Chữa đờm

CHỮA ĐỜM KHÔNG CÓ PHÉP BỔ CŨNG KHÔNG CÓ PHÉP CÔNG

Xét thấy Phương Thư có nói: “Chữa đờm không có phép bổ”. Không biết đâu đó do tự người nào nói ra mà nghiên cứu sâu sắc đến thế! Tại sao những người bàn luận về sau không xét tới nguyên do, nhất khái cho là câu nói lơ mơ, thật là không chịu phân tích gì cả. Sao không xem hơn 300 vị thuốc của Thần Nông, tuyệt không có một vị nào dùng để trợ lực cho đờm, huống gì còn nói đến bổ nữa sao? Nếu muốn bổ đờm thì thực ra không có thuốc.

Hoặc có người nói: Phàm gặp chứng đờm, chỉ nên trừ đờm, trục đờm mà thôi. Nếu vậy, chỉ sợ rằng đờm chưa trừ hết mà thuốc cay thơm đã làm cho tan mất khí, thuốc nóng ráo đã làm cho hao mất huyết, thành ra khí huyết đều hư, đờm càng nặng thêm. Tôi nghĩ đó thực là câu nói chí lý vậy. Nếu như mà nhiều đờm, tình thế đó cần phải bổ thì tìm cái nguồn sinh hóa nó mà bổ. Vì hóa sinh ra đờm đều ở tỳ, nguồn gốc của đờm đều ở thận. Phàm có chứng đờm, thì không vì cái nọ thì vì cái kia, tỳ hư không vận hóa được, năm thứ dịch kết đọng lại thành đờm, phép chữa nên ôn bổ trung khí, làm cho tỳ vận hóa mạnh lên thì đờm tự nhiên tiêu đi hết. Thận hư, thủy không sinh ra huyết mà tràn lên thành đờm thì chỉ có cách bổ hỏa trong thủy, cầu thủy trong hỏa thì đờm tự hóa tan.


Có người lại nói: Như thế há chẳng phải đờm cũng có thể bổ hay sao? Còn phải bàn bạc gì nữa! – Tôi nói: không phải thế. Đó là cách nuôi dưỡng chính khí mà tà khí tự mất đi. Lấy phép bổ làm phép tiêu thật là đúng lẽ. Ở đây tôi chỉ muốn nói cho sáng tỏ ý nghĩa của sách vở. Người xưa nói chữa đờm không có phép bổ, nhưng thực ra thì cũng không có thuốc. Còn tôi thì tôi nói: “Chữa đờm không có phép công, chỉ muốn vỗ về khéo léo mà thôi”. Vì đờm là khí của tân dịch trong nhân thể hóa sinh ra, là từ các chất của cơm nước, nó cũng như nô tỳ của khí huyết, vốn sẵn có từ thủa sơ sinh, và nó cũng là một vật để nuôi sống nữa.

Phương Thư nói: chữa bệnh người già không được cấp tốc làm giáng đờm; chữa người hư không được trừ hết đờm, chính vì lẽ đó. Bởi đờm cũng ví như nhân dân, nếu chính trị khéo léo thì dân lành, chính trị không khéo léo thì sinh trộm cướp, đem giết cả đi, thì việc trị nước có thể không có dân được không?

Phương Thư nói: Đờm vốn không thể sinh ra bệnh, vì nhân có bệnh mới sinh ra đờm, lại nói: Đờm là tân dịch của người sinh ra, theo chỗ có mà thành ra tên bệnh. Duy có chứng trúng phong bỗng ngã lăn ra, đờm dãi kéo lên, chỉ nên tạm thời cho thổ đờm ra. Còn như người khỏe, khí mạnh, hỏa thực mà đờm thịnh thì cũng chỉ nên giáng hỏa, ức khí, khiến cho đờm tự tiêu đi, nhất thể cho rằng vì đờm sinh bệnh mà làm thổ, làm hạ, làm trục, làm công, cố tẩy cho kỳ hết không sót một li mới là khoái chí. Như thế có khác gì cái trí của kẻ muốn giết rận lại đem đốt áo, rận chết hết nhưng cái áo cũng thành tro.
Mong rằng người học thông hiểu nghĩa lý trong sách vở: "Chữa đờm không có thuốc bổ, mà có phép bổ là như vậy đó."