiêu không cần tới vị; thuốc chữa hạ tiêu không cần chuyển qua tỳ chỉ đi qua chỗ có bệnh là phân phối được ngay sao?

Phương Thư nói: Vị là cái lò lọc vàng. Lời nói đó sai chăng? Nếu tin là có lý ấy thì chữa bệnh ở đầu phải treo ngược lên, chữa bệnh ở chân nên đứng lâu, chữa bệnh ở tay nên nằm ngiêng hay sao? Tôi hoài nghi vấn đề này đã lâu, nhưng đó là khuôn phép lập thành của các bậc tiên triết, cho nên không dám mở miệng. Đến khi gặp Hối Am tiên sinh, cả hai người cùng một ý, mới có thể ghi vào sách để khỏi những tiếng chê bai là đánh trống qua cửa nhà sấm.

Vậy thì cách uống thuốc như thế nào cho tốt?


Tôi đáp: Chỉ nên uống vào những lúc không no không đói thì rất ổn.

Bởi vì, sức thuốc mà có thể thông đạt được, là hoàn toàn dựa vào sự vận hành của trung khí. Nếu đói quá thì vị khí yếu khó khăn cho việc chuyển hóa, no quá thì thức ăn còn đọng lại nhiều làm cho thuốc chậm thấy công hiệu. Hãy nhớ tới những người khi khí đã tuyệt rồi thì cho uống hàng lạng Ba đậu, Đại hoàng, thuốc tuy vào bụng cũng chẳng khác gì gói vào giấy, hoặc bỏ vào hộp, im lìm mà không thấy chuyển động thì liệu có thể làm cho thông lợi được một vật gì không?

Vả lại, loại thuốc cây cỏ có thể ứng nghiệm được là nhờ vào cái khí vị vô hình của nó. Vì đồng khí với nhau thì tìm đến nhau mà thông đạt tới nơi có bệnh. Còn như những cặn bã hữu hình đều bị dồn xuống đại tràng, theo giang môn mà thoát ra đâu có phải để lại dấu tích hình ảnh vào trong da thịt kinh lạc?