Thuốc lợi thủy thẩm thấp

Trạch tả (mã đề nước)

  • Dùng thân rễ đã cạo sạch vỏ ngoài của cây trạch tả
Tính vị
  • Vị ngọt, mặn; tính hàn
Quy kinh
  • Vào kinh can, thận, bàng quang.
Công năng
Chủ trị
  • Lợi thuỷ thẩm thấp, thanh nhiệt: chữa tiểu tiện khó khăn, đái buốt, đái rắt, trị phù thũng. 
  • Chữa ỉa chảy, chữa phù thũng do tỳ hư. 
  • Thanh thấp nhiệt ở can, dùng trong các bệnh đau đầu, nặng đầu, váng đầu, hoa mắt. 
Liều dùng
  • 8 - 16g/ ngày. 
Kiêng kỵ
  • Thận hoả hư, tiểu tiện không cầm, tỳ hư không nên dùng. 
Chú ý
  • Trạch tả tác dụng lợi tiểu mạnh, lại có tính hàn, cho nên không có chứng thấp nhiệt và thận hư hoạt tinh không nên dùng.
  • Tác dụng dược lý: có tác dụng hạ đường huyết, hạ huyết áp, lợi tiểu, hạ thấp lượng urê và cholesterol trong máu. Phạm Xuân Sinh , Nguyễn Văn Đồng thấy rằng trạch tả có tác dụng hạ cholesterol ở chuột thí nghiệm, trạch tả trích muối tác dụng tốt hơn trạch tả sống.
  • Khi dùng thường trích muối, sao vàng.


Xa tiền tử (hạt mã đề)

  • Dùng hạt chín phơi sấy khô của cây mã đề
Tính vị 
  • Vị ngọt; tính hàn
Quy kinh
  • Vào kinh can, thận, tiểu trường và bàng quang.
Công năng
  • Lợi niệu, thanh phế, can nhiệt.
Chủ trị
  • Thanh nhiệt, lợi thấp: dùng chữa các chứng thấp nhiệt tiểu tiện khó khăn, đi tiểu đau buốt, đái dắt, nước tiểu đỏ, đục, nóng và lượng rất ít, có thể tiểu ra máu. Có thể dùng hạt mã đề tán bột, uống mỗi lần 8g.
  • Chữa viêm thận cấp, viêm niệu đạo, viêm bàng quang cấp, sỏi niệu đạo.
  • Thanh thấp nhiệt ở tỳ vị: chữa ỉa chảy, chữa lỵ. Có thể dùng xa tiền tử, hoa hoè lượng ngang nhau, sao thơm mỗi lần uống 8g với nước ấm.
  • Thanh phế hoá đàm: Trị phế nhiệt, sinh ho, ho có đàm.
  • Thanh can sáng mắt: trị đau mắt đỏ, sưng mắt, hoa mắt.
  • Hạ huyết áp.
Liều dùng
  • 8 - 16g/ ngày.
Chú ý
  • Lá mã đề còn được dùng lợi niệu, viêm nhiễm đường niệu (giống như hạt); lá giã nát đắp mụn nhọt.
  • Tác dụng dược lý: hạt mã đề có tác dụng tăng cường bài tiết nước tiểu, tăng bài tiết lượng acid uric, muối NaCl. Chất glycosid chiết từ hạt, có tác dụng ức chế trung khu hô hấp,xúc tiến sự phân tiết ở niêm mạc đường hô hấp(cho nên có tác dụng giảm ho trừ đờm). Ngoài ra mã đề còn có tác dụng hạ huyết áp.
  • Tác dụng kháng khuẩn: có tác dụng ức chế trực khuẩn lỵ.
  • Khi dùng thường sao cho hạt khô phồng.


