Mặt trời xa, mặt trời gần


Khổng Tử đi chơi ra phía đông, thấy hai đứa bé cãi nhau,hỏi tại làm sao, thì một đứa nói rằng: "Tôi thì tôi cho mặt trời, lúc mới mọc, ở gần ta hơn, về buổi trưa, ở xa ta hơn. "
Còn một đứa nói: "Tôi thì tôi cho mặt trời lúc mới mọc ở xa ta hơn, về buổi trưa, ở gần ta hơn,"

Ðứa trước cãi: "Mặt trời lúc mới mọc to nhứ cái bánh xe, đến giữa trưa, nhỏ như cái bát ăn, thế chẳng phải tại xa ta mới nhỏ, gần ta mới to là gì?"
Ðứa sau cãi: "Lúc mặt trời mới mọc, thì mát mẻ, đến giữa trưa thì nóng nực, thế chẳng phải tại gần ta mới nóng, xa ta mới mát là gì?"
Khổng Tử nghe nói, không giải quyết được ra làm sao.  
Hai đứa bé cười bảo: " Thế thì cho ông là người học rộng hiểu nhiều thế nào được "
(Liệt Tử)


LỜI BÀN:Buổi sáng, buổi trưa, mặt trời ở cách trái đất cũng không phải lúc gần, lúc xa gì cả.  Nếu buổi sáng, thấy mát, buổi trưa thấy nóng hơn, chẳng qua là tại tia nóng mặt trời chiếu vào chỗ ta ở trên mặt đất, buổi sáng còn chếch, buổi trưa mới thẳng.  Vả chẳng buổi sáng, còn những sương móc ban đêm chưa tan hết cho nên mát hơn buổi trưa là lúc khí nóng tụ tích mãi vào, cho nên nhiệt độ càng cao.  Còn nếu buổi sáng, trông mặt trời to, buổi trưa trông mặt trời nhỏ, chẳng qua là một cỏi hoãn hình của con mắt trông như thế mà thôi.  Mặt trời đâu vẫn ở đó.  Trái đất xoay chung quanh mặt trời.  Lúc mặt trời mọc, con mắt trông chếch, đến buổi trưa, con mắt trong thẳng mà lại trông qua từng không khí, cho nên thấy to nhỏ khác nhau.  Vậy chỉ tại người trông hóa to, nhỏ, chớ không phải chính mặt trời xa, gần gì cả.  Ấy đại để bây giờ thì ta giải nghĩa như thế.  Nhưng ở vào cái đời ông Khổng, khoa học chưa có mấy, thì xem hai đứa bé suy lý với nhau, đứa nào cũng phải, khó lòng mà quyết định được thật.  Vả lại ngừơi ta thông minh, thánh trí đến đâu cũng không sao biết cho hết mọi sự vật được.  Vì rằng đời người sống có hạn, mà sự trí thức thì mông mênh, không bờ bến nào!