Cừ Bá
Ngọc là người hiền mà vua Linh Công nước Vệ không dùng. Di Tử Hà là người dở mà vua lại dùng.
Sử Ngư
thấy thế, đã răn nhiều lần, mà vua không nghe. Lúc ông có bệnh, sắp mất, dặn con rằng:
"Ta làm quan tại triều nước Vệ, không hay tiến được Cừ Bá Ngọc, thoái được
Di Tử Hà thế là bầy tôi không khuyên răn nổi vua, thì khi ta nhắm mắt, không
được làm đủ lễ. Cứ để thây ta dưới cửa
sổ, thế là xong việc cho ta"
Lúc ông
mất, người con cứ làm theo lời dặn. Vua
Linh Công đến viếng thấy vậy, lấy làm ngạc nhiên.
Người
con đem lời di chúc của cha tâu lại. Vua
thất sắc nói rằng: "Ấy là cái tội của quả nhân!"
Rồi sai
người đem xác ông Sử Ngư vào nhà, bắt khâm liệm và mai táng cho đủ lễ.
Sau quả
nhiên vua Linh Công dùng Cừ Bá Ngọc mà bãi Di Tử Hà.
Đức
Khổng Tử nghe truyện ấy, nói: "Đời cổ những gián quan đến lúc chết là hết
cả mọi việc, chưa có ai được như Sử Ngư chết rồi mà còn dùng xác để can vua làm
cho vua phải cảm động mà nghe mình. Thế
chẳng là trung trực lắm ư!"
(Gia
ngữ)
Lời Bàn:
Đời quân
chủ chuyên chế, phải có những chức gián quan thì mới có người chế hạn được
quyền vua, can vua bỏ điều xằng, khuyên vua làm điều hay. Nếu can khuyên vua không được thì chẳng là
không làm hết cái chức trách rất trọng của gián quan ư? Nhưng một đàng vua cứ
nhất định không nghe, một đàng mình cố sức can mãi đến lúc chết chưa thôi, còn
lấy xác can nữa, thì thực là đáng khen cái tâm chí sâu xa bền chặt ấy! Xem
chuyện Sử Ngư lại nhớ đến chuyện bác sĩ Bergonie suốt đời hết lòng với khoa
học, lúc chết, cũng hiến xác cho người ta mổ xẻ để nghiên cứu về y học. Như thế mới thực là những gương sáng tận tâm
với chức vụ để cho thiên hạ soi chung.
Giải
Nghĩa:
Tiến: Cử
lên làm một chức gì.
Thoái:
Trừ bỏ đi.
Thất
sắc: Mặt tự dưng tái đi.
Khâm
liệm: Khâm: đồ bổ khuyết xếp trên, dưới bốn bên thây người trong áo quần cho
chặt; liệm: vải hay lụa để bó thây người chết.
Gián
quan: Chức quan chủ việc cản ngăn vua mà đàn hặc các quan khi có lầm lỗi.
Trung
trực: Trung: hết lòng; trực: ngay thẳng.