Mộc thông

  • Dùng thân leo của cây tiểu mộc thông
Tính vị
  • Vị đắng; tính hàn
Quy kinh
  • Vào kinh tâm, phế, tiểu trường và bàng quang
Công năng
  • Thanh tâm hoả, trị thấp nhiệt.
Chủ trị
  • Chữa đái buốt, đái dắt, tiểu tiện khó khăn, phù thũng do thấp nhiệt.
  • Hành huyết thông kinh: chữa kinh nguyệt bế tắc, huyết mạch ứ trệ, mình mẩy đau nhức, đau khớp, sữa tắc.
Liều dùng
  • 6 - 12g/ ngày
Kiêng kỵ
  • Phụ nữ có thai và người tiểu tiện quá nhiều không được dùng
Chú ý
  • Mộc thông là vị thuốc ta vừa nhập của Trung Quốc, vừa khai thác trong nước . Nhưng ngay mộc thông của Trung Quốc cũng không thống nhất . Người ta đã thống kê , phát hiện thấy hơn 10 loại cây khác nhau, thuộc các họ thực vật khác nhau, chủ yếu thuộc 2 họ : Mộc hương- Aristolochiaceae, Mao lương- Ranunculaceae cho các vị thuốc mang tên mộc thông. Tại Việt Nam cũng có mấy cây khai thác với tên mộc thông. Khi sử dụng cần chú ý theo dõi.


Y dĩ nhân (hạt bo bo)

  • Dùng nhân hạt cây ý dĩ
Tính vị
  • Vị ngọt, nhạt, tính hơi hàn.
Quy kinh
  • Vào kinh tỳ, vị, phế.
Công năng
  • Kiện tỳ hoá thấp.
Chủ trị
  • Lợi thuỷ: chữa các bệnh phù thũng, tiểu tiện khó khăn, đái buốt.
  • Chữa các bệnh tỳ hư, tiêu hoá kém, tiết tả (ý dĩ sao vàng) - bài phì nhi cam tích.
  • Trừ phong thấp đau nhức .
  • Thanh nhiệt độc, trừ mủ: chữa chứng phế hoá mủ, các vết thương có mủ.
Liều dùng
  • 8 - 40g/ngày.
Chú ý
  • Dùng với tính chất lợi thấp, lợi thuỷ thì sao hoặc không sao. Khi dùng với tính chất kiện tỳ thì sao vàng.


Đăng tâm thảo (cỏ bấc đèn)

  • Dùng ruột xốp phơi khô của cây cỏ bấc đèn
Tính vị
  • Vị ngọt, nhạt, tính hàn.
Quy kinh
  • Vào kinh tâm, phế, tiểu trường.
Công năng
Chủ trị
  • Lợi niệu thông lâm: chữa đái buốt, đái dắt, tiểu tiện ngắn đỏ. . .
  • Thanh tâm trừ phiền: dùng khi tâm phiền, miệng khô khát, mất ngủ.
  • Chữa đau họng, ho do phế nhiệt.
  • Cầm máu: do sốt cao gây chảy máu cam.
  • Chữa nôn mửa do vị nhiệt (sốt)
Liều dùng
  • 2 - 3g/ ngày.
Kiêng kỵ
  • Không dùng cho người tiểu nhiều, tiểu không cầm.
Chú ý
  • Dùng dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột.


Tỳ giải

  • Dùng thân rễ cây tỳ giải
Tính vị
  • Vị đắng, tính bình.
Quy kinh
  • Vào kinh can, vị.
Công năng
  • Lợi thấp hoá trọc, giải độc.
Chủ trị
  • Chữa tiểu tiện đỏ, vàng, nước tiểu ít, đục, đi tiểu buốt, dắt.
  • Khử phong trừ thấp, hành huyết ứ; chữa chân tay đau nhức, đau khớp.
  • Giải độc, chữa mụn nhọt.
Liều dùng
  • 6 - 12g/ ngày
Kiêng kỵ
  • Những người âm hư không có thấp nhiệt không dùng. Khi dùng có thể ngâm với rượu, sau phơi khô, hoặc trích với nước muối.
Chú ý
  • Ở Việt Nam vẫn khai thác với tên tỳ giải một số cây thuộc họ Hành-Alliaceae và họ Củ nâu- Dioscoreaceae nhưng chưa xác định tên khoa học chắc chắn. Cây Dioscorea tokoro mọc ở các tỉnh Trung Quốc giáp giới miền Bắc nước ta.


