Doãn Văn
Tử sinh được một đứa con, không thấy giống mình, lấy làm giận lắm, thường đánh
đập luôn. Một hôm đang cầm gậy đánh,
thấy Tử Tư đến chơi bèn nói rằng: "Nó không giống tôi, không phải là con
tôi. Tôi lại ngờ mẹ nó có ngoại tình mà
đẻ ra nó, nên tôi muốn bỏ . . . "
Tử Tư
hỏi: "Cứ như ông nói thì vợ vua Nghiêu vua Thuấn cũng chẳng đáng ngờ ư?
Hai ông là bậc thánh đế mà đẻ ra Ðan Chu và Thương Quân thực không bằng kẻ thất
phu. Như thế thì còn cái gì mà giống
cha? Cái đạo thường, thì phần nhiều cha mẹ làm sao đẻ ra con được như vậy. Nhưng cha hiền mà đẻ con ngu thì cũng là cái
thế thường tự nhiên như thế, chớ nào có phải tội tự người vợ đâu?"
Doãn Văn
Tử nghe hiểu, nói rằng: "Thôi, xin ông đừng nói nữa. "
Rồi về
sau Văn Tử không bỏ vợ.
(Khổng
Tùng Tử)
LỜI BÀN:
Có cha
ấy tất phải có con ấy, thường thì vẫn thế. Nhưng không phải cái lý nhất định bao giờ cũng
như thế. Có khi cha mẹ rất hay mà đẻ con
ra rất dở. Hổ phụ khuyển tử cũng nhiều,
chớ ghét đứa con vì nó không giống mình, cầm gậy đánh nó, rồi lại rắp tâm đuổi
mẹ nó đi, thì cũng chẳng là tự ái quá mà hóa ra si ư? Cha mẹ sinh con, trời
sinh tính, cố nhiên là thế. Nhưng đẻ con
phải dạy, dạy con là việc rất cần. Nếu
đẻ con chẳng dạy, để vậy mà nuôi rồi cứ trách con dở, giận con hư, đó là lỗi
nặng của người làm cha mẹ vậy.
CHÚ
THÍCH:
Khổng
Tùng Tử : tên bộ sách, ba quyển, 21 thiên của Khổng Phụ làm ra.
Khổng
Phụ, tên Tử Ngư hay Tử Giáp, cháu đời thứ tám của Khổng Tử.