Thầy Tử
Lộ vào hầu đức Khổng Tử, nói rằng: -“Đội nặng đi đường xa thì tiện đâu nghỉ
đấy, không đợi chọn chỗ, rồi mới nghỉ. Nhà nghèo, cha mẹ già, thì con làm nên thế
nào, hay thế ấy, không đợi có quyền cao, chức trọng, mới chịu làm. Ngày trước Do này, lúc song thân còn, cơm
thường đưa dưa muối, dường xa trăm dặm, phải đội gạo về nuôi song thân.
Lúc song thân mất, làm quan ở nước Sở, xe ngựa
hàng trăm, lương bổng hàng vạn, ăn những miếng ngon, mặc những của tốt, mỗi khi
nhớ đến song thân, lại muốn dưa muối, đội gạo để nuôi người như trước thì không
sao được nữa! Cha mẹ già như bóng qua cửa sổ. Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng, con muốn
nuôi, mà cha mẹ không còn sống.
Đức
Khổng Tử nói: “Do, nhà ngươi phụng sự song thân rất là phải. Lúc người còn thì hết lòng phục dưỡng, lúc
người mất, thì hết lòng thương tiếc. ”
(Gia
Ngữ)
Lời Bàn:
Khi cha
mẹ còn, hết lòng nuôi nấng, khi cha mẹ mất, hết lòng thương nhớ, đó thực là cái
đạo hiếu của con đối với cha mẹ. Làm
trái lại hẳn như thế là bất hiếu, mang một cái tội rất to! Làm trái lại một nửa
như thế, “nghĩa là lúc cha mẹ còn, thì thờ ơ chểnh mảng, lúc cha mẹ mất thì nấu
một mâm cao cỗ đầy, làm văn tế ruồi”, như thế cũng là bất hiếu, cho nên người
con có hiếu, còn cha mẹ ngày nào, nên mừng ngày ấy, kịp ăn ở cho trọn đạo, chớ
để đến lúc cha mẹ mất rồi, có hối lại cũng không sao được. Vì rằng làm con mà được còn có cha mẹ để báo
đáp là một việc sung sướng ở đời, mà cũng là có duyên có phúc nữa.
Giải
nghĩa:
Tử Lộ:
Người thời Xuân Thu, học trò đức Khổng Tử, tính hiếu thảo, hùng dũng có tài
chính sự.
Bóng qua
cửa sổ: Bóng đây là bóng mặt trời, ý nói thời giờ chóng qua cũng như câu ngựa
phi qua khe cửa.