Thuốc hạ sốt giảm đau chống viêm phi Steroid

  9 nhóm thuốc Hạ sốt, giảm đau, chống viêm phi Steroid

I. Dẫn xuất acid Salicylic

1. Acid acetyl salicylic 

Tên khác: Aspirin 
Biệt dược: Acesal, acetysal, acylpycin, rhodine... 

Đặc điểm tác dụng 


  • Với liều điều trị (500mg/lần) có tác dụng hạ sốt và giảm đau trong vòng 1 - 4 giờ. Không gây hạ thân nhiệt. 
  • Thuốc có tác dụng chống viêm khi dùng liều cao ( > 3g/ngày). 
  • Trên thải trừ acid uric: Liều thấp (1 - 2g/ngày) làm giảm thải trừ acid qua nước tiểu. Liều cao (2 - 5g/ngày) làm tăng thải trừ acid này. 
  • Trên tiểu cầu và đông máu: 

Với liều thấp (40 - 325mg/ngày) làm giảm tổng hợp Throboxan A2 nên làm giảm đông vón tiểu cầu. Liều cao hơn, làm giảm tổng hợp PG I2 là chất chống kết dính và lắng đọng tiểu cầu, gây tác dụng ngược lại. 
Liều cao Aspirin còn làm giảm tổng hợp Prothrombin, nên có tác dụng chống đông máu. 

  • Trên tiêu hoá: Tại niêm mạc dạ dày - ruột luôn sản xuất ra PG, đặc biệt là PG E2 có tác dụng bảo vệ niêm mạc tiêu hoá. Aspirin và các thuốc chống viêm phi làm giảm tổng hợp PG E2, tạo điều kiện cho HCH và Pepsin của dịch vị gây tổn thương niêm mạc dạ dày

Dược động học 


  • Hấp thu qua niêm mạc dạ dày. Chuyển hóa qua gan và thải qua nước tiểu 50% trong 24 giờ dưới dạng tự do và dạng chuyển hoá. 
  • Nếu PH nước tiểu base sẽ làm thuốc tăng thải trừ. 

Tác dụng không mong muốn 


  • Dùng lâu có thể gây “Hội chứng salicyle”: buồn nôn, ù tai, điếc, nhức đầu, lú lẫn. 
  • Đặc ứng thuốc: Biểu hiện phù, mày đay, mẩn ngứa, phù Quincke, hen 
  • Xuất huyết dạ dày thể ẩn hoặc nặng (nhẹ:có hồng cầu trong phân, nặng: nôn ra máu). 

Độc tính 


  • Ngộ độc với liều > 10g 
  • Liều chết với người lớn khoảng 20g 

Chỉ định 


  • Dự phòng thứ phát nhồi máu cơ tim ở những người có tiền sử bệnh. 
  • Giảm các cơn đau nhẹ và vừa, giảm sốt (do có tỷ lệ cao về tác dụng không mong muốn trên đường tiêu hoá, nên nay ít dùng để hạ sốt đơn thuần - được thay bằng paracetamol). 
  • Điều trị chứng viêm cấp và mạn: viêm khớp dạng thấp, viêm xương khớp, viêm thần kinh, viêm đốt sống dạng thấp... 

Cách dùng và dạng thuốc


  • Người lớn: 

Giảm đau và hạ sốt uống 0,5 - 2g/ngày chia 4 - 6 lần. 
Chống viêm uống 3 - 5g/ngày chia nhiều lần 
Dự phòng huyết khối uống 100 - 150mg/ngày, đợt dùng 8 - 10 ngày 

  • Trẻ em: 

Chống viêm khớp dạng thấp thiếu niên uống 80 - 100mg/ngày chia nhiều lần (5 - 6 lần) 
Viên nén: 500mg 
Viên bao tan trong ruột (aspirin PH 8): 500mg, 
Viên bao phin: 500mg 
Gói thuốc bột: 100mg 

2. Methyl salicylat 


  • Dung dịch không màu, mùi hắc. Chỉ dùng xoa bóp giảm đau tại chỗ: giảm đau trong viêm khớp, đau cơ (vì thuốc ngấm qua da). 
  • Kem hoặc gel bôi 2,5% 

3. Acid salicylic 


  • Do thuốc kích ứng mạnh các tổ chức nên không dùng để uống. Dùng ngoài da, dung dịch 10% để chữa chai chân, hột cơm, nấm da... 

