Âm dương

26.Người giỏi khám bệnh, xem sắc án mạch, trước hết phân biệt Âm Dương.

“Tố vấn – Âm dương ứng tượng đại luận” 

Âm Dương là tổng cương của Bát cương biện chứng có thể bao gồm cả sáu phương diện biểu lý, hàn nhiệt, hư thực, chiếm vị trí trọng yếu hàng đẩu của Bát cương biện chứng. Người thầy thuốc Đông y ưu tú khi lâm sàng giỏi ở chỗ thông qua quan sát thần sắc, án mạch tượng, trước hết tìm ra khái niệm thuộc tính âm dương của bệnh, đối với biện chứng mười phần trọng yếu.
Trương Cảnh Nhạc đời Minh từng nói: "Phàm khám bệnh điều trị, trước hết phải xét Âm Dương, đó là cương lĩnh của đạo làm thuốc. Âm dương không lầm lẫn, chữa bệnh không thể sai được. Đạo làm thuốc tuy phức tạp, chỉ một câu nói là đủ cả, tức là Âm Dương mà thôi". Đương nhiên, cần phân biệt âm dương, còn phải kết hợp với vấn chẩn, văn chẩn v.v.. chứ không chỉ bằng cứ một điều "xét sắc án mạch".


48. Phàm khám bệnh điều trị , trước hết phải xét âm dương, đó là cương lĩnh của y đạo

Minh - Trương Cảnh Nhạc 
"Cảnh Nhạc toàn thư - Truyền trung lục - Âm dương thiên" 

Danh ngôn này cũng giống với danh ngôn số 47 ờ trên, đều nói lên địa vị trọng yếu phải phân biệt âm dương trong điều trị. Âm dương là tổng cương của bát cương biện chứng, trong chẩn đoán, có thể căn cứ vào chứng hậu biểu hiện trên lâm sàng, đem các tật bệnh xuất hiện chia làm hai phương diện âm dương, có thể bao quát được sáu phương diện biểu lý, hàn nhiệt, hư thực, có người gọi bát cương là "hai cương sáu yếu" đều là nói lên ý nghĩa trọng yếu của âm dương biện chứng trong thăm khám tật bệnh.


49. Tĩnh là âm. Động là dương.

“TốVấn - Ầm dương biệt luận" 


50. Nói nhiều là dương, nói bợt bạt là âm. Thích sáng là dương, ưa tối là âm.

Thanh - Từ Linh Thai 
“Tạp bệnh nguyên - Âm dương" 

Hai danh ngôn 49 và 50 dùng phép so sánh để quy nạp đặc điểm chứng hậu hai loại Âm và Dương, cung cấp cho biện chứng tham khảo. Đối chiếu với học thuyết Âm Dương phàm trường hợp yên tĩnh ngưng lại ít nói, tối tăm đều thuộc Âm chứng. Trái lại phàm trường hợp vận động nói nhiều, sáng sủa đều thuộc Dương chứng... Những điều đó đều phù hợp với thực tế.


51. Dương hư thì ngoại hàn - Âm hư thì nội nhiệt. Dương thịnh thì ngoại nhiệt - Âm thịnh thì nội hàn.

“Tố vấn – Điều kinh luận” 

Khái quát biểu hiện lâm sàng của Âm Dương thịnh suy, thật là lời nói kinh điển.

Chứng Dương hư ngoại hàn và Âm hư nội nhiệt, một là hư hàn, một là hư nhiệt. Vế trên là do dương khí mất sự sưởi ấm, hàn từ trong sinh ra gây nên. Vế dưới là do âm huyết bất túc, hoá táo sinh nhiệt mà thành. Cả hai đều phần nhiều do nội thương gây nên.

Chứng dương thịnh ngoại nhiệt với âm thịnh nội hàn, một là thực nhiệt, một là thực hàn. Nói chung phần nhiều do cảm thụ ngoại tà gây nên. Vế trên là tà nhiệt thịnh ở cơ biểu gây nên. Vế sau là hàn tà tụ ở bên trong cơ thể phát sinh. Những điều này rất có giá trị chỉ đạo đối với Đông y.



52. Dương hư thì buổi tối khó chịu. Âm hư thì buổi sáng tranh giành

Thanh - Từ Linh Thai 
“Tạp bệnh nguyên - Âm dương" 

Câu này nói lên đặc điểm biểu hiện ở thời gian khác nhau của hai chứng Âm hư, Dương hư.

