Thổi sáo


Vua Tuyên Vương nước Tề thích nghe sáo, và lúc nào muốn nghe, bắt ba trăm người cùng thổi một loạt.  Trong ba trăm người ấy, có Đông Quách tiên sinh không biết thổi sáo, nhưng cũng lạm dự vào đây để kiếm lương ăn.  
Đến khi vua Tuyên Vương mất, vua Mẫn Vương nối ngôi, cũng thích nghe sáo.  Nhưng chỉ muốn nghe riêng từng người một mà thôi.  Đông Quách tiên sinh thấy thế, tìm đường trốn trước.  
(Hàn Phi Tử)


Lời bàn:
Những kẻ vô tài, gặp may nhờ dịp, mà được làm quan, có khác gì Đông quách tiên sinh nói trong chuyện này? Những khi ồ ạt, gọi là có mặt cho đủ số, thì còn giữ được địa vị, chứ đến khi khảo sát từng người một thì tài nào mà không bị thải.  


Giải nghĩa:
Đông Quách tiên sinh : bấy giờ các nhà làm văn thường dùng bốn chữ này để chế nhạo những người vô tài mà lạm dự vào một địa vị nào.  Chính nghĩa bốn chữ ấy là nhà thầy (tiên sinh) họ Đông Quách hay ở ngoài thành bên phía đông (Đông Quách)
Lạm dự: ăn may mà được hưởng một phần quyền lợi quá tài đức mình.