Một
người thợ ngọc qua hàng thợ đá, vào xem các thứ đá, thấy một tảng trong có
ngọc, mua về, đẽo ra quả nhiên được ngọc. Ngọc ấy trắng muốt và có gân đỏ, quý giá vô
cùng. Người thợ ngọc nhờ đó mà giàu có.
Thợ đá
thấy thế, lấy làm thích lắm, cũng muốn bắt chước. Anh ta nghĩ bụng: "Đá nào trong cũng có
ngọc. " Rồi ở nhà có bao nhiêu thứ đá, đem cả ra đập để tìm ngọc. Không những không thấy ngọc, mà các đá vỡ tan
chẳng dùng được việc gì nữa.
Anh ta
vừa mất của, vừa lỗ vốn, cùng quẫn khổ sở, chẳng bao lâu rồi chết.
Lời
Bàn :
Ngọc
chẳng qua là một thứ đá đẹp, đá quý lẫn với đá thường mà thôi. Nhưng phải có con mắt tinh xem ngọc mới nhận
ra và tìm được ngọc ở trong đá. Người
thợ ngọc biết ngọc nên trông qua đủ biết đá nào có ngọc, chớ người thợ đá chỉ
biết đá, lại muốn tìm ngọc, chẳng những không tìm thấy ngọc mà lại còn hại cả
bao nhiêu đá của mình nữa! Ôi! thực là xôi hỏng bỏng không! Tham thì thâm! Cái
thói tham không phải đường nó vẫn hại con người như thế! Cho nên người trí giả
phải có kiến thức rõ đích xác rồi mới chịu làm.
Giải
Nghĩa:
Cùng
quẫn: Túng bần quá không đủ ăn tiêu.