II. Dẫn xuất Pyrazolon

Nay chỉ còn dùng Phenylbutazon (song ít). Các dẫn xuất khác như phenazon, (antipyrin), aminophenazon (pyramidon), metamizol (analgin) không dùng nữa vì nhiều độc tính (giảm bạch cầu, suy tuỷ, đái albumin, viêm ống thận cấp, vô niệu). 

Phenylbutazon


  • BD: Butazon, azolid, merizon... 

Đặc điểm tác dụng 


  • Tác dụng hạ sốt và giảm đau kém salicylat. 
  • Tác dụng chống viêm rất mạnh nên được dùng điều trị các bệnh khớp. 
  • Làm tăng thải trừ acid uric qua nước tiểu (do giảm tái hấp thu acid này ở ống lượn gần). 

Dược động học 


  • Hấp thu nhanh và hoàn toàn qua đường tiêu hoá, t/2 là 72 giờ. 
  • Chuyển hoá hoàn toàn ở gan cho chất chuyển hoá là oxyphenbutazon còn đầy đủ tác dụng như chất mẹ. 

Tác dụng không mong muốn 


  • Gây loét dạ dày - tá tràng (dùng đường tiêm vẫn bị) 
  • Phù và tăng huyết áp do tích luỹ natri 
  • Dị ứng, chấm chảy máu (do giảm prothrombin) 
  • Nặng nhất là giảm bạch cầu đa nhân và suy tuỷ (xảy ra bất kể lúc nào khi dùng thuốc). 

Chỉ định 


  • Dùng điều trị viêm cứng khớp, viêm đa khớp mạn tính tiến triển, thấp khớp, vẩy nến. 
  • Chỉ dùng khi các CVPS khác không có tác dụng và phải theo dõi chặt chẽ tác dụng không mong muốn 

Chống chỉ định

  • Loét dạ dày, bệnh tim, bệnh thận, tăng huyết áp. 

Cách dùng và dạng thuốc 


  • Ngày đầu uống 200mg chia 2 lần (trong hoặc sau ăn), tăng dần tới 600mg/ngày, duy trì 4 - 5 ngày tuỳ người bệnh, sau đó giảm liều và duy trì 100 - 200mg/ngày, một đợt không quá 15 ngày. Muốn dùng đợt khác phải nghỉ 4 - 5 ngày. 
  • Phenylbutazon viên: 50mg, 100mg 
  • Oxyphenbutazon (tandery) viên 100mg 

III. Dẫn xuất Indol

1. Indometacin


  • BD: Argun, bonidon, calmocin, chibro... 

Đặc điểm tác dụng 


  • Giảm viêm mạnh hơn phenylbutazon 20 - 80 lần và mạnh hơn hydrocortison 2 - 4 lần. 
  • Tác dụng giảm đau liên quan mật thiết với tác dụng chống viêm 
  • Có tác dụng hạ sốt, song không dùng để hạ sốt đơn thuần. 
  • Thấm được vào dịch ổ khớp (nồng độ bằng 20% nồng độ huyết tương). 

Tác dụng không mong muốn (20 - 50% ) 


  • Thường gặp: chóng mặt, nhức đầu, rối loạn tiêu hoá, loét dạ dày. 
  • Ít gặp: nguy cơ chảy máu ổ loét tiêu hoá do làm thời gian chảy máu kéo dài, nguy cơ rối loạn chức năng thận (gây ứ nước)... 