Ban ngày là Dương, buổi sáng là Dương bắt đầu. Ban đêm là Âm, buổi tối là Âm bắt đầu. Họ Từ giải thích "Dương hư thích được Dương giúp đỡ, thì sáng nhẹ tối nặng

- Âm hư thích được Âm giúp đỡ, thì sáng nặng tối nhẹ", lý lẽ thật rõ ràng. Trên lâm sàng, người mới mắc chứng bệnh Dương hư đúng là phần nhiều nặng về ban đêm; người mắc bệnh Âm hư phần nhiều nặng về buổi sáng. Rất có giá trị tham khảo trong biện chứng thi trị. 


53. Dương bệnh thì ban ngày tĩnh. Âm bệnh thì ban đêm yên. 


54. Dương thịnh thì sáng nặng tối nhẹ. Âm thịnh thi sáng nhẹ tối nặng

Thanh - Từ Linh Thai 
“Tạp bệnh nguyên - Âm dương" 

Hai điều 53 - 54 ý nghĩa gần giống nhau, đều nói lên đặc điểm chứng hậu biểu hiện Âm Dương thực chứng ở thời gian khác nhau.

"Âm thắng thì Dương bị bệnh. Dương thắng thì Âm bị bệnh" Họ Từ nói Dương bệnh và Âm bệnh để phân biệt là chỉ thực tà âm thịnh với dương thịnh. Ban ngày thuộc Dương, sáng sớm là bước đầu của Dương. Ban đêm thuộc Âm, chập tối là bước đầu của Âm. Âm thịnh mà gặp buổi sáng sớm, buổi sáng là lúc Dương vượng, đó là Âm gặp Dương giúp. Dương thịnh mà gặp chập tối, gần gụi với Âm vượng ban đêm, đó là Dương được Âm giúp, tự nhiên bệnh nhẹ. Trái lại Dương gặp Dương vượng, Âm được Âm cường, theo lý là bệnh nặng thêm.


55. Dương thịnh thì phát Kính. Âm thịnh thì nằm co.

Cận đại Dương Tích Thuần 
"Y học dung trung tham tây lục 

- Thiếu âm bệnh đề cương cập ý nghĩa”

Danh ngôn này nói đặc điểm chứng hậu biểu hiện trạng thái âm đương tà thịnh ở cơ thể có thể tham khảo biện chứng. Tà nhiệt thiên thịnh hàn đốt Âm dịch, nhiệt cực sinh phong có thể dẫn đến chứng Kính như chân tay co giật, cổ gáy cứng đơ, uốn ván v.v. Đây tức là cái ý "Dương thịnh thì phát Kính". Hàn chủ co rút, Âm thịnh thì Dượng hư, có thể làm cho bệnh có tình trạng nằm co. Đấy tức là cái ý "Âm thịnh thì nằm co".



56. Trăm bệnh buổi sáng nặng, gặp ban đêm thì yên, đó là Duơng bệnh hữu dư, là khí bị bệnh mà huyết không bị bệnh. Trăm bệnh ban đêm nặng, gặp buổi sáng thì yên, đó là âm bệnh hữu dư, là huyết bị bệnh mà khí không bị bệnh.

Triều Tiên - Kim Lễ Mông 
"Y phương loại tụ - Bách bệnh tại khí tại huyết" 

Danh ngôn này nói đặc điểm biểu hiện về thời gian khác nhau ở Âm bệnh và Dương bệnh, Ban ngày thuộc Dương, ban đêm thuộc Âm. Phàm bệnh Dương thịnh hữu dư, vì Dương gặp Dương vượng mà ban ngày bệnh tăng. Dương được Âm giúp thì ban đêm yên. Trái lại phàm bệnh Âm thịnh hữu dư. Âm gặp Âm mạnh mà ban đêm bệnh tăng. Âm được Dương giúp thì ban ngày yên. Khí với Dương là một thể, cho nên Dương bị bệnh thì Khí cũng bị bệnh. Huyết với Âm là một thể, cho nên Âm bị bệnh thì Huyết cũng bị bệnh.


57. Mới bị bệnh, buổi sáng gấp gáp là dương tà thắng buổi tối gấp gáp là âm tà thắng. Bị bệnh đã lâu, bàn ngày tĩnh là Dương hư, ban đêm tĩnh là Âm hư.

