Có người
đánh mất cái búa, ngờ cho đứa con nhà láng giềng lấy trộm. Anh ta trông dáng nó đi, rõ ra đứa ăn trộm
búa, nhìn vẻ mặt nó, rõ ra đứa ăn trộm búa, thấy nó cất nhắc, hành động không
một tí gì là không rõ ra một đứa ăn trộm búa cả.
Ðược một
lúc, người ấy bới trong hố, lại thấy cái búa. Thì hôm sau, trông đứa con nhà láng giềng ngôn
ngữ cử chỉ không một tí gì giống đứa ăn trộm búa nữa.
(Liệt Tử)
LỜi BÀN:
Người ta
khi mất một cái gì, thì một mất mười ngờ. Mà khi trong bụng đã ngờ vực thì các ngoại vật
cũng theo đấy mà biến đổi đi cả. Phàm
tâm trí mình đã cảm giác làm sao, thì tự mình lại tưởng tượng một cái cảnh sắc
hợp như thế. Người mình vui, thì mình
thấy sự vật ngoài hình như cũng vui, người mình buồn thì mình thấy sự vật ngoài
cũng buồn. Chẳng qua là tại tự mình in
trí như vậy, chớ ngoại vật hồ dễ đã có mối liên lạc mật thiết với mình mà thật
thay đổi như thế đâu! Cái tâm chuyển thời hết thảy muôn pháp đều chuyển theo. Cho nên tâm cần phải chính. Tâm có chính thì tư tưởng hành vi mới thoát
khỏi tà khúc được.