Chỉ định 


  • Viêm xương khớp, hư khớp, thấp khớp cột sống, viêm đa khớp mạn tính tiến triển, viêm dây thần kinh. 
  • Đau lưng, đau nửa đầu kèm nhiều đợt đau trong ngày ở vùng mắt, trán và thái dương. 

Cách dùng và dạng thuốc 


  • Uống 50 - 150mg/ngày, chia 2 - 3 lần hoặc đặt hậu môn 50 - 100mg/ngày 
  • Viên nén hay viên nang: 25mg, 50mg 
  • Viên đạn: 50mg 
  • Viên nang giải phóng chậm: 75mg uống 1 - 2 viên/ngày 

2. Sulindac 


  • BD: Apo - sulin, imbaron, novo - sundac... 
  • Vào cơ thể chuyển hoá thành chất chuyển hóa có tác dụng ức chế COX mạnh hơn sulindac 500 lần 
  • Tác dụng chống viêm và giảm đau của sulindac tương tự aspirin. Tỷ lệ và mức độ độc tính kém indometacin 
  • Uống 200 - 400mg/ngày chia 1 - 2 lần, liều 400mg tương đương 4g aspirin hoặc 125mg indometacin 
  • Viên nén: 200mg 

3. Etodolac 


  • BD: Edolan, lodine, robastin... 
  • Hấp thu nhanh qua niêm mạc tiêu hoá, có chu kỳ gan ruột, t/2 là 7 giờ. 
  • Hay dùng điều trị viêm khớp cấp hoặc mạn 
  • Người lớn uống 200mg/lần, ngày 2 lần. 
  • Viên nang: 200mg 
  • Viên nén bọc: 300mg, 400mg 
  • Là thuốc ức chế ưu tiên trên COX - 2 

IV. Dẫn xuất Enolic acid 


  • Là nhóm thuốc giảm viêm có nhiều ưu điểm nên hiện nay hay dùng. 

1. Piroxicam 

BD: feldene, jenoxicam, pirocam, roxiden... 

Tác dụng 


  • Tác dụng chống viêm mạnh 
  • Có tác dụng hạ sốt, giảm đau và ức chế ngưng kết tiểu cầu 
  • Liều điều trị bằng 1/6 so với các thuốc trước đó 

Dược động học 


  • Hấp thu tốt qua niêm mạc tiêu hoá. Thức ăn và dịch vị không ảnh hưởng tới hấp thu. 
  • Dễ thấm vào tổ chức bao khớp bị viêm, ít thấm vào các mô khác và thần kinh, giảm được tác dụng không mong muốn. 
  • Do có sự khác nhau về hấp thu giữa các người bệnh nên t/2 của thuốc biến đổi từ 20 - 70 giờ (thường là 2 - 3 ngày). 
  • Thuốc chuyển hoá chủ yếu ở gan. Thải trừ qua thận phần lớn dưới dạng chuyển hoá . 

Tác dụng không mong muốn

Thường nhẹ và tỷ lệ thấp hơn các thuốc CVPS khác ngay cả khi dùng thuốc kéo dài. Các biểu hiện có thể gặp: 

  • Rối loạn tiêu hoá (đau thượng vị, buồn nôn, táo bón, ỉa chảy...), loét và chảy máu tiêu hoá. 
  • Thiếu máu, giảm bạch cầu, ngứa, phát ban 
  • Hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu 
  • Đái máu, protein niệu, viêm thận kẽ, hội chứng thận hư (ít gặp), ứ nước 

Chỉ định

Dùng trong các bệnh cần chống viêm và/hoặc giảm đau: 

  • Viêm khớp dạng thấp, viêm xương khớp, thoái hoá khớp 
  • Bệnh cơ xương cấp và chấn thương trong thể thao 
  • Thống kinh và đau sau phẫu thuật 

Chống chỉ định

  • Suy thận nặng, suy gan 

Cách dùng và dạng thuốc

Dùng đường uống, tiêm bắp, đặt trực tràng và bôi tại chỗ 

  • Người lớn: uống 10 - 40mg/ngày, uống 1 lần hoặc chia 2 lần. Tiêm bắp liều 20 - 40mg/ngày. 
  • Trẻ trên 6 tuổi bị viêm khớp dạng thấp uống 5 - 20 mg/ngày tuỳ tuổi 
  • Bôi tại chỗ đau mỡ 0,5%, ngày 3 - 4 lần 
  • Viên nang hoặc nén: 10mg, 20mg Viên đạn: 20mg 
  • Ống tiêm 1ml = 20mg, Gel 0,5% 

2. Tenoxicam 

BD: Tilcotil, alganex, gesicam, novotil, tobitil... 

Tác dụng

  • Tương tự piroxicam

Dược động học

  • Hấp thu qua tiêu hoá, thức ăn làm chậm hấp thu, t/2 khoảng 70 giờ. Chuyển hoá hoàn toàn ở gan, thải trừ qua nước tiểu và phân. 

Tác dụng không mong muốn

  • Tương tự piroxicam 

Chỉ định

  • Tương tự piroxicam 

Chống chỉ định

  • Viêm loét tiêu hoá tiến triển hoặc có tiền sử, chảy máu tiêu hoá, hen, suy tim, suy thận, quá mẫn với thuốc. 

Cách dùng và dạng thuốc 


  • Người lớn: Uống 10 - 20mg/ngày. Tiêm bắp hoặc tĩnh mạch 20mg/ngày trong 1 - 2 ngày rồi chuyển liều uống. 
  • Viên nén: 20mg 
  • Thuốc bột pha tiêm lọ: 20mg 

V. Dẫn xuất acid Propionic 

1. Ibuprofen 

BD: Andran, apsifen, buprol, butafen... 

Tác dụng

  • Chống viêm, giảm đau tương tự aspirin (đặc biệt chống viêm và giảm đau tốt trong viêm khớp dạng thấp thiếu niên), nhưng tác dụng không mong muốn thì ít hơn aspirin. 

Dược động học

  • Hấp thu tốt qua tiêu hoá, gắn mạnh với protein huyết tương, t/2 khoảng 2 giờ. Thải nhanh qua nước tiểu ở dạng chuyển hoá ( 1% thải ở dạng không đổi). 

Tác dụng không mong muốn

  • Ngoài các tác dụng chung của CVPS, còn gặp nhìn mờ, giảm thị lực, rối loạn nhận màu sắc, rối loạn thính giác (ù tai). 

Chỉ định


  • Chỉ định chính trong viêm khớp dạng thấp, viêm khớp dạng thấp thiếu niên, viêm cứng khớp. 
  • Chống đau từ nhẹ đến nặng như thống kinh, nhức đầu, đau răng... 

Cách dùng và dạng thuốc 


  • Người lớn uống 1,2 - 1,8g/ngày chia 4 lần. Khi cần có thể tăng liều, tối đa £ 3,2 g/ngày, sau 1 - 2 tuần chuyển liều duy trì 0,6 - 1,2g/ngày. 
  • Điều trị viêm khớp dạng thấp thiếu niên uống 30 - 40mg/ngày chia 4 lần. 
  • Đặt hậu môn liều tương tự uống 
  • Viên nén: 100mg, 150mg, 200mg, 300mg, 400mg 
  • Viên nang: 200mg 
  • Viên đạn: 500mg, Kem 5% 

2. Các dẫn xuất khác 

Tác dụng, tác dụng không mong muốn và chỉ định tương tự Ibuprofen 

Chế phẩm và liều lượng 


  • Naproxen (BD: alprofen, anapran, nyran...): uống 250mg/lần, ngày 2 lần. Viên nén: 250mg, 500mg 
  • Fenoprofen (fepron, nalfon...): uống 600mg/lần, ngày 4 lần 
  • Ketoprofen (profenid, kefenin...): uống 50mg/lần, ngày 2 - 4 lần. Viên giải phóng chậm uống 150mg/lần/ngày. 
  • Viên nang: 50mg 
  • Viên nén giải phóng chậm: 150mg 

VI. Dẫn xuất acid Phenylacetic 

Đại diện duy nhất của nhóm là “Diclofenac” 
BD: Rhumalgan, tratul, voltaren... 

Tác dụng

  • Chống viêm, giảm đau và giảm sốt mạnh (tác dụng chống viêm tương tự aspirin) 

Dược động học 


  • Hấp thu dễ qua niêm mạc tiêu hoá. Phân phối nhiều vào khớp (nồng độ trong bao hoạt dịch đạt tối đa sau uống 4 - 6 giờ). 
  • Tác dụng xuất hiện sau uống 1 - 2 giờ, sau tiêm bắp 20 - 30 phút, sau đặt trực tràng 30 - 60 phút. 
  • Thải chính qua thận, một phần thải qua mật và phân. 

Tác dụng không mong muốn

  • Ngoài các tác dụng trên tiêu hoá như các thuốc, đôi khi còn gặp viêm gan, vàng da, ù tai. 

Chỉ định

  • Viêm khớp mạn, thoái hoá khớp, viêm đa khớp dạng thấp, thống kinh nguyên phát, các đau cấp và mạn. 

Cách dùng và dạng thuốc 


  • Uống 100 - 150mg/ngày chia 2 lần hoặc tiêm bắp 75mg/lần, ngày 1 - 2 lần. 
  • Viên nén: 25mg, 50mg, 100mg 
  • Viên đạn: 25mg, 50mg 
  • Ống tiêm; 2ml = 75mg, 3ml = 75mg 
  • Thuốc mỡ 10mg/g 

VII. Thuốc chống viêm ức chế chọn lọc COX - 2 

Có nhiều nghiên cứu đã chứng minh vai trò của 2 isoenzym COX - 1 và COX - 2 trong tổng hợp prostaglandin. 

  • COX – 1 là enzym tham gia tổng hợp các PG có tác dụng “bảo vệ” sự ổn định nội môi như bảo vệ niêm mạc dạ dày, chống ngưng kết tiểu cầu, giữ cho hoạt động sinh lý của thận bình thường. Do đó COX - 1 được gọi là enzym“giữ nhà”. 
  • COX - 2 là enzym có khả năng gây cảm ứng, nhất là trong các phản ứng viêm. Các kích thích viêm hoạt hoá COX - 2 của các bạch cầu đơn nhân, đại thực bào, tế bào màng hoạt dịch, tế bào sụn... để tổng hợp các PG gây ra triệu chứng viêm

Cyclooxygenase (COX)

Đặc điểm tác dụng


  • Do ức chế chọn lọc trên COX - 2 , nên tác dụng chống viêm mạnh 
  • Ức chế COX - 1 yếu, nên tác dụng không mong muốn về tiêu hoá, máu, thận, cơn hen ... giảm rõ rệt (chỉ còn 0,1 - 1%). 
  • Thời gian bán thải dài, khoảng 20 giờ nên chỉ cần uống ngày 1 lần 
  • Hấp thu dễ qua niêm mạc tiêu hoá, dễ thấm vào các mô và dịch bao khớp nên có nồng độ cao trong mô viêm. Chỉ định tốt trong viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp. 
  • Vì tác dụng ngưng kết tiểu cầu phụ thuộc vào COX - 1 nên các thuốc nhóm này không dùng để dự phòng điều trị nhồi máu cơ tim (vẫn dùng aspirin) 

Một số chế phẩm hiện có 

Meloxicam (mobic) 


  • Là dẫn xuất của enolic acid, trên lâm sàng (invivo) tác dụng ức chế COX - 2 chỉ mạnh hơn COX - 1 có 10 lần, nay không xếp vào nhóm này nữa 
  • Uống 7,5 - 15mg/ngày, t/2 là 20 giờ 
  • Viên nén: 7,5mg, 15mg 