Thanh - Dương Húc Đông 
"Dương thị đề cương - Âm dương tự luận" 

Danh ngôn này cũng nêu lên chứng hậu Âm Dương hư thực đặc điểm khác nhau về biểu hiện thời gian. Bệnh mới mắc phần nhiều là thực, dương tà thịnh lại ở ban ngày là thời gian Dương vượng, tự nhiên bệnh sẽ gấp gáp. Nếu Âm tà thịnh lại gặp về đêm tối là thời gian Âm vượng thì bệnh cũng gấp gáp. Bệnh đã lâu phần nhiều thuộc hư, nếu Dương hư lại gặp ban ngày có Dương khí giúp đỡ, bệnh thế nên yên tĩnh. Nếu là Âm hư lại gặp ban đêm có Âm khí giúp đỡ, bệnh thế cũng nên an tĩnh... Có thể tham khảo với danh ngôn số 56 ở trên. 


58. Bệnh thuộc Âm đến chậm đi cũng chậm. Bệnh thuộc Dương, đến nhanh đi cũng nhanh.

Thanh - Từ Linh Thai 
“Tạp bệnh nguyên - Âm Dương" 

Danh ngôn này khái quát hai loại tà khí thuộc Âm và Dương gây bệnh có đặc điểm khác nhau, rất có ý nghĩa chỉ đạo trong lâm sàng biện chứng điều trị.

Từ phía tà khí để bàn về Âm Dương, đại khái có thể nói tính tĩnh và khéo giữ gìn là Âm, tính động hay chuyển di là Dương. Ở lý là Âm, ở biểu là Dương. Hư là Âm, thực là Dương. Hàn là Âm, nhiệt là Dương. Căn cứ những đặc điểm trên, Âm tà gây bệnh tự nhiên phát sinh từ từ, điều trị thu hiệu quả cũng chậm. Dương tà gây bệnh phát sinh rất nhanh, điều trị thích đáng cũng thu hiệu quả rất chóng. Như vậy nhận thức và điều trị tật bệnh hai loại Âm Dương là rất trọng yếu.



59. Dương hư nặng, Âm cũng tất hư. Đáy nồi không có củi lửa, trông mong gì nấu nhừ được chất tinh vi. Khí hư nặng, huyết cũng tất hư, bánh xe không có cái tời, trông mong gì lấy nước để tưới tắm.


60. Âm hư nặng, Dương cũng tất hư. Ngọn đèn tàn, dầu cạn. Trông mong gì có ánh lửa rực rỡ. Huyết hư nặng, khí cũng tất hư, nước nông thuyền sát đáy, trông mong gì chỉ đẩy mà thuyền trôi

Thanh – Thạch Thị Nam 
“Y nguyên – Táo thấp vi bách bệnh đề cương” 


Hai danh ngôn trên dùng thủ pháp hình tượng để thuyết minh lý lẽ Âm Dương hỗ căn, khí huyết cùng một nguồn, đúng là kiến thức mở mang lớn. Trong khoảng Âm với Dương là quan hệ giữa công năng và vật chất, chúng có tác dụng hỗ căn với nhau. Không có Dương thì Âm không sinh ra, khi Dương hư nặng thì như dưới đáy nồi không có củi lửa không sao làm ngấu nhừ được thuỷ cốc thành vật chất tinh vi trong cơ thể, cho nên nói "Âm cũng tất hư". Trái lại không có Âm thì Dương không hoá được, nên cái lúc Âm hư, giống như cái đèn tàn lụi vì cạn dầu, không có gì để phát huy tác dụng chiếu sáng; cho nên nói "dương cũng tất hư".

Quan hệ giữa khí và huyết cũng giống như Âm Dương, nó cũng hỗ căn tác dụng lẫn nhau, cùng xuất phát từ một nguồn, không có khí thì huyết không sinh ra được, khi khí bị hư nặng, cũng như cái guồng nước thiếu cái tời, không thể kéo nước lên để tưới tắm, cho nên nói "huyết cũng tất hư". Trái lại, không có huyết thì khí không hoá được, khi huyết bị hư nặng, như nước sông đã nông, không làm sao đẩy thuyền lên phía trước, cho nên nói "khí cũng tất hư”