Bảo Thúc
chết, Quản Trọng thương tiếc, khóc như mưa, ướt đầm cả vạt áo. Có người hỏi: "Ông với Bảo Thúc không
phải là họ hàng thân thích gì, mà sao ông thương khóc quá như vậy?"
Quản
Trọng nói: "Ngươi không rõ, để ta nói cho mà nghe. Ta lúc nhỏ khốn khổ, thường buôn chung với Bảo
Thúc, lúc chia lãi, bao giờ ta cũng lấy phần hơn, mà Bảo Thúc không cho ta là
tham, biết ta gặp cảnh quẫn bách bất đắc dĩ phải lấy thế. Ta ở chỗ chợ búa thường bị lắm kẻ nạt dọa, Bảo
Thúc không cho ta là hèn nhát, biết ta có lượng bao dong. Ta bàn việc với Bảo Thúc, nhiều khi việc hỏng,
Bảo Thúc không cho ta là ngu, biết có lúc may, lúc không may, cho nên công việc
thành hay bại. Ta ba lần ra làm quan,
bao lần bị bãi, Bảo Thúc không cho ta là bất tiếu biết ta chưa gặp thời, chưa
tìm được vua giỏi. Ta ra trận ba lần,
đánh thua cả ba, Bảo Thúc không cho ta là bất tài, biết ta còn có mẹ già phải
phụng dưỡng. Ta nhẫn nhục thờ vua Hoàn
Công, Bảo Thúc không cho ta là vô sỉ, biết ta không giữ tiểu tiết, có chí làm
ích lợi cho cả thiên hạ. . . Sinh ra
ta là cha mẹ, biết ta là Bảo Thúc. Mà
đối với người biết mình, mình đem cả tính mệnh ra hiến còn chưa cho là quá,
huống chi thương khóc thế này đã thấm vào đâu!"
(Thuyết
Uyển)
LỜI BÀN:
Khó
thật! Ở đời mình giao thiệp với nhiều người, bè bạn tưởng vô số, nhưng hồ dễ đã
được mấy người thực gọi là tri kỷ. Thế
nào là tri kỷ? Tri kỷ là người biết mình, nghĩa là đồng thanh, đồng khí, đồng
chí, đồng tâm với mình, chơi với mình rất thân thiết, bao bọc che chở cho mình,
lúc sống cùng hưởng, họa cùng đau, lúc chết, tưởng cho chết với nhau cũng không
hối. Quí thật! Người tri kỷ! cho nên cổ
nhân có câu nói: "Ðắc nhất tri kỷ, khả dĩ bất hận" nghĩa là ở đời có được
một người tri kỷ cùng không còn ân hận gì nữa; lúc sống, có được một người biết
mình, thì mình chết cũng không lấy làm uổng đời.
GIẢI
NGHĨA:
Bảo
Thúc: Tức Bảo Thúc Nha thường còn gọi là Bảo Tứ, người giỏi nước Tề, tiến Quản
Trọng cho Hoàn Công dùng.
Quản
Trọng: Tên là Di Ngô, người nước Tề, làm tướng giúp Hoàn Công giỏi có tiếng.
Quẫn
bách: Túng bấn không biết xoay xở thế nào cho đủ tiền tiêu dụng.
Bất đắc
dĩ: Không sao làm khác được như thế.
Bao
dung: Rộng lượng, không chấp những điều người ta phạm lỗi với mình.
Bất
tiếu: Người không ra gì.
Phụng
dưỡng: Nuôi nấng tôn kính.
Nhẫn
nhục: Nhịn được những sự khó chịu đến mình.
Vô sỉ:
Không biết xấu hổ.
Huống
chi: Lại thêm một lẽ nữa.