1. Ôn tán: Dùng thuốc tân ôn (cay và ấm) để phát hãn
2. Lương tán: Dùng thuốc mát để phát hãn
3. Bình giải: Dùng thuốc bình hòa (nhẹ) để phát hãn.
Thuốc phát hãn dùng để điều trị bệnh sơ cảm hay thương hàn, hay tạp bệnh, là bệnh ở còn ở biểu mà mạch phù đại, đều nên cho phát hãn để giải bệnh. Nhưng trong đó phải chiếu theo thiên thời và nhân bệnh cho hãn. Bởi vậy chia ra 3 loại:
Ôn tán: Gặp ngày lạnh trời mà tạng của người bệnh lại âm hàn, mặc dù ngoài da đang cơn nóng, thế là dương khí thiếu, không đầy đủ, thật khó có thể phát hãn, mà đối với căn bệnh thì phải phát hãn. Nếu không dùng thuốc tân ôn (tân là cay để chấn động dương khí, ôn là thuốc ấm để ấm các âm hàn) như Tô diệp, tế tân,...thì không thể phát hãn được.
Lương tán: Người bệnh sức nóng đang mạnh, biểu lý đều khô, mà âm khí không dinh dưỡng, thật cũng khó phát hãn, mà thế bệnh phải cho hãn. Nếu không dùng thuốc tân lương (Tân là cay để khua động âm khí, lương là mát để thanh nhiệt) như Phòng phong, khương hoạt, hoàng cầm,... thì không thể phát hãn được.
Bình giải: Phàm những bệnh không hẳn là âm, cũng không hẳn là dương, nó ở khoảng giữa âm và dương thì đã không thể dùng ôn tán, lại không thể dùng lương tán để phát hãn được, mà thể bệnh phải phát hãn. Bởi vậy phải dùng thuốc bình hòa (nhẹ) như Sài hồ, sa sâm để bình giải mà thôi.
Trên đã nói chỉ những bệnh thuộc biểu mới có thể cho phát hãn. Nếu bệnh không nên cho hãn mà cho hãn thì sẽ làm khô tân dịch và đi đến chứng vong dương là nguy. Đại khái những bệnh như lâm, lậu, ra máu cam, đái ỉa ra máu, thương hàn lý chứng, trong bụng tích khí, sản hậu, người già yếu, khí huyết hư nhược và những mạch trầm trì vi tế đều không nên cho hãn.
Đông y số điển - Định Ninh LÊ ĐỨC THIẾP