Etodolac 

Celecoxib (celebrex) 


  • Thuộc nhóm coxib. Ức chế COX - 2 mạnh hơn COX - 1 từ 100 - 400 lần, t/2 = 11,2 giờ. Liều dùng cho thoái hoá khớp là 200 - 400mg/ngày, điều trị viêm khớp dạng thấp 400 - 800mg/ngày, chia 2 lần 
  • Viên nang: 100mg, 200mg 

Rofecoxib 


  • Thuộc nhóm coxib, ức chế COX - 2 mạnh hơn COX - 1 là 800 lần, t/2 = 17 giờ. Uống 12,5 - 25mg/ngày. 
  • Viên nén: 12,5mg, 25mg 

VIII. Dẫn xuất Para Aminophenol 

1. Paracetamol 

BD: Anobel, acemol, acephen, apo - acetaminophen, efferalgan, pacemol, pamidol, tempo... 

Đặc điểm tác dụng 


  • Tác dụng giảm đau và hạ sốt tương tự aspirin 
  • Thuốc không có tác dụng chống viêm nên nhiều tác giả không xếp vào nhóm thuốc CVPS. 
  • Liều điều trị ít gây kích ứng, xước hoặc chảy máu dạ dày như salicylat 
  • Không có tác dụng trên tiểu cầu hoặc thời gian chảy máu. 

Dược động học 


  • Hấp thu gần hoàn toàn qua tiêu hoá, thức ăn làm chậm hấp thu thuốc. Nồng độ tối đa trong máu đạt được trong vòng 30 - 60 phút sau khi uống. 
  • Phân phối nhanh và đồng đều trong phần lớn các mô, 25% thuốc trong máu gắn với protein huyết tương 
  • Chuyển hoá phần lớn ở gan, một phần nhỏ ở thận. Thải trừ chính qua thận. t/2 là 1,25 - 3 giờ. 

Tác dụng không mong muốn 


  • Liều điều trị hầu như không gây tác dụng không mong muốn. 
  • Liều cao ( > 10g) gây hoại tử tế bào gan, tiến triển tới tử vong sau 5 - 6 ngày. Nguyên nhân là do paracetamol bị oxy hoá ở gan tạo ra N - acetyl parabenzoquinonimin. Chất chuyển hoá này bình thường phản ứng với glutathion và bị khử hoạt tính. Khi uống liều quá cao, chất chuyển hoá tạo thành với lượng nhiều, làm cạn kiệt glutathion của gan, lúc này paracetamol phản ứng với protein gan gây hoại tử tế bào gan. 
  • Điều trị sớm bằng N - acetyl - cystein là tiền thân của glutathion. 

Chỉ định

Thuốc được dùng rộng rãi trong điều trị các chứng đau và sốt từ nhẹ đến vừa. 

Cách dùng và dạng thuốc

Thường dùng đường uống. Với người bệnh không uống được có thể đặt thuốc vào trực tràng. 

  • Người lớn uống hoặc đặt trực tràng 0,5 - 1g/ lần, ngày 1 - 3 lần cách 4 - 6 giờ. Tối đa £ 4g/ngày. 
  • Trẻ em 13 - 15 tuổi uống hoặc đặt trực tràng 0,5g/lần, ngày 1 - 3 lần. Trẻ em 7 - 13 tuổi uống 0,25g/lần, ngày 1 - 3 lần. 

Dạng thuốc 


  • Viên nang hay nén: 500mg, 100mg 
  • Nang chứa bột pha dung dịch: 80mg 
  • Viên nén nhai: 80mg, 100mg, 500mg 
  • Viên nén bao phin: 325mg, 500mg 
  • Thuốc đạn: 80mg, 120mg, 150mg, 300mg, 325mg, 650mg 
  • Dạng viên kết hợp với clopheniramin, codein, cafein, ephedrin... 