Kim tiền thảo

  • (cây vẩy rồng, mắt trâu, đồng tiền lông)
  • Dùng phần trên mặt đất của cây kim tiền thảo
Tính vị
  • Vị hơi mặn, tính bình.
Quy kinh
  • Vào kinh can, đởm, thận.
Công năng
  • Lợi niệu thông lâm.
Chủ trị
  • Thẩm thấp lợi niệu: chữa viêm thận, phù thũng, tiểu tiện bí, niệu đạo và bàng quang có sỏi.
  • Lợi mật, chữa sỏi mật (phối hợp với râu ngô, mã đề).
  • Thanh nhiệt giải độc, chữa mụn nhọt (phối hợp với kim ngân, sài đất).
Liều dùng
  • 10 - 40g/ ngày.


Đậu đỏ (Xích tiểu đậu)

  • Dùng hạt của cây đậu đỏ
Tính vị
  • Vị ngọt, hơi chua, tính bình.
Quy kinh
  • Vào kinh tâm, tiểu trường.
Công năng
  • Lợi niệu, hoạt huyết và trừ mủ.
Chủ trị
  • Lợi niệu tiêu phù thũng: chữa tiểu tiện khó, đái buốt dắt, tiểu tiện ra máu, phù thũng.
  • Chữa lỵ ra máu.
  • Giải độc tiêu mủ: chữa mụn nhọt, sưng đau (kết hợp uống và giã đắp nơi sưng đau)
Liều dùng
  • 10 - 40g/ ngày.


Thông thảo (thông thoát)

  • Dùng lõi xốp trắng của cây thông thảo
Tính vị
  • Vị ngọt, nhạt, tính hàn.
Quy kinh


  • Vào kinh phế, vị
Công năng
  • Lợi niệu, thanh thấp nhiệt, lợi sữa.
Chủ trị
  • Lợi thấp, lợi niệu thông lâm: chữa phù do thấp nhiệt, nước tiểu ít, đỏ.
  • Hành khí thông sữa: dùng cho phụ nữ sau sinh sữa ít, tắc.
Liều dùng
  • 4 - 12g/ ngày
Kiêng kỵ
  • Những người không có thấp nhiệt không bí tiểu tiện không dùng.


Râu ngô

  • Là vòi và núm của hoa ngô
Tính vị
  • Vị ngọt, tính bình.
Quy kinh
  • Vào kinh can, thận
Công năng
  • Lợi niệu, lợi mật.
Chủ trị
  • Lợi tiểu, tiêu phù thũng, trị tiểu tiện khó khăn, đái buốt, phù thũng, sỏi niệu đạo.
  • Lợi mật: dùng trong bệnh viêm gan, tắc mật, bài tiết mật của gan bị trở ngại.
Liều dùng
  • 12 - 24g/ ngày.
Tác dụng dược lý
  • Râu ngô có tác dụng tăng lượng nước tiểu từ 3- 4 lần, làm tăng sự bài tiết của mật và tỷ trọng nước mật giảm đi, lượng bilirubin trong máu cũng giảm; lượng prothrombin trong máu tăng lên và do đó làm cho máu đông nhanh. Do đó trên lâm sàng còn dùng để cầm máu, giảm đau trong bệnh gan mật.


Bạch phục linh (phục linh, bạch linh)

  • Là nấm mọc ký sinh trên rễ cây thông
  • Nấm mọc bên cạnh hoặc đầu rễ gọi là bạch phục linh, mọc ở xung quanh rễ khi đào lên có rễ thông ở giữa nấm thì gọi là phục thần.
Tính vị
  • Vị ngọt, nhạt, tính bình.
Quy kinh
  • Vào kinh tâm, phế, thận, tỳ và vị.
Công năng
  • Lợi thuỷ, thẩm thấp, kiện tỳ và định tâm.
Chủ trị
  • Dùng trong các bệnh tiểu tiện bí, đái buốt, nước tiểu đỏ, đục, lượng nước tiểu ít, người phù thũng.
  • Dùng trong các bệnh của tạng tỳ bị hư nhược gây ỉa lỏng.
  • Trị tâm thần bất an, tim loạn nhịp, hồi hộp. mất ngủ, hay quên.
Liều dùng
  • 12 - 16g/ ngày.