2. Phenacetin 

Tác dụng giảm đau và hạ sốt tương tự paracetamol. Do có độc tính là tạo methemoglobin và gây hoại tử gan nên hiện nay nhiều nước đã không dùng nữa 

IX. Dẫn xuất acid Acetic 

Ketorolac

BD: Ketanov, ketonic, torvin... 

Tác dụng

  • Thuốc có tác dụng giảm đau, chống viêm và hạ nhiệt. Tác dụng giảm đau mạnh hơn tác dụng chống viêm. Không gây nghiện , không gây ức chế hô hấp 

Tác dụng không mong muốn 


  • Thần kinh: đau đầu, chóng mặt và buồn ngủ 
  • Tiêu hoá: khó tiêu, buồn nôn, đau và kích ứng 
  • Suy thận cấp và tăng kali huyết 

Chỉ định 


  • Điều trị ngắn ngày đau vừa tới nặng: đau sau phẫu thuật, dùng thay thế chế phẩm opioid 
  • Dùng tại chỗ để điều trị viêm kết mạc dị ứng theo mùa 

Cách dùng và dạng thuốc 


  • Tiêm bắp (chậm và sâu trong cơ) liều duy nhất 60mg/ngày hoặc 30mg/lần, cách 6 giờ, Tiêm tĩnh mạch chậm (trong 15 giây) 30mg/lần/ngày hoặc chia vài lần cách 6 giờ (người suy thận phải giảm liều). 
  • Uống (sau liệu pháp tiêm) 10 - 20 mg/lần, cách 4 - 6 giờ. Tối đa 40mg/ngày 
  • Viên nén: 10mg 
  • Ống tiêm 1ml = 10mg, 15mg, 30mg 

Những vấn đề chung 

1. Nguyên tắc sử dụng 


  • Uống trong hoặc sau ăn để tránh kích ứng dạ dày
  • Không chỉ định cho bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày. Trường hợp cần thiết, phải dùng cùng thuốc bảo vệ niêm mạc da dày. 
  • Chỉ định thận trọng với người bệnh viêm thận, suy gan, cơ địa dị ứng, cao huyết áp
  • Điều trị kéo dài, cần kiểm tra định kỳ (2 tuần một lần) công thức máu và chức phận thận
  • Dùng liều cao để tấn công chỉ nên kéo dài 5 - 7 ngày, sau đó tìm liều thấp có tác dụng để duy trì
  • Không phối hợp các CVPS với nhau vì làm tăng độc tính của nhau

2. Các tác dụng không mong muốn 


  • Loét dạ dày - ruột 
  • Kéo dài thời gian chảy máu do ức chế ngưng kết tiểu cầu
  • Gây hoại tử gan, viêm thận kẽ mạn tính, giảm chức phận cầu thận 

Với phụ nữ có thai


  • Dễ gây quái thai trong 3 tháng đầu 
  • Trong 3 tháng cuối dễ gây các rối loạn ở phổi. Thuốc làm giảm PGE và PGF có thể kéo dài thời gian mang thai, làm chậm chuyển dạ vì 2 PG này làm tăng co bóp tử cung, trước đẻ vài giờ sự tổng hợp tăng mạnh 

Mọi CVPS đều có khả năng gây cơn hen giả và tỷ lệ những người hen không chịu thuốc cao 

3. Tương tác thuốc 

Không dùng CVPS với

  • Thuốc chống đông máu nhất là loại kháng vitamin K 
  • Thuốc lợi niệu và hạ huyết áp 
  • Litium: vì thuốc làm giảm thải trừ lithium qua thận gây tích luỹ 
  • CVPS làm tăng tác dụng của phenytoin và sulfamid hạ đường huyết do đẩy các thuốc này ra khỏi protein huyết tương 
  • Làm giảm tác dụng của meprobamat, androgen, lợi niệu furocemid do làm tăng giáng hoá hoặc đối kháng tại nơi